Thuộc thể loại khoa học viễn tưởng nhưng Hoa trên mộ Algernon không hề khiến người đọc ngập đầu về những yếu tố khoa học cao siêu. Ngược lại, khoa học ở đây chỉ là cái nền để tác giả thể hiện bi kịch của con người. Và với Hoa trên mộ Algernon, bi kịch ấy là của một người thiểu năng.
Nhân vật chính – Charlie chấp nhận trở thành người thí nghiệm đầu tiên trên thế giới cho nghiên cứu khoa học cải thiện IQ của những người thiểu năng, với suy nghĩ đơn giản là cuộc sống của mình sẽ sang trang mới. Ca phẫu thuật thành công và dần dần, anh chàng với chỉ số IQ chưa đến 70 trở thành 1 thiên tài với bộ óc siêu phàm.
Thế nhưng Charlie dần nhận ra rằng, dù anh có là một thằng ngốc từng bị mọi người coi thường và cười nhạo hay là 1 thiên tài đi chăng nữa thì anh vẫn luôn cô độc. Khi anh trở nên thông minh xuất chúng, người ta không cười nhạo anh nữa nhưng người ta lại ganh tị với anh. Thêm vào đó, dù chỉ số IQ cao nhưng EQ của anh thì vẫn không thay đổi, vậy nên có kha khá tình huống dở khóc dở cười xảy ra trong quá trình Charlie làm 1 thiên tài “ ngơ ngơ”.
Khó có thể chắc chắn rằng, khi trở thành thiên tài, cuộc đời Charlie đau khổ hay sung sướng hơn trước. Không thể phủ nhận một điều là nhờ có vài tháng ngắn ngủi ấy, Charlie đã được sống như một con người đúng nghĩa: biết rung động, biết yêu, biết căm hận, biết tha thứ. Gia đình, những người từng ruồng bỏ anh, sau khi anh thành danh dù không đối xử tệ với anh như xưa, nhưng cũng không thể thay đổi được những thước phim bi kịch khi anh vẫn là một cậu nhóc thiểu năng: khi mẹ anh đánh đập anh, quyết định gửi anh đi nơi khác, hay khi anh bị em gái căm ghét.
Dù là chàng ngốc hay thiên tài, tôi luôn cảm nhận được rằng Charlie rất khao khát và mong muốn có được tình yêu. Thế nhưng kể cả anh có thông minh đến mấy, anh vẫn không thể khiến người con gái anh dành tình cảm yêu lại mình. Trong suốt quãng thời gian thiên tài ấy, anh biết con người thật của mình – Charlie thật với chỉ số IQ thấp vẫn luôn ẩn nấp, tồn tại trong anh. Charlie muốn giết chết tên ngốc đó để mãi là 1 thiên tài. Nhưng tất nhiên, điều ước đó không thành hiện thực.
Bàn một chút về tên của cuốn sách. Tại sao lại là Hoa cho Algernon? Algernon là 1 chú chuột bạch cũng được thử nghiệm phương pháp cải thiện trí thông minh như Charlie. Algernon được phẫu thuật trước Charlie, trở nên thông minh cho đến khi không ý thức được hành vi của mình nữa và chết. Algernon chết cũng là ẩn dụ cho những hy vọng, những khao khát trở thành người bình thường của Charlie: đã nhen nhóm, nhưng bị con người dập tắt. Nếu làm 1 thiên tài đau khổ như vậy, chi bằng cứ quay trở về là 1 người thiểu năng trí tuệ đi? Để không còn biết đằng sau những câu nói, ánh mắt hay tiếng cười ấy đều là sự giả dối của người đời nữa? Vì ít ra khi không biết, sẽ không thấy đau lòng.
Xuyên suốt câu chuyện là 1 không khí trầm buồn, không đến nỗi u ám day dứt, nhưng cũng đủ để lại suy ngẫm trong tâm trí độc giả. Chi tiết cuối truyện là chi tiết đã lấy được nước mắt của tôi. Trước khi Charlie mất hoàn toàn ý thức và trở về là con người ngốc nghếch trước kia, anh vẫn nhớ dặn dò: nếu có dịp, hãy đến sân sau đặt 1 bông hoa lên mộ Algernon thay tôi”. Không biết rồi người đời có còn nhớ đến Charlie thiên tài là ai không, nhưng tôi tin rằng thẳm sâu trong một Charlie ngờ nghệch, vẫn luôn có bóng hình của 1 chú chuột, chú chuột đã đồng hành với anh những ngày tháng đặc biệt của cuộc đời và vĩnh viễn không quay trở lại.
Quỳnh Mai