[ LỜI ĐỀ CỦA NGƯỜI DỊCH: Wall of text. Bài dịch không có chủ đích nhắm đến bất kỳ cá nhân/nhóm nhạc nào. Mong bạn đọc bài với tâm thế nhìn vào một thực trạng gây tranh cãi đã, đang và sẽ tồn tại trong ngành công nghiệp Kpop. ]
NOTE: Bài dàiiiiiiii như sớ, nhưng tôi không hề hối hận vì đã viết ra. Nếu bạn dành thời gian đọc hết, chân thành cảm ơn bạn.
Tôi đã thu thập dữ liệu của 150 nhóm nhạc K-pop. Nhóm nam, nhóm nữ, nhóm hỗn hợp (co-ed groups, nhóm gồm cả nam và nữ); từ gen 1 đến gen 4; độ nổi tiếng cả cao lẫn thấp, dù có hơi nghiêng về các nhóm nổi tiếng hơn. (Và tôi thêm cả thông tin về 10 ca sỹ solo nổi tiếng ở cuối sheet). Chủ đề này được bàn luận hoài, nên tôi cũng tiện tay lập dữ liệu thôi à. Đúng, tốn hơi nhiều thời gian. Không, tôi không thấy tiếc thời giờ (ok chắc là có tiếc một chútttttt). Nhưng tôi mong thành phẩm của mình sẽ có ích. Bạn đọc có thể dùng spreadsheet và thông tin trong post này nếu bạn cần trong tương lai (dù biết đâu lúc nào đó tôi sẽ gỡ link spreadsheet idkkkk).
Trước khi bắt đầu phân tích data, tôi muốn chú thích và giải thích vài điểm:
– Bộ dữ liệu này KHÔNG bao gồm tất cả các nhóm nhạc K-pop. Tôi bắt đầu từ những nhóm tôi biết, và sau đó nghiên cứu này kia để chọn thêm nhóm. Cuối cùng mẫu là 150 nhóm.
– Có nhiều nhóm tái debut với tên mới (ví dụ: Beast -> Highlight) hoặc từng là một nhóm khác (ví dụ: CB MASS -> Dynamic Duo). Tôi nhìn chung KHÔNG chọn những nhóm được tái thành lập sau sự tan rã của nhóm cũ (ví dụ: TVXQ có trong danh sách, nhưng JYJ thì không). Nhưng cũng có một ít ngoại lệ (ví dụ: Dynamic Duo có trong danh sách, nhưng CB MASS thì không). Tôi không biết giải thích sao cho rõ, nhưng tôi phải lưu ý trước về các trường hợp này.
– Có một ít trường hợp (với các nhóm gen 1) không có ngày debut chính xác, nên tôi thay bằng ngày ra mắt album đầu tiên (thường có thông tin về tháng và năm debut, nhưng chúng trùng với thời gian ra mắt album đầu tay nên tôi thêm ngày phát hành album vào).
– Cột “end” (“kết thúc”, cột C) có dữ liệu nguồn khá mơ hồ. Thông tin ở cột này là năm nhóm bắt đầu ngưng hoạt động vô thời hạn (indefinite hiatus). Có vài nhóm trở lại sau thời gian tan rã/ngừng hoạt động vì một album tái hợp HOẶC đi tour HOẶC cùng xuất hiện trên một show. Nếu khoảng thời gian giữa năm rã nhóm/ngưng hoạt động và năm tái hợp rất dài và hoạt động chung gần đây nhất mang tính tạm thời, không có khả năng dẫn đến sự tái hợp thật sự, tôi sẽ giữ nguyên thông tin trong cột “end”. Nếu nhóm thường xuyên tạm ngưng hoạt động (ví dụ: Big Bang) hoặc có một kỳ nghỉ dài để các thành viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, sau đó sẽ bắt đầu hoạt động thường xuyên, những nhóm đó được đánh dấu “now” (hiện tại) như các nhóm hoạt động liền mạch khác.
– Tên label/công ty là tên công ty chủ quản lúc nhóm ra mắt, KHÔNG PHẢI label họ đang ký hợp đồng cùng hiện tại (với các trường hợp công ty chủ quản đã thay đổi). Trong vài trường hợp, công ty chủ quản đã đổi tên/rebrand hoặc sáp nhập cùng công ty khác, nên tôi cố gắng dùng tên mới của các công ty (ví dụ: công ty của MAMAMOO mang tên WA Entertainment khi họ ký hợp đồng, nhưng sau đó sáp nhập với công ty khác, tạo nên RBW). Một số ô tên công ty được tô màu. Bạn có thể check cột ngoài cùng bên phải để xem công ty nào được tô cùng màu với nhau. Cùng màu chỉ công ty mẹ và các công ty con HOẶC các công ty con cùng dưới trướng công ty/label không được nhắc tên HOẶC công ty nhánh phụ/phòng ban cụ thể của một số label. Ví dụ, công ty con đầu tiên của SM Entertainment được nhắc tên trong danh sách, Starworld (hoặc Star World), nhưng Woolim Entertainment cũng trở thành công ty dưới trướng SM vào năm 2013. Tôi không rành ba cái vụ này lắm và một số nguồn tin làm tôi rối não, nên nếu có gì sai sót, bạn cứ nhắc tôi nhé. Nếu có một dấu “?” đằng sau tên label, tức là tôi còn phân vân liệu tôi liệt kê có đúng hay không.
