Gough Whitlam, vị thủ tướng chống chiến tranh Việt Nam 

by admin

Sinh vào tháng 7/1916, là con trai của một luật sư, ông trở thành phó lãnh đạo Đảng Lao động năm 1960. Bảy năm sau, ông trở thành người dẫn dắt đảng này. Ngày 21/10/2014, vị thủ tướng thứ 21 của Australia Edward Gough Whitlam qua đời, hưởng thọ 98 tuổi. Whitlam trúng cử thủ tướng Australia từ Đảng Lao Động trong ba năm 1972-1975. Năm 1972 là lần đầu tiên sau 23 năm Đảng Lao Động trở lại cầm quyền. Whitlam được biết đến là vị thủ tướng tiến hành nhiều cải cách táo bạo trong thời gian tại chức và mang lại ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội Australia trong suốt thập niên 1970 – thời kỳ có nhiều biến động xã hội trên toàn thế giới. Chính phủ của Gough Whitlam đã lập ra chế độ bảo hiểm quốc gia (Medibank), bãi bỏ học phí đại học, bãi bỏ án tử hình đối với tội phạm liên bang, hạ độ tuổi đi bầu cử xuống còn 18 tuổi, trả lại vùng đất truyền thống ở Lãnh thổ phía Bắc Úc cho người Gurindji.

Trong thập kỷ 1960 và 1970, một trong những thay đổi xã hội lớn là sự tham gia ngày càng nhiều của phụ nữ trong lực lượng lao động. Một trong những quyết định đầu tiên Chính phủ của Thủ tướng Whitlam là xem xét lại phán quyết của tòa án năm 1969 về bình đẳng giới trong chế độ lương, và yêu cầu phụ nữ phải được nhận lương tương đương với nam giới, xóa bỏ mọi phân biệt không công bằng với phụ nữ, bắt đầu hiệu lực từ năm 1972. Năm 1973, chính phủ Whitlam xóa bỏ chính sách một Australia da trắng, và lần đầu tiên đưa vào xã hội nước này khái niệm “một xã hội đa sắc tộc”. Theo đó chính sách nhập cư của nước này không còn chỉ hạn chế trong cồng đồng các nước châu Âu, và bắt đầu cho phép người da màu từ các quốc gia ngoài châu Âu nhập cư vào Australia.

Hình ảnh một nước Australia mới trên trường quốc tế được tạo dựng với chính phủ của Thủ tướng Whitlam, đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Australia với Trung Quốc và Việt Nam. Năm 1971, khi còn là lãnh đạo của đảng đối lập, Whitlam đã có một bước đi đầy mạo hiểm: ông đến thăm Trung Quốc và gặp gỡ Thủ tướng Chu Ân Lai, để bàn bạc về những điều kiện cần thiết để thiết lập quan hệ song phương nếu Đảng Lao động trúng cử trong kỳ bầu cử năm 1972. Một số người đã chỉ trích Whitlam về động thái này, do lo ngại nó sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ liên minh với Hoa Kỳ – quốc gia chưa lập quan hệ chính thức với Trung Quốc vào năm 1971. Tuy nhiên, trên thực tế, khi Whitlam vừa rời Trung Quốc thì Ngoại trưởng Kissinger đến làm việc với lãnh đạo Trung Quốc để chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức của Tổng thống Nixon. Chỉ trong vòng ba tuần kể từ khi nhậm chức, Chính phủ Whitlam đã chính thức thiết lập quan hệ song phương với Trung Quốc. Đây được coi là sự thay đổi về chất trong chính sách ngoại giao của Australia với thế giới và trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Khi còn là lãnh đạo của đảng đối lập, Whitlam luôn chỉ trích sự dính líu của Australia trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Ông gọi cuộc chiến tranh đó là “thảm họa và ảo tưởng”. Tương tự như tại Hoa Kỳ, cuộc chiến tranh ở Việt Nam là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong xã hội nước này trong thế kỷ 20. Năm 1969, trong một phát biểu trong chiến dịch bầu cử của Đảng Lao Động, Whitlam nêu rõ sự sai trái trong chính sách đối ngoại của Australia với Việt Nam: “Mục đích duy nhất mà nước này tham gia vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam là để đảm bảo lực lượng quân sự của Hoa Kỳ có mặt ở châu Á. Đó là kết quả duy nhất cho việc tàn sát cả một quốc gia văn minh, một dân tộc đầy tự hào.”

