*Bài mình viết tặng Hanyu Yuzuru, đã đăng trên báo Nhân Dân cuối tuần. Đây là bản thảo đầu.
Tầm ảnh hưởng của Hanyu Yuzuru (VĐV trượt băng Nhật Bản) từ lâu đã vượt qua ranh giới thể thao. Anh là hiện thân sống động của những giá trị cốt lõi làm nên cốt cách Nhật Bản và là hình mẫu đẹp đẽ của một con người sống có lý tưởng.
Sức hút của một thần tượng
Hanyu Yuzuru có vẻ ngoài mảnh mai, gương mặt thoát tục và thần thái như một minh tinh màn bạc. Thi đấu ở một bộ môn thể thao giàu mỹ cảm như trượt băng nghệ thuật, Hanyu chẳng khác nào nghệ sĩ trên sân băng.
Vẻ đẹp phi giới tính của anh đã thu hút sự yêu mến của hàng triệu người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Đông Á và Việt Nam. Tại Olympic PyeongChang 2018, hàng nghìn người hâm mộ đã tạo nên ‘cơn mưa’ gấu bông để chúc mừng phần thi của Hanyu – một hình ảnh ngỡ chỉ xảy ra với những thần tượng giải trí.
Tất nhiên, Hanyu không chỉ ‘tốt nước sơn’. Anh là một trong những VĐV trượt băng vĩ đại nhất lịch sử môn thể thao này, với 19 lần lập kỷ lục thế giới và là người đầu tiên 2 lần liên tiếp giành HCV Olympic mùa đông trong kỷ nguyên hiện đại. Anh đạt đến trình độ hoàn hảo ở tất cả những khía cạnh trong trượt băng nghệ thuật, từ khả năng biểu cảm, kỹ thuật, cách lựa chọn trang phục và âm nhạc. Tại quê nhà Nhật Bản, Hanyu như một anh hùng dân tộc và là người trẻ nhất được trao tặng Huân chương Danh dự Quốc Dân cao quý.
Người ta dễ dàng bắt gặp những tấm băng-rôn cỡ lớn in hình ảnh VĐV 27 tuổi ở các đường phố lớn hoặc bị ấn tượng bởi cách tổ chức bài bản của các Fanyus – hội những người hâm mộ Hanyu. Anh là điểm giao thoa giữa thể thao và văn hóa đại chúng, khi mà một tượng đài Olympic mang những nét đặc trưng của thần tượng giới trẻ.
Tài năng phi thường của Hanyu được hàng triệu khán giả Trung Quốc yêu quý, bất chấp những căng thẳng chính trị với Nhật Bản. Thậm chí, một đại diện bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã viết thông điệp cổ vũ Hanyu trước thềm Olympic mùa đông Bắc Kinh, nói rằng ‘quốc bảo’ Nhật Bản sẽ có cảm giác ‘như trên sân nhà’. Và cũng không ai tưởng tượng nổi, cảnh người hâm mộ Bắc Kinh nhất tề ủng hộ Hanyu sau thất bại trước…VĐV gốc Trung Quốc.
Sức bật của một tượng đài
Hanyu Yuzuru sinh ra ở Sendai, Nhật Bản và bắt đầu trượt băng khi mới 4 tuổi theo lời ‘dụ dỗ’ của chị gái. Cha mẹ đặt cho anh tên “Yuzuru”, nghĩa là một sợi dây cung được kéo căng, hi vọng con trai họ sẽ kiên cường trước những thăng trầm cuộc sống. Trong những ngày đầu sự nghiệp, căn bệnh hen suyễn khiến Hanyu luôn gặp vấn đề thể lực. Lớn lên chút nữa, anh phải vật lộn với rất nhiều chấn thương nghiêm trọng.
Hanyu có lý do để luôn ‘cháy’ hết mình trên sân băng và bình thản vượt qua những thử thách. Năm 2011, trận động đất và sóng thần kinh hoàng đã suýt nữa cướp đi mạng sống của Hanyu-16-tuổi. “Khi trận động đất xảy ra, tôi đang tập luyện tại nhà. Tôi cố gắng chạy thoát khỏi căn nhà trên đôi giày trượt băng trước khi nó đổ sập. Tôi vô cùng hoảng sợ”, anh hồi tưởng.
Lần đối diện với tử thần ấy khiến cho Hanyu không còn sợ hãi trước chấn thương. Nỗi ám ảnh về cái chết, về nỗi lo không được theo đuổi đam mê đã làm lu mờ những vết đau thể xác. Năm 2014, tại giải đấu ở Trung Quốc, Hanyu nằm sõng soài trên sân băng sau tình huống va chạm kinh hoàng với Han Yan, VĐV nước chủ nhà trong phần khởi động. Trong lúc Han Yan được bộ phận y tế đưa thẳng vào trong, Hanyu nhẹ nhàng đứng dậy đưa tay vuốt những vệt máu đang chảy dài trên mặt, lướt vào cánh gà mà không lộ bất kỳ vẻ đau đớn nào. 40 phút sau, Hanyu giành ngôi Á quân với chiếc băng đầu thấm máu. Một trong vô số những câu chuyện khắc họa ‘ý chí Hanyu’.