– Gen (generation/thế hệ) được phân chia chính xác nhất trong khả năng của tôi. Vẫn còn nhiều tranh luận về các gen, nên tôi dựa vào niềm tin cá nhân của mình là chính.
– Cột “t” (cột F) đề cập đến cấu thành nhóm nhạc: nhóm nam (bg/boy group), nhóm nữ (gg/girl group), nhóm hỗn hợp (ce/co-ed group). Sau cùng, nghệ sỹ solo được đánh dấu là “s”. Phân loại nhóm được xác định tại thời điểm họ debut. Tôi ngạc nhiên là có vài nhóm thay đổi cấu thành rất nhiều sau khi debut. Mấy bạn có biết ban đầu Sunny Hill không phải nhóm nữ không???? Họ vốn là nhóm co-ed. Tôi cứ tưởng họ là gg từ đầu luôn ý. Nên ừ, với trường hợp đó thì thông tin sẽ lấy khi mới debut nha.
– Sáu cột tiếp theo (cột H -> cột M) lần lượt nói về thành viên lớn tuổi nhất và thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm. Các thành viên được tính trong lineup khi debut. KHÔNG tính trước khi debut/pre-debut, KHÔNG tính lineup mới hoặc lineup nổi tiếng nhất. Các dữ liệu là từ khi MỚI DEBUT. Số lượng thành viên trong nhóm cũng là lúc mới debut luôn. Tuổi thành viên tính vào thời điểm debut nốt (chú thích màu: cam [dưới 18], xanh lá [18-21], vàng [trên 21]). Có trường hợp sinh nhật của các thành viên chỉ sau ngày debut một ngày hoặc một tuần, nhưng tôi chỉ tính đến ngày debut thôi. Với Loona, tôi chọn ngày debut của nhóm để đếm tuổi. Với NCT U, tôi chọn ngày debut của lần lượt từng thành viên dưới tư cách thành viên nhóm nhạc NCT-23-thành-viên để đếm tuổi cho từng người. (Tôi không liệt ra khoảng cách tuổi của NCT/NCT U ở cột tiếp đó vì tôi không chắc phải tính thế nào.) Các nhóm như SuperM và Got the Beat tính tuổi theo ngày debut của nhóm, chứ không quy về nhóm nguyên gốc của từng thành viên.
– Cột “g” (cột N) là khoảng cách tuổi giữa thành viên lớn nhất và thành viên nhỏ nhất. Con số này là lấy năm sinh trừ ra, KHÔNG tính ngày sinh. Giả sử một người qua ngày sinh nhật rồi, mà người kia thì chưa đến sinh nhật, vậy khoảng cách tuổi thực tế sẽ ngắn hoặc dài hơn so với con số bạn thấy trong bảng biểu. À nữa, trong trường hợp bạn chưa nhận ra, tuổi liệt kê được tính theo tuổi quốc tế, không phải tuổi Hàn nha.
Okay gì cần nói thì cũng nói hết rồi đó. Tui đã cố gắng không mắc lỗi khi lọc data, nhưng có khi sót, nên nếu bạn thấy gì sai sót, bạn cứ comment và tôi sẽ sửa ngay. Nhưng nhớ đính kèm link đến nguồn thông tin của bạn nhé, để tôi còn xác nhận là thông tin của mình sai.
Rồi, giờ mình bắt đầu phân tích thôi.
Đầu tiên, khoảng cách tuổi. Khoảng cách nhỏ nhất giữa hai thành viên trong nhóm khi debut là0-1 năm:
(T/N: bảng chi tiết xem tại ảnh, tại đây chỉ ghi tên nhóm, năm debut và age-gap)
+ Deux (1993): 1
+ Jinusean (1997): 1
+ Baby V.O.X. (1997): 1
+ Diva (1997): 0
+ S.E.S. (1997): 1
+ Sugar (2001): 1
+ Dynamic Duo (2004): 1
+ Secret (2009): 1
+ ATBO (2022): 1
Khoảng cách lớn nhất giữa hai thành viên trong nhóm khi debut là 9 năm hoặc hơn:
+ g.o.d (2005): 12
+ After School (2009): 9
+ 2NE1 (2009): 10
+ Wanna One (2017): 9
+ GWSN (2018): 9
+ IZ*ONE (2018): 9
+ Cherry Bullet (2019): 9
+ X1 (2019): 10
+ Got the Beat (2022): 14
+ Kep1er (2022): 9
+ Le Sserafim (2022): 9
Xin chú ý rằng Got the Beat có khoảng cách lớn là vì các thành viên đến từ bốn thế hệ khác nhau. Mặt khác, SuperM chỉ có khoảng cách tuổi là 7 năm thôi à. Nhưng mà, Baekhyun lớn tuổi hơn Taemin dù Taemin debut gen 2 (SHINee) và Baekhyun thuộc gen 3 (EXO).
