GÕ CỬA NHẦM – NAM SINH BỊ CHỦ NHÀ NỔ SÚNG BẮN CHẾT

by admin

? Trên đường đến bữa tiệc Halloween, Yoshihiro Hattori bị Rodney Peairs bắn chết vì tưởng có ý đồ phạm tội. Bản án tuyên Rodney vô tội vào năm 1993 đã thu hút sự chú ý.

Tháng 8/1992, Yoshihiro Hattori, 16 tuổi, từ Nhật đến thành phố Baton Rouge, bang Louisiana, Mỹ theo chương trình trao đổi của American Field Service (AFS). Yoshi ở cùng một gia đình bản xứ gồm vợ chồng Haymaker và con trai tuổi teen, Webb.

Dù kém tiếng Anh, Yoshi hòa nhập tốt với môi trường mới, được nhiều bạn học yêu mến bởi tính cách thân thiện, luôn cười rạng rỡ.

Sau hai tháng ở Mỹ, Yoshi và Webb nhận được lời mời đến một bữa tiệc Halloween vào ngày 17/10/1992, được tổ chức cho các sinh viên trao đổi Nhật Bản. Yoshi mặc bộ lễ phục màu trắng bắt chước nhân vật của John Travolta trong bộ phim Saturday Night Fever.

Vào khoảng 20h, Yoshi và Webb lái xe đến giáo khu phía đông Baton Rouge, nơi tổ chức bữa tiệc. Hai chàng trai đã nhầm ngôi nhà của Rodney Peairs, 30 tuổi, nhân viên bán thịt ở siêu thị, và vợ Bonnie Peairs, với điểm đến dự định do địa chỉ và cách trang trí Halloween bên ngoài giống nhau.

Yoshi và Webb bấm chuông cửa trước ngôi nhà. Bonnie không ra cửa trước mà mở cửa hông dẫn đến nơi đậu xe và nhìn thấy Webb đang đứng cách đó vài mét. Webb đang đeo nẹp cổ do bị chấn thương và băng bó thêm để tạo thành trang phục Halloween.

Webb cố gắng nói chuyện với Bonnie, nhưng cô tỏ ra hoảng sợ khi thấy Yoshi xuất hiện từ trong góc và bước nhanh về phía cô. Bonnie đóng sầm cửa lại và bảo chồng đi lấy súng.

Ở bên ngoài, Webb đoán rằng hai người đã đến nhầm nhà. Họ đang chuẩn bị quay trở lại xe thì Rodney mở cửa hông, cầm khẩu súng lục ổ quay cỡ nòng 44 trong tay. Yoshi lùi về phía Rodney, nói: “Chúng tôi đến để dự tiệc”. Rodney chĩa súng vào Yoshi và quát “Đứng im”.

Webb nhìn thấy khẩu súng và hét lên cảnh báo bạn. Nhưng do hạn chế về tiếng Anh và không đeo kính áp tròng vào tối hôm đó, Yoshi dường như không hiểu mệnh lệnh “Đứng im” của Rodney và không nhìn thấy súng, hoặc thậm chí có thể nghĩ rằng đây là một trò đùa Halloween.

Khi Yoshi tiếp tục di chuyển về phía Rodney, huơ chiếc máy ảnh trong tay, Rodney nã súng trúng ngực nam sinh người Nhật từ khoảng cách 1,5 m.

Webb chạy sang nhà bên cạnh để cầu cứu. Phát súng xuyên qua phổi trái khiến Yoshi tử vong trên xe cấp cứu vài phút sau đó vì mất máu.

Bonnie hét “biến đi” khi hàng xóm kêu cứu. Hai vợ chồng không ra khỏi nhà cho đến khi cảnh sát đến, khoảng 40 phút sau vụ nổ súng.