Hanyu khiêm tốn, chưa từng ca ngợi bản thân nhưng là người rất tự tin. Năm 2005, cậu bé 11 tuổi Hanyu tuyên bố mục tiêu giành HCV Olympic. Đó là lúc cậu còn đang để kiểu tóc hình nấm giống “Sa hoàng băng giá” Plushenko, với tham vọng lên đỉnh thế giới như thần tượng. 8 năm sau, quốc ca Nhật Bản vang lên tại Sochi 2014, đánh dấu thời khắc Hanyu trở thành VĐV châu Á đầu tiên giành HCV Olympic đơn trượt băng nghệ thuật. 4 năm sau, anh tiếp tục là VĐV đầu tiên giành cú đúp HCV sau 66 năm ở tuổi 23. “Cậu ấy là VĐV số 1 và chính là huyền thoại của môn này”, trích lời Plushenko – thần tượng thuở nhỏ của Hanyu.
Sức sống của một lý tưởng
Trong môn trượt băng nghệ thuật, cú nhảy QuadAxel – 4A được xem là kỹ thuật khó nhất. VĐV phải xoay 4 vòng rưỡi trên không trước khi đáp xuống bằng một chân, với lực tác động gấp 7 lần trọng lượng của họ. Huyền thoại trượt băng nghệ thuật người Nga Alexei Mishin tin rằng không ai có thể thực hiện cú nhảy này vì nó vượt quá giới hạn con người. Trên thực tế, chưa có VĐV nào hoàn thành cú nhảy 4A trong một giải đấu chính thức, chứ chưa nói đến một kỳ Olympic. Người Nhật Bản gọi đây là cú nhảy Đế Vương.
Nhưng một cú nhảy 4A tại Olympic lại là ước mơ từ thuở bé của Hanyu Yuzuru. “Tôi vẫn nhớ về chính tôi năm 9 tuổi – một cậu bé khao khát thực hiện cú nhảy 4A hoàn hảo nhất”, anh tâm sự. Tại Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022, Hanyu Yuzuru gặp chấn thương trước ngày thi đấu khi cố gắng thực hiện cú nhảy trong lúc tập luyện.
Hanyu quyết định tiêm thuốc giảm đau để thi đấu. Về phần âm nhạc, anh lựa chọn các nhạc cụ truyền thống để tấu lên bản nhạc kể về một vị tướng huyền thoại Nhật Bản. Hanyu vút lên cao xoay đủ 4 vòng rưỡi, đáp xuống bằng một chân và ngã. Anh vẫn cố gắng thực hiện hết bài thi và không thể bảo vệ được tấm HCV. Hanyu thất bại trong việc chinh phục cú nhảy 4A nhưng đã chiếm trọn trái tim của người hâm mộ Bắc Kinh. Thay vì lựa chọn cách chơi an toàn để hướng đến huy chương, anh liều mình thách thức giới hạn bản thân theo đúng tinh thần Olympic: Nhanh hơn, cao hơn và mạnh hơn.
“Lòng dũng cảm vượt qua giới hạn bản thân tự nó đã quý giá hơn bất kỳ tấm huy chương nào”, một bình luận nhận được 120.000 lượt thích trên mạng xã hội Weibo. Hanyu không cần thêm bất kỳ tấm huy chương nào để trở nên vĩ đại nhưng quyết định táo bạo ở Olympic 2022 biến anh trở thành một lý tưởng về khát vọng chinh phục những đỉnh cao của con người. Ở kỳ Olympic ấy, một VĐV người Mỹ gốc Trung Quốc là Nathan Chen lên ngôi cao nhất trong sự thờ ơ của khán giả Bắc Kinh. Họ đề cao tài năng của Nathan Chen nhưng không thấy sự gắn kết nào với một chàng trai mang giá trị Mỹ. Sự khiêm tốn, kiên cường và chăm chỉ của Hanyu mới là hiện thân của văn hóa Á Đông.
Sau phần thi, Hanyu cúi xuống để chạm vào mặt băng, thì thầm nói lời cảm ơn trước khi rời sân. “Tôi vừa cho đi hết tất cả những gì mình có. Tôi không còn gì”, anh rơi nước mắt trước truyền thông. 5 tháng sau, Hanyu quyết định giải nghệ. Anh dừng lại nhưng giấc mơ ‘cú nhảy Đế Vương’ sẽ được các hậu bối tiếp tục.
Nguyễn Thế Đại Dương