Sách với Ngọc Hân như một người bạn để tâm tình, chia sẻ. Hàng ngày, người bạn này sẽ kể những câu chuyện khác nhau, dẫn dắt chúng ta vào hành trình mới lạ, tới vùng đất mà mình chưa từng đặt chân.
Muốn thành người hoạt ngôn, phải đọc thật nhiều sách
– Thị trường sách rất phong phú với nhiều thể loại khác nhau, Hoa hậu Ngọc Hân thường thích đọc sách thuộc thể loại nào thưa chị?
Từ nhỏ, tôi là một người rất mê đọc sách. Tôi thích những cuốn sách mang tính trải nghiệm, đem lại kiến thức thực tế chứ không thích loại sách thiên về lý thuyết. Ví dụ như: Làm thế nào để một cô gái trở nên tự tin hơn, hay cách đối nhân xử thế trong cuộc sống,… Những cuốn sách này dễ hiểu, ngắn gọn. Nó thường có nhân vật cụ thể hay được viết từ chính trải nghiệm của tác giả, đi sâu vào những ví dụ thực tế để mình hiểu rõ và dễ dàng ghi nhớ.
Ngoài ra, tôi còn thích đọc sách về những chuyến đi, khám phá văn hóa thế giới. Dù mình chưa được trực tiếp quan sát nhưng qua cuốn sách mình đã hiểu và yêu những con người, văn hóa và phong cảnh ở nơi đó.
– Là một hoa hậu và doanh nhân bận rộn, chị đọc sách vào khoảng thời gian nào?
Tôi dành 15-30 phút vào mỗi buổi sáng để đọc sách. Đây là một thói quen của tôi trừ những lúc có lịch đột xuất. Thậm chí, có nhiều cuốn sách hay quá khiến tôi bị cuốn vào, tôi dành hẳn một ngày để đọc hết nó. Sách đối với tôi như một người bạn để tâm tình, chia sẻ. Hàng ngày, người bạn này sẽ kể những câu chuyện khác nhau, dẫn dắt chúng ta vào hành trình mới lạ, tới vùng đất mà mình chưa từng đặt chân. Có thể nói, sách đem lại trải nghiệm mới mẻ cho tâm hồn mỗi người.
– Ai là người truyền cảm hứng khiến chị có thói quen đọc sách?
Ông nội tôi là giáo viên nên khuyên tôi phải chăm đọc sách. Tuy nhiên, tôi không sống cùng thành phố với ông nên ít gần gũi. Bố mẹ mới thực sự những người truyền cảm hứng cho tôi. Bố mẹ tôi rất thích đọc sách, đặc biệt về văn học của nước Nga.
Internet không thể thay thế sách đọc
– Chị đánh giá thế nào về chất lượng sách ở Việt Nam?
Hiện tại ở Việt Nam chúng ta có rất nhiều đầu sách hay, từ trong nước đến quốc tế. Chúng ta đã mở cửa và tích cực đem những cuốn sách hay từ nước ngoài về, bất cứ đầu sách best seller nào ở nước ngoài cũng đều có ở Việt Nam. Chất lượng sách được cải thiện và trở nên đa dạng, thú vị hơn. Không giống như ngày xưa, khi chúng ta muốn tìm kiếm một cuốn sách hay gần như rất khó.
– Có ý kiến cho rằng Internet có thể thay thế sách, quan điểm của chị như thế nào?
Internet hoàn toàn không thể thay thế sách đọc. Kiến thức trên Internet có thể nhanh nhưng không thể đạt đến độ sâu, uyên thâm như sách. Hơn nữa, so về độ chính xác sách đáng tin cậy hơn Internet rất nhiều. Trên mạng thường có nhiều nguồn tin không được kiểm chứng đôi khi làm sai lệch đi sự hiểu biết của chúng ta.
Khi tác giả viết một cuốn sách, họ trải qua rất nhiều sự tìm hiểu, sửa đi sửa lại để đem đến kiến thức chân thực, chính xác nhất. Sau đó cuốn sách đi qua rất nhiều công đoạn kiểm duyệt mới được xuất bản tới bạn đọc. Chính vì vậy, bất kể văn hóa hay một lĩnh vực nào, chúng ta phải đọc sách mới thu nạp được sâu nhất, chính xác nhất những kiến thức và trải nghiệm giá trị.
Từ khi còn bé, bố mẹ đã thường xuyên kể cho tôi những câu chuyện văn học của Nga và giúp tôi tìm hiểu về văn hóa, con người ở đây. Họ luôn khuyến khích tôi phải đọc thật nhiều sách để thu nạp cho mình nguồn kiến thức, cách ứng xử hay bí quyết để thành người tự tin trước đám đông. Mình muốn trở thành người hoạt ngôn phải đọc thật nhiều sách.
– Các bạn trẻ ngày nay thường hiếm có thói quen đọc sách, theo chị là vì sao?
Theo tôi, chắc chắn không thể đổ lỗi cho chất lượng sách ở Việt Nam bị hạn chế hay chưa đủ tốt. Tôi nghĩ là do định hướng từ các bậc cha mẹ đối với con mình. Từ nhỏ, các bạn ấy có thể chưa được cha mẹ rèn luyện, tập cho thói quen đọc sách. Quá trình này cần phải có vài năm để thực hiện, trau dồi tạo thành thói quen. Chính vì vậy, cha mẹ cần thay đổi tư duy và tạo lập một môi trường sống tốt hơn, định hướng cho con có văn hóa đọc từ nhỏ.
– Chúng ta cần làm thế nào để luyện cho trẻ có thói quen đọc sách?
Gần đây Ngọc Hân thấy các bậc cha mẹ có xu hướng tập cho con đọc sách và sử dụng đồ chơi thông minh thay vì gắn liền với tivi, điện thoại… Điều này là rất tốt và đáng hoan nghênh. Tôi là một trong những người ủng hộ xu hướng như vậy. Mặc dù chưa có con nhưng tôi đã bắt đầu áp dụng phương pháp này với các cháu của mình. Tôi thường xuyên mua sách và đồ chơi thông minh cho các bạn ấy, khuyến khích chúng đọc sách nhiều hơn. Thay vì “ném” cho các bạn nhỏ một chiếc ipad hay điện thoại để mình được rảnh tay, thoải mái, cha mẹ nên rèn cho con những thói quen tốt hơn.
TĐ th