Thứ hai, tuổi debut. Đây là các thành viên trẻ nhất từng debut trong các nhóm được chọn:
+ Sohee – Wonder Girls – 2007: 14 tuổi
+ Minhwan – F.T. Island – 2007: 14 tuổi
+ Taemin – SHINee – 2008: 14 tuổi
+ Dongho – U-KISS – 2008: 14 tuổi
+ Sohyun – 4Minute – 2009: 14 tuổi
+ Krystal – f(x) – 2009: 14 tuổi
+ Changjo – Teen Top – 2010: 14 tuổi
+ Sungmin – Coed School – 2010: 14 tuổi
+ Hayoung – Apink – 2011: 14 tuổi
+ Suhyun – AKMU – 2014: 14 tuổi
+ Jisung – NCT Dream – 2016: 14 tuổi
+ Lucy – Weki Meki – 2017: 14 tuổi
+ Jiheon – fromis_9 – 2018: 14 tuổi
+ Wonyoung – IZ*ONE – 2018: 14 tuổi
+ May – Cherry Bullet – 2019: 14 tuổi
+ Dahyun – Rocket Punch – 2019: 14 tuổi
+ Dohyon – X1 – 2019: 14 tuổi
+ Jongseob – P1Harmony – 2020: 14 tuổi
+ Ni-ki – Enhypen – 2020: 14 tuổi
+ Jian – Lightsum – 2021: 14 tuổi
+ Leeseo – IVE – 2021: 14 tuổi
+ Seonyou – CLASS:y – 2022: 14 tuổi
+ Hyein – NewJeans – 2022: 14 tuổi
Chú ý rằng các thành viên trên là em út trong nhóm của họ vào thời điểm debut. Tức là a) họ là thành viên nhỏ nhất trong lineup debut và b) không bao gồm thành viên cùng tuổi nhưng lớn tháng hơn (nói cách khác, đây là ngoại lệ của luật tính năm nhắc phía trên). Dù sao thì, không thể phủ nhận rằng họ đã debut vào độ tuổi kể trên. Và nữa, đừng quên các nghệ sỹ solo – BoA ra mắt vào năm 2000, hồi đó cô ấy mới 13 tuổi.
Đây là các thành viên lớn tuổi nhất từng debut trong các nhóm được chọn:
+ Lee Juno – Seo Taiji and Boys – 1992: 25 tuổi
+ Joonyoung – Cool – 1994: 26 tuổi
+ Jinu – Jinusean – 1997: 25 tuổi
+ Joon Park – g.o.d – 1999: 29 tuổi
+ Kahi – After School – 2009: 28 tuổi
+ Bom – 2NE1 – 2009: 25 tuổi
+ Rana – Nine Muses – 2010: 27 tuổi
+ J.Seph – Kard – 2017: 25 tuổi
+ Jisung – Wanna One – 2017: 26 tuổi
+ Miya – GWSN – 2018: 25 tuổi
+ KB – OnlyOneOf – 2019: 27 tuổi
+ Baekhyun – SuperM – 2019: 27 tuổi
+ Johnny – NCT U – 2020: 25 tuổi
+ Jaechan – Omega X – 2021: 25 tuổi
+ BoA – Got the Beat – 2022: 35 tuổi
+ Yujin – Kep1er – 2022: 25 tuổi
Quy ước tương tự – họ là thành thành viên LỚN NHẤT trong nhóm. Tôi chỉ chọn các idol debut ở tuổi 25 trở lên (ở phần trẻ tuổi, thì là 14 tuổi trở xuống vì các idol debut tuổi 15, 16 nhiều kinh khủng luôn). Có vài trường hợp khá thú vị, như là 2NE1 chẳng hạn. Khi họ debut, Minzy 15 tuổi, Bom 25 tuổi và Dara 24 tuổi (Bom và Dara sinh cùng năm, nhưng sinh nhật Dara đến trước ngày debut của nhóm vào tháng). Thế là 2NE1 thành một trong những nhóm có age gap lớn nhất. Và Baekhyun cùng BoA lọt vào danh sách với những lý do quá rõ ràng rồi (T/N: tái debut với SuperM và Got the Beat). À và, trong mục solo, Taeyeon đã debut solo vào năm 2015, ở tuổi 25 đó.
