Bài viết này mình xin chia sẻ cùng các bạn 2k4 và những bạn trẻ đang có ý định gap year trong thời gian tới. (Bài viết dựa trên quan điểm và trải nghiệm cá nhân mình nhé)
Không quan trọng chúng ta gap year bao lâu mà quan trọng thời gian chúng ta chọn gap year có thực sự hiệu quả hay không?
Trước khi nói về những lầm tưởng khi chọn gap year, mình xin kể qua trải nghiệm của bản thân một xíu nhaaa
Từ đâu mà mình quyết định gap year (2020)? Quá trình mà mình đã từng bước hiện thực hoá điều này?
Thật lòng mà nói thì mình không có ý định gap year từ ban đầu (sau khi tốt nghiệp cấp 3). Mình từng rơi vào trạng thái bế tắc vì trượt Đại học mơ ước, không tìm ra được lối thoát cho bản thân, không biết mình nên làm gì và đi theo hướng nào. Mình hoang mang bởi thời gian đó mình phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều giữa việc chọn học đại một trường Đại học nào đó cho bằng bạn bằng bè hay là gap year theo đuổi lại đam mê (NV1) của mình một lần nữa. Sau một tuần suy nghĩ, mình đã chọn gap year. Nhờ sự động viên giúp đỡ của gia đình và bạn bè, mình lấy lại tinh thần, tự lập ra các kế hoạch cụ thể, hiệu quả để biến một năm gap year trở nên trọn vẹn và xứng đáng với những gì mình đã bỏ ra.
Mỗi khía cạnh đều có hai mặt – lợi và hại. Khi mong muốn trải nghiệm bản thân với gap year, bên cạnh những giá trị mà mình nhận được thì cũng gặp vô số những vấn đề từ quyết định này. Các bạn sinh viên không nên chỉ mơ mộng về một viễn cảnh tươi đẹp trong tương lai. Mà hãy thận trọng xem xét một số rủi ro tiềm ẩn phía sau cánh cửa cơ hội này.
Vậy những lầm tưởng về gap year là gì?
Lầm tưởng 1: Gap year sẽ có nhiều thời gian
Gap year nếu chỉ là một quyết định theo cảm tính, không được lên kế hoạch rõ ràng từ trước thì sẽ khó mang lại nhiều giá trị cho tương lai. Khiến các bạn lãng phí mất một năm vô ích so với bạn bè cùng lứa. Đừng cho rằng gap year tức là 1 năm trống, không học tập, làm việc mà chỉ để nghỉ ngơi, du lịch, ăn chơi thỏa sức và rằng các bạn có nhiều thời gian hơn so với người khác.
Định nghĩa gap year mà mình muốn nói đến là khoảng thời gian tầm 6 tháng đến 1 năm là thời gian bản lề làm tiền đề cho những bước nhảy cao hơn trong mức thang chinh phục sự nghiệp và cuộc sống của các bạn. Tất nhiên để tận dụng hiệu quả thời gian gap year, các bạn hãy tìm tòi, lắng nghe/tham khảo chia sẻ của các anh chị đi trước và tự lập ra một kế hoạch rõ ràng, cụ thể cho bản thân. Chúng ta không có nhiều thời giờ như ta vẫn nghĩ!
Lầm tưởng 2: Gap year vừa có thể tiết kiệm tiền vừa kiếm được nhiều tiền
Một số bạn nghĩ nếu nghỉ một năm không đi học sẽ tiết kiệm được kha khá tiền cho gia đình. Nó đúng nếu như các bạn quyết định dừng hẳn việc theo học ĐH/ CĐ thậm chí là học nghề trung cấp và đi làm luôn. Nhưng nếu các bạn vẫn muốn theo đuổi con đường học tập sau khi gap year thì vấn đề tài chính, đầu tư cho việc học vẫn còn và có khi lại là trở ngại hơn khi học phí ĐH mỗi năm một tăng. Tính thêm khoản tiền nếu chọn ôn luyện thi lại ĐH và chi phí sinh hoạt nếu các bạn chọn gap year xa nhà (lên thành phố trải nghiệm).
