Henry Kissinger lo lắng về ‘sự mất cân bằng’

by admin

  • Cù Tuấn dịch từ Wall Street Journal.

Tóm tắt: Cựu ngoại trưởng 99 tuổi vừa xuất bản một cuốn sách về lãnh đạo và nhận thấy sự thiếu mục đích chiến lược nguy hiểm trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Ở tuổi 99, Henry Kissinger vừa xuất bản cuốn sách thứ 19 của mình, “Lãnh đạo: Sáu nghiên cứu trong chiến lược thế giới”. Đó là sự phân tích về tầm nhìn và những thành tựu lịch sử của một quần thể mang phong cách riêng của các nhà lãnh đạo thời hậu Thế chiến II: Konrad Adenauer, Charles DeGaulle, Richard Nixon, Anwar Sadat, Lee Kuan-Yew và Margaret Thatcher.

Vào những năm 1950, “trước khi tôi tham gia vào chính trị,” ông Kissinger nói với tôi tại văn phòng Manhattan ở khu trung tâm của ông vào một ngày ẩm ướt trong tháng Bảy, “kế hoạch của tôi là viết một cuốn sách về việc tạo dựng hòa bình và sự kết thúc của hòa bình trong Thế kỷ 19, bắt đầu với Hội nghị Vienna, và nó đã trở thành một cuốn sách, và sau đó tôi đã có khoảng một phần ba cuốn sách viết về Bismarck, và nó sẽ kết thúc với sự bùng nổ của Thế chiến thứ nhất ”. Ông nói, cuốn sách mới này “là một dạng tiếp nối. Nó không chỉ là một sự phản ánh lịch sử đương đại.”

Cựu ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho biết, tất cả sáu nhân vật được mô tả trong cuốn sách “Lãnh đạo”, được định hình bởi cái mà ông gọi là “Chiến tranh Ba mươi năm lần thứ hai”, giai đoạn từ năm 1914 đến năm 1945, và đã góp phần tạo nên thế giới sau đó. Và tất cả kết hợp lại, theo quan điểm của ông Kissinger, là có hai hình mẫu lãnh đạo: chủ nghĩa thực dụng thấy trước của chính khách và sự táo bạo tầm xa của nhà tiên tri.

Khi được hỏi liệu ông có biết bất kỳ nhà lãnh đạo đương đại nào có chung những phẩm chất này không, Kissinger nói, “Không. Tôi sẽ chứng minh rằng, mặc dù DeGaulle có điều này trong bản thân ông ta, tầm nhìn về chính bản thân này của DeGaulle, và trong trường hợp của Nixon và có lẽ là Sadat, hoặc thậm chí Adenauer, bạn sẽ không nhận biết chúng ở giai đoạn ban đầu. Mặt khác, không ai trong số những người này về cơ bản là những người có chiến thuật. Họ nắm vững nghệ thuật chiến thuật, nhưng họ có nhận thức về mục đích rõ ràng khi bước vào chức vụ.”

Không ai có thể trò chuyện lâu với ông Kissinger mà không nghe thấy từ đó – mục đích – phẩm chất xác định của nhà tiên tri, cùng với một trạng thái cân bằng khác, mối bận tâm của chính khách về việc dẫn dắt quần chúng. Từ những năm 1950, khi còn là một học giả Harvard viết về chiến lược hạt nhân, ông Kissinger đã hiểu ngoại giao là hành động cân bằng giữa các cường quốc bị đe dạo bởi khả năng xảy ra thảm họa hạt nhân. Theo quan điểm của ông, tiềm năng tận thế của công nghệ vũ khí hiện đại khiến việc duy trì trạng thái cân bằng giữa các cường quốc thù địch, dù khó khăn đến đâu cũng là một mệnh lệnh quan trọng trong quan hệ quốc tế.

