Biết điểm thi đại học, sẽ có người vui mừng, cũng có người khóc than. Đỗ hay trượt dẫu rằng chẳng định nghĩa một người, nhưng lại “định giá” tương lai bạn. Chẳng thể thoát khỏi lời nguyền con ngoan trò giỏi khi ngay cả bố mẹ ta cũng luôn coi điều đó như một phép tự kỉ ám thị lên tâm hồn bạn. Dù đời nói rằng bạn là ai do bạn lựa chọn. Thực tế, đời đã dọn sẵn con đường cho bạn đi. Chỉ là bạn sẽ vấp ngã hay thẳng lưng khi đi trên đó, chỉ là bạn sẽ gục ngã hay lớn mạnh hơn.
Bước chân vào đại học và những thách thức
Bước chân vào cổng trường đại học, những gì là ngốc xít thời cấp 3 cũng phải giã biệt. Bạn sẽ biết thế nào là giảng đường, những điểm số và các môn tín chỉ. Bạn sẽ biết thế nào là karaoke, ngồi cà kê trên những con phố tấp nập, nhấp ngụm trà đá cũng hội bạn thân. Cuộc đời sinh viên có rất nhiều ý vị, cũng có rất nhiều cám dỗ.
Rồi bạn sẽ yêu trong những năm ở giảng đường, một cô bạn gái hay chàng trai hợp nhãn? Ai sẽ lọt vào mắt xanh của bạn đây? Nhưng rồi 90% những người đã yêu, đều sẽ chia tay ngay sau khi ra trường. Rất nhiều tiền bối đi trước đã nhắc chúng ta rằng, tình yêu thời giảng đường rồi sẽ kết thúc trong nước mắt, thế mà trái tim lay lắt có vẻ không biết nghe lời, vẫn đến với mối duyên mà đời sắp đặt, để rồi đa phần kết thúc trong nước mắt. Chẳng biết bao nhiêu sẽ mỉm cười mà lòng thật đắng ngắt.
Bước chân vào đại học chưa phải là điểm cuối cuộc đời. Nó chỉ là một cánh cửa rèn luyện cho bạn con người, để sau này ra đời, bạn sẽ hoặc là thẳng lưng, hoặc là gục ngã. Đừng bảo đấy là khắc nghiệt, sự thật tàn nhẫn hơn nhiều. Nếu bạn không biết điều chỉnh bản thân và coi đây là cơ hội tốt, bạn sẽ trở thành con mồi cho phố xá và tình yêu của một đô thị đầy ánh đèn.
Những cuốn sách nâng bước chân ta: Hành trang trước khi ra đời
Vì thế, khi vào đại học, đừng quá tập trung vào điểm số hay thành tích hoạt động hạng A. Hãy sống và trải nghiệm, tôi rèn con người bạn. Đừng bó gối sống một mình, hãy kết bạn và quan sát những con người khác, để rồi trở nên sáng suốt hơn.
Làm thế nào để quan sát khi tuổi đời còn quá trẻ? Một lời khuyên quen thuộc, chính là đọc những cuốn sách hay. Có đọc thì mới biết, không thì cứ mải miết chạy theo dòng cảm xúc lúc nào cũng thay đổi.
Mỗi cuốn sách là một ô cửa sẽ đưa bạn đến thế giới khác nhau. Mỗi tác giả đã dùng trải nghiệm sống của mình để viết nên những cuốn sách để đời. Nếu được tiếp xúc với những cuốn sách mới ấy, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều năm sống, biết đâu là thử thách của mình và làm sao để vượt qua. Người ta nếu có thể tránh được thất bại của người khác, chính là mong được thành công.
Hãy trân trọng những cuốn sách, đó là con đường ngắn nhất giúp bạn tiến bước và trưởng thành.
Giáo trình cuộc đời: Những cuốn sách cần đọc
1. Lược sử vạn vật – Bill Bryson
Bạn thích khoa học, tò mò về trái đất và vũ trụ? Tất cả những gì bạn cần hỏi đều có trong này. Một cuốn sách dành cho mọi sinh viên để biết rằng những gì mình biết về thế giới thật ra rất hạn hẹp!
