Quyển sách này giải thích tại sao những câu hỏi này hữu ích để giúp giải quyết vấn đề trong vùng xám. Những phần hướng dẫn thực hành sẽ giúp trả lời câu hỏi và minh họa bằng những trường hợp thực tế đã xảy ra trong vùng xám.
Vùng xám được định nghĩa là những vấn đề phức tạp và khó khăn mà các nhà quản lý phải đối mặt. Vùng xám là nơi không chỉ có màu trắng hoặc màu đen, là nơi không dễ dàng phán xét đúng hay sai. Cơ bản là, trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường đối mặt với những vấn đề khó khăn như thế. Khi phải giải quyết một vấn đề đầy tính rủi ro, biến động khôn lường, chúng ta sẽ gặp rất nhiều thách thức, không chỉ ở kỹ năng giải quyết vấn đề mà còn từ quan điểm nhân văn của mỗi người.
Cuốn sách Đằng sau một quyết định lớn cung cấp một phương pháp thực tế và mạnh mẽ để giải quyết vấn đề trong vùng xám, dựa trên những hướng dẫn mang tính nền tảng. Những hướng dẫn này không xuất phát từ những CEO thành công và nổi tiếng, cũng không phải là tập hợp những tuyên bố thông thái của các doanh nghiệp chỉ phục vụ cho lợi ích của cổ đông. Những hướng dẫn này bao gồm năm câu hỏi mà nhiều nhà quản lý, qua nhiều thế kỷ và các nền văn hóa khác nhau, đều đã từng đề cập mỗi khi đối mặt với những khó khăn khi phải ra quyết định. Vùng xám đòi hỏi phải có đánh giá tốt nhất, về bản chất, năm câu hỏi này sẽ là công cụ tuyệt vời để giúp chúng ta.
Quyển sách này giải thích tại sao những câu hỏi này hữu ích để giúp giải quyết vấn đề trong vùng xám. Những phần hướng dẫn thực hành sẽ giúp trả lời câu hỏi và minh họa bằng những trường hợp thực tế đã xảy ra trong vùng xám. Tuy nhiên, trước khi lật sang trang để đọc năm câu hỏi này, chúng ta nên tìm hiểu vấn đề trong vùng xám là cái gì và điều gì khiến cho vấn đề trong vùng xám trở nên quá thách thức.
Sự thách thức trong vùng xám
Sống và làm việc càng có trách nhiệm, ta càng thường xuyên đối mặt với vùng xám và những vấn đề trong vùng xám xuất hiện muôn hình vạn trạng. Đôi khi là vấn đề lớn, đôi khi là phức tạp, và đôi khi không lớn, cũng không phức tạp nhưng lại rất hiếm. Trong quyển sách này, chúng ta sẽ tìm hiểu về trường hợp của một CEO tại một công ty dược nhỏ, ông ấy biết một loại thuốc mới rất cần thiết cho người bị viêm đa xơ cứng, có liên quan phần nào đến một căn bệnh viêm não nguy hiểm và hiếm gặp. Ông ấy đã quyết định như thế nào – ngay cả khi thiếu dữ kiện quan trọng hay chưa có một định nghĩa rõ ràng về vấn đề khó khăn này?
Ngược lại, có những vấn đề trong vùng xám ở quy mô nhỏ hơn, nhưng không vì thế mà trở nên dễ dàng hay kém quan trọng. Chúng ta lại có dịp tìm hiểu về trường hợp một quản lý cấp cao ở một công ty quy mô vừa đối mặt với vấn đề nhân sự. Cô ấy chia sẻ cùng một thư ký với ba người quản lý khác. Người thư ký đã làm việc cho công ty hơn ba mươi năm và có thành tích rất tốt, nhưng bất ngờ sa sút trong công việc vài tháng trở lại đây. Không ai biết tại sao. Những quản lý khác muốn cho người thư ký này nghỉ việc nhưng cô quản lý cấp cao bày tỏ sự quan ngại về cách tiếp cận vấn đề của phòng nhân sự – báo trước cho người thư ký hai tuần và hỗ trợ một khoản chi phí nghỉ việc – có thể sẽ gây tổn thương không thể bù đắp cho người thư ký này. Nhưng ngặt một nỗi, cô không có thông tin gì để có thể biết nên làm gì hoặc làm gì để tránh đối đầu với những quản lý khác.