Giờ, hãy nhìn vào các nhóm có tất cả các thành viên từ 18 tuổi trở lên:
+ Seo Taiji and Boys: 1992
+ Deux: 1993
+ Roo’RA: 1994
+ Cool: 1994
+ Turbo: 1995
+ Jinusean: 1997
+ Baby V.O.X.: 1997
+ Diva: 1997
+ 1TYM: 1998
+ Epik High: 2003
+ Dynamic Duo: 2004
+ Super Junior: 2005
+ Brown Eyed Girls: 2006
+ Sunny Hill: 2007
+ 2PM: 2008
+ After School: 2009
+ Secret: 2009
+ MBLAQ: 2009
+ Beast/Highlight: 2009
+ Rainbow: 2009
+ Nine Muses: 2010
+ Block B: 2011
+ Trouble Maker: 2011
+ Ladies’ Code: 2013
+ Mamamoo: 2014
+ Winner: 2014
+ Monsta X: 2015
+ N.Flying: 2015
+ DAY6: 2015
+ NCT U: 2016
+ Blackpink: 2016
+ Pentagon: 2016
+ Triple H: 2017
+ A.C.E: 2017
+ Kard: 2017
+ The Rose: 2017
+ (G)I-dle: 2018
+ Ateez: 2018
+ Oneus: 2019
+ WayV: 2019
+ Everglow: 2019
+ Onewe: 2019
+ AB6IX: 2019
+ OnlyOneOf: 2019
+ CIX: 2019
+ SuperM: 2019
+ aespa: 2020
+ Omega X: 2021
+ Got the Beat: 2022
+ Tempest: 2022
+ ATBO: 2022
Như bạn có thể thấy, có khá nhiều nhóm có tất cả các thành viên lớn hơn hoặc bằng 18 tuổi vào thời điểm debut. Vài nhóm trong số đó là được xem là nhóm nhạc nổi tiếng và thành công trong thế hệ của họ (ví dụ: Seo Taiji and Boys, Super Junior, Blackpink, aespa). Một số nhóm đến từ công ty nhỏ hoặc tầm trung mà vẫn thành công (ví dụ: Mamamoo, Ateez). Tôi nói ra ý này vì một quan điểm thường được dùng để biện hộ cho hành vi debut dưới tuổi trưởng thành là “cho ra mắt idol lớn tuổi ít hấp dẫn công chúng hơn”. Nếu idol không từ công ty Big 3/4 (SM, YG, JYP + HYBE trong trường hợp Big 4), họ càng có ít cơ hội thành công hơn. Một luận điểm khác là idol trẻ tuổi có khả năng trình diễn vũ đạo sung sức hơn. Tôi không nghĩ bạn cần idol trẻ mới làm được như thế, xét đến việc các nhóm trọng vũ đạo như Ateez hay thậm chí Roo’RA hồi xưa đều nhảy rất hăng dù các thành viên đều ở tuổi 18 hoặc lớn hơn khi họ debut.
Đa số các nhóm có cả trẻ vị thành niên (minor) và người trưởng thành (adult), các nhóm toàn trưởng thành đã được liệt kê bên trên. Dưới dây là các nhóm mà toàn bộ thành viên đều dưới 18 tuổi khi họ debut:
+ S.E.S.: 1997
+ Sugar: 2001
+ TVXQ: 2003
+ Wonder Girls: 2007
+ F.T. Island: 2007
+ Teen Top: 2010
+ AKMU: 2014
+ NCT Dream: 2016
Tôi không biết các công ty và cả fan giải thích xu hướng này thế nào (hay liệu họ có để ý đến vấn đề này từ đầu không), nên nếu các bạn có ý gì cứ comment bên dưới nhé. Theo hiểu biết của tôi, NCT Dream có concept phù hợp khi họ debut ở tuổi nhỏ, nhưng dần họ cũng chuyển thành concept trưởng thành hơn nhỉ. Tôi không theo dõi NCT Dream, nên tôi hơi tò mò về độ chính xác của thông tin này – tức là SM thật sự nghiêm chỉnh tuân theo concept đề ra và phong cách, lyrics, vũ đạo, etc. của các cậu trai đều đúng tuổi?
Tôi không biết thống kê thêm gì nữa, nên bạn cứ tự do xem spreadsheet và kết luận nhé. Tôi muốn thêm vài ý kiến cá nhân vào buổi mạn đàm này:
– “Mấy người không nói nhóm ABC mà cứ nhắm vào XYZ.” – Một luận điểm rất hay gặp khi có người nhắc đến tuổi tác của một nhóm nhất định nào đó. Gần đây nhất, có vẻ là NewJeans. Tôi chưa ở K-pop đủ lâu để nhớ xem liệu hồi xưa mọi người có ý kiến về tuổi của Taemin hay không, nhưng tôi chắc chắn thấy ý kiến này nhiều lần với các nhóm debut gần đây, bao gồm NewJeans, CLASS:y, Le Sserafim, NMIXX, IVE, Billlie, Enhypen, STAYC, P1Harmony, Treasure, etc. Bạn tin hay không thì tùy thôi, nhưng người ta quan tâm về vấn đề này nhiều lắm đó, dù có phải fan nhóm không. Và ừ, có nhiều người để tâm rất nghiêm túc và chân thành nhé.