Gap year – Các bạn có thể kiếm tiền ở độ tuổi 18 nhưng nếu không phải là một người có tài năng xuất sắc thì việc tìm được job ngon lương cao là rất khó. Nhiều trường hợp vì nhẹ dạ cả tin “việc nhẹ lương cao” bị lừa rồi lại tiền mất tật mang. Vô tình các bạn lại bị áp lực từ vấn tài chính ảnh hưởng đến quyết định gap year của chính mình.
Hãy cân nhắc thật kĩ vấn đề tài chính khi chọn gap year và học cách quản lý tiền bạc và chi tiêu hợp lý nhé!
Lầm tưởng 3: Cứ Gap year ở nhà là sẽ có nhiều kỹ năng mềm và trải nghiệm mới mẻ
Kết quả chỉ đến khi chúng ta thực sự hành động vì nó. Khi các bạn gap year mỗi người sẽ có một mục đích riêng cho bản thân. Nếu gap year chỉ đơn giản là việc ru rú trong nhà mỗi ngày, không dám bước ra khỏi vùng an toàn thì lấy đâu ra những kỹ năng mềm, trải nghiệm cho chúng ta học hỏi? Và tệ hơn nếu bản thân chúng ta không có tinh thần cầu tiến, chủ động, ham học hỏi ở giai đoạn này. Người ta có câu “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” là vậy.
Sẽ có những bài học, trải nghiệm vui – buồn khi gap year nhưng hãy can đảm đảm bước đi và khám phá bản thân và cả thế giới ngoài kia bạn nhé!
Lầm tưởng 4: Gap year auto sẽ đạt được mục tiêu đề ra
Người ta tìm đến gap year vì muốn tăng động lực học hoặc tìm lại đam mê. Chẳng ai lại muốn mang về tác dụng ngược đâu nhỉ?
Trong quá trình gap year các bạn có thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa/ thử sức kiếm tiền với một công việc, lâu ngày những thứ hấp dẫn từ chúng kéo bạn xa rời mục tiêu ban đầu lập ra khi chọn gap year. Hoặc nếu bạn chọn gap year để ôn thi lại ĐH thì sẽ có lúc các bạn rơi vào tiêu cực rất khó vượt qua. Khi bạn chứng kiến bạn bè của mình ngay lập tức chuyển sang học đại học. Hoặc đồng nghiệp của bạn đang dần thăng tiến trong sự nghiệp. Bạn có thể cảm thấy mình đang bị tụt lại so với họ. Sự so sánh và áp lực đồng trang lứa làm bạn nản chí và muốn từ bỏ tất cả. Đôi khi còn hối hận vì đã chọn gap year. Bạn mất đi động lực để cố gắng.
Lời khuyên dành cho bạn đó là hãy tập trung vào con đường của mình, xác định rõ những giá trị mình đang có/sẽ đạt được sau thời gian gap year.
Lầm tưởng 5: Gap year sẽ được đón nhận và ủng hộ
Gap year là một điều hết sức bình thường ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, ở Việt Nam không phải ai cũng có cái nhìn thiện cảm về vấn đề này. Và mình rất mong các bạn có ý định gap year chuẩn bị sẵn một tâm lý/tinh thần thật mạnh mẽ để chấp nhận và vượt qua định kiến này. Áp lực có thể đến từ bạn bè, hàng xóm láng giềng, họ hàng. Hay thậm chí ngay cả những người thân thiết nhất như bố mẹ. Bởi có thể họ không hiểu bản chất của gap year mà chỉ mang góc nhìn phiến diện. Rằng đây chỉ là lý do để trốn tránh trách nhiệm bản thân, rằng là lí do bao biện cho sự yếu kém và vô dụng của các bạn. Mình từng trải nên rất hiểu cảm giác đó. Mình mừng nếu các bạn may mắn được người thân yêu ủng hộ và đồng hành cùng. Còn nếu không may thì đừng quá tủi thân bạn nè. Cuộc đời của các bạn hãy làm những điều tuyệt vời theo cách của riêng bạn, thế nên là các bạn hãy thật bình tĩnh và tiến lên nào!
Chúc các bạn luôn khỏe, luôn vui và có được sự lựa chọn phù hợp nhất với chính mình nhé!
Yêu thương
P/S: Đọc thêm 2 bài viết về Gap year của mình tại Hi Ngày Nắng nha
Ta có cần một năm trống không – Gap year
Mình học được gì từ Gap year