Giáo sư Ngô Bảo Châu: Sách ở bên tôi trong những biến cố cuộc đời

by admin

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Sách ở bên tôi trong những biến cố cuộc đời

Ở Café Sách số thứ 3, Trạm Đọc mời bạn lắng nghe những đối thoại chân thành và cởi mở về những cuốn sách cùng với GS Ngô Bảo Châu – người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng Fields và là nhà khoa học trẻ nhất tại Việt Nam được phong học hàm Giáo sư. Hiện nay, anh là một trong những Người Khởi Xướng của Dự án phát triển văn hóa đọc – Cùng Đọc Sách của Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam – VICC.

Chương trình Cùng đọc sách, và cụ thể là dự án Trạm Đọc của VICC đã có cuộc gặp gỡ với GS Châu tại nhà riêng của anh ở Bà Triệu, Hà Nội để nghe anh chia sẻ về niềm say mê sách bất tận.

Cuốn sách đầu tiên của tôi là… “Kỹ thuật chăn nuôi lợn”

 

Mẹ anh, PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền từng chia sẻ: “Mỗi lần Châu vào cửa hàng sách là không muốn đi đâu thêm nữa. Châu muốn biến mỗi nơi mình sống thành thư viện”. Sách có vai trò như thế nào trong cuộc sống cũng như sự nghiệp của anh?

Từ khi còn nhỏ tôi đã rất thích sách. Ngày ấy, gần nhà tôi ở trên Hàng Bài có một hiệu sách nhỏ, mỗi lần cùng ông ngoại đi qua đó tôi đều xin ông cho vào hiệu sách để xem. Dù chưa biết đọc nhưng tôi rất thích được xem và cầm những quyển sách, mặc dù thời điểm đấy hầu như không có sách thiếu nhi. Cuộc sống thời đó khó khăn, một cuốn sách dù chỉ mấy hào cũng phải đắn đo mãi. Tôi nhớ có một lần đã nài nỉ ông ngoại mua cho một cuốn sách chỉ bởi vì vô cùng thích bìa của nó in hình những chú lợn hồng hồng và đấy là cuốn sách đầu tiên mà tôi có, cuốn “Kỹ thuật chăn nuôi lợn”.

Sau này tôi có cơ hội được đọc sách nhiều hơn một chút vì mượn sách được từ các chú, các bác nhưng ngày đấy vẫn còn rất ít sách chứ không nhiều như bây giờ. Có nhiều đầu sách mà tôi đọc đi đọc lại rất nhiều lần, một phần bởi tôi rất thích những cuốn đó, nhưng cũng bởi vì tôi đã đọc hết những cuốn có thể đọc rồi.

Sách đối với tôi là những người bạn, bên tôi lúc lớn lên hay những khi cần giữ thăng bằng trước những biến cố cuộc đời. Đọc sách là một sở thích, một thú vui, hay có thể nói là thú đọc sách. 

Tôi không đọc sách theo kế hoạch theo kiểu đặt chỉ tiêu một năm hay một tháng phải đọc được bao nhiêu, đọc xong là phải viết bài đánh giá ngay hay phải đọc từ đầu đến cuối sách. Không có quá nhiều cuốn sách mà tôi đọc hết 100%. Tôi tìm đến sách mỗi khi có những câu hỏi cần được giải đáp, những vấn đề cần tìm hiểu. Hay có những khi đọc sách là thời gian mà tôi muốn dành cho chính bản thân mình, tách mình khỏi guồng quay vội vã của cuộc sống hàng ngày, để duy trì và tìm về với bản ngã, đắm mình trong thế giới nội tại.

Trong căn nhà ở Bà Triệu (Hà Nội), GS Ngô Bảo Châu chia sẻ về sách và thói quen đọc của mình.

Giá sách trong nhà anh tại Hà Nội rất đẹp. Giá sách trong ngôi nhà ở Mỹ còn đẹp hơn. Anh đã chăm chút cho không gian đọc sách của mình như thế nào?

Cũng giống như bất kỳ người yêu sách nào, tôi luôn tâm niệm dành những không gian đẹp đẽ trong nhà mình cho những tủ sách. Tại Mỹ, tôi có một tủ sách với vài ngàn đầu sách được đặt trang trọng tại phòng khách. Đó cũng là nơi yêu thích của mọi thành viên trong gia đình. Tôi đặt các thể loại sách khác nhau ở những nơi khác nhau để tránh làm xao nhãng công việc. Tủ sách dành cho công việc tại văn phòng của tôi ở trường đại học có gấp đôi đến gấp ba lần số sách ở nhà, nhưng hầu hết là sách toán, sách phục vụ cho công việc. Ngoài ra căn nhà ở Hà Nội, cùng với nhà của viện toán ở Tuần Châu tôi cũng thiết kế những tủ sách như một thư viện nho nhỏ ở trong nhà.

Những người yêu sách sẽ luôn chăm chút cho không gian đọc sách của mình.

Giới trẻ hãy đọc nhiều về lịch sử

Bắt đầu “sự nghiệp đọc sách” với cuốn “Kỹ thuật chăn nuôi lợn”, đến bây giờ, ở tuổi 44, anh thấy cuốn nào đã để lại dấu ấn mạnh mẽ nhất trong cuộc đời mình?

