Chào cậu,
Mình là lần đầu đến Trái Đất,
Gaslighting – thuật ngữ vừa xa mà cũng vừa gần, chính là một kiểu bạo hành tâm lý mà không phải ai cũng nhận ra.
Vì sao mình lại nói như vậy, để mình kể cho cậu nghe một câu chuyện của chính mình.
Trước đây khi đang trong một mối quan hệ yêu đương có vẻ như hạnh phúc, mình lại không hiểu sao luôn cảm thấy bứt rứt, luôn cảm thấy có lỗi, thậm chí đến câu nói chia tay khi mọi chuyện đã quá tệ mình cũng không thể nói đàng hoàng. Vì đơn giản, trong tất cả mọi chuyện xảy ra của mối quan hệ đó, bằng một cách thần kỳ, mình luôn là người có lỗi.
Người cũ thường nói với mình rằng:
“Anh thật không hiểu em, sao em cứ làm quá mọi chuyện lên thế?” khi mình giận dỗi với anh vì anh đến trễ.
“Sao em cứ để bụng nhiều thứ thế? Chuyện đã qua rồi mà!” khi mình bày tỏ sự không hài lòng về việc anh đến trễ nhiều buổi hẹn quan trọng, những chuyện anh đã hứa nhưng không làm.
“Vì em nên anh mới bị …” mỗi lần anh làm chuyện gì đó sai ảnh hưởng đến mối quan hệ, hoặc kết thúc cuộc trò chuyện bằng cách nói “Anh sai rồi, anh xin lỗi, được chưa, vừa lòng em chưa?”
“Có mình em nghĩ vậy thôi, đừng tưởng tượng phóng đại rồi suy diễn lung tung, không tốt đâu”, “Em nhạy cảm quá đấy”, “Em không tin tưởng anh à?” khi mình nghi ngờ anh có người khác.
“Thôi mình quay lại nhé, cho anh thêm một cơ hội nữa, xí xóa những chuyện sai trước đó của cả hai nha” mấy tiếng sau khi mình vừa nói chia tay và anh đã đồng ý.
…
Về cơ bản, thì gaslighting là một chiêu trò tâm lý mà người sử dụng dùng để thao túng tâm lý người khác. Nói đây là một kiểu bạo hành tâm lý mà không phải ai cũng nhận ra vì người nói (kẻ lạm dụng) sử dụng thông tin bị bóp méo, sai sự thật khiến người nghe (nạn nhân) lo lắng, bối rối rồi dẫn đến nghi ngờ suy nghĩ, giá trị, trí nhớ, óc phán đoán của mình, dần dần khiến nạn nhân mất đi cảm nhận về thực tế.
Trong câu chuyện mình đã trải qua, mình rõ ràng có lý do để tức giận, thế nhưng bằng cách nào đấy, người cũ luôn khiến cho mình cảm thấy như thể đó là lỗi của bản thân mình. Mình cảm thấy nghi ngờ chính những suy nghĩ, cảm xúc mà mình đang phải trải qua, thấy bản thân như đang bị mắc kẹt, vùng vẫy trong một mối quan hệ mà chẳng thể thoát ra nổi. Cảm giác rất tệ!
Gaslighting có thể xuất hiện ở bất cứ mối quan hệ nào, thậm chí người sử dụng cũng có thể không biết bản thân đang thao túng người khác, vậy nên có thể chúng ta đang ở trong những trường hợp không tốt, mà không hề hay biết.
Để nhận biết mình có đang trong một mối quan hệ gaslighting hay không chính là đánh giá từ góc nhìn khách quan, nghe lời khuyên từ những người khác khi nhìn vào mối quan hệ của mình. Tự tạo không gian cá nhân, trau dồi kiến thức, biết mình là ai, mình cần làm gì và tự tin vào nó. Không một ai có thể thao túng được bạn khi bạn biết rõ mình là ai, mình muốn gì, điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì.
Và mình, sau khi đủ hiểu biết, đủ can đảm, đủ mạnh mẽ, sau khi dằn vặt đủ lâu, trở nên yêu thương bản thân hơn, mình đã có thể tự tin bước ra khỏi vũng lầy năm đó.
Phiên bản của mình hiện tại, là do những trải nghiệm quá khứ mà thành, nếu cậu, hay ai đó xung quanh, cảm thấy nghi ngờ bản thân vì một số mối quan hệ tiêu cực như vậy, thì mong rằng, Trái Đất có thể gửi thông điệp của mình đến cậu.
Cùng nhau cố gắng vượt qua, cùng nhau yêu thương chính mình nhé!
Mình là lần đầu đến Trái Đất,
Chào cậu.