– “Chớ quên rằng BTS, nhóm nhạc thành công nhất Kpop, debut hồi Jungkook 15 tuổi.” – Hoặc thay bằng bất kỳ nhóm nhạc thành công nào và thành viên vị thành niên của họ (ví dụ: Tzuyu 16 tuổi và Twice). Thì chuyện đó có xảy ra thật. Cơ mà xã hội nên bình thường hóa hành vi này chỉ vì vài tiền lệ trong quá khứ à? Đây nên là một lý do để các công ty ngừng debut trẻ vị thành niên chứ? Vì mấy người đã quen nhìn trẻ con thành lề thói rồi? Kể cả bạn có nói thế thì tôi cũng dễ dàng chỉ vào Blackpink và nói, “Rồi xem họ có bé nào vị thành niên không!” như thể đó là một luận điểm chính đáng về việc debut trẻ con vậy.
– “Nếu concept (phong cách, bài hát, etc.) đúng tuổi thì có vấn đề gì đâu.” – Ý này thì tôi đồng ý. Dù tôi cực lực phản đối việc debut trẻ vị thành niên (trong Kpop hoặc bất kỳ nền công nghiệp nào khác), tôi cũng nhận thức được rằng có những trường hợp trẻ con/tuổi teen nên được cho phép theo đuổi sự nghiệp này từ khi còn bé. Đây là một chủ đề phức tạp, nhưng nếu ta buộc phải hạn chế trong một mặt vấn đề, thì ta nên nói về concept. Nếu concept đúng cảm xúc và tinh thần tụi trẻ, ok không vấn đề gì cả. Nhưng nếu concept không phù hợp, ta nhất định không được ngó lơ. Có quá nhiều câu chuyện về idol K-pop bị thao túng khi còn bé dẫn đến sức khỏe tâm lý và thể chất tồi tệ, đều bắt nguồn từ khoảng thời gian đó. Tham gia vào các concept khiêu gợi là một trong những lý do dễ dẫn đến hậu quả khó lường.
– “Mấy người bàn ra bàn vô chỉ vì XYZ ngày càng nổi tiếng thôi.” – Ummmm, thì sao? Danh tiếng là thứ thu hút mọi người mà? Nhóm càng nổi tiếng, sẽ có càng nhiều người biết họ và sự thật rằng họ có thành viên vị thành niên (và cả concept không phù hợp). Bạn muốn người ta im lặng hết á? Không phải ai cũng ghét idol bạn đâu, đừng có nhắm mắt làm ngơ lời chỉ trích của họ nữa. Đây là một vấn đề thật sự đáng lưu tâm.
Có nhiều vấn đề sẽ xảy ra với trẻ vị thành niên như tuổi dậy thì, sự trưởng thành về mặt cảm xúc, buộc phải phô ra hết khuyết điểm cho công chúng, được mong đợi phải khắc phục khuyết điểm đó với sự trưởng thành và khôn ngoan vượt tuổi tác, vân vân. Tất nhiên, khi người ta 18 tuổi, họ không tự động trở thành một người lớn khôn ngoan, trưởng thành, độc lập, có thể tự làm mọi thứ. Nhưng tuổi trưởng thành vẫn khác xa mấy bạn nhỏ 14 15 tuổi.
Dù sao, cảm ơn bạn đã đọc đến đây nha. Tôi mệt lử rồi và chỉ muốn đi ngủ thôi, nên tôi chưa soát lại post nữa (xin lỗi nhe nếu có lỗi nào đó ha).
EDIT: Đã sửa lại tuổi của NCT U. Ban đầu tôi chỉ tìm tuổi của thành viên lớn nhất và nhỏ nhất (Taeil và Jisung) và tuổi của họ khi debut thôi. Nhưng như một bạn chỉ ra (cảm ơn bạn!) là Mark mới là người nhỏ nhất lúc debut với NCT U vào năm 2016, ở tuổi 16; và Johnny là người lớn nhất khi debut vào năm 2020, ở tuổi 25 (tôi cũng thêm bạn này vào danh sách debut trễ luôn). Cơ mà tôi muốn nói là NCT U là một trường hợp kỳ lạ vì hệ thống debut phức tạp của họ. Johnny vào thời điểm đó đã ra mắt với NCT 127 rồi, nên bảo cậu ấy debut tuổi 25 với NCT U cũng hơi kỳ. Mặt khác, Mark là một mảnh của NCT Dream với concept hợp tuổi (cơ mà “The 7th Sense” liệu có phù hợp với Mark-16-tuổi không á??)