2. Combo Sapiens: Lược Sử Loài Người, Homo Deus: Lược Sử Tương Lai & 21 Bài Học Cho Thế Kỉ 21
Chúng ta biết gì về chính mình, tương lai sẽ đi về đâu? Combo ba cuốn sách này sẽ giải đáp các bí mật về con người, tương lai của chúng ta. Một cảm hứng kì lạ khi được lí giải về chính những gì chúng ta tưởng mình đã biết, thật ra là chưa.
3. Tư duy nhanh và chậm – Daniel Kahneman
Trước mỗi sự việc, bạn dựa vào điều gì để ra quyết định? Cảm xúc hay lí trí? Các quyết định dựa vào cảm xúc thường nhanh nhưng dễ sai lầm. Phải thay đổi tư duy nếu muốn thông minh, lí trí hơn. Hãy đọc cuốn sách này để học cách tư logic, chắc chắn, chính xác.
4. Dám bị ghét – Kishimi Ichiro, Koga Fumitake
Tuổi trẻ ai cũng có những mặc cảm. Cuốn sách là cuộc đối thoại giữa chàng trai và triết gia về những vấn đề của người trẻ. Hãy đọc để thấy bản thân trong đó, và tìm câu trả lời cho những gì bạn muốn biết về mình.
5. Hôm ấy cùng nhìn qua ô cửa sổ văn phòng chúng ta đã mỉm cười – Hạo Thái
Một cuốn sách trang bị cho bạn kỹ năng phải có khi đi làm. Nếu bạn phải làm ở đâu đó, cuốn sách sẽ chỉ bạn cách bảo vệ bản thân, làm tốt công việc, được đồng nghiệp và sếp yêu mến.
6. Đôi tai thấu suốt thế gian – OOPSY
Đã bao giờ bạn bị chê là người thiếu tinh tế? Một người chẳng biết lắng nghe? Tất cả là do chúng ta nói quá nhiều và ít lắng nghe. Cuốn sách này đưa ra các tip giúp bạn trở thành người lắng nghe giỏi để ai cũng muốn ở gần bạn.
7. Thế giới phẳng – Thomas L. Friedman
Được coi là kiệt tác của thế kỉ 21, cuốn sách 700 trang này chỉ sự phát triển toàn cầu hóa từ những năm đầu thứ kỉ XXI. Thế giới chuyển từ “tròn” sang “phẳng”, mô hình xã hội thay đổi, sự tiếp xúc của các cá nhân dễ dàng nhưng chặt chẽ hơn trước. Cuốn sách buộc phải đọc cho những ai học ngành kinh tế, ngoại giao.
8. Đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ – Cảnh Thiên
Đừng để bản thân nuối tiếc khi tuổi trẻ qua đi. Cuốn sách gồm các câu chuyện nhỏ giúp bạn hiểu ra cái giá của sự an nhàn. Hãy luôn cảnh giác nó để thôi thói lười biếng, sống nỗ lực và tiến về phía trước.
*
Bạn vẫn còn 4 năm trong giảng đường với thầy cô và bạn bè bao quanh. Để rồi sau 4 năm đó, bạn phải đặt chân bước ra cuộc đời, tự mình bước đi dù vẫn chơi vơi. Cuộc đời con người bắt đầu từ đây, và ta ý thức được rõ hơn cái mong muốn được-làm-người. Đấy là mong muốn được yêu thương, trân trọng và có người xoa dịu cảm xúc khi âu lo.
Nếu không vượt qua cảm xúc, ai cũng gặp phải những rào cản mà bản thân chính là chướng ngại lớn nhất. Đừng vội tự tin cho rằng ta còn trẻ và có tương lai xán lạn, nhưng chỉ 5-7 năm sau, khi gần 30 tuổi – ngưỡng của người trưởng thành, bạn sẽ hối hận vì đã không có cái nhìn sớm hơn về những sự thật cuộc đời. Cuộc sống này rất thực tế, thực tế đến cay nghiệt. Nếu bạn không sắt đá với chính mình, đời sẽ sắt đá với bạn.
Người có thể mài bén vũ khí của mình, biết dùng nó đúng lúc, nhất định sẽ tiến bước.
Giữa một cuộc đời mệt mỏi, sao chẳng cười và tiến lên?
CORVI