Đối với nhiều gia đình hiếm muộn, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại nhất bây giờ với tỷ lệ thành công cao, áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến. Tuy nhiên, hành trình thụ tinh trong ống nghiệm diễn ra không hề dễ dàng và thuận lợi, có nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn lâu năm, đã nhiều lần làm IVF nhưng con đường tìm kiếm hạnh phúc chưa bao giờ là dễ dàng.
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Thế Cường và chị Nguyễn Thị Mai Lan (Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh đã từng trải qua hành trình 18 năm với hơn 6.500 ngày tìm con. Anh chị từng hy vọng rồi lại thất vọng, mòn mỏi mong chờ tiếng khóc trẻ thơ.
Chia sẻ về hành trình điều trị của mình, chị Mai Lan cho biết, vốn yêu trẻ con, từ sau khi kết hôn, gia đình đã hết sức mong mỏi nhưng một thời gian lâu mà vẫn không tin vui. Lấy nhau nhiều năm không có con cuộc sống vợ chồng anh chị có lúc rơi vào trầm tư, suy nghĩ… Thậm chí “chan đầy nước mắt” vì một số lời nói ác ý từ người ngoài rằng “không biết sinh con…”
Sau khi thăm khám tại địa phương, biết mình khó đường con cái, anh chị đã chủ động tìm thầy tìm thuốc, ngược xuôi từ Bắc vào Nam để điều trị hiếm muộn. Ban đầu anh chị điều trị nội khoa, có bệnh thì vái tứ phương, Đông Tây y kết hợp đủ cả.
Nhận thấy các phương pháp điều trị vẫn không có tác dụng, anh chị đã tìm hiểu và được biết về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm được xem là phương pháp điều trị hiếm muộn tiên tiến nhất, với nhiều ưu điểm như tỷ lệ thành công cao, hỗ trợ được rất nhiều tình trạng vô sinh hiếm muộn.
“Nhưng ngay cả khi lựa chọn điều trị bằng phương pháp hiện đại nhất thì vợ chồng tôi cũng đối mặt với những nguy cơ không thành công do tình trạng bệnh lý phức tạp. Chồng tôi tinh trùng yếu, tôi lớn tuổi, trứng kém, AMH thấp, trải qua 2 lần đầu IVF tại các cơ sở có uy tín nhưng cả hai vợ chồng vẫn chưa thành thành công trong khi chi phí cho mỗi lần điều trị là không hề nhỏ”, chị Mai Lan tâm sự.
Cùng cảnh ngộ với vợ chồng chị Mai Lan, anh Cao Văn Toàn (42 tuổi) và chị Phạm Thị Hường (38 tuổi, quê Thái Nguyên), cũng là trường hợp hiếm muộn trong một thời gian dài.
Anh Toàn và chị Hường cũng đã tìm hiểu về phương pháp IVF và quyết định khăn gói vào Nam thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại cơ sở hỗ trợ sinh sản uy tín. Hy vọng rồi lại thất vọng, anh chị lại thêm gánh nặng về kinh tế khi trước đó đã phải gom góp vay mượn bạn bè, gia đình người thân để đi chữa bệnh.
Năm 2020, anh Cường chị Lan đọc được thông tin về chương trình thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ nên anh chị đã động viên nhau cố gắng thêm lần nữa vì mong mỏi cuối cùng được nghe tiếng khóc trẻ thơ.
Hơn ai hết, anh chị hoàn toàn hiểu rõ, mặc dù IVF là phương pháp hiện đại nhưng không phải lúc nào cũng “đậu thai” ngay lần đầu tiên, chi phí suốt quá trình thăm khám và chữa bệnh là không hề nhỏ, việc bệnh viện cam kết khiến các gia đình thêm vững tin và có lẽ chính điều này đã góp phần mang thêm may mắn đến với gia đình anh Cường, chị Lan.
Làm IVF lần thứ 3 được thực hiện ở IVF Việt – Bỉ, vợ chồng anh Cường, chị Mai Lan đã vỡ oà trong hạnh phúc khi đón bé trai đầu lòng. Gia đình anh Toàn và chị Hường cũng tìm được hạnh phúc sau hành trình dài thăm khám và điều trị tại đây.
Ngày 26/05/2021, chị Hường đã hạ sinh hai bé kháu khỉnh và khỏe mạnh là: Cao Khánh Linh và Cao Khánh Ly.
Nhìn lại hành trình hơn 18 năm điều trị hiếm muộn, chị Hường chia sẻ: “Quả thực, không có niềm hạnh phúc nào đến dễ dàng, nhất là đối với những gia đình hiếm muộn như vợ chồng em.
Khi chưa điều trị thì lo tìm thầy tìm thuốc, khi biết đến phương pháp IVF hiệu quả nhưng tốn kém, gia đình lại phải lo chuẩn bị kinh tế. Đến khi thực hiện thì ai cũng nghĩ sẽ thành công nhưng nào biết là phương pháp nào cũng có giới hạn”.
Theo chị Hường, con chưa đến nhưng nhiều khi kinh tế đã can kiệt để theo đuổi hành trình điều trị. Cũng nhờ sự hỗ trợ từ chương trình của bệnh viện và rồi may mắn đã mỉm cười với gia đình chị.