Đúng – mình viết bài này để thấy được rằng cộng đồng của chúng ta đã đi một quãng đường khá xa như thế nào. Có lẽ bây giờ ở Việt Nam đã có rất nhiều các sự kiện khác nhau về sneaker và streetwear/streetfashion/Fashion icon các thứ – nhưng những thứ gì đường phố, bản chất nó vẫn là đường phố. Cách đây hơn 8 năm 9 năm – từ những group trên mạng (Lúc đó còn Forum, Yahoo 360 Blog các kiểu cơ) thì những anh, những chị đã đặt nền tảng sân chơi cho chúng ta như bây giờ.
Mỗi thời mỗi khác, khó có thể mà so sánh được. Ví như chúng ta luôn nghe ba mẹ phiền lo rằng: “ Cái thời của chúng tao, đói kém cực khổ, đâu có sung sướng như tụi mày, mà giờ sướng quá rửng mỡ hả”- thì điều đó thật không công bằng. Mỗi cộng đồng, mỗi nền văn hóa – đều nên phát triển và đi lên, chứ không thể giữ vững được những thứ đã là bản chất tồn tại của nó. Sân chơi của chúng ta cũng vậy, bắt đầu nền tảng là “Sneaker” – là đôi giày – là nền văn hóa gắn liền với các nền văn hóa khác (Bao gồm hiphop, basketball, graffiti, skateboarding) và dần dà – phát triển lên thành thời trang đường phố (Nhưng căn bản – cũng dựa trên subculture như trên).
Cá nhân mình, lại vẫn hoài niệm những ngày xưa hơn. Những anh/chị đi trước, vốn dĩ được sinh ra trong một cộng đồng còn non trẻ nên mọi người còn rất mở lòng và sẵn sàng chia sẻ với nhau, đương nhiên, là cũng rất nhiều người lắng nghe và thấu hiểu. Cuộc chơi lúc đó là cuộc chơi không chỉ về độ hiếm của giày, của sản phẩm mặc trên người, của sự khác biệt mà còn là cuộc chơi về trí thức, về nền tảng mà chúng ta nắm được. Bạn có đồ ư? Ok – tôi biết bạn – Nhưng bạn có thêm cả kiến thức ư? Quá tuyệt vời, tôi nể bạn vãi loèn ra. Chứ bây giờ – để người ta biết và nể – chỉ cần bạn có 1 đống đồ, showoff và thể hiện trên mạng xã hội. Lớp trẻ tiếp nhận cái hào nhoáng bên ngoài mà không cần cái cốt lõi bên trong. (Đại đa số, không vơ nắm cả đũa).
Lí do một phần nữa là thời đó nền kinh tế còn khó khăn – xã hội chưa mở cửa rộng như bây giờ nên cơ hội sở hữu những món đồ hiếm, món đồ mới ra – đa phần là khó và chỉ có những sự kiện như trên, người ta mới có cơ hội để chiêm ngưỡng tận mắt những thứ đó bằng xương bằng thịt và những con người sở hữu sẽ tha hồ “Chém gió” “chia sẻ” và tự hào về các sản phẩm mà họ có được. Còn bây giờ thì sao? À – quá dễ dàng để bạn có được 1 hyped item nào đó, seller đầy nhóc ra kia kìa – và cũng chẳng cần bạn phải vác xác ra một sự kiện làm gì (Nếu không phải là đi chơi và thực dụng hơn 1 tí, đi camp đồ) – chỉ cần bạn có tiền mà thôi.
Nói đi cũng phải nói lại, các sự kiện bây giờ – phải chấp nhận theo đuổi theo xu hướng của cả chung thị trường với thị phần là những người thuộc gen Z – trẻ trung, năng động và háu đá. So với cả thế giới, đôi giày đã không còn là kim chỉ nam của event mà nó chỉ còn là 1 phần trong tổng thể outfit của người tham dự. Cộng thêm sự phát triển mạnh mẽ của local brands và streetwear thì sneaker bây giờ chỉ được xếp là thứ yếu trong tổng thể một chương trình. Các bô lão có buồn – cũng chỉ nên buồn một phần thôi, đơn giản vì nó là xu hướng – và cũng nên mừng, vì chúng ta đã phát triển từ 1 group, 1 nhóm người nho nhỏ mà giờ cả ngàn người tham gia 1 sự kiện mà có tất cả các nền văn hóa khác nhau (Mặc dù chưa ra màu cho lắm).
Nhưng cũng vì quá đầy đủ, mà thế hệ bây giờ – không máu lửa như hồi xưa. Quá dễ dàng để mua để bán những thứ thuộc về giày dép và thời trang, nên thời gian tìm hiểu là không cần thiết, điều mà bạn cần chỉ là tiền đủ và seller nhận deal. Thế nên – cuộc chơi bây giờ không phải là cuộc chơi về kiến thức nhiều như ngày xưa nữa mà là cuộc chơi về tiền, về độ flex và xu hướng. AI xu hướng hơn, người đó thắng + thêm tinh thần tự cao đến khủng khiếp của thế hệ mới – khiến nhiều lúc Bi cũng phải mủi lòng. Các bạn trẻ sau này rất giỏi, rất có khả năng – cập nhật xu hướng, tranh luận biểu cảm tốt hơn người xưa – nhưng các cụ có câu “Ai đời trứng lại đòi khôn hơn vịt”. Giờ người ta độ không phải là độ về kiến thức, về bài bản mà là độ IG có bao nhiêu followers, Facebook tương tác thế lào, Youtube channel có Vlog không? Đồ show như thế nào? Điều này khiến các anh/chị đi trước ngao ngán và 1 phần cũng không có thời gian, khó mà kết nối được với thế hệ bây giờ.
Chúng ta có phát triển – đúng, mà còn phát triển rất nhanh, nhanh đến mức mà bỏ qua phần nền tảng. Vậy bây giờ quay lại để mà xây dựng thì chắc có kịp và liệu cái nhanh đó nhanh được tới mức nào nữa hay 1 lần đứt phanh và chệch hướng?