Trong “Ba bậc thầy”, Stefan Zweig cho rằng Charles Dickens là cây bút mang theo góc nhìn về đời sống hoàn toàn phù hợp với nhu cầu tinh thần của thời đại.
Hai điều cần thiết để một công trình sáng tạo nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt, chưa từng có tiền lệ về cả chiều sâu cảm xúc nó khuấy động và bề rộng phạm vi nó chi phối: mối liên hệ giữa con người thiên tài với giá trị truyền thống của thời đại. Hai yếu tố này lúc nào cũng đối nghịch sâu sắc, chúng xung khắc như thể nước với lửa vậy.
Quả thật, chúng ta có lẽ vẫn thường nói rằng những gì xung khắc với truyền thống xưa cũ thì mới là dấu ấn thiên tài đích thực, bởi thiên tài thì tự tạo dựng truyền thống cho riêng mình. Con người thiên tài và thời đại anh ta đương sống, cứ như thể hai hành tinh phản chiếu ánh sáng của nhau, nhưng lại quay theo những quỹ đạo thuộc về hệ thống thiên văn tách biệt. Đường đi của chúng đôi khi giao nhau, nhưng chẳng bao giờ nhập làm một.
Vậy mà trong trường hợp Dickens, chúng ta chứng kiến một hiện tượng chẳng thể nào hiểu nổi về mối hòa hợp giữa hai thực thể biệt lập đến thế. Dickens là cây bút duy nhất của thế kỷ đó mang theo góc nhìn về đời sống hoàn toàn phù hợp với nhu cầu tinh thần của thời đại. Tiểu thuyết của ông biểu lộ thị hiếu thời đại Victoria, tác phẩm của ông là hiện thân của truyền thống nước Anh.
Dickens thể hiện khiếu hài hước, nét triết lý, tính đạo đức, óc thẩm mỹ, chất trí tuệ và tính nghệ sĩ, cái nhìn riêng biệt và với người Đức chúng tôi thường là đồng cảm chua xót, của 30 triệu đồng bào mình bên này eo biển Manche. Liệu chúng ta có thể coi Charles Dickens là “tác giả” của những tác phẩm này? Chẳng phải chúng là hiện thân của tinh thần Anh – là thành quả của thứ gì đó mạnh mẽ nhất, phong phú nhất, độc đáo nhất và mang dấu hiệu của mối hiểm họa khôn cùng cho mọi nền văn hóa hiện đại?
Nguồn sinh lực sống còn ấy chẳng thể nào mà đong đếm chi li được. Người Anh mang chất Anh thì vượt xa người Đức mang chất Đức. Một khi là người Anh, điều đó không chỉ đơn thuần tô vẽ lên toàn bộ tâm tính; nó còn xâm nhập vào mạch máu, điều hòa dòng chảy, gây ra những xung động sâu kín nhất trong lòng mỗi cá nhân, thấm đẫm chốn riêng tư ban sơ nhất trong tất cả, đấy chính là niềm thôi thúc nghệ thuật.
Một nghệ sĩ người Anh thì thực sự trung thành với tinh thần dân tộc hơn hẳn so với người Đức hay Pháp. Mỗi nghệ sĩ trên Quần đảo Anh, mỗi người nghệ sĩ thực thụ thì có nghĩa rằng, đều phải vật lộn với cái chất Briton bên trong mình; mà mặc cho bọn họ đem hết sức bình sinh vào cuộc đọ sức này, thì cũng chẳng thể kìm hãm được dấu ấn truyền thống ngự trị đó.
Bởi truyền thống đó đã ăn sâu bén rễ rồi; nếu anh ta định nhổ bật chất Anh ra khỏi tâm hồn thì cũng giật bỏ những gì thiêng liêng nhất và chết vì vết thương ấy. Một vài kẻ thuộc tầng lớp quý tộc đấu tranh giải thoát bản thân để trở thành công dân toàn cầu. Dẫu bọn họ có làm được điều đó đi chăng nữa, thì cũng đều bị đồng bào ghẻ lạnh.
Ta có thể kể đến số phận của Byron, Shelley và cả Oscar Wilde, để thấy điều đó đúng đắn đến thế nào. Bọn họ bị tẩy chay cả đời vì khát khao đánh đổi quyền công dân Anh để trở thành công dân thế giới, bởi họ dám bộc lộ thẳng thắn nỗi chán ghét của mình đối với những phần tử tư sản bất diệt trong đời sống và tính cách Anh. Nhưng những gì bọn họ làm được chỉ là khiến cuộc đời tan nát đi mà thôi.
Truyền thống Anh là thứ ăn sâu bén rễ vững bền nhất trên hết thảy các truyền thống dân tộc khác; nó cũng là niềm vinh quang tột bậc và chính vì lẽ đó, nó trở thành mối hiểm họa đáng sợ trên phương diện nghệ thuật. […]
Thế mà, Dickens lại hoàn toàn thư thái trong bốn bức tường truyền thống Anh.
Ông cảm thấy thoải mái trong bầu không khí đó, không bao giờ đi đâu vượt qua khỏi ranh giới nghệ thuật, luân lý và thẩm mỹ Anh. Chẳng có cuộc cách mạng nào trong ông cả. Người nghệ sĩ trong ông không bao giờ diễn vai kẻ phản bội với người dân Anh; và, quả thật, theo thời gian, nét đặc trưng của người nghệ sĩ hòa với những đặc điểm của người dân Anh.
Những sáng tác của Dickens bám rễ vững chắc vào truyền thống Anh xưa cũ, và hiếm khi vượt ra khỏi phạm vi mối quan tâm ấy dẫu chỉ một ly. Thế mà tác phẩm của ông cứ vươn lên đỉnh cao ngoài mong đợi, mà tòa kiến trúc ấy vẫn đầy thú vị. Thành tựu của ông vô tình trở thành tiêu biểu cho khát vọng quê hương chuyển hóa sang hình thức nghệ thuật. Để khi ta nghiên cứu tính dữ dội, những giá trị xuất sắc, vận hội bị bỏ lỡ trong thành quả sáng tạo của ông, chúng ta đương thực sự suy ngẫm về những điều mà tự chúng vẫn biểu lộ ngay tại chính nước Anh vậy.
Nguồn: Zingnews