Nếu bạn đang bế tắc vì chưa tìm được câu trả lời dù đã cố nghĩ về nó nhiều lần, đây là lúc bạn nên dừng lại và tìm cách cách kiểm soát suy nghĩ.
Đôi khi, việc chú tâm suy nghĩ đến mọi việc là việc làm có lợi. Bằng cách nhìn vào một tình huống từ nhiều góc độ và cân nhắc các tùy chọn, chúng ta có thể đưa ra quyết định với sự tự tin. Song, việc suy nghĩ quá mức thỉnh thoảng lại đem đến không ít khó khăn.
Việc cố gắng giải quyết những lo lắng là điều quen thuộc. Tuy nhiên, học cách kiểm soát suy nghĩ lại là điều quan trọng hơn. Nếu bạn không giải quyết được những lo lắng của mình, chúng sẽ lớn dần và đáng sợ hơn. Khi bạn đang mắc kẹt trong vòng lặp tâm trí, dưới đây là một số cách để giải phóng bản thân một cách lành mạnh.
TẠM DỪNG SUY NGHĨ
Bước đầu tiên trong việc hình thành thói quen kiểm soát suy nghĩ là nhận ra khi nào bạn đang bị quá tải. Khi bạn ý thức được mình đang có xu hướng quan trọng hóa vấn đề, hãy tạm dừng mọi thứ. Bạn không nên sa lầy vào mớ suy nghĩ hỗn độn vì bạn sẽ chẳng tìm ra được gì ngoài cảm giác khó chịu và mệt mỏi.
LÀM ĐIỀU GÌ ĐÓ THẬT KHÁC
Sau khi tạm dừng dòng suy nghĩ, bạn cần cho phép bản thân thư giãn trong khoảng thời gian này. Hay nói cách khác, hãy đánh lạc hướng bộ não bằng cách làm một điều gì đó khác đi. Ví dụ, bạn có thể đọc một quyển sách hay, xem phim, nấu ăn, đi dạo hoặc đơn giản là nghe những bài hát nhẹ nhàng để lấy lại cân bằng. Khi tâm trạng thoải mái, bạn sẽ dễ dàng tìm lại cảm hứng.
MẠO HIỂM
Nếu bạn đang suy nghĩ quá mức về một quyết định, hãy nhớ rằng lo sợ thất bại không thể giúp bạn thành công. Đây là lúc bạn cần từ bỏ ý nghĩ lý tưởng hóa mọi thứ. Trong thực tế, những người ngại vấp ngã là những người… không làm gì cả. Hãy mạnh mẽ đón nhận mọi thứ xảy đến với bạn, dù là thành công hay thất bại vì sau đó, bạn sẽ nhận về nhiều bài học để trưởng thành hơn.
NGHĨ VỀ NHỮNG ĐIỀU TÍCH CỰC
Đừng tự vẽ ra kịch bản tiêu cực về một tương lai chưa xảy ra. Những lúc như thế, bạn đang làm mòn đi sự tự tin và lòng nhiệt huyết của mình. Thay vào đó, bạn nên kiểm soát suy nghĩ, hướng sự quan tâm đến những điều tốt đẹp, tích cực hơn. Hãy nghĩ đến việc bạn sẽ trở nên mạnh mẽ như thế nào nếu vượt qua giai đoạn khó khăn này. Suy nghĩ có thể quyết định cách thức bạn làm mọi việc trong cuộc sống. Ví dụ, khi bạn nhìn nhận áp lực từ cấp trên là động lực để hoàn thiện, bạn sẽ có thêm lý do cố gắng hơn thay vì trách móc, kêu ca.
ĐẶT MỌI THỨ VÀO BỨC TRANH RỘNG HƠN
Khi trói mình vào dòng suy nghĩ không hồi kết, bạn sẽ cảm thấy trước mắt có một rào cản lớn rất khó vượt qua. Nhưng khi bạn dành thời gian để ngẫm nghĩ, đặt nó vào bức tranh rộng hơn, bạn sẽ nhận ra khó khăn hiện tại chỉ là một trong rất nhiều thử thách bạn sẽ gặp trên cuộc đời này. Liệu 1 năm sau, 5 năm sau hay 10 năm sau, câu chuyện này có còn quan trọng với bạn không? Khi nghĩ được như thế, bạn có thể hiểu rằng mỗi trở ngại hôm nay đều là từng viên gạch giúp bạn xây dựng sự tự tin, lòng can đảm và bản năng vững chãi sau này.
THỰC HÀNH LÒNG BIẾT ƠN
Một cách thực hành khác giúp bạn kiểm soát suy nghĩ chính là nhớ về những điều bạn biết ơn trong cuộc sống. Nghe có vẻ không liên quan nhưng cách này sẽ giúp bạn hướng đến những điều ý nghĩa hơn. Não bộ của chúng ta sẽ không thể tồn tại song song hai luồng suy nghĩ biết ơn và sự hối tiếc. Do đó, khi bạn nhớ về những câu chuyện hạnh phúc, tâm trí sẽ dần tránh xa cảm xúc tiêu cực. Hãy ghi lại những gì bạn biết ơn trong ngày, bạn sẽ nhận ra còn rất nhiều thứ đáng quan tâm hơn xung quanh bạn.
THƯỜNG XUYÊN LẶP LẠI NHỮNG THÓI QUEN TRÊN
Bộ não rất dễ quay về “con đường cũ” khi bạn không duy trì thói quen suy nghĩ tích cực mỗi ngày. Những biện pháp trên đây cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn không luyện tập chúng thường xuyên. Benjamin chia sẻ: “Xu hướng quá tải suy nghĩ có thể không biến mất hoàn toàn nhưng bạn có thể làm chủ nó một cách kịp thời”. Đừng để suy nghĩ kiểm soát hành động và cảm xúc của bạn. Chính bạn mới có thể quản lý và hướng nó đến những điều bạn mong muốn.
Nguồn: MOYO