GHIBLI STUDIO – THẾ GIỚI CỦA SỰ TRẢI NGHIỆM

by admin

Thẳng thắn không ngại ngùng, mình là big fan của Ghibli Studio – của không chỉ cụ Hayao Miyazaki hay người đồng sáng lập Isao Takahata mà nguyên một ekip phía sau (Đó là giá trị của chữ Studio, của những con người đứng sau hào quang làm việc chăm chỉ). Những trải nghiệm của mình với Ghibli Studio không phải từ bây giờ mà đã có từ rất lâu rồi. Trong một lần được bạn bè giới thiệu về một phiên bản “Alice in Wonderland” version Châu Á mình đã tới với Spirited Away. Mình đã đắm chìm trong thế giới đậm chất Á Đông và rực rỡ sắc màu từ một bộ phim được phát hành năm 2001 (Cách đây 20 năm). Từ đó, mình đã liên tục tìm kiếm những tác phẩm của Ghibli Studio và đam mê trong thế giới đó từ lúc nào không hay.

Vai trò của Ghibli Studio đối với bản thân mình là rất cao. Giống như phim của nhà Pixar thì “Giá trị xem lại” của những Spirited Away, Nausicaa of the Valley of the Wind, Howl’s Moving Castle, Princess Monomoke… đều rất cao. Có lẽ lúc coi phim trực tiếp không bao giờ chúng ta có thể trải nghiệm được một cách hoàn mĩ nhất giá trị của nó mà phải xem đi xem lại nhiều lần, để được hòa mình vào thế giới “viễn tưởng” của nhà Ghibli. Mình không biết các bạn cảm thấy sao nhưng cảnh vật của từng bộ phim mang lại cho mình trải nghiệm “yên bình”, “thoải mái”.

Tuổi thơ được chiêm nghiệm với Ghibli Studio khiến mình có trí tưởng tượng cao hơn rất nhiều. “Ước gì mình có thể được nằm giữa bãi cỏ như vậy nhỉ” “Ước gì mình được lội xuống những con suối trong veo kia”.. Rất nhiều ước gì – hồi đó mình xem những bộ phim của Ghibli chỉ vì sở thích. Lớn lên, coi lại một lần nữa. Rồi lớn thêm một chút, lại coi lại một lần nữa. Một lần coi là một lần mình hiểu được thêm nhân vật sâu hơn, cảnh vật rõ hơn và trải nghiệm hoàn toàn khác nhau. Có những thứ mà khi có kinh nghiệm ở đời sống thật rồi khi vào phim mình mới nghiền ngẫm ra. À, hóa ra là như thế. À, hóa ra một bộ phim hoạt hình “tưởng rằng chỉ dành cho trẻ con” nhưng tầng sâu của ý nghĩa đến từ nó lại vô cùng đa dạng. Đó là sự thu hút của các bộ phim Ghibli đối với mình.

Ngày xưa, mình khá yêu thích các công chúa nhà Disney. Nhưng motive quen thuộc “ Một cô công chúa nhà nói, gặp một khó khăn gì đó. Trải qua kinh nghiệm xương máu và luôn dính với một hình ảnh chàng trai nào đấy để có happy ending là Công chúa – Hoàng tử hôn nhau trong lâu đài” không mang cho mình giá trị xem đi xem lại nhiều. Nữ nhân thuộc Ghibli Studio thì khác, họ luôn mạnh mẽ và đấu tranh đơn thương độc mã ở nhiều bộ phim khác nhau. Việc xuất hiện một chàng trai khác chỉ là khiến câu chuyện thêm kịch tính, còn nếu bỏ họ ra – thì các nhân vật nữ theo suy nghĩ của mình vẫn có thể làm được. Đó có thể xuất phát từ Nhật Bản – một đất nước vô cùng trọng nam khinh nữ. Nữ nhân ở Nhật Bản phải chịu rất nhiều thiệt thòi và nhiều lạm dụng khác nhau, nên Ghibli Studio cũng đã một phần nào thể hiện lên trên đó. Công chúa Monomoke là 1 ví dụ điển hình.

[Và đó cũng chỉ là 1 khía cạnh]

Không chỉ sự tương đồng về nét văn hóa Phương Đông dễ gây được sự đồng cảm với mình mà Ghibli Studio còn cho mình được “Du lịch qua điện ảnh” tới nhiều nơi khác nhau, nhiều văn hóa khác nhau. Mà nhắc tới văn hóa chúng ta phải nói tới điều gì nhỉ? Thời trang đúng không.

Mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa khác nhau và một dạng thời trang riêng khác nhau. Tiếp theo đó là yếu tố về thời gian, môi trường sống. Thời kỳ Trung Cổ, thời kì Hiện đại – thế giới phong kiến, thế giới quý tộc, thế giới bình dân…Ghibli Studio mang chi mình một cảm giác thời trang vô cùng “cao cấp”. Mình không biết nói sao nhưng hình ảnh mà các bộ phim mang tới cho người xem một cảm nhận về “Haute Couture” “High Fashion” theo một cách nào đấy. Có lẽ là do việc trau chuốt nhân vật kĩ càng chăng. Nên nhớ mỗi nhân vật xuất hiện trong Ghibli Studio đều có đất diễn của riêng mình

Cũng phải đề cập tới bối cảnh của nhiều bộ phim được lấy cảm hứng từ giai đoạn Trung Cổ, giai đoạn quý tộc nên dễ dàng thấy được các đường link khác nhau giữa Haute Couture và Ghibli Studio khi thời trang cao cấp được làm ra là dành cho tầng lớp thượng lưu và quý tộc. Những hình ảnh về nhân vật đứng giữa thiên nhiên trong Ghibli Studio khiến các bạn liên tưởng tới sự lãng mạn của các show runway Dior, Louis Vuitton, Prada đúng không. Đó là một trong những nguyên do khiến mình trải nghiệm các bộ phim của Ghibli theo cách rất Hàu Tê Cùa Toa.

Howl’s moving castle – bộ phim đến từ 2005 được chuyển thể từ nguyên tác của nhà văn Diana Wynne Jones. Chúng ta được bay nhảy trong một thế giới mang dáng dấp của Anh Quốc. Nếu không ngoa thì mình xin được khẳng định rằng “Văn hóa Anh ảnh hưởng rất nhiều tới thời trang cận hiện đại”. Vì sao, vì các bạn nghe cụm từ “Anh, đế quốc mặt trời không bao giờ lặn chưa”. Vào khoảng thế kỉ 19 – 20, Anh là một quốc gia nắm giữ lãnh thổ thuộc địa rộng lớn hơn bất kỳ đế quốc nào trong lịch sử, nhiều đến nỗi vùng đất này mặt trời lặn thì ở vùng đất khác lại sáng lên. Người Anh đi tới đâu đều mang người của mình tới đó, sinh con đẻ cái và truyền bá văn hóa – trong đó có thời trang – tới đất nước sở tại. Ảnh hưởng là không hề nhỏ.

Howl, một chàng pháp sư điển trai trẻ tuổi mang trên mình bộ cánh cực kì “High Fashion” chao đảo cả thế giới ảo với ước mong về một cuộc sống tự do, tự tại. Khao khát tự do, hạnh phúc và Howl găp Sophie theo cách tự nhiên nhất.

Thế giới thời trang thì sao?

Như mình đã nói, màu sắc và hình ảnh của Ghibli khá phức tạp nên ứng dụng những thứ mà Ghibli Studio đã làm được lên sản phẩm thời trang là không hề dễ. Cái mà Ghibli làm được nhất đối với nhiều người làm nghệ thuật – thời trang đó là cảm hứng sáng tạo, đó là thế giới mà Ghibli đã tạo ra để nuôi dưỡng tâm hồn bay bổng của họ. Của sự khát khao tự do, khát khao cái đẹp và thể hiện ra ngoài. Vốn dĩ luôn là chủ đề của nhiều bộ phim đến từ studio này.

Có chăng thì sự hợp tác gần đây giữa thương hiệu thời trang cao cấp Loewe và Ghibli Studio có thể khiến mình thỏa mãn được phần nào. Loewe không quá ồn ào và hung thịnh nếu so sánh với Dior hay Louis Vuitton, Gucci, Balenciaga. Nhưng sản phẩm của Loewe đủ độ sang và tinh tế để đưa artwork và màu sắc của Totoro’s my neighbor lên thể hiện. Không chỉ thế những chi tiết nhỏ cũng khiến mình – một fanboy của Ghibli đầy xao xuyến (Chỉ tội là mắc quá mà thôi, huhu). Còn lại đa phần các bản hợp tác là graphic product (Hình in mà thôi).

You may also like

Leave a Comment