EDIT2: Tôi đọc nhiều comment quá trời. Cảm ơn mọi người nha! Mất kha khá thời gian tổng hợp danh sách, nhưng tui mừng vì nhiều người thấy nó hữu dụng. Và cảm ơn các bạn đã cùng tranh luận với tôi! Cả mấy cái award nữa!
EDIT3: Giờ tôi đã đọc soát post rồi nè.
_____________________
u/dunkindonato (516 points)
Upvote chỉ đơn giản vì tui rất ấn tượng với công sức thớt bỏ ra để thu thập data. Rất hữu dụng khi cần luận điểm cho mấy cuộc tranh cãi về chủ đề này.
>u/lzmddg (55 points)
Cảm ơn nha! Đó là ý đồ của tôi mà – cung cấp nguồn thông tin dễ tiếp cận, dễ tham khảo khi bàn về chủ đề tuổi tác.
____________________
u/lovelysweetangel89 (152 points)
Cảm ơn bạn đã làm việc chăm chỉ nha, thiệt ngưỡng mộ các bạn chịu nghiên cứu một chút trước khi nói chuyện.
Và tui cũng đồng ý với bạn về mấy đứa nói, “nhưng (thêm tên idol gen 2 hoặc gen 1) debut nhỏ tuổi vậy mà có bị nói đâu”. Họ 100% bị lời ra tiếng vào á mấy má ơiiiiii, chỉ là các trang cãi lộn hồi xưa giờ mất tích hoặc ngủm rồi thôi à. Thời đó cũng có quy tắc đồ chứ.
_____________________
u/Redd_Smile (362 points)
TVXQ vẫn còn vị thành niên khi họ debut á?! Với Hug?! Tui đoán vì maknae lớn hơn tui 9 tuổi nên tui chưa từng để ý các thành viên trẻ thế nào :((
Điều này càng làm tui buồn hơn, chả trách sao hợp đồng của họ bóc lột đến thế.
>u/thrumeout (125 points)
Tui thích Hug lắm, nhưng lời cứ kỳ kỳ sao ý, vài đoạn thì còn giả ngu được chứ đoạn của Changmin (anh maknae) thì… blegh
Chỉ một ngày thôi
Anh muốn thành bé mèo của em
Nằm trong bầu ngực êm ái
Liếm láp sữa ngọt lành
Edit: Đọc comment bên dưới về đoạn ngực nhé, có vẻ là bị dịch sai; lỗi của tui ạ QvQ
>>u/jkim9982 (18 points)
Woah woah woah… đoạn “가슴” có thể được dịch thành “ngực” theo nghĩa đen thật, nhưng ở Hàn chúng tôi hay dùng từ này theo nghĩa “Ở trong trái tim dịu dàng của em” thay vì “nằm trong ngực” á bồ ơi.
Trễ vài ngày nhưng tôi muốn đính chính lại vì có vẻ phần dịch sai này khá phổ biến. Một bản dịch chỉn chu yêu cầu người dịch phải thông tường nền văn hóa của cả hai quốc gia, nhưng cả bản dịch lyrics của fan và của công ty đều không đạt được yêu cầu này. Vấn đề này dẫn đến một số lỗi dịch thuật nghiêm trọng, ảnh hướng đến ý nghĩa thật sự của bài hát, và thường dấy lên tranh cãi, chỉ trích lyrics trong khi cốt lõi là tại bất đồng văn hóa/dịch thuật.
Tôi thề nếu đoạn đó thật sự mang nghĩa như thế, người Hàn không bỏ qua đâu haha.
>u/alciade (26 points)
Nếu bà nhìn vào thumbnail MV Hug bây giờ, Yunho trông như em bé ý dù ảnh lúc đó 17 tuổi rồi. Mấy anh đều sinh cùng năm hết, trừ Changmin 15 tuổi. Nhưng xem các nội dung thời debut của họ thì trông vẫn bé bỏng cực
>>u/Onpu (84 points)
Hồi mới làm fan Kpop tôi cỡ 14 tuổi và thường quạu lên vì không học được tiếng Hàn… nhưng sau đó tôi đọc bản dịch vài bài và mừng vì không biết tiếng lol
>u/_anpanini (141 points)
đây đây là lý do nè! em cảm thấy nhiều người giờ mới nhận ra là do tụi mình lớn lên cùng kpop, thành ra đến nay mới thấy vấn đề thật sự của các idol debut khi còn trẻ
hồi 2013 em mới 7 tuổi, nên jungkook 15 – 16 tuổi thì em thấy “woah! lớn quớ!” nhưng nếu một nhóc 15 tuổi debut BÂY GIỜ, em lại kiểu vãi chưởng, tệ vch. thế thì mới bằng tuổi em năm ngoái thôi và không đứa trẻ nào nên trải qua môi trường đó hết
>u/SolitaryDream1103 (52 points)
Changmin là một trường hợp tiêu biểu cho luận điểm “không phải mọi idol debut hồi vị thành niên đều gặp vấn đề”. Anh ấy là một trong những học sinh giỏi ở lớp, rồi debut làm idol, làm việc như trâu như ngựa, trải qua danh vọng đỉnh cao khi mới 18, nhóm đổ vỡ khi ảnh 21 tuổi. Vậy mà ảnh chưa từng nói về việc có vấn đề tâm lý, ảnh vẫn có sự nghiệp xán lạn, tốt nghiệp đại học, thành viên duy nhất của TVXQ cưới vợ ở thời điểm này và trong tập “Home Alone” của ảnh, có vẻ ảnh am hiểu nhiều thứ ngoài âm nhạc nữa.