“Trong suy nghĩ của tôi, trạng thái cân bằng có hai thành phần,” Kissinger nói với tôi. “Một kiểu cân bằng quyền lực, với sự chấp nhận tính hợp pháp của các giá trị đôi khi mang tính đối lập nhau. Bởi vì nếu bạn tin rằng kết quả cuối cùng của nỗ lực của bạn phải là sự áp đặt các giá trị của bạn lên người khác, thì tôi nghĩ rằng sự cân bằng là không thể có được. Vì vậy, một cấp độ là một dạng cân bằng tuyệt đối. ” Ông nói, một cấp độ khác là “trạng thái cân bằng, nghĩa là có những giới hạn đối với việc thực hiện các khả năng và quyền lực của chính bạn liên quan đến những gì cần thiết cho trạng thái cân bằng tổng thể.” Để đạt được sự kết hợp này cần “một kỹ năng gần như nghệ thuật,” Kissinger nói. “Không mấy khi các chính khách cố tình hướng đến nó, bởi vì quyền lực có rất nhiều khả năng được mở rộng mà không gây tai hại đến nỗi các quốc gia không bao giờ cảm thấy nghĩa vụ đầy đủ [phải đạt đến trạng thái này].”

Ông Kissinger thừa nhận rằng sự cân bằng, mặc dù là thiết yếu, nhưng không thể tự nó có một giá trị. Ông lưu ý: “Có thể có những tình huống mà việc chung sống là không thể về mặt đạo đức. Ví dụ, với Hitler. Với Hitler, thật vô ích khi thảo luận về sự cân bằng – mặc dù tôi có một số người tỏ ra thông cảm cho Chamberlain nếu ông ta nghĩ rằng ông ta cần dành thời gian cho một cuộc đối đầu mà ông ta cho rằng kiểu gì cũng sẽ không thể tránh khỏi. ”

Có một gợi ý trong cuốn “Lãnh đạo”, ông Kissinger hy vọng rằng các chính khách Mỹ đương thời có thể tiếp thu bài học của những người tiền nhiệm của họ. Ông Kissinger nói: “Tôi nghĩ rằng giai đoạn hiện tại việc xác định phương hướng là khó khăn lớn. “Hướng đi tỏ ra rất nhạy cảm với cảm xúc tại từng thời điểm.” Người Mỹ chống lại việc tách rời ý tưởng ngoại giao khỏi ý tưởng về “mối quan hệ cá nhân với kẻ thù”. Ông nói với tôi rằng họ có xu hướng xem các cuộc đàm phán theo kiểu truyền giáo hơn là tâm lý, tức là tìm cách uốn người khác theo cách tư duy của mình hoặc lên án người đối thoại, thay vì thâm nhập vào cách suy nghĩ của họ.

Ông Kissinger thấy thế giới ngày nay đang ở trên một trạng thái mất cân bằng nguy hiểm. Ông nói: “Chúng ta đang ở bờ vực giao chiến với Nga và Trung Quốc về những vấn đề mà chúng ta đã phần nào tạo ra, mà không có bất kỳ khái niệm nào về việc điều này sẽ kết thúc như thế nào hoặc nó sẽ dẫn đến điều gì,” ông nói. Liệu Mỹ có thể quản lý hai đối thủ bằng cách phân chia tam giác, như Mỹ đã làm trong những năm của chính quyền Nixon? Ông Kissinger không đưa ra một giải pháp đơn giản. “Bây giờ bạn không thể nói rằng chúng ta sẽ tách họ ra và để họ chống lại nhau. Tất cả những gì bạn có thể làm là tránh đẩy nhanh căng thẳng, và tạo ra các lựa chọn, và bạn phải có mục đích nào đó. “

Về vấn đề Đài Loan, ông Kissinger lo ngại rằng Mỹ và Trung Quốc đang tiến đến một cuộc khủng hoảng, và ông đưa ra lời khuyên cho Washington là phải chắc chắn. Ông nói: “Chính sách được thực hiện bởi cả hai bên đã tạo ra và cho phép Đài Loan phát triển thành một thực thể dân chủ tự trị và đã duy trì hòa bình giữa Trung Quốc và Mỹ trong 50 năm. Do đó, chúng ta phải hết sức thận trọng trong các biện pháp dường như có thể làm thay đổi cấu trúc cơ bản [của quan hệ]”.