Ban đầu, Sở Cảnh sát Baton Rouge nhanh chóng thả Rodney sau khi thẩm vấn và từ chối buộc tội anh ta. Theo quan điểm của họ, Rodney có quyền bắn kẻ xâm phạm. Chỉ sau khi Thống đốc bang Louisiana và lãnh sự Nhật Bản ở New Orleans lên tiếng phản đối, Rodney mới bị buộc tội ngộ sát.

Trên phiên tòa hình sự diễn ra vào tháng 5/1993, Rodney biện hộ rằng Yoshi có “cách di chuyển cực kỳ bất thường” mà bất kỳ ai cũng sẽ thấy “đáng sợ”. Yoshi cầm một chiếc máy ảnh khiến Rodney nhầm là vũ khí.

Rodney khai về khoảnh khắc ngay trước khi nổ súng: “Một người đi ra từ phía sau xe, di chuyển rất nhanh. Thời điểm đó, tôi chĩa súng và hét lên: ‘Đứng im!. Người đó vẫn tiến về phía tôi, di chuyển rất thất thường. Tôi kêu anh ta dừng lại nhưng anh ta không dừng, vẫn tiến về phía trước. Tôi nhớ là anh ta đã cười. Tôi sợ chết khiếp. Người này sẽ không dừng lại, anh ta sẽ làm hại tôi”.

Rodney khai rằng đã bắn một phát vào ngực Yoshi ở khoảng cách 1,5 m. “Tôi cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác”, anh ta nói. Một cảnh sát làm chứng rằng Rodney nói đã phạm sai lầm khi nhà chức trách đến hiện trường.

Ủy viên công tố quận cho rằng việc Rodney, một người đàn ông cao 1,88 m, có vũ trang, quá mức sợ hãi trước một thiếu niên nặng 59 kg, lịch sự bấm chuông cửa, không có vũ khí là không hợp lý.

Bên bào chữa lập luận rằng Rodney đã phản ứng hợp lý trước sự hoảng loạn của vợ. Bonnie liên tục khóc khi kể lại vụ việc: “Anh ta bước nhanh về phía tôi. Chưa ai lao về phía tôi như vậy. Tôi quá kinh hãi”. Rodney không hề do dự hay hỏi lại vợ mà lập tức đi lấy súng cất trong phòng ngủ.

Mô tả về Yoshi tại phiên tòa, Bonnie nói: “Tôi đoán anh ta có vẻ ngoài phương Đông, có thể là người Mexico. Anh ta cao hơn tôi và có làn da sẫm màu hơn”.

Phiên tòa kéo dài bảy ngày. Bồi thẩm đoàn tuyên Rodney không có tội sau khi cân nhắc khoảng ba tiếng. Đám đông trong phòng xét xử vỗ tay khi bản án được tuyên.

Sau phiên tòa, Rodney nói với báo chí rằng sẽ không bao giờ sở hữu súng nữa.

Trong một cuộc phỏng vấn, gia đình Haymaker nói nếu Yoshi là người da trắng, họ tin rằng nam sinh đã không bị sát hại, dựa trên lời Bonnie nói rằng nhận thấy Yoshi có “da sẫm màu” hơn cô. Bonnie bác bỏ những quan điểm cho rằng sự sợ hãi của cô xuất phát từ nguyên nhân chủng tộc.

Công chúng tại Nhật Bản bị sốc trước vụ nổ súng và việc Rodney được tha bổng.

Bản án vô tội ngay lập tức trở thành tin tức đầu đề trên các kênh truyền hình và phát thanh ở Nhật. Trên một bản tin của TV Tokyo, Giáo sư Sodei Rinjiro của Đại học Hosei cho biết việc tha bổng là điều có thể dự đoán vì “cả xã hội Mỹ đều bị ám ảnh bởi súng”.

Các phóng viên Nhật Bản tại phiên tòa ngạc nhiên khi người đàn ông bắn chết một cậu bé không có vũ khí lại được hàng xóm và các nhân chứng mô tả là một công dân đáng kính, và ngạc nhiên hơn khi khán giả trong phòng xét xử vỡ òa trong tiếng vỗ tay sau bản án.

