Lần đầu tiên, các lãnh đạo Triều Tiên đặc biệt xem trọng sự kiện ở Việt Nam là năm 1962-1963. Trong mắt họ, sự phát triển của phong trào du kích ở Nam Việt Nam chứng tỏ chiến tranh cường độ thấp có thể gây hại cho kẻ thù mà không khiến Mỹ đáp trả hạt nhân. Triều Tiên quyết định dùng chiến thuật tương tự chống chế độ độc đoán Park Chung Hee. Nhưng họ đối mặt thách thức lớn: đội quân xâm nhập vào Hàn Quốc không thể tìm được sự ủng hộ của dân chúng như du kích ở Nam Việt Nam.
Do điều kiện ở Hàn Quốc không thuận lợi để nuôi dưỡng cách mạng quần chúng chống chính thể Park, Kim Nhật Thành quyết định tận dụng chiến tranh Việt Nam. Đến cuối 1966, số quân Mỹ ở Việt Nam đã là 385.000. Trong hoàn cảnh này, Washington ít có khả năng có hành động quân sự ở Triều Tiên hơn. Kim kết luận nếu Mỹ kẹt cứng ở Việt Nam, ông có thể tấn công đánh quỵ chính quyền Hàn Quốc. Để đạt mục tiêu này, Triều Tiên đổ viện trợ quân sự và kinh tế vào Bắc Việt Nam. Thậm chí nước này điều một số phi công chiến đấu tham gia chiến đấu chống không quân Mỹ. Trong ba năm, giới lãnh đạo hai bên xem nhau như đồng minh tin cậy nhất.
Nhưng niềm tin không kéo dài lâu. Tháng 1/1968, Triều Tiên dùng đặc công đánh vào phủ tổng thống Hàn Quốc định giết Park Chung Hee. Khi vụ này thất bại, Triều Tiên bắt giữ tàu tình báo Mỹ Pueblo để đánh lạc hướng chú ý. Đây là lần đầu tiên các viên chức Bắc Việt Nam nói với các đồng chí Đông Âu rằng họ không hài lòng về Bình Nhưỡng. Có thể vì vụ tàu Pueblo khuyến khích Mỹ động viên lính dự bị và điều thêm lính tới vùng Viễn Đông. Tháng 5/1968, đến lượt Triều Tiên bực mình. Theo họ, việc mở đầu đàm phán hòa bình ở Paris nghĩa là Mỹ có thể bớt quan tâm Đông Dương và xoay sang bán đảo Triều Tiên. Lo lắng muốn giữ Mỹ ở Việt Nam, họ liên tục kêu gọi tiếp tục đấu tranh vũ trang, và bày tỏ nghi ngờ về tính khả thi của giải pháp thương lượng. Quyết tâm chấm dứt chiến tranh sớm, phía người Việt giữ lập trường vừa đánh vừa đàm, trong khi Triều Tiên nhanh chóng giảm bớt viện trợ cho Hà Nội.
Tệ hơn, thái độ thù địch của Triều Tiên với hòa đàm Paris giúp Triều Tiên đạt thân thiện với Trung Quốc, gây hại cho Hà Nội. Giai đoạn 1966-67, Triều Tiên và Bắc Việt Nam đoàn kết trước sức ép Trung Quốc. Nhưng năm 1969, Triều Tiên bắt đầu tách khỏi Hà Nội, hướng tới Bắc Kinh. Khi xảy ra cuộc chiến Campuchia (1970-75), Kim Nhật Thành ủng hộ kế hoạch của Trung Quốc muốn tạo ra mặt trận thống nhất Triều Tiên – Việt Nam – Lào – Campuchia – Trung Quốc. Kim nghĩ rằng cuộc chiến Campuchia và kế hoạch mặt trận năm nước sẽ đem lại điều tốt hơn, vì chúng bảo đảm Trung Quốc tích cực tham gia đấu tranh chống Mỹ.
