Bất kì ai cũng cần phải học nhưng không phải ai cũng biết học sao cho đúng.
Làm sao học ít hiểu nhiều
Học tập là một hành trình kỳ diệu có thể thay đổi nhận thức và thế giới quan của con người, và tri thức là vũ khí lợi hại nhất của mỗi cá nhân trong kỷ nguyên lao động trí óc. Song, một người khôn ngoan không chỉ dừng lại ở việc “học”, mà còn cần phải “học cách học”. Từ đây, có một câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào để học tập một cách hiệu quả nhất, đảm bảo được chất lượng kiến thức dung nạp và tránh lãng phí thời gian? Bác sĩ tâm thần kiêm nhà văn Zion Kabasawa không chỉ khơi gợi và đặt ra vấn đề ngay trong tiêu đề cuốn sách “Làm sao học ít hiểu nhiều?” mà còn đi sâu vào việc nghiên cứu và trình bày những phương pháp học tập cụ thể, thực tế và khoa học nhất để tối ưu hóa quá trình cũng như thành quả của việc họ
Cuốn sách được Kabasawa tập trung hướng tới việc học tập của những người trưởng thành – những người đã bước chân vào thị trường việc làm – bởi quá trình học của con người trong giai đoạn này là một sự tùy chọn (optional) và mang tính độc lập cũng như tự học nhiều hơn. Tuy nhiên, cuốn sách này vẫn rất phù hợp với sinh viên đại học, bởi lẽ phương pháp học tập ở môi trường đại học cũng bắt đầu mang tính tự định hướng, đòi hỏi sự chủ động của người học trong quá trình học để đạt được kết quả mong muốn. Cuốn sách có thể được chia ra làm 2 phần chính yếu: 1) Ý nghĩa của việc học và lý do khiến việc học không suôn sẻ, 2) Các phương pháp cải thiện việc học (nội dung chủ yếu của cuốn sách).
Mở đầu cuốn sách, nhà văn kích thích tinh thần học tập của độc giả bằng cách nêu lên các thành quả của việc học rồi đặt ra vