CHỨ THỜI TRANG KHÔNG NÓI LÊN HIPHOP.
(Theo quan điểm cá nhân)
Nhắc tới thời điểm hiện tại, rap nói riêng và văn hóa đường phố nói chung đã tiến một bước xa tại Việt Nam. Xa hơn rất nhiều, kể cả từ phần nghe đến phần nhìn, từ những cộng đồng underground đến các mục đích mang tính thương mại, từ đất nước Việt Nam đến cả thế giới. Được công nhận nhiều hơn, được cả thế hệ trẻ quan tâm – ngưỡng mộ – làm tiêu chí phấn đấu. Thành quả đó đến từ sự cố gắng không ngừng nghỉ, để đạt được hào quang như bây giờ thì có đủ mồ hôi – nước mắt – tủi nhục ( Có nhá, cái thời rap bị dị nghị lắm đấy các bạn trẻ) của nhiều anh chị đi trước và cả những người đang hoạt động bây giờ.
Không chỉ Rap mà văn hóa nhảy/Dance cũng đang được thu hút bởi lượng những người quan tâm bởi chương trình Streetdacen. Nhảy không chỉ đơn thuần là đường phố mà nó là dạng nghệ thuật được miêu tả bằng cơ thể. Nó bao gồm múa đương đại, breakdance, wacking, krump, popping – tutting và nhiều hơn thế nữa.
Cách đây chỉ khoảng 5 năm, một con số không quá lớn mà cũng không nhỏ. Chúng ta cũng chẳng nghĩ bao giờ lại có thể được xem những sản phẩm âm nhạc đậm chất thế giới như “No Nê” của Suboi – một người đi trước hay đàn em kế cận cũng không kém với Tlinh với “Gái độc thân”. Xen kẽ ở đó, vẫn có những thứ đậm chất OG và Việt Nam như “Thiên hà trước hiên nhà” của chú Ba Đạt Maniac hay “77 Hide Out” Wavy Session của Sol7, giản dị như Đen Vâu. Tiếp cận dễ dàng hơn với hơi thở của giới trẻ thì những Low G và Lil Wuyn (95G) hay “Walk on da street” của 16Typh, “Cơn đau” của Wren Evans hay một chân trời riêng của Táo với 2 ấn phẩm “Blue Tequilla, “Tương Tư” hay “Red Rum”.. (còn rất nhiều mà không kể hết). Khoảng thời gian trước chúng ta có thấy được những rappers giờ đây vừa chiều lòng được người nghe về phần âm nhạc lần cả phần nhìn – trong công cuộc thể hiện được ngôn từ và thông điệp tới khán giả? Đó là một bước đi rất xa và rất lớn.
Nghệ sĩ đường phố đa dạng hơn rất nhiều, họ tỏa sức mạnh không chỉ mỗi rap khi các sản phẩm đến từ graffiti, dancing, pop-art..
Dĩ nhiên, khi nói tới phần “nhìn” (là các MVs) thì mình đang đề cập tới fashion. Thời trang mà các nghệ sĩ rappers đang thể hiện cho chúng ta là vô cùng đa dạng, vô cùng công phu và ngày càng thể hiện được ở nhiều mặt khác nhau. Không phải cứ là rappers là ăn mặc theo kiểu streetwear mà giờ các nghệ sĩ đã “tự chọn” cho mình một hướng đi thời trang riêng để làm sao phù hợp với bản thân, tính cách (personalities) mà họ cảm thấy phù hợp nhất.
Và như tiêu đề
“Hiphop thể hiện thời trang
Chứ thời trang không nói lên Hiphop”
Vì khá nhiều bạn (đa phần là trẻ) trên một nền tảng nào đấy đang suy nghĩ rằng “Rapper thì phải ăn mặc như thế này, thế nọ. Phải mặc đồ baggy, áo oversizing mới là Hiphop. Phải flexing mới là rappers, mới là nghệ sĩ mà quên béng mất họ cung cấp cho chúng ta sản phẩm âm nhạc chứ không phải là thời trang”. Và đây cũng là con đường hai chiều mà mình từng đề cập – đó là vai trò của các rappers khi đã được xem là 1 “Người có tầm ảnh hưởng”.
Để mình kể về câu chuyện “Rap thể hiện thời trang như thế nào?” cho các bạn nghe nhé.
“Rap is something you do! Hiphop is something you live” / Rap là thứ mà bạn đang làm. Hiphop là thứ mà bạn đang sống. Ông thầy già Lawrence “Kris” Parker (a.k.a KRS-ONE) đã nói như vậy. Trước khi phổ biến và trở thành văn hóa đại chúng như bây giờ thì rap thật sự là đam mê và người ta rap để được “sống”, để được “Being something” – là được công nhận trong thế giới phức tạp này.
Thời trang là do con người tạo ra, theo suy nghĩ cá nhân của mình thì các thương hiệu thời trang là nơi “Khuôn khổ nhất’ để định hình mọi thứ mà con người (Tức là khách hàng của họ) sẽ mặc. Nhà thiết kế thời trang sẽ theo định hướng của công ty chủ quản mà “thi triển” những designs của họ sao cho hợp “xu hướng”, hợp mốt nhất. Nhưng định hình chung nó sẽ khiến mọi thứ trở thành “cứng nhắc” và “nguyên tắc” cho thế giới thời trang này.
