Học sinh trường chuyên – Chương 4
[16]
Trong những ngày hỗn loạn cuối năm lớp mười ấy, cuối cùng cũng có kết quả thi.
Có một tin vui và một tin buồn, bạn muốn nghe tin nào trước?
Thực ra cũng thế cả thôi. Tin buồn là tôi không được giải, tin vui là tôi chưa bị đuổi khỏi trường Chuyên.
[17]
Chẳng nhớ mùa hè năm lớp 10 đã trôi qua thế nào nữa. Chắc là ăn, ngủ, đọc truyện, chơi game? Có cố gắng thế nào cũng không thể học giỏi lên được nữa, tôi còn cố gắng làm gì.
Lên lớp 11 bắt đầu chọn đội ghép. Đội ghép có nghĩa là đội tuyển học chung với các anh chị lớp 12, lấy mục tiêu là đi thi Học sinh giỏi Quốc gia, chọn ra một phần ba học sinh ưu tú nhất.
Tôi, nằm trong hai phần ba còn lại, vinh hạnh nhận thấy cường độ học tập dành cho mình bỗng giảm hẳn đi. Năm ngoái, một tuần tôi học bảy tám ca, ngày nào cũng sớm đi tối về, còn hơn cả công nhân ca kíp. Năm nay thì học cỡ ba bốn ca, muộn nhất là 4h về rồi. Có hôm còn không phải học chiều, rảnh phát ốm lên được.
Thế mà tôi còn có thể rảnh hơn được nữa.
Sau khi bị gãy chân, nằm nhà nguyên một tháng không được đi đâu.
Về sự kiện này, có thể coi như truyền kỳ trong trường tôi luôn rồi.
Chẳng là một hôm tan học như bao ngày đẹp trời khác, tôi tung tăng nắm tay bạn học đi trong sân. Còi xe kêu bíp bíp, tôi chả quan tâm. Thế là tôi bị xe tông.
Thủ phạm: Cô giáo dạy Lý trường tôi.
Địa điểm: Sân trường.
Thương tật: Gãy chân, khâu hai mũi, bó bột một tháng.
Cô giáo tôi kể cũng hơi xui, tôi xui, mà trường tôi cũng xui.
Lúc tôi đi học trở lại, thấy nhà trường còn đặc biệt cho phá hết mấy dãy bồn hoa để làm thông thoáng lối đi, chắc là từ sau sự kiện đổ máu của tôi rồi, tôi lại chả vinh dự quá đi chứ lị.
[18]
Tôi bị gãy một cái chân, nhưng tôi lấy lại được một cái đầu.
Cho nên nói chuyện gì xảy ra cũng có nguyên do của nó vậy.
Suốt một tháng trời, ngày nào cũng để mẹ phải đỡ từ giường ra bàn học (tại vì bàn học có PC, không phải bàn để học đâu), tôi chả còn tâm trạng nào đọc ngôn tình nữa.
[19]
Tôi xuất viện về được mấy hôm thì có bạn học đến thăm. Tôi bảo mẹ lấy hộ cái lược để tôi chải đầu. Tôi gầy xọp đi rồi, mặt mũi thì hốc hác, nhưng tóc thì không thể qua loa được.
Chắc là bệnh chung của con gái ấy mà. Tóc tai mà không hẳn hoi thì không dám ra đường luôn.
Hôm ấy, nguyên nửa cái lớp cấp 2 của tôi kéo đến. Chả biết chúng nó đến thăm bệnh hay đến tấu hài nữa, còn bóc cả quà bánh mang đến cho tôi để mà ăn như đúng rồi.
Nói thế thôi chứ tôi vui lắm, còn sáng tác cả thơ con cóc kỷ niệm sự kiện này cơ mà. Thơ rằng:
Chán quá. Thật là chán.
Một ngón chân bị gãy
Một cây đinh trong người
Một bàn chân dập nát
Một lòng người chơi vơi
Một tháng nay tàn phế
Một tháng như một đời
Một người thành như thế
Một bầy rủ đi bơi.
Cô giáo dạy văn của tôi mà thấy bài thơ này chắc cảm động khóc thét.
Bạn thân của tôi tuần nào cũng sang, kể chuyện cho tôi đỡ buồn, mang cả sách vở qua nhà tôi học.
Hết cấp 2 rồi đến cấp 3. Cấp 3 cử đại diện ban cán sự là lớp trưởng kiêm bạn cùng bàn của tôi đến thăm, hợp lý thật.
Hết, chả còn ai nữa.
À thì, tôi cũng có giao du với ai mấy đâu. Tôi chờ ai chứ. Tôi chả chờ ai hết.
[20]
Thực ra có một người học cùng tôi từ cấp 2 lên cấp 3 đấy.
Nhưng mà tôi ghét nó, nó cũng chả ưa tôi. Tôi chơi với hội Vĩnh Yên, nó chơi cùng dân Liên Bảo, phát xít còn hơn cả quân Đồng minh với Đức.
Hôm xảy ra tai nạn, tự nhiên nó chả nói một lời leo lên xe cứu thương đến viện, còn bỏ cả buổi học để ngồi trông. Làm thủ tục, lấy nước cho tôi, thế mà từ đầu đến cuối vẫn không nói một lời.
Tôi cũng méo thèm nói chuyện với nó. Căn bản tại tôi đau quá, nói chuyện cũng lười.
Vô công rồi nghề ở nhà gần một tháng, tôi bắt đầu tập tễnh đi lại. Mẹ tôi bảo: “Đi từ từ thôi.”
Tôi có đi nhanh đâu. Nãy giờ vịn đồ đạc đi được mấy mét quèn mà còn mệt hơn hồi xưa chạy điền kinh 2000m nữa.
Vào một cái ngày tôi nhếch nhác mồ hôi, tóc tai bê bết như thế, cuối cùng nó cũng đến.
Chương 3
Chương 5