Hình dưới là cư dân thành phố Leningrad phản đối đổi tên thành phố thành Saint Petersburg ngày 11/7/1991.

by admin

Nằm bên sông Neva chảy ra vịnh Phần Lan, đây vốn là vùng đất tranh chấp giữa các tộc người Nga từ Novogrod với người Thuỵ Điển. Chiến thắng năm 1240 của Quận công Alexander Nevsky đẩy lùi quân Thụy ̣Điển đưa vị trí này vào lịch sử, với ban đầu chỉ là một pháo đài của Nga. Trong nhiều thế kỷ sau đó, nó là vị trí mang tính quân sự nhiều hơn là kinh tế, xã hội và là cứ điểm của phong kiến Nga nhằm phòng ngự lối ra biển Baltic.

Phải đến năm 1703, dưới thời Peter Đại Đế thành phố mới chính thức được thành lập. Viễn kiến của vị Sa Hoàng vĩ đại nhất trong lịch sử Nga là biến đây thành cửa ngõ giao thương của nước Nga với Phương Tây bằng đường biển. Năm 1712, Nga dời đô từ Matxcơva về Saint-Petersburg, đánh dấu thời kỳ hiện đại hóa, mở cửa và liên kết với châu Âu. Giao lưu thương mại, quân sự và văn hóa với các nước giàu mạnh nhất châu Âu thời đó đã biến đổi hoàn toàn thành phố này, đặt nền móng cho thời kỳ bành trướng của Đế Chế Nga.

Từ 1914 đến 1924, nó được đổi tên thành Petrograd từ 1924 đến 1991, thành phố mang tên Leningrad để ca ngợi lãnh tụ Lenin và cuộc Cách mạng tháng Mười khởi phát tại đây. Tháng 9/1941, quân đội Đức bắt đầu bao vây Leningrad. Cuộc phong tỏa kéo dài gần 900 ngày đêm, song quân Đức đã bị Hồng quân Liên Xô chặn lại ở ngoại vi thành phố. Gần một triệu người đã chết vì bom đạn, đói khát và bệnh tật. Gần 3 triệu người dân còn lại trong thành phố lâm vào cảnh thiếu thốn, không có chất đốt để sưởi ấm và nước để uống, thức ăn không đủ. Trong tình trạng thiếu thốn đó, thịt của động vật nuôi, chuột và chim được sử dụng để nuôi con người. Chính phủ Xô-viết đã thiết lập tuyến vận tải cung cấp nhu yếu phẩm cho quân đội và dân cư thành phố qua mặt hồ Ladoga đóng băng, được mệnh danh là “Con đường sống”. Cuối cùng, vào ngày 27/1/1944, quân đội Liên Xô đã phá tan vòng vây phong tỏa Leningrad của Đức.

Sau khi Liên Xô sụp đổ người ta trả lại cái tên lịch sử cho thành phố là Saint-Petersburg. Sau 10 năm suy thoái kinh tế, kể từ năm 2000, nền kinh tế thành phố bắt đầu khôi phục lại. Các hoạt động tôn giáo và nghệ thuật được phát triển. Du lịch trở thành nền kinh tế chính của thành phố. Các điểm đến du lịch hấp dẫn, như Cung điện mùa đông, Cung điện mùa hè…đẹp tuyệt vời sáng chói giữa phương Bắc lạnh giá của Nga khiến cho thành phố này như một Venice của phương Bắc.