Tất cả những khó khăn trong vùng xám đều có điểm chung – cho dù đó là lớn hay nhỏ – đó là trải nghiệm vấn đề đó như thế nào. Khi đối mặt với vấn đề, ta thường phải trả lời khá nhiều câu hỏi khó – cho bản thân và cho người khác – để hiểu tường tận vấn đề đó là gì. Phải tổng hợp tất cả dữ kiện, thông tin và những lời khuyên từ chuyên gia, phân tích kỹ lưỡng mọi thứ, nhưng đôi khi ta vẫn bỏ sót những điều quan trọng, hoặc những người chúng ta biết và tin tưởng lại không đồng tình với những gì chúng ta sẽ làm. Trong khi đó, bản thân ta cũng không ngừng suy nghĩ: “Điều gì sẽ xảy ra và bước đi kế tiếp là gì?”.
Những hoàn cảnh như thế có thể là cái bẫy, có thể dễ dàng mắc kẹt trong vùng xám khi cố gắng đoán trước điều gì sẽ xảy ra. Tệ hơn nữa, có thể bị lạc đường hoặc bị tê liệt bởi sự phức tạp và bất định của vấn đề. Nói cách khác, nếu hành động quá nhanh, có thể dẫn đến sai lầm gây hệ quả nghiêm trọng: làm tổn thương người khác, giảm năng suất công việc và sự nghiệp bị đình đốn.
Ngày nay, vùng xám càng có tính rủi ro cao hơn bởi vì sự quyến rũ của sức mạnh phân tích dữ liệu bằng công nghệ đang hiện hữu. Nhiều vấn đề khó khăn đòi hỏi các nhà quản lý và doanh nghiệp phải sử dụng các công nghệ để phân tích một khối lượng thông tin và dữ liệu khổng lồ. Thật dễ dàng bị thuyết phục khi nghĩ rằng chỉ cần có thông tin và sử dụng đúng công nghệ phân tích, ta sẽ đưa ra được quyết định đúng. Cũng sẽ rất thuyết phục khi ngụy trang những quyết định khó khăn bằng cách cho rằng những con số nói lên tất cả và không còn chọn lựa nào khác. Trong vùng xám, công nghệ sẽ không đưa ra một câu trả lời thỏa đáng, chúng ta phải sử dụng phán xét của mình và có những chọn lựa khó khăn.
Những chọn lựa này thường bị ảnh hưởng bởi những rủi ro về tâm lý và cảm xúc. Chúng ta không thể chối bỏ trách nhiệm cá nhân khi ra quyết định và sống với những hệ quả này.
Một sinh viên cao học kinh doanh mô tả thách thức này khi nói rằng: “Tôi không muốn trở thành một doanh nhân xưng mình là một người tử tế. Tôi chỉ muốn trở thành một người tử tế được vinh danh là một doanh nhân”.
Nói cách khác, khi gặp những thách thức và giải quyết một vấn đề trong vùng xám thành công, chúng ta đã đóng góp một việc quan trọng cho doanh nghiệp, cho người khác, cho sự nghiệp của mình và cho cảm xúc của bản thân. Những vấn đề khó, hỗn độn và đầy rủi ro luôn xuất hiện trong doanh nghiệp và đặt lên bàn làm việc của nhà quản lý. Hãy lui lại phía sau một lát và tham khảo ý kiến của nhân viên cũ, tự hỏi mình có thể làm được những gì. Trợ lý của mình bỗng dưng sa sút trong công việc, bạn không biết lý do và có khi ngay cả cô ấy cũng không biết tại sao. Những quy định, luật lệ của công ty đủ đưa ra các tham chiếu cho bạn hành động, nhưng bạn vẫn phải đối mặt với những câu hỏi khó.
