Học sinh trường chuyên – Chương 3
[11]
Kỳ cục nỗi, lúc tôi nghiêm nghiêm chỉnh chỉnh thì không ai chơi, đến lúc điên điên dở dở thì cái mác thiếu hòa đồng cũng tự nhiên gỡ xuống.
Thế mới hay chứ.
Bạn cùng bàn của tôi lần này là một cậu con trai Vĩnh Yên, mẹ là giảng viên, bố là cục trưởng cục công thương hay sao đó, con ông cháu cha chính gốc, gọi cậu ấy là lớp trưởng đi.
Lớp trưởng có một cậu em họ học cùng trường cấp hai với tôi, chả biết một hôm nghe chuyện thế nào, lon ton chạy lại hỏi tôi: “Này, nghe nói hồi trước cậu phải viết báo lấy tiền đóng học hả?”
Excuse me?
Tôi không biết vì sao lời đồn lại có thể biến hóa đến mức độ này.
Hồi cấp hai rảnh rang tôi cũng có viết truyện viết báo, Thiếu niên tiền phong Tri thức trẻ vân vân, nhưng là để kiếm tiền mua ô mai thôi. Tôi mà viết báo lấy tiền đóng học thật thì có mà lên báo lâu rồi.
Có điều, cái gì gọi là thiên kiến xác nhận ấy, các bạn biết mà. Người ta chỉ tin những gì người ta muốn tin.
Mặc cho tôi phủ nhận rát cả họng, từ ấy lớp trưởng vẫn thường xuyên nhìn tôi bằng ánh mắt ái ngại, có mua đồ gì ăn cũng chia cho tôi một ít.
[12]
Từ việc nhỏ suy ra việc lớn, có thể thấy lớp trưởng sau này nhất định rất hợp làm HR. Quan tâm đến con người thế cơ mà.
Qua nửa năm học, bọn lớp tôi bắt đầu gọi lớp trưởng là mẹ nuôi.
Về phần tại sao không phải là cha nuôi, thì bạn đã thấy cha nào quan tâm đến miếng ăn giấc ngủ con cái bằng mẹ chưa?
[13]
Nói thật ngồi cùng bàn với lớp trưởng tôi có hơi xúc động. Vì thỉnh thoảng cậu ấy làm tôi nhớ đến thằng bạn cũ hồi cấp hai, gầy gầy đen đen, cứ hay giận dỗi như con gái.
Có một lần bị tôi làm thơ chế, gã uất quá quay xuống xé sách của tôi. Bị cô giáo gọi lên, gã chỉ thẳng mặt tôi tố cáo: “Bạn ấy trêu em, bạn ấy còn giật tóc em nữa.”
Trêu tí cũng méc cô, tôi không thèm chấp.
Nhưng mà có người chấp. Suốt ngày hôm sau gã không buồn nói chuyện với tôi.
Vẫn nói nói cười cười như thường, nhưng chỉ cần tôi liếc mắt sang một cái là bày ra bản mặt lạnh te.
Nhà ngươi lạnh cho ai xem? Tôi nhẫn.
Sang ngày thứ hai lớp tôi kéo co thắng, tôi vốn định qua chúc mừng đấy, thế mà gã kéo bạn gã vòng qua người tôi đi mất.
Đến ngày thứ ba thì chắc cũng hết giận rồi đúng chứ? Có đáng để thù dai thế không? Gã còn xé sách của tôi kìa, thiệt hại vật chất to đùng thế mà tôi có tính toán với gã đâu.
Tôi không chơi cái trò con nít xít te ấy từ hồi ba tuổi rồi.
Chiều hôm ấy đi học thêm, thấy gã đứng một mình ở đầu ngõ, tôi mới hỏi: “Ấy, không học à?”
Tôi hỏi tử tế, đàng hoàng nhé. Mà gã không thèm trả lời, làm tôi đến nơi mới biết hôm ấy cô cho nghỉ.
Tôi tức thật rồi đấy. Tôi không thèm chơi với cái loại con trai nhỏ nhen thế nữa đâu, tôi thề.
Sang ngày thứ tư thì gã nói chuyện với tôi. À, do tôi bắt chuyện trước. Nhưng chắc gã cũng cảm thấy giận dỗi thế đủ rồi, thế là ân xá cho tôi.
[14]
Hay dỗi thế thôi chứ gã cũng không phải kiểu người không biết lý lẽ.
Trước hôm thi thấy tôi hí hoáy dán lại sách, chả biết gã kiếm ở đâu một quyển khác quăng cái bộp trước mặt tôi. Tôi hỏi của ai đấy, gã bảo: “Không biết.”
Tôi đầy mặt hỏi chấm, gã mới vặn vẹo thêm một câu: “Cho mày.”
Thế là tôi hoan hoan hỉ hỉ tha thứ cho gã. Mà tha thứ cái beep, toàn là gã đơn phương giận dỗi tôi, tôi nào dám dỗi gã bao giờ.
Máy tính hỏng tôi còn phải nhờ gã sửa, bài Pascal tuần sau tôi còn phải nhờ gã làm hộ nữa.
Cuộc sống mà.
[15]
Nhưng rồi tháng năm hết, tuổi trẻ đều biến thành chuyện đã qua. Đám học trò chúng tôi mỗi người một ngả, rất lâu về sau tôi cũng không gặp lại gã nữa. Nhưng lần họp lớp có tôi thì không có gã, có gã thì vắng tôi.
Thứ bảy cuối tuần nào tôi cũng mua hai gói ô mai, chờ trên chuyến xe cũ, nhưng chẳng bao giờ gặp lại.
Thế đấy, có những người từng hiện hữu như một chấm màu sặc sỡ nhất trong tuổi trẻ của tôi, chớp mắt một cái thôi đã rời đi không vết tích rồi.
Chương 2
Chương 4