Hậu cần Trung Cổ (phần 9)

by admin

Muốn đánh nhau thì phải chi ra thật nhiều tiền. Đa số trường hợp, bạn sẽ thấy khoản tích cóp vài năm hay thậm chí từ thời ông nội để lại bốc hơi chỉ sau một chiến dịch, do vô số chi phí phát sinh mà ban đầu không dự tính được.

Vậy phải kiếm tiền, thậm chí trong lúc ngoài doanh trại đang choảng nhau thì bộ phận kế toán đã phải ngồi tính để trình nhà vua. Biện pháp đầu tiên là bán đặc quyền phong kiến (ví dụ tự trị nội bộ, nhiều thành phố giàu sẵn sàng chi trả khoản này, quý tộc do vua cử đến cai quản sẽ rút lui và hội đồng tự bầu sẽ quản lý thành phố).

Thứ hai là đi vay, vay hông trả được thì xù nợ (khoản nợ lớn nhất mọi thời đại là vụ vua Edward III quỵt tiền 3 gia tộc Florentine,Bardi và Peruzzi). Vua Philippe IV của Pháp thì gán tội để xử luôn chủ nợ.

Thứ ba là thuế, ép giáo dân và giáo sĩ phải nộp thuế (trước được miễn), tăng thuế hải quan (triều đình Anh làm như vậy với vải len xuất khẩu suốt thời kỳ Chiến tranh Trăm Năm). Ngoài ra có thể đặt thêm thuế mới, như thuế Saladin sau năm 1187 tính là 10% doanh thu và tài sản lưu động hàng năm.

Thứ tư là tiền chuộc tù binh. Không chỉ quý tộc mà cả lính thường, nếu gia đình có điều kiện, cũng có thể đem tiền đến chuộc về. Quy định nội bộ các đội quân hay các đơn vị rất khác nhau, nhưng nói chung tiền sẽ được thanh toán cho người trực tiếp bắt giữ, vậy nên túm sống được đối phương có giá chả khác nào trúng số. Sau trận chiến Agincourt năm 1415, một cung thủ tên là William Callowe đã kiếm được gần 100 bảng Anh sau khi trói gô được một quý tộc Pháp, tương đương lương anh ta trong 11 năm. Ở chiều ngược lại, gia đình một cung thủ Anh (nếu bị bắt) có thể phải trả khoảng một năm lương cho người Pháp để chuộc anh ta về. Do đó, tù binh giá trị thường được đối xử tốt và tạo mọi điều kiện để liên lạc về nhà (viết thư, gửi tín vật…).

Các chiến dịch lớn ở Anh thời Trung Cổ đều rất tốn kém. Vào cuối thế kỷ 13, trong điều kiện không có đánh nhau, thu nhập triều đình khoảng 30.000 bảng mỗi năm. Thế nhưng khi vua Edward I quyết định “dạy dỗ bọn Scotland” trong 4 năm 1294-1298, chừng 750.000 bảng là con số tiêu hao. Khoản này nặng đến nỗi gây ra khủng hoảng luật pháp với Nghị viện, giáo dân và quý tộc nhất loạt phản đối kịch liệt. Nước Anh suýt nữa rơi vào nội chiến cho đến khi Edward I ký tái xác nhận Đại hiến chương Magna Carta.

Nếu thua ở trận Agincourt năm 1415, nước Anh sẽ phá sản do mọi nguồn tài chính có thể huy động được đều đã đến giới hạn. May thay, thắng lợi vẻ vang với cả đống tù binh Pháp đã đem về khoản tiền chuộc gần 1 triệu bảng, xấp xỉ 20 năm cả nước làm lụng (thu ngân sách năm 1414 chỉ là 52.000 bảng).

You may also like

Leave a Comment