Ông Kissinger đã gây tranh cãi hồi đầu năm khi cho rằng các chính sách không thận trọng của Mỹ và NATO có thể đã làm bùng nổ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ông không thấy có lựa chọn nào khác ngoài việc coi trọng những lo ngại an ninh mà Vladimir Putin đã nêu ra và tin rằng việc NATO ra hiệu cho Ukraine rằng cuối cùng họ có thể tham gia liên minh quân sự này là một sai lầm: “Tôi nghĩ rằng Ba Lan – và tất cả các nước phương Tây truyền thống đã từng là một phần của Lịch sử phương Tây – là những thành viên hợp lý của NATO,” ông nói. Nhưng Ukraine, theo quan điểm của ông, là một tập hợp các lãnh thổ từng được gia nhập thêm vào Nga, mà người Nga coi đó là của riêng họ, mặc dù đối với “một số người Ukraine” thì không. Sự ổn định sẽ được duy trì tốt hơn nếu nó đóng vai trò như một vùng đệm giữa Nga và phương Tây: “Tôi ủng hộ nền độc lập hoàn toàn của Ukraine, nhưng tôi nghĩ vai trò tốt nhất của nó là một vị trí giống như Phần Lan.”

Tuy nhiên, ông nói rằng bây giờ ván đã đóng thuyền. Sau cách mà Nga đã hành xử ở Ukraine, “bây giờ tôi cho rằng, bằng cách này hay cách khác, dù chính thức hay không, kể từ sau chiến tranh Ukraine phải được đối xử như một thành viên của NATO.” Tuy nhiên, ông dự đoán một thỏa thuận sẽ bảo toàn lợi ích của Nga từ cuộc xâm lược ban đầu vào năm 2014, khi nước này chiếm Crưm và các phần của khu vực Donbas, mặc dù ông không có câu trả lời cho câu hỏi việc dàn xếp như vậy thì liệu có khác gì với lần thỏa thuận để ổn định xung đột cách đây 8 năm trước.

Yêu sách mang tính đạo đức được đưa ra bởi nền dân chủ và độc lập của Ukraine — kể từ năm 2014, đa số rõ ràng đã ủng hộ tư cách thành viên EU và NATO của nước này — và số phận thảm khốc của người dân dưới sự chiếm đóng của Nga tỏ ra vừa vặn với cách tính toán của ông Kissinger một cách khó hiểu. Nếu coi việc tránh được chiến tranh hạt nhân là điều tốt đẹp nhất có thể làm, thì vai trò duy nhất của những quốc gia nhỏ trong trạng thái cân bằng toàn cầu chỉ là làm con dê tế thần cho các quốc gia lớn hơn hành động chăng?

“Làm thế nào để kết hợp năng lực quân sự của chúng ta với các mục đích chiến lược,” ông Kissinger trầm tư, “và làm thế nào để liên hệ những năng lực đó với mục đích đạo đức của chúng ta – đó là một vấn đề chưa được giải quyết”.

Tuy nhiên, nhìn lại sự nghiệp lâu dài và thường gây tranh cãi của mình, ông Kissinger không có thói quen tự phê bình. Khi được hỏi liệu ông có hối tiếc về những năm nắm quyền hay không, ông trả lời, “Từ quan điểm lợi dụng nhau, đáng lẽ ra tôi nên có một câu trả lời tuyệt vời cho câu hỏi đó, bởi vì rất nhiều người đã hỏi tôi câu này.” Nhưng mặc dù ông có thể xem xét lại một số điểm chiến thuật nhỏ, nhưng nói chung, ông nói, “Tôi không tự tra tấn bản thân bằng việc dằn vặt về những thứ mà tôi lẽ ra có thể đã làm khác.”

Ảnh 1: Ông Kissinger với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher tại Thành phố New York, ngày 1 tháng 10 năm 1990.

Ảnh 2: Ông Kissinger, chụp năm 2022.

You may also like

Leave a Comment