Trong lịch sử Nga, tình cảm với Saint-Petersburg cũng phần nào phản ánh tính cách con người. Peter Đại Đế và Nữ Hoàng Catherine II là những người yêu quý thành phố này tới mức tìm mọi cách tạo ra phong cách riêng cho nó trong kiến trúc, hội họa v.v. Dưới thời Catherine II, phong cách cổ điển-classisism, được đưa vào Saint-Peterburg, biến nó thành một trong những đô thị đẹp nhất thế giới. Lenin cũng là người yêu mến Saint-Peterburg và luôn muốn được chôn cạnh mẹ ông ở đây. Stalin rất ghét Saint-Petersburg vì hai lý do. Thành phố vừa có các biểu tượng gắn liền với chế độ Sa Hoàng và cũng là nơi bắt đầu của các nhóm cách mạng cựu trào, thuộc lớp đàn anh và trí thức hơn Stalin. Thời Stalin, một nhân vật chính trị nổi tiếng, gắn liền với thành phố này là Kirov (Sergey Mironovich Kostrikov) bị ám sát chết năm 1934. Điều này trở thành cái cớ cho cuộc Đại thanh trừng. Ở Leningrad, khoảng 40.000 người đã bị hành quyết trong giai đoạn này. Vụ việc Leningrad (1949–1952), một sự kiện đáng chú ý trong cuộc đấu tranh chính trị sau chiến tranh ở Liên Xô, sản phẩm của sự cạnh tranh giữa những người kế nhiệm tiềm năng của Stalin, giữa một bên là các lãnh đạo của tổ chức Đảng Cộng sản thành phố – tổ chức quan trọng thứ hai trong cả nước sau Moscow. Toàn bộ ban lãnh đạo ưu tú của Leningrad đã bị tiêu diệt, bao gồm cựu thị trưởng Alexey Kuznetsov, quyền thị trưởng Pyotr Sergeevich Popkov, và tất cả các cấp phó của họ; tổng cộng 23 nhà lãnh đạo bị kết án tử hình, 181 người đi tù hoặc lưu đày (được miễn tội vào năm 1954). Khoảng 2.000 quan chức cấp cao trên toàn Liên Xô đã bị khai trừ khỏi đảng và bị loại khỏi các vị trí lãnh đạo. Họ bị buộc tội chủ nghĩa dân tộc Nga.

Nhìn chung trong lịch sử Nga luôn có sự giằng xé giữa hai xu hướng: St.Petersburg và Matxcơva. Một bên là mở ra Phương Tây, tìm các con đường lớn ra thế giới, bên kia là đứng ở trung tâm để làm bá chủ một vùng đất rộng lớn. Một bên nhắm vào thương mại, bên kia vào đất đai, nông nghiệp. Có thể vì thế, khi chọn Saint-Petersburg làm nơi họp G8 năm 2006, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa muốn ngầm nhắc đến ý vươn ra bên ngoài, vừa nêu bật niềm tự hào về văn hóa của nước Nga.

Tuy nhiên, chính trị Nga ngày nay không chỉ đơn giản là vấn đề phong cách của một thành phố. Với 4,7 triệu dân, Saint-Peterburg không thể nào cạnh tranh được với Maxcơva (10,4 triệu). Quan hệ với vùng Viễn Đông cũng tăng lợi thế của Matxcơva. Danh tiếng Saint-Petersburg cũng bị hoen ố bởi các vụ tấn công và giết người nước ngoài mang tính phân biệt chủng tộc. Được biết, chính Maxcơva đã làm mạnh tay với các nhóm tân PX Nga nên chúng kéo về St.Petersburg. Trước hội nghị G8, truyền thông nước ngoài đã từng lên tiếng đề nghị ông Putin, người gốc Saint-Petersburg, phải tích cực hơn trong việc ngăn ngừa các vụ tấn công kiểu PX ở đây.

Nếu không phục hồi lại tinh thần cởi mởi, khai phóng của Saint-Peterburg trong các chính sách đối nội và đối ngoại thì ông Putin và nước Nga bây giờ có lẽ chỉ biết dùng thành phố này như một phòng triển lãm văn hóa mỗi khi có khách đến. Giữ nó để trưng bày là việc chẳng khó bởi Saint-Peterburg vốn đã được gọi là Bảo tàng Sống (A Living Museum) như trên trang web chính thức của thành phố tự hào ghi nhận.

You may also like

Leave a Comment