Nhưng lãnh đạo Bắc Việt Nam nghĩ khác. Theo họ, bước đi của Bình Nhưỡng thách thức vai trò chủ đạo của Bắc Việt Nam ở Đông Dương. Trong một khối do Trung Quốc dẫn dắt lại không có Liên Xô, ảnh hưởng của Hà Nội sẽ bị Bắc Kinh che khuất. Ngoài ra, Trung Quốc và Triều Tiên muốn hỗ trợ quân sự trực tiếp cho du kích Khmer Đỏ, thay vì chuyển vũ khí qua đường Bắc Việt Nam giống Liên Xô đã làm. Vậy là cuộc chiến Campuchia tạo ra hai tam giác thù nghịch: trục Triều Tiên – Campuchia – Trung Quốc đối lại với liên minh Lào – Liên Xô – Việt Nam. Lãnh đạo cộng sản Bắc Việt Nam cũng không thích thú với cuộc đối thoại (tuy chết yểu) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Ngày 4/7/1972, chính phủ hai miền Triều Tiên ra tuyên bố chung kêu gọi “thống nhất đất nước”. Có thể lo ngại của Việt Nam là một khi Triều Tiên chấp nhận Hàn Quốc là đối tác thương lượng, Mỹ có thể dùng đối thoại Triều Tiên làm tiền lệ hối thúc Hà Nội thương lượng song phương với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Ngày 23-26/1/1973, phái đoàn Bắc Việt Nam của phó thủ tướng Lê Thanh Nghị thăm Triều Tiên, nhưng chủ nhà đón tiếp lạnh nhạt. Triều Tiên từ chối cấp gạo và vũ khí cho Hà Nội. Nhưng Triều Tiên nói “uy tín quốc tế” khiến hai nước cần ra tuyên bố chung rằng Triều Tiên hào phóng viện trợ cho Việt Nam.
Sau khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa ngày 19/1/1974, Triều Tiên là một trong số rất ít nước chính thức công nhận đây là lãnh thổ Trung Quốc. Chiến tranh Việt Nam kết thúc không giúp hai nước hòa thuận trở lại. Ngược lại, nó tạo ra vấn đề mới. Báo chí Triều Tiên viết tương đối ít về chiến thắng của Việt Nam, trong khi giới chức Triều Tiên, trong chốn riêng tư, phàn nàn rằng Mỹ, sau khi bị đá khỏi Nam Việt Nam, nay tăng cường kiểm soát Hàn Quốc. Một điểm bất ngờ khi Bắc Việt Nam giải phóng Sài Gòn là họ giữ bốn nhà ngoại giao Hàn Quốc. Việt Nam không cho bốn người này ra đi, nhưng cũng không giao cho Triều Tiên. Triều Tiên muốn trao đổi nhóm này với các điệp viên miền bắc bị giam ở Hàn Quốc. Rốt cuộc, Việt Nam tổ chức đàm phán với hai phía Triều Tiên ở đất trung lập. Đối thoại ba bên diễn ra ở New Delhi mùa hè 1978. Khi Hàn Quốc đề nghị Bình Nhưỡng trao danh sách điệp viên mà họ muốn trao đổi, Triều Tiên không chịu nêu tên ai với lý do nếu công bố tên thì hóa ra thừa nhận những người này làm gián điệp. Triều Tiên làm tình hình thêm phức tạp khi đòi trả 70 tù nhân đổi lấy một người Hàn Quốc. Rốt cuộc, Việt Nam thấy không thể trao đổi với Bình Nhưỡng nên quyết định đơn phương và vô điều kiện thả bốn tù nhân.
Vào thời điểm này, Bình Nhưỡng và Hà Nội còn căng thẳng vì Campuchia. Hà Nội không thích thú gì khi tháng 9/1977, Pol Pot thăm cả Trung Quốc và Triều Tiên. Căng thẳng lên đỉnh cao mùa đông 1978-79, khi Việt Nam tiến vào Campuchia, lật đổ Pol Pot. Ngày 13/1/1979, tờ báo chính thức của Triều Tiên, Rodong Sinmun, lên án Việt Nam. Tháng 2/1979, khi Trung Quốc mở “chiến tranh trừng phạt” Việt Nam, báo chí Triều Tiên thậm chí còn không đả động sự kiện. Trong thập niên 1980, lãnh đạo Triều Tiên đòi Việt Nam rút khỏi Campuchia. Tại các cuộc họp của phong trào Không Liên kết, họ đòi Campuchia được đại diện bởi chính quyền Pol Pot, và thậm chí đòi đuổi Việt Nam ra khỏi tổ chức.
Sau khi Việt Nam rút khỏi Campuchia, sự kiện này rốt cuộc xóa bỏ trở ngại trong hợp tác Triều Tiên – Việt Nam. Nhưng Việt Nam ngày càng không chịu ủng hộ Bình Nhưỡng chống Seoul. Ngược lại, Hà Nội bắt đầu xem Hàn Quốc là đối tác kinh tế và mô hình tiềm năng cho Đổi mới. Sau khi Trung Quốc thành lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc tháng 8/1992, Hà Nội nhanh chóng ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ với Seoul ngày 22/12/1992. Quan hệ Việt – Triều từ đó chuyển sang một bước mới, thành quan hệ tay ba với cả Hàn Quốc.
Tác giả: tiến sĩ Balazs Szalontai, đang giảng dạy ở Đại học Korea (Korea University), Seoul, Hàn Quốc.
Hình dưới:
Chủ tịch Hồ Chí Minh (trái) và Thủ tướng Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng năm 1957.