Học sinh trường chuyên – Chương 1

by admin

Học sinh trường chuyên – Chương 1

[1]

Những ngày cuối tháng 6 năm 2012, miền Bắc nắng nóng kỉ lục, nhiệt độ đo trong đài quan sát là gần 38 độ, ngoài đường nhiệt độ có thể cao hơn một đến hai độ. Người lớn cứ việc uể oải, chép miệng, thở dài, còn lũ chúng tôi cảm thấy mọi thứ – từ nắng nóng, El Nino, băng tan, cá mập chết, những tiếng thở dài kia, đến cả kì thi trước mắt –  tất cả chẳng liên quan gì đến mình. Chúng tôi sống cà lơ phất phơ như vậy suốt từ tháng 6,  tháng ôn thi lên cấp III. Các khối lớp 6, 7, 8 đều đã nghỉ cả, chỉ còn lũ lớp 9 chúng tôi hoành hành trong trường, không ai quản nổi. À, thật ra đôi khi sẽ nghe thấy tiếng chó sủa ăng ẳng lẫn tiếng bảo vệ thét: “Bọn ranh con kia, ai cho chúng mày làm thế?”. Úi chà, chúng tôi lại sợ lão quá cơ.

Nói đến bảo vệ trường tôi, có hai người, người phía trên vừa kể chúng tôi đều gọi là lão, lão chắc ngoài 30 tuổi, nhưng rất lười biếng, toàn đùn đẩy việc cho bác Sơn. Bác Sơn đã già cả, nhưng vẫn phải cặm cụi mùa xuân quét lá phượng chất thành đụn, mùa thu quét lá bàng chất thành đống, còn lão Quang chỉ biết hút thuốc lào và quát lác cả học trò lẫn bác Sơn.

Có lệ bất thành văn như thế này, cô giáo nào bị ghét thì sẽ bị gọi là “bà”, thầy giáo nào bị ghét sẽ bị gọi là “ông”, tất nhiên, lão Quang đã bị gọi là “lão”, thì có nghĩa là học sinh trong trường không ai ưa lão cả. Nhất là “đàn anh đàn chị” lớp 9, những người đã trải qua 4 năm bị đàn áp dưới ách thống trị của lão, thù sâu như biển, chỉ có thể trút giận bằng cách thi nhau ném quả bàng vào đúng đầu hai con chó lão nuôi, vẫn xích chỗ xe rác gần phòng bảo vệ. Chó kêu ăng ẳng uất ức mà không đuổi theo chúng tôi được, cảm giác đó, thật… quá hả hê cho chúng tôi!

Chúng tôi ngày ấy cho rằng hành vi ném đá giấu tay trả thù thay bác Sơn như thế thật là trượng nghĩa, thật vĩ đại, tất nhiên, con người lớn lên, nhân sinh quan sẽ thay đổi, khái niệm trượng nghĩa năm 15 tuổi sẽ khác xa khái niệm trượng nghĩa tuổi 18.

Tất nhiên, cả khái niệm “dũng cảm” cũng thay đổi.

Năm ấy, dũng cảm có nghĩa là dám ghi hai chữ KHÔNG to tướng vào giữa chỗ chấm chấm điền nguyện vọng hai và nguyện vọng ba vào trường chuyên. 

Dông dài như vậy, mãi rồi cũng đến ngày thi. Chuyên thi trước, phổ thông thi sau, cách nhau hai tuần. Nghe có vẻ dồn dập, thực ra chẳng áp lực gì đâu, chỉ thấy chóng vánh một cách bình thản. Nói thế nào nhỉ, mượn lời cô giáo cũ của tôi bảo lúc chúng tôi đến thăm cô năm lớp 10 đi: “Các em không có lửa. Cả khóa lớp 9 năm ấy – các em không thiết tha học, không có khao khát đỗ chuyên.”

Ngừng một lát, tựa như để sắp xếp lại từ ngữ, cô bảo: “Các em chỉ toàn nghĩ: miễn là lên cấp III vẫn học cùng nhau, thế là được rồi.”

Cô nói sai rồi, đỗ chuyên vẫn là ước mơ của tất cả chúng tôi, sao lại có người thích học phổ thông hơn được. Mấu chốt là, ai chẳng biết tỷ lệ vào chuyên chỉ cỡ 1/10, thế thì cũng không nên hi vọng quá làm gì.

Không có hi vọng sẽ không có thất vọng, ha ha.

Những ngày đợi kết quả, tôi lôi một tập giấy A4 đi lang thang trên đồng vẽ kí họa. Ngày đó nhà tôi đã có máy tính rồi, nhưng chưa nối mạng, những năm 2010s mà vẫn chưa nối mạng thì đúng là lạc hậu thật. Đổi lại, hồi đó tâm hồn hãy còn bao trong trẻo, bao tự do. Thỉnh thoảng đạp xe qua ngôi trường cũ, ngói đỏ tường vàng vẫn còn ngủ im lìm trong trưa vắng, đột nhiên cảm thấy hơi thẫn thờ. Rõ ràng mình tốt nghiệp ra trường, thế mà cứ như bị đuổi khỏi ngôi nhà bấy lâu nay vẫn sống.

[2]

Ngày có kết quả, tôi ngu người luôn.

Tôi thế mà đỗ!

Tôi – một con bé đội tuyển văn tay ngang, thi chơi chơi, thế mà đỗ Chuyên Anh! Dù là đỗ vớt vát đâu tầm 32 33 gì đó trên sĩ số 36, thì vẫn là đỗ. Dù rằng cô giáo của tôi đã vô vàn lần cảnh báo về chuyện học Văn thì làm gì có cửa vào Anh, đấy là chuyện không tưởng, thế mà tôi vẫn đỗ!