Vụ án được coi là một sự xung đột của các nền văn hóa. “Người Nhật chúng tôi không hiểu xã hội súng của Mỹ. Và chúng tôi không hiểu tại sao người đàn ông này lại sợ hãi đến mức bắn một cậu bé”, phóng viên Yoshito Okubo nói.

Tuy nhiên, trong vụ kiện dân sự sau đó, tòa án cho rằng Rodney phải chịu trách nhiệm với bố mẹ của Yoshi và phải bồi thường 650.000 USD.

Luật sư của bố mẹ Yoshi lập luận rằng Bonnie đã phản ứng thái quá trước sự hiện diện của hai thiếu niên bên ngoài nhà. Hai vợ chồng Rodney đã cư xử bất hợp lý qua việc không giao tiếp với nhau để truyền đạt chính xác về mối đe dọa. Họ không chọn cách an toàn nhất là ở trong nhà và gọi cảnh sát, phạm sai lầm khi chọn tấn công thay vì phòng thủ. Rodney đã sử dụng súng quá nhanh mà không đánh giá tình hình, bắn một phát cảnh cáo hoặc chỉ bắn gây thương tích. Hơn nữa, so với Yoshi thấp bé, Rodney cao to hơn nhiều và có thể dễ dàng khuất phục đối phương.

Trái ngược với tuyên bố của Rodney rằng Yoshi di chuyển nhanh và bất thường về phía anh ta, bằng chứng pháp y chứng minh Yoshi đang di chuyển chậm, hoặc hoàn toàn không di chuyển, cánh tay tách xa cơ thể, cho thấy Yoshi không phải là mối đe dọa.

Rodney kháng cáo, nhưng Tòa phúc thẩm bang Louisiana giữ nguyên phán quyết vào tháng 10/1995. Đơn kháng cáo thứ hai bị Tòa án tối cao bang Louisiana bác bỏ vào tháng 1/1996. Trong tổng số 650.000 USD, công ty bảo hiểm của Rodney đã trả 100.000 USD, Rodney chịu trách nhiệm thanh toán 550.000 USD còn lại.

Khoản tiền bồi thường được bố mẹ Yoshi sử dụng để thành lập hai quỹ từ thiện dưới danh nghĩa con trai; một quỹ tài trợ cho các học sinh trung học Mỹ muốn đến thăm Nhật Bản, và một quỹ tài trợ cho các tổ chức vận động kiểm soát súng.

Bố mẹ Yoshi và vợ chồng Haymaker trở thành những nhà vận động tích cực để cải cách luật súng đạn ở Mỹ. Tháng 11/1993, bố mẹ Yoshi gặp Tổng thống Bill Clinton, trình bản kiến nghị có 1,7 triệu chữ ký của công dân Nhật Bản kêu gọi thắt chặt kiểm soát súng. Một bản kiến nghị có chữ ký của 250.000 công dân Mỹ cũng được trình lên Quốc hội.

Gia đình Yoshi và Haymaker ủng hộ Dự luật Brady, vốn được đưa ra trước Hạ viện từ năm 1991, yêu cầu kiểm tra lý lịch và có thời gian chờ 5 ngày để được mua súng ở Mỹ. Dự luật này được Tổng thống Clinton ký thành luật vào ngày 30/11/1993, với tên gọi Đạo luật Phòng chống Bạo lực Súng ngắn Brady. Theo Walter Mondale, đại sứ Mỹ tại Nhật Bản khi đó, cái chết của Yoshi “có tác động rất rõ ràng đến việc thông qua dự luật Brady”.

Năm 1997, nhà làm phim Christine Choy phát hành bộ phim tài liệu về cái chết của Yoshi mang tên The Shot Heard Round The World.

You may also like

Leave a Comment