Đó là cuốn tiểu thuyết Magic Mountain (Núi Thần) của nhà văn Thomas Mann, thuộc Tủ sách cánh cửa mở rộng. Cuốn sách này không kể một câu chuyện quá đặc biệt nhưng tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần và mỗi lần đọc đều có những suy tư khác nhau về nó. Nhân vật chính trong câu chuyện là một anh chàng kỹ sư trẻ tuổi Hans Castorp, có người anh họ đang điều trị tại một viện điều dưỡng ở vùng núi cao Davos của Thụy Sĩ những năm trước thế chiến thứ nhất. Ban đầu anh ta chỉ dự định thăm hỏi người anh của mình trong 3 tuần nhưng rồi đã ở lại đó đến tận 7 năm. Tại nơi đấy, anh ta nhìn thấy những tính cách, những dấu hiệu suy sụp của chủ nghĩa tư bản và giới tư sản Châu Âu. Ở Núi Thần, điều cuốn hút nhất có lẽ là thế giới nội tâm và những trải nghiệm của nhân vật chính. Anh ta chứng kiến cuộc sống đầy bệnh tật của những bệnh nhân nơi đây, đồng thời cảm nhận những mầm mống bệnh của suy thoái xã hội Châu Âu lúc bấy giờ.

Bên cạnh “Núi Thần”, anh có thể chia sẻ về một số cuốn sách hay anh mới đọc?

Mỗi giai đoạn của cuộc đời mình tôi lại tìm đến những thể loại sách khác nhau. Những năm trước đây tôi đọc rất đa dạng các thể loại sách, nhưng dạo gần đây khi không đọc được sách văn học, tôi tìm đọc sách lịch sử. Với tôi, lịch sử không chỉ được nhìn nhận dưới góc độ những thông tin về chiến tranh, sự kiện mà tôi quan tâm hơn đến việc những ý tưởng cách tân các thời kỳ đó có ảnh hướng đến cuộc sống của con người như thế nào. 

Rất tiếc, nhiều đầu sách lịch sử giá trị của thế giới vẫn chưa được dịch ra tiếng Việt. Nhưng tôi rất mong chúng được xuất bản tại Việt Nam hoặc nếu có thể thì các bạn hãy cố tìm đọc bản tiếng Anh. Một trong những cuốn sách gần đây nhất mà tôi đọc là về lịch sử cận đại Châu Âu mang tên Post War – A History of Europe Since 1945 (Hậu Chiến – Một cách nhìn về Lịch sử Châu Âu từ 1945), của cố tác giả người Anh Tony Judt, giáo sư chuyên về sử Châu Âu học tại trường NYU. Ngoài ra, hai tác giả mà tôi cũng khuyên giới trẻ nên đọc là sử gia Eric Hobsbawm và nhà văn người Argentina Jorge Luis Borges.

Có thể thấy anh rất hào hứng khi chia sẻ những gì mình đọc được với những người khác và anh cũng đã từng lập ra tủ sách Cánh cửa mở rộng để xuất bản những tác phẩm tâm đắc, anh thấy sự quan tâm của mọi người đến sách hiện nay ra sao?

Tôi cho rằng các bạn trẻ bây giờ khá quan tâm đến sách và đó là một tín hiệu tốt. Mấy năm trước, tôi cùng nhà văn Phan Việt và Nhà xuất bản Trẻ đã lập ra Tủ sách Cánh cửa mở rộng gồm 25 đầu sách chọn lọc từ kho tàng sách trên thế giới để dịch tại Việt Nam. Tôi được biết có nhiều người đã mua toàn bộ sách trong tủ này để đọc. Khi tôi tham khảo nhà xuất bản và một số hiệu sách, họ cũng nói rằng những cuốn sách trong Cánh cửa mở rộng rất được quan tâm.

Giáo sư Ngô Bảo Châu kí tặng sách cho độc giả Trạm Đọc

Hạnh phúc là cùng các con đọc sách

Anh cũng là thành viên tiên phong của nhóm khởi xướng dự án Cùng Đọc Sách của VICC (Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam), một dự án mới mẻ với mục tiêu phát triển văn hóa đọc. Anh có thể chia sẻ thêm về dự án ý nghĩa này?

Tôi luôn rất quan tâm đến việc đọc, nhưng trước đây tôi tập trung tham gia những hoạt động về chọn sách nhiều hơn. Nhưng giờ tôi thấy cần có những câu lạc bộ, những hoạt động giao lưu cho những người yêu sách, đây là lý do tôi nhận lời trở thành người khởi xướng Cùng Đọc Sách. Tôi nghĩ rằng mỗi người đọc sách, yêu sách đều có nhu cầu được gặp gỡ, chia sẻ về thú vui này với những người có cùng mối quan tâm với mình. Mình sẽ đọc nhiều hơn nếu những người bạn của mình cũng đọc và chia sẻ suy nghĩ với nhau, gợi ý sách cho nhau. Niềm đam mê sách được chia sẻ là nguồn cảm hứng khiến người ta đọc và tìm hiểu nhiều hơn.

