GIA TĂNG TRẺ MẮC HỘI CHỨNG RỐI LOẠN VẬN ĐỘNG (TIC)

by admin

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận nhiều trẻ đến khám và điều trị do mắc phải hội chứng Tic. Qua khảo sát, hầu hết những trẻ mắc hội chứng này đều có thời gian xem tivi, sử dụng điện thoại quá nhiều.

Theo bác sĩ Lý Hiển Khánh, khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, nguyên nhân số trẻ mắc Tic gia tăng có thể do thời gian gian cách xã hội trẻ ở nhà và tiếp xúc màn hình máy tính, điện thoại, xem tivi quá nhiều. Hội chứng này có thể điều trị được, tuy nhiên trẻ rất dễ bị tái phát lại.

“Trẻ mắc hội chứng Tic có thể vận động sinh hoạt bình thường nhưng do trẻ có những hành động như lắc đầu, giật vai, tay chân liên tục không kiểm soát được nên dễ bị kỳ thị, khiến trẻ tự ti và ảnh hưởng đến học tập ở trẻ.”, Bác sĩ Khánh thông tin

Theo chuyên gia y tế, hội chứng Tic là việc vận động hoặc phát âm xuất hiện một cách bất thường và lặp đi lặp lại một cách mất kiểm soát. Tần suất, cường độ và thời gian giật các cơ ở từng trẻ khác nhau.

Hội chứng này thường xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi. Thường trầm trọng khi trẻ ở độ tuổi từ 11 – 12 tuổi, sau đó giảm dần khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì. Đối với một số trẻ, rối loạn này sẽ biến mất hoàn toàn sau khi lớn nhưng cũng có trẻ đối mặt với nó đến khi trưởng thành.

Hội chứng Tic liên quan đến các biểu hiện về vận động và âm thanh, thường được chia làm hai nhóm đơn giản và phức tạp. Tic âm thanh đơn giản bao gồm: Thở dài, ho, lẩm bẩm, các âm thanh khác như tặc lưỡi, hắng giọng, la hét… Tic vận động đơn giản bao gồm nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm.

Tic phức tạp kéo dài lâu hơn, diễn ra đồng thời các Tic đơn giản bao gồm Tic phức tạp về vận động như nhại động tác của người khác, vuốt tóc, đá chân, nhảy… hoặc về âm thanh nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh, la hét

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Trẻ từ 2 đến 5 tuổi nên được giới hạn thời gian sử dụng tối đa trong 1 tiếng, tốt nhất nên có người lớn xem cùng.

Công nghệ không gây hại nếu chúng được sử dụng cho mục đích phù hợp. Hãy để điện thoại trở thành công cụ phục vụ cho các mục đích học tập và sáng tạo của trẻ, thay vì ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của con.

You may also like

Leave a Comment