Nhưng lúc ấy tôi chỉ thấy ngu người chứ chả thấy hạnh phúc gì.

Tại vì bạn thân của tôi trượt.

Bạn thân của tôi, nhân tài đội Anh, chắc suất chuyên Anh, bởi vì nó nên tôi mới cố kiết thi Anh, thế mà nó trượt. Còn tôi đỗ.

Đời cơ bản troll tôi từ đó.

Bấy giờ học hay không học là câu hỏi triết học lớn nhất cuộc đời tôi.

Học, thì đúng là tham phú phụ bần, bán bạn cầu vinh blabla… Thề thốt học cùng nhau, còn hứa nếu đỗ thì cùng đỗ, nếu một trong hai đứa tạch thì sẽ cùng nhau tạch cơ mà.

Không học, thì không cam lòng.

Ôi, từ việc nhỏ suy ra việc lớn, có thể thấy từ bé tôi đã là một đứa khuẩn nạn chả ra gì. Vì cuối cùng tôi vẫn học. Cũng có nghĩa là chuỗi thời gian ba năm tôi phải nhận báo ứng vì cái sự phản bội của mình, đã chính thức bắt đầu.

[3]

Bạn có tin vào nhân quả không?

Tôi thì không, thế nên tôi ăn quả đắng.

Giống như con Cám cố kiết tròng chân vào chiếc giày không thuộc về mình, thì phải chịu đau.

Mà đã thế còn chả đi được đến đâu. Đáng đời lắm.

Như đã kể, tôi là đứa học sinh đội Văn thi chơi chơi. Bảo tôi học Chuyên Văn may ra tôi còn sức đấu đá, chứ học Anh thì tôi mù tịt rồi.

Không biết trường Chuyên các tỉnh khác thế nào, chứ trường Chuyên tỉnh tôi, lớp Chuyên của tôi, thì có cái trò khốn nạn bỉ bựa tồi tệ nhất đấy là làm đề chấm chéo từ ngày này qua ngày khác. Rồi thứ 7 có tiết sinh hoạt thì tổng kết bạn đầu sổ và bạn đầu sổ từ dưới lên.

À thì, bạn đoán đúng rồi đấy, tôi chính là cái đứa tuần nào cũng được vinh danh nhờ đội sổ thường xuyên.

Ôi, peer pressure khốn nạn.

Cái kiểu cạnh tranh như đấu trường sinh tử này khiến tôi nhục muốn đâm đầu chết luôn cho rồi. Tí nữa thì tôi đã về khóc lóc ỉ ôi để xin mẹ chuyển trường cho rồi đấy. May mà tự nhiên hôm tổng kết thứ 7 cuối tuần ấy, cô giáo chủ nhiệm đáng kính của tôi, sau khi xúc động bày tỏ lòng kinh ngạc về sự ngu dốt của tôi như thường lệ, đã thân ái khuyến mãi cho tôi thêm câu này nữa: “Bố mẹ cái dạng gì mà dạy em được thế này, kể cũng tài.”

Thế là tôi im bặt. Chả hó hé gì chuyện chuyển trường nữa.

Mình tôi nhục đủ rồi, bắt mẹ tôi đến gặp cô nữa để nỗi nhục nhân đôi à?

[4]

Sau đó? Tôi quyết tâm học hành, bước lên đỉnh vinh quang, báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ, khiến cô giáo chủ nhiệm của mình hối hận không nguôi?

Xin lỗi, mơ quá đẹp rồi.

Chậc, tôi cũng cố gắng học lắm, nhưng đầu óc có hạn là thật, suốt nửa năm chỉ nhích từ vị trí đội sổ lên gần giữa giữa lớp thôi.

Thế cũng không tệ mà nhỉ.

Nhưng đứa tôi ghét thì liên tục dẫn đầu lớp.

Thế mới cay chứ.

[5]

Đứa tôi ghét là bạn cùng bàn của tôi chừng ¾ quãng đời cấp 2.

Ấy, từ đầu đến giờ giới thiệu chưa nhỉ, tôi là gái, bạn thân của tôi là gái, đứa tôi ghét cũng là gái nhé. Thời học sinh của tôi nhạt nhẽo lắm, chả có mối tình nào đâu. Nên nếu bạn đến đây để tìm soái ca tuổi thanh xuân, thì cho tôi xin lỗi nhé.

Crush nó lại là phạm trù khác, để sau.

Quay lại, đứa tôi ghét đã học cùng tôi bốn năm có lẻ. Lúc đầu tôi cũng thích nó lắm, nhưng ai bảo nó cứ suốt ngày tranh giành bạn thân với tôi, tôi ghét luôn.

Mấy ông là con trai không hiểu đúng không? Tôi bảo mấy ông nè, tình bạn của lũ con gái nhiều lúc nó còn phức tạp hơn tình yêu trai gái nhiều lắm.

Bạn thân của tôi, thông minh xinh xắn, tính cách dịu dàng đáng yêu, tôi mà là con trai tôi yêu nó lâu rồi.

Tôi thi Chuyên Anh vì nó mà, thế mà nó trượt, tôi đỗ.

Thôi bớt bớt, tại tôi hèn, tôi không dám về phổ thông học chung với nó mà thôi.

Nói chung đã lựa chọn vậy thì dám làm dám chịu. Lên đây ăn mày tình thương à? Tôi nhắc lại thế chỉ để giải thích cho cái sự tréo ngoe tại sao tôi lại phải xa người mình thương, gần người mình ghét, thế thôi.

Lời mở đầu

Chương 2

You may also like

Leave a Comment