Bên cạnh đó, tôi luôn muốn biến những nơi ở của mình thành một thư viện thu nhỏ, vì vậy tôi rất ủng hộ việc xây dựng tủ sách ở khắp nơi của Cùng Đọc Sách. Điều đó không những giúp cung cấp sách mà còn tạo không gian đọc và chia sẻ cho những nơi đó.

GS Ngô Bảo Châu trò chuyện cùng chị Mi Ly – Điều phối viên dự án Cùng Đọc Sách

Anh đã duy trì thói quen đọc của bản thân như thế nào?

Như đã chia sẻ ở trên, tôi không đặt nặng kế hoạch cho việc đọc sách. Đọc đối với tôi là một hoạt động rất tự nhiên bởi đó là niềm yêu thích. Hơn nữa, do đặc thù công việc, đọc và nghiên cứu là những hoạt động không thể thiếu. Có những cuốn sách tôi đọc khi cần giải đáp một thắc mắc, tôi đọc liền trong vài ba ngày được khoảng 20% sau đó cất lại lên giá. Có khi rất lâu sau tôi mới mở ra để đọc hết.

Khi tôi chọn sách cũng vậy, có những khi tìm cuốn này cuốn kia, tôi sẽ xem các bài điểm sách trước mua. Nhưng cũng có những cuốn tôi lật xem một vài trang đầu và nội dung ngay tại hiệu sách, nếu thấy văn phong không phù hợp hay như lối viết quá khoe mẽ, tôi sẽ không mua. Đọc sách là lựa chọn cá nhân, tôi đọc vì thấy thích và cần cuốn sách đó chứ không vì mọi người đều đọc cuốn đó hay tất cả đều bảo cuốn đó hay. Nhưng đôi khi tôi cũng đọc những cuốn sách mà các bạn mình đọc để cùng chia sẻ, bàn luận. Hay như đối với các bảng xếp hạng sách và phim, chúng ta xem để biết được những cuốn sách hay bộ phim đó tồn tại, có thể không phải ngay lúc này, nhưng một lúc nào đó chúng ta sẽ cần tìm đến. 

Các thiết bị thông minh, máy đọc sách đã phần nào thay đổi cách tôi đọc sách. Hầu hết sách hiện nay tôi đọc trên ipad. Nhưng cảm giác thích thú với những lần lật giở trang sách, những khi cầm cuốn sách trên tay với mùi hương quyến rũ có lẽ không gì thay thế được.

Ba con gái của anh đang dần trưởng thành và đều yêu sách. Anh đã truyền tình yêu đó cho các con ra sao?

Đối với các con của mình, tôi không bắt ép các cháu đọc sách. Không có gì kinh khủng bằng việc bị bắt phải đọc sách cả. Có khi cha con cùng nhau ra hiệu sách chọn sách, cùng đọc và chia sẻ với nhau về sách, đó là những khoảnh khắc hạnh phúc trong gia đình. Mặc dù mỗi người có thể đứng ở những khu vực khác nhau, chọn những cuốn sách khác nhau nhưng chúng tôi rất thích được cùng nhau làm những hoạt động yêu thích chung như thế. Đôi lúc, có những cuốn sách mà tôi thấy hay, tôi sẽ chia sẻ với các con. Có thể chúng không đọc ngay lúc đó, nhưng có thể sau 6 tháng hay 1 năm, vì lý do nào đó, các con bỗng dưng quan tâm đến cuốn sách mà bố giới thiệu.

Trạm Đọc trân trọng cảm ơn những lời chia sẻ chân thành từ GS Ngô Bảo Châu. Những ý tưởng xây dựng những cộng đồng yêu sách hay không gian sách của anh đồng thời cũng chính là những điều mà chương trình Cùng đọc sách của Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) đang cố gắng thực hiện từng ngày. Trạm Đọc hy vọng trong tương lai sẽ được anh tiếp tục đồng hành trên con đường phát triển văn hóa đọc, xây dựng một xã hội Việt Nam tri thức hơn.

Về chương trình Cùng Đọc Sách

Cùng Đọc Sách (Let’s Read) của VICC là dự án phát triển văn hóa đọc, đưa đọc sách trở thành thói quen phổ biến trong xã hội Việt Nam, được khởi xướng bởi nhóm tiên phong gồm: GS Ngô Bảo Châu, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch, nhà báo Tạ Bích Loan và doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình.

Chương trình bao gồm các hoạt động: tìm kiếm Đại sứ Văn hóa đọc (thông qua cuộc thi viết cùng tên); Chương trình Một triệu cuốn sách (Huy động và quyên góp 1.000.000 cuốn sách cho các thư viện cộng đồng và chương trình xã hội); Vận động xã hội thông qua các trào lưu về đọc sách; Xây dựng chuyên trang www.tramdoc.vn bình luận, giới thiệu sách nhằm khuyến khích thói quen đọc sách, kết nối người yêu sách, hình thành cộng đồng độc giả lớn mạnh ở Việt Nam.

Thực hiện: Hải Quỳnh – Mi Ly/Trạm Đọc

You may also like

Leave a Comment