Trẻ vị thành niên trong nền công nghiệp Kpop là một vấn đề khó nói, nhiều khía cạnh để cân nhắc và không có phương án dễ dàng nào cả, nên tôi không thật sự có chính kiến gì về chuyện này.
À ừ, và Changmin vẫn ở lại SM, thế nhỉ.
>>u/cmq827 (30 points)
Anh ấy chắc chắn từng nói về vấn đề sức khỏe tâm lý nhé. Changmin từng kể đã đi trị liệu vì sợ các cô gái mặc đồng phục, ám ảnh từ những tháng ngày bị các sasaeng mặc đồng phục bám đuôi.
Và nữa, trong nửa đầu sự nghiệp, anh luôn ẩn ý rằng anh ước mình chưa bao giờ là idol, hoặc muốn làm một đứa trẻ bình thường trong một cuộc đời khác. Mất một thời gian dài ảnh mới quen được với danh tiếng của mình, thứ anh chưa bao giờ thật sự muốn đến thế.
>u/Huge-Acanthisitta926 (4 points)
Khi cậu chỉ ra như thế… urg. Tớ cứ quên rằng họ trẻ tuổi thế nào – quá trẻ để trải qua mấy thứ khỉ gió họ phải chịu đựng. Đôi lúc tớ cứ nghi rằng các công ty cố tình làm thế vì kiếm soát trẻ nhỏ thì dễ dàng hơn.
_____________________
u/tinhj (213 points)
Tuổi tác của Taemin chắc chắn là một chủ đề nóng cái hồi tui mới sìn Kpop (2012) (và đây là lúc tui để lộ tuổi của mình nè). Ảnh vẫn được xem là bạn nhỏ của Kpop cho tới tận khi debut solo, mọi người cưng ảnh lắm luôn ấy! Và thớt ơi concept của NCT Dream đúng là có trưởng thành theo tuổi nhóm thiệt nhen~ Hồi mới debut họ có hình tượng trẻ con trong sáng các thứ uwu
Cảm ơn data nhen thớt, thú vị lắm! Nhưng với tui, tui không chắc AKMU được bao hàm trong định nghĩa idol group? Họ không… khớp vào khuôn mẫu và theo tui được biết dân tình cũng chưa bao giờ xem họ là idol. Tất nhiên tui không phản đối tranh luận về tuổi debut của hai bạn nha, tui chỉ hơi thắc mắc về cách phân loại của thớt thôi á.
>u/melonmellori (79 points)
Đồng ý là AKMU thuộc “vùng xám”.
Họ có thể chung nhóm với 15& – cặp song ca từ JYPE có Jamie Park với Baek Yerin (họ không thuộc phân tích của chủ thớt).
Cả hai nhóm đều có quán quân các mùa khác nhau của “Kpop Star”. Cả hai bên đều debut khi còn vị thành niên, 15& debut hồi hai thành viên 15 tuổi.
Nhưng đáng chú ý rằng AKMU Chanhyuk sáng tác tất cả nhạc cho AKMU & có nhiều quyền tự do sáng tạo định hướng âm nhạc của AKMU hơn, trong khi 15& được JPYE đưa nhạc và chọn concept cho. Nên theo một cách nào đó, 15& “giống idol” hơn AKMU.
>u/lzmddg (21 points)
Cảm ơn bạn vì đã xác nhận chuyện của NCT Dream nha! Và tôi cũng biết AKMU không thực sự thuộc K-pop, nhưng tôi vẫn thêm họ vào vì trong danh sách có cả nhóm như DAY6 và các nhóm/cặp song ca hồi xưa nghiêng về hướng hiphop như Dynamic Duo và Deux. Có cả các nhóm gây tranh cãi liệu họ có thuộc K-pop hay không (như Epik High) đó bạn. Danh sách này mang tính thông tin hơn là một thống kê phân tích thực thụ, nên tôi nghĩ không phải vấn đề lớn nếu tôi thêm vài nhóm đầy đủ thông tin và được biết đến trong mảng Kpop vào data.