Hay là bạn đi tìm một công việc khác cho cô ấy, một phòng ban nào khác trong công ty, hay là thẳng tay cho cô ấy nghỉ việc? Cô ấy sẽ nhận được bao nhiêu tiền trợ cấp và nhận trợ cấp như thế nào? Bạn có thể đối xử với cô ấy bằng sự tôn trọng và cảm thông hay không, hoặc tự tay tước bỏ kế sinh nhai của cô ấy? Rốt cuộc bạn vẫn phải trả lời tất cả những câu hỏi đó cho dù muốn hay không. Đằng sau những quyết định luôn luôn tiềm ẩn một quyết định mà xã hội đã ủy nhiệm cho bạn – với tư cách một nhà quản lý, nếu chỉ vì tuổi tác và biểu hiện sa sút trong công việc, bạn có thể sẽ quyết định cho cô ấy nghỉ việc. Nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề trong vùng xám, sẽ có cảm giác như vừa nâng thành công một quả tạ nặng – không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho những người khác và cho cả xã hội nữa.
Khi ta xử lý thành công một vấn đề trong vùng xám, nghĩa là ta cũng đang kiểm tra và phát triển kỹ năng quản lý của mình. Một bài kiểm tra năng lực quản lý cơ bản cho biết nhà quản lý có sẵn sàng nhận nhiều trách nhiệm hơn hay chưa không phải là họ giải quyết tốt những công việc hằng ngày như thế nào, mà chính là những tình huống khó, những thách thức quan trọng hơn. Những kinh nghiệm xử lý vấn đề trong vùng xám sẽ trở thành những gạch đầu dòng thêm vào bản lý lịch công việc của nhà quản lý.
Về cơ bản, vấn đề trong vùng xám được xem như là một phiên bản doanh nghiệp của “nút thắt Gordias của Alexander Đại Đế” – những vòng tròn nhân quả đan kết lại với nhau, cứ tháo lỏng đầu này, thì đầu kia sẽ khít lại. Với nhà quản lý, kiểu nút thắt này có khi là một gánh nặng, nhưng cũng có thể là một bài toán đố đầy thách thức cho những ai muốn gỡ nút thắt này thành công. Theo tương truyền, Alexander Đại Đế sau khi cố gắng tháo nút thắt không thành công, ông đã rút gươm chặt đứt nút thắt, nhưng với tư cách là một nhà quản lý, chúng ta không thể làm như vậy. Vậy phải làm như thế nào?
Năm câu hỏi thách thức
Câu trả lời ngắn gọn là: Hãy tiếp cận vấn đề bằng góc nhìn của một nhà quản lý, nhưng giải quyết vấn đề bằng cái tâm của một con người.
Ta không thể tiếp cận vấn đề như là một ông chủ hay một quan chức quan liêu mà như là một người quản lý. Điều đó có nghĩa là phải làm việc với người khác để có thông tin chính xác về vấn đề, phân tích thông tin đó đầy đủ và nghiêm khắc, và tìm kiếm giải pháp thực tế cho vấn đề.
Nhưng chỉ dừng ở bước này thì chưa đủ. Thông tin, phân tích và trao đổi không giải quyết được vấn đề, và nhà quản lý vẫn chưa biết phải làm gì. Đến đây, cần phải lùi lại một bước: Giải quyết vấn đề bằng cái tâm của một con người. Có nghĩa là đừng trở thành nhà phân tích số liệu, thông tin đơn thuần mà với tư cách là một con người có trái tim nhân văn. Quyết định phải dựa trên phán xét của chính bản thân, bao gồm trí tuệ, cảm xúc, tưởng tượng, trải nghiệm cuộc sống và cả chiều sâu nhận thức về con người – cái gì thật sự quan trọng trong công việc và cuộc sống này.