Ngày 9/12/1972, bảy ngày sau khi nhậm chức, ngay trước khi Mỹ tiến hành ném bom miền Bắc Việt Nam (“chiến dịch Điện Biên Phủ trên không”), Thủ tướng Whitlam tuyên bố rút toàn bộ sự có mặt quân sự của nước này tại Việt Nam, chấm dứt 11 năm chiến tranh lâu nhất trong lịch sử quân sự nước này (1962-1973). Ông bãi bỏ chế độ quân dịch, rút quân Úc khỏi Nam Việt Nam và thả những người vào tù vì không chịu đi lính sang Việt Nam. Trong vòng ba tháng nhậm chức, tháng 2/1973, Thủ tướng Whitlam chính thức công nhận và thiết lập quan hệ với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đây đúng là thời điểm ngay sau khi Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết, Hoa Kỳ bắt đầu rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, nhằm kết thúc cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Vào năm 1973, Australia là một trong số rất ít các quốc gia phương Tây nằm ngoài khối Đông Âu có quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Năm 1974, chính phủ Whitlam đón chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ông Phan Anh, tới Australia và đã ký một hiệp định thương mại song phương trong chuyến thăm này.

Winfred Burchett là nhà báo chiến trường người Australia nổi tiếng, là phóng viên phương Tây duy nhất viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ miền Bắc Việt Nam, có mối quan hệ với Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Con trai Winfred, ông George, hiện sinh sống tại Hà Nội, kể rằng: năm 1955, hộ chiếu của Winfred Burchett bị mất, và chính quyền Australia từ chối cấp lại, do không đồng tình với nội dung các bài viết của Burchett. Khi trở thành thủ tướng Australia tháng 12/1972, chính quyền Whitlam ngay lập tức cấp hộ chiếu mới cho nhà báo Windred Burchett. Vị thủ tướng với khẩu hiệu tranh cử nổi tiếng năm 1972 “Các đồng chí, đã đến lúc!” (It’s time, comrade). Vị thủ tướng luôn gọi các đồng sự của mình là “đồng chí”. Vị thủ tướng được nhớ đến nhiều nhất của nước Australia, ngay cả cách ông bị bãi nhiệm vào năm 1975 bởi một quyết định đầy bất ngờ của Toàn quyền Australia. Vị thủ tướng với bài phát biểu bãi nhiệm ngắn ngủi nhất và đáng nhớ nhất trong lịch sử chính trị nước này: “Thưa quý ông, quý bà, chúng ta có thể hát quốc ca “Chúa Trời cứu giúp Nữ hoàng” vì không có gì có thể cứu giúp được vị Toàn quyền!”. Ông là Thủ tướng gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Úc, muốn giảm bớt quan hệ với Anh.

Chính phủ của Gough Whitlam đã không thể kiềm chế lạm phát kinh tế vào thời kì đó trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Ông Whitlam kêu gọi một cuộc bầu cử mới vào năm 1974 và chiến thắng. Nhưng lúc này, đảng Lao động chỉ còn kiểm soát Hạ viện. Phe Bảo thủ châm ngòi cho khủng hoảng hiến pháp năm 1975 khi họ từ chối thông qua ngân sách và đòi bầu cử mới. Ông Whitlam từ chối. Sau nhiều căng thẳng, Sir John Kerr, đại diện cho Nữ hoàng Anh Elizabeth II và trên danh nghĩa là nguyên thủ của Úc, đã giải tán chính phủ. Đảng Lao động thua trong cuộc bầu cử sau đó và phải ở thế đối lập mãi cho đến năm 1983.

Gough Whitlam sau đó đã từ chức lãnh đạo Công đảng và từ giã sự nghiệp chính trị vào năm 1978. Mặc dù không thể quay lại chính phủ, ông Whitlam vẫn được các đảng viên Lao động kính trọng. Ông tự nói về mình như sau: “Tôi không bảo mình là thủ tướng giỏi nhưng tôi chấp nhận quan điểm chung cho rằng tôi đã là thủ tướng giỏi nhất.” Sau khi rời chính trường, nhà lãnh đạo thất thế trở thành đại sứ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Ông thường xuyên xuất hiện tại cuộc họp quan trọng của Đảng Lao động Úc. Phu nhân của ông Whitlam, bà Margaret, qua đời vào năm 2012 ở tuổi 92, sau 70 năm chung sống hạnh phúc cùng 4 người con.

You may also like

Leave a Comment