>>u/tinhj (8 points)
Whoops, tui chủ yếu đọc mỗi cột “age” (“tuổi”) nên AKMU hút mắt tui nhất, nhưng giờ biết có Epik High thì dễ hiều hơn nhiều! Thật lòng mà nói tui cũng không gọi Epik High hay Dynamic Duo là idol đâu, họ có lộ trình khác hẳn (debut theo ý muốn với những thành viên tự chọn – với tui mác “idol” dành cho các bạn đi theo còn đường trainee, vào một nhóm được kết hợp bởi công ty, nên AKMU và Day6 không chính xác khớp vào đó), nhưng dữ liệu vẫn rất thú vị nha
_____________________
u/happysnaps14 (113 points)
Khoảng cách 10 tuổi chắc chắn ảnh hướng Minzy (nhiều nhất) và độ trường tồn của 2NE1 với tư cách một nhóm. Dù họ quảng bá thương hiệu và bản dạng nhóm rất ư hoàn hảo khi còn hoạt động, rất khó để đồng lòng mãi trong thời gian dài khi trong nhóm có một thành viên tuổi teen và những người còn lại đã ở nửa độ 20 rồi.
Sau cùng, tui mừng vì YG đã rút kinh nghiệm khi họ debut Blackpink. Debut một nhóm các thành viên đều trên 18 tuổi và ngang ngang tuổi nhau tốt hơn nhiều. Khi cho ra mắt một nhóm nhạc, tui nghĩ việc cân nhắc khoảng cách tuổi giữa các thành viên là vấn đề khá quan trọng. Debut khi nhỏ tuổi là một chuyện, nhưng bạn nhỏ ấy phải giữ nhịp với các thành viên lớn hơn, đặc biệt ở giai đoạn sau của sự nghiệp nhóm, là một chuyện hoàn toàn khác.
>u/lzmddg (48 points)
Hoàn toàn đồng ý với bạn về quan điểm này. Tôi là fan của cả hai nhóm bạn nhắc, nhưng tôi biết đến K-pop là qua Blackpink, nên tưởng tượng phản ứng của tôi khi biết khoảng cách tuổi ở 2NE1 và các nhóm nhạc khác xem. Tôi mừng vì BP debut ở tuổi đó. Ví dụ gần đây thì có aespa nè. Nếu các nhóm đều có thể debut ở tuổi trưởng thành, ngành công nghiệp này sẽ tốt hơn nhiều.
Xem lại các nội dung của 2NE1, cách mọi người nói về tuổi của các thành viên thật sự rất lạ luôn. Như thể đó là một điều hiển nhiên vốn đã LUÔN tồn tại vậy. Đôi khi chỉ là một hai câu đùa, lúc khác lại là bàn luận nghiêm túc, nhưng tôi nghĩ những việc đó vốn sẽ chẳng xảy ra nếu giữa họ không có khoảng cách tuổi lớn đến thế. Một số ví dụ về những cuộc trò chuyện liên quan:
+ Ở Strong Heart, tập YG Family Special, Gummy nói muốn có tuổi bằng Minzy. Còn có hẳn một phần mọi người đùa về tuổi của Bom và Dara và luật cấm hẹn hò.
+ Tập hậu trường trên kênh Youtube của CL sau màn diễn của 2NE1 tại Coachella. Nhiều năm qua rồi mà chủ đề tuổi tác vẫn trong tâm trí họ. Nhóm nói về việc mấy năm vừa rồi là thời gian để CL và Minzy trải qua những thứ Bom và Dara đã kinh qua tận hồi hai chị debut cùng nhóm (ví dụ: hoạt động như một nghệ sỹ solo).
_____________________
u/Away_Peak1789 (53 points)
phân tích đỉnh lắm, chủ post! tui muốn bổ sung, theo như tui được biết, thì Haeun nhóm Lapilus là idol nhỏ tuổi nhất từng debut. em ấy sinh năm 2008 nhưng chưa đến sinh nhật, nên tính ra ẻm debut năm 13 tuổi (!)
_____________________
u/Getinmymouthcupcake (35 points)
Kỹ năng đối chiếu data ấn tượng ghê!
Song, điều khiến tôi bất an nhất là tuổi liệt kê trên spreadsheet là tuổi DEBUT. Ừ cứ cho rằng đủ tuổi trưởng thành rồi đi, nhưng bồ phải trừ ít nhất vài năm cho tất cả bọn họ thì mới ra tuổi bắt đầu thực tập. Mọi người cần biết về việc đó, thay vì cứ ném tuổi debut vào mặt nhau khi thánh chiến. Nói sao thì nói, nhiều idol đích xác là những đứa bé bị bóc lột ạ.
>u/CryptographerAble681 (6 points)
nghĩ đến thực tập sinh thì đúng là điên thiệt – trẻ con đúng nghĩa luôn còn gì! dù jihyo debut khi 19, nhưng bạn ấy đã là trainee 10 năm rồi. không tưởng tượng nổi mấy buổi đánh giá trainee căng thẳng thế nào với sấp nhỏ luôn… ngành công nghiệp này điên cmnr.