Thoạt nghe qua, bước thứ hai có vẻ như đơn giản nhưng thực ra không phải vậy. Chúng ta thường nghe những giáo huấn như hãy làm theo lương tâm, noi gương theo bậc tiền bối, bám theo sứ mệnh của doanh nghiệp, v.v… hay đơn giản theo lời khuyên “cứ làm theo những gì mình cho là đúng”.
Nhưng thật ra sẽ không có giải pháp nào nhanh và gọn trong vùng xám cả.
Thuật toán không thể giải quyết vấn đề khó khăn của con người trong cuộc sống và công việc. Giải quyết vấn đề bằng cái tâm của một con người có nghĩa là phải tự đặt ra những câu hỏi đúng đắn và làm việc để có câu giải đáp thỏa đáng. Những câu hỏi này là công cụ không thể tách rời giúp cân nhắc thận trọng và phán xét. Đó là năm câu hỏi mà quyển sách này sẽ đề cập sâu để độc giả hiểu.
Tại sao năm câu hỏi này quan trọng và hữu dụng? Cơ bản bởi vì chúng đã được đề cập qua hàng thế kỷ nay và đúc kết từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Năm câu hỏi này phản ánh những kiến thức nền tảng về bản năng con người và mục tiêu chung của chúng ta trong cuộc sống. Hiểu đầy đủ và vận dụng năm câu hỏi này như là những công cụ để giúp đưa ra đánh giá vấn đề trong vùng xám.
Độc giả sẽ tự hỏi liệu thật sự chỉ cần vài câu hỏi mà có thể giúp giải quyết được những vấn đề đau đầu trong vùng xám ư? Chúng tôi không dám khẳng định nhưng hãy cùng nhau đi qua từng chương, sẽ có câu trả lời hợp lý nhưng chắc chắn vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Năm câu hỏi đề cập đến hai việc. Thứ nhất, con người có chung một bản năng do thuyết tiến hóa của Darwin nêu ra. Thứ hai, cộng đồng con người đều có chung những câu hỏi cơ bản về trách nhiệm, về quyền lực, về giá trị và cách ra quyết định.
Tôi đã bỏ ra gần hai mươi năm cố gắng phát triển những công cụ hữu dụng và thực tế cho các nhà quản lý sử dụng khi họ đối mặt với vấn đề khó khăn về trách nhiệm và lãnh đạo. Năm câu hỏi trong quyển sách này đã được hiệu chỉnh và kiểm tra qua vô số khóa học cao MBA và đào tạo quản lý. Tri ân nhà triết học theo trường phái thực dụng, William James, chúng tôi đã tạo ra những công cụ hữu ích này thay vì những chân lý mang tính phổ quát và mang đầy thiên kiến. Năm câu hỏi ấy chính là:
- Hệ quả thuần của vấn đề là gì?
- Trách nhiệm cơ bản của tôi là gì?
- Kế hoạch hành động nào phù hợp với tình hình thực tế?
- Chúng ta là ai?
- Liệu có thể sống chung với quyết định này không?
Cũng dễ hiểu nếu ai đó đặt câu hỏi: “Tại sao năm câu hỏi này thật sự hữu dụng?”. Câu trả lời là bởi vì chúng đã được kiểm chứng qua thời gian. Năm câu hỏi, diễn giải bằng nhiều cách, bằng nhiều lý lẽ từ các nhà triết học như Aristotle, Nietzsche, đến các bậc lãnh đạo tinh thần cao quý như Khổng Tử và Jesus Christ, hay các nhà tư tưởng chính trị như Machiavelli và Jefferson, cũng như các nhà thơ, nhà văn xuất hiện trong quyển sách này.
