Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol yêu cầu các cơ quan chức năng nước này xem xét lại kế hoạch nâng thời gian làm việc tối đa một tuần lên 69 giờ, Guardian đưa tin ngày 15/3.
Ông Yoon cũng đề nghị giới chức Hàn Quốc “trao đổi tốt hơn với công chúng, đặc biệt với Gen Z và Gen Y”, bà Kim Eun Hye, Thư ký Báo chí của ông Yoon, nói với Korea Herald.
“Điểm cốt lõi trong chính sách với thị trường lao động (của ông Yoon) là bảo vệ quyền và lợi ích của những người lao động yếu thế như Gen Y và Gen Z, công nhân không tham gia nghiệp đoàn và những người làm việc trong doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Kim nói thêm.
Trước đó, ông Yoon – nhà lãnh đạo theo xu hướng bảo thủ – ủng hộ thay đổi để giúp người sử dụng lao động có thể có chính sách linh hoạt hơn. Kế hoạch sẽ thay đổi điều luật giới hạn giờ làm ở mức 52 giờ (gồm 40 giờ chính thức và 12 giờ làm việc ngoài giờ) được đảng Dân chủ – có xu hướng tự do – đưa ra năm 2018.
Tuy vậy, giới công đoàn tại Hàn Quốc tuyên bố việc tăng giờ làm sẽ buộc người lao động phải làm việc dài hơn – nhất là với nền văn hóa công sở tại xử sở kim chi.
Kế hoạch này cũng bị chỉ trích vì đi ngược lại xu hướng giảm giờ làm của các nền kinh tế lớn khác. Ví dụ, nhiều công ty Anh đã thử nghiệm chính sách ngày làm việc bốn tuần mà vẫn đạt kết quả không thấp hơn, thậm chí còn tốt hơn trước.
Người lao động Hàn Quốc làm việc trung bình 1.914 giờ trong năm 2021 – cao hơn 199 giờ so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và cao hơn tới 566 giờ so với người Đức.
Thời gian làm việc kéo dài được cho là nguyên nhân chính khiến tỉ lệ sinh của Hàn Quốc thuộc hàng thấp nhất trên thế giới, trong khi tỉ lệ tự tử lại thuộc hàng cao nhất ở mức 24,1/100.000 người.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng có mối liên hệ giữa thời gian làm việc kéo dài với tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim.
Năm 2021, bà Maria Neira – giám đốc bộ phận biến đổi khí hậu, môi trường và sức khỏe của WHO – đã khẳng định làm việc 55 giờ trở lên mỗi tuần ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Người lao động phản đối mạnh mẽ đề xuất này vì lo ngại nó sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người sử dụng lao động khuyến khích họ làm nhiều thêm trong những giai đoạn cao điểm.
Theo Zing, Tuổi Trẻ