Mặc dù đã kết thúc được hơn cả thế kỉ, dư âm của thế chiến thứ nhất vẫn còn là một thứ gì đó khủng khiếp cho rất nhiều người. Chỉ trong vỏn vẹn bốn năm từ 1914 đến 1918, thương vong của cuộc chiến này lên đên hơn 25 triệu người – một con số đặc biệt khủng khiếp, và mục đích của nó cực kì mờ nhạt nếu so với bất cứ cuộc chiến nào khác trong lịch sử. Tuy nhiên, niềm vui và niềm hy vọng vẫn le lói trong các chiến hào của vùng Flanders(Bỉ-Hà Lan hiện đại) và ở tại nước Pháp, chiến trường chính ở Mặt trận phía Tây. Và một trong những khoảnh khắc đáng chú ý nhất đã đến vào Lễ Giáng sinh đầu tiên của cuộc chiến, một vài giờ ngắn ngủi trong đó những người lính từ cả hai phía ở Mặt trận phía Tây đã hạ vũ khí, trồi lên từ chiến hào của họ, và chia sẻ thức ăn cùng nhau, hát cùng nhau, chơi cùng nhau, và quan trọng hơn cả: Tình người.
Hòa ước của họ – Hòa ước Giáng sinh nổi tiếng – là một Hòa ước không chính thức từ cả 2 bên. Nhiều sĩ quan hoàn toàn không tán thành với điều này, và sở chỉ huy của cả hai bên đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo rằng điều đó không bao giờ có thể xảy ra nữa.
Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy điều gì đó kỳ lạ đang xảy ra vào đêm Giáng sinh. Lúc 8:30 tối. một sĩ quan của Trung đoàn Bộ binh Hoàng gia Ireland đã báo cáo về bộ chỉ huy: “Quân Đức đã chiếu sáng chiến hào của họ, đang hát những bài hát và chúc chúng tôi một Giáng sinh vui vẻ. Những lời khen ngợi đang được trao đổi nhưng tôi vẫn đang thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa theo đúng tiêu chuẩn quân sự.” Dọc theo chiến hào, hai bên hát cho nhau nghe những bài hát mừng—bài “Stille Natch(Silent Night)” của Đức được đáp lại bằng điệp khúc “the First Noel” của người Anh—và các trinh sát gặp nhau một cách thận trọng, ở No Men’s Land(vùng đất hoang đầy đạn pháo giữa các chiến hào). Theo nhất kí từ một người lính từ Trung đoàn Vệ binh Scots ghi lại rằng một Binh nhì tên Murker “đã gặp một Đội tuần tra Đức và được tặng một ly rượu whisky và một ít xì gà, và một thông điệp được gửi lại nói rằng nếu chúng tôi không bắn vào họ, họ sẽ không bắn. vào chúng tôi.”
Dường như ở những chiến hào khác, điều tương tự cũng xảy ra. Theo một người lính Anh khác, Binh nhì Frederick Heath, hòa ước bắt đầu vào đêm khuya hôm đó khi “tất cả dọc theo chiến hào của bên kia hét to vang đến tai chúng tôi một lời chào độc nhất vô nhị trong chiến tranh: ‘Lính Anh, lính Anh, Giáng sinh vui vẻ, Giáng sinh vui vẻ! ‘”
Ở hầu hết các nơi, ở các cấp chỉ huy từ trên xuống dưới, người ta chấp nhận rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ hoàn toàn là tạm thời. Những người lính quay trở lại chiến hào của họ vào lúc hoàng hôn, thậm chí trong một số trường hợp họ phải được triệu tập trở lại bằng pháo sáng, nhưng phần lớn trong số quyết tâm duy trì hòa bình ít nhất cho đến nửa đêm. Việc ca hát cùng nhau và tặng quà cho nhau vẫn diễn ra liên tục. George Eade, một người lính bộ binh, đã kết bạn với một lính pháo binh người Đức nói tiếng Anh giỏi, và khi anh ta rời đi, người bạn mới này nói với anh ta răng: “Hôm nay chúng ta có hòa bình. Ngày mai, bạn chiến đấu cho đất nước của bạn, tôi chiến đấu cho đất nước của tôi. Chúc may mắn.””
Chiến tranh lại tiếp diễn và sẽ không có hòa ước nào nữa cho đến khi có hiệp định đình chiến chung vào tháng 11 năm 1918. Hầu như đa số những người lính trong số hàng nghìn người đã cùng nhau tổ chức lễ Giáng sinh năm 1914 sẽ không thể sống để chứng kiến hòa bình trở lại. Nhưng đối với những người sống sót, hòa ước này có lẽ là một điều họ không bao giờ có thể quên.
Lược dịch từ Smithsonian
Chúc mọi người giáng sinh an lành!