Chúng tôi ví năm câu hỏi này như là những công cụ hằng ngày của các nhà quản lý phù hợp với truyền thống đào tạo của Harvard Business School, nơi đã hơn một thế kỷ nay luôn phát triển những ý tưởng quan trọng và hữu ích cho các nhà quản lý trên thế giới. Xuyên suốt quyển sách là những ví dụ thực tế về năm câu hỏi. Mỗi chương tập trung vào một câu hỏi và luôn giải thích tại sao chúng ta phải hiểu đầy đủ khía cạnh nhân văn của các vấn đề trong vùng xám. Phần còn lại của mỗi chương sẽ bàn về những hướng dẫn thực hành và giới thiệu một số quan điểm về tính nhân văn.
Triết lý làm việc
Nếu sử dụng riêng lẻ, năm câu hỏi này là công cụ có giá trị để suy xét, đánh giá, nhưng nếu phối hợp lại với nhau, sẽ có nhiều ý nghĩa hơn rất nhiều. Năm câu hỏi này sẽ cho chúng ta một triết lý về quản trị – là cách để hiểu các nhà quản lý thật sự làm gì và tại sao những điều đó quan trọng. Triết lý này không chứa đựng những khái niệm trừu tượng mơ hồ, những nguyên tắc ràng buộc hay những khuôn mẫu có sẵn để áp dụng cho mọi trường hợp. Đó là một triết lý để làm việc, một thái độ sống và một kim chỉ nam để hành động.
Triết lý này nói rằng công việc quản lý tức là giải quyết vấn đề khó khăn bằng các phương pháp phù hợp thực tế. Nếu muốn trở thành một nhà quản lý thành công trong thời đại ngày nay, ta phải có khả năng thấu hiểu những khía cạnh phức tạp của sự việc, rút ra được những kết luận hợp lý từ vô vàn thông tin và biết sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu phức tạp. Nhưng những công cụ phân tích đó thì chưa đủ, chúng ta còn cần một quan điểm nhân văn để giải quyết vấn đề trong vùng xám.
Từ “nhân văn” nghe có vẻ như là một điều gì đó “truyền thống” cũ xưa, nhưng những tư tưởng đằng sau đó vẫn còn mang tính thời đại, tác động trực tiếp đến việc ra quyết định trong cuộc sống và công việc. Chủ nghĩa nhân văn đã có từ rất lâu, có nguồn gốc từ thời cổ đại và trở thành một thế lực trong ngành triết học và chính trị, đặc biệt vào thời Phục hưng.
Những người theo chủ nghĩa nhân văn đặt ra những câu hỏi cơ bản và làm cho dễ hiểu bằng cách đi vào những điều nền tảng nhất của cuộc sống – như điều gì quan trọng trên cõi đời này, điều gì có thể động viên con người, và thế giới này vận hành ra sao. Những nền tảng này cũng trở thành trung tâm khi chúng ta giải quyết vấn đề trong vùng xám với tư cách là một con người.
Triết lý nhân văn trong quản lý không cố gắng biến những thách thức khá phức tạp và hỗn độn của vấn đề trong vùng xám thành những khuôn mẫu để phân tích, mà chỉ muốn chúng ta nhìn nhận vấn đề từ nhiều quan điểm khác nhau. Chúng ta phải dựa vào phán xét của mình – đó là suy nghĩ, cảm giác, trực giác, kinh nghiệm, hy vọng và nỗi lo sợ. Tóm lại, câu trả lời chính xác trong vùng xám chính là quyết định đúng đắn của mình, nhưng chỉ khi chúng ta giải quyết vấn đề bằng cả bộ óc phân tích cùng với một trái tim nhân văn. Điều này rất khó đúc kết trong vài từ hoặc vài câu, nhưng tôi tin rằng những người có trách nhiệm luôn tìm ra cách để đi xuyên qua vùng xám một cách thành công.