Hiphop hay Rap thì khác. Bắt nguồn từ đường phố, mà đường phố là nơi không có luật lệ rõ ràng gì cả. Kẻ mạnh sẽ là kẻ thắng, kẻ thua thì sẽ phải lùi bước. Luôn là như vậy. Hiphop dấn vào thời trang thông qua việc customize (Tùy chỉnh) và mix/match tất cả những thứ gì mà họ đang có. Dapper Dan từ Harlem – là 1 ví dụ điển hình của việc này. Mình đã có bài viết rồi nên các bạn chịu khó tìm kiếm để đọc lại nhé. Từ DIYs đến bootleg, hiphop đã cho thấy một thứ thời trang của văn hóa này không bị điều khiển bởi bất kì ai – không luật lệ, không sợ hãi. Và rapper là những người represent/trình bày thứ thời trang đó với thế giới.
Văn hóa đường phố với một đặc trưng là tạo những thứ mới mẻ dựa trên những gì sẵn có. Vì thế Hiphop luôn fresh, luôn tươi mới và luôn được bơm đầy bởi những cảm hứng, những inspiration bất tận mà hiện tại đang đóng vai trò khá lớn ở nhiều thương hiệu thời trang cao cấp hiện nay. Gần gũi, thực tế mà đa dụng – đây cũng là 1 lí do vì sao streetwear vốn được ảnh hưởng rất nhiều bởi hiphop đã thay đổi cả một nền công nghiệp thời trang thế giới vào những năm 2016-2017.
Rappers – là những người đang diện mạo cho cả nền văn hóa này, nổi tiếng hơn – đại chúng hơn và ảnh hưởng nhiều hơn. Tính cách ngang tàng của hiphop nên được các rappers thể hiện trong thời trang của họ – vốn là hình ảnh của các nghệ sĩ. Khi hiphop hay rap phát triển và được nhiều người quan tâm thì thời trang, phong cách của nó cũng đi lên y chang như vậy.
Từng là đứa con bị “ghẻ lạnh” trong cả cộng đồng lẫn cả thế giới thời trang, hiphop và những nghệ sĩ muốn sử dụng fashion để nói lên tuyên ngôn của họ – để thể hiện sự điều khiển thời trang của mình chứ mình không phải chạy theo nó (Mà hiện tại khá nhiều rappers trẻ đang bán mình vì fashion, not their souls). Những người đi trước đã sử dụng thời trang để phản ánh nhiều hơn về văn hóa Mĩ Phi/ Latin của họ – về sự đoàn kết của những người da màu chống lại sự phân biệt chủng tộc (Mà đó cũng là căn cơ của những ý kiến về việc Chiếm dụng văn hóa gần đây).
Run DMC, 2pac, Biggie.. là những cái tên bắt đầu xướng danh hiphop trong “highend/luxury fashion” khi bên cạnh việc sử dụng các nhãn hàng cao cấp một cách đường phố nhất có thể thì họ cũng present các labels trên trong các ấn phẩm âm nhạc của mình. Nhưng không phải là tôn sùng nó, mà là một minh chứng – một công cụ để thể hiện vị trí và cách mà mình đi lên. Từ những khu ổ chuột đến thành ông trùm ở các khu thương mại, giải trí lớn – đó là cách mà họ “Điều khiển” và “Being a thing” ở xã hội này.
“We controlled fashion”.
Dẫu rằng ở thời điểm đó, những cái tên lỗi lạc kia chưa là đinh gì với những kẻ da trắng ngồi trong các ngôi đền thời trang. Nhưng nó là nền tảng để những cái tên sau này phát triển và tiếp tục di sản “Điều khiển thời trang” mà thế hệ trước đã tiếp tục. Kanye West, Tyler The Creator, Pharrell William.. đều trở thành những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng trên thế giới với ngôn ngữ đường phố của họ. Những cái tên như Travis Scott hay A$AP Rocky, Young Thug, Lil Uzi Vert, Kid Cudi.. đều trở thành fashion icon theo một hướng đi riêng – và đặc biệt là “Không bị kiểm soát bởi các nhãn hàng lớn” vì sự ảnh hưởng của họ, và đúng rồi! Đó là cái tôi của “Rap”, của “Hiphop”.
“BODY LANGUAGE”
“Thời trang sẽ chỉ đẹp khi được người ta mặc lên nó” – Câu nói của cụ Yohji Yamamoto luôn ảnh hưởng rất lớn tới mình. Nếu các bạn có xem qua Streetdance Việt Nam thì theo quan điểm cá nhân của mình, các dancers có một cái hồn rất riêng khi nhìn outfit của họ (Đặc biệt là vào trong các vòng có concept). Vì nhiều khi ngôn ngữ để chúng ta thấu hiểu được không chỉ dừng là ở lời nói mà nó còn là cái ánh nhìn, ngôn ngữ hình thể. Quần áo thì chắc chắn bao bọc quanh cơ thể của chúng ta rồi – các dancers/vũ công là những người đã bỏ cả một khoảng thời gian rất nhiều để học hỏi – luyện tập cho việc thể hiện được ngôn ngữ hình thể của họ thành 1 dạng nghệ thuật. Và thời trang (Nếu đẹp, phù hợp với concept) thì không khác gì một gia vị khiến món ăn tinh thần này trở nên đậm đà hơn rất nhiều. Mà không phải ai cũng có tố chất về ngôn ngữ hình thể, dù có giỏi đi nào chăng nữa thì hình thể cũng đóng góp 1 phần rất lớn trong việc truyền tải thông điệp tới cho chúng ta.
Dù ở thời điểm hiện tại thì streetwear không còn nóng bỏng như ngày xưa, nhưng nó chẳng là gì so với một quá trình dài khẳng định bản thân và đưa sự điều khiển của mình của hiphop tới nền công nghiệp thời trang. Và mình xin nhắc lại về tiêu đề
“HIPHOP LÀ THỨ TRÌNH BÀY THỜI TRANG
CHỨ THỜI TRANG KHÔNG NÓI LÊN HIPHOP.”
Từ Trí Minh Lê,
Một kẻ chẳng phải là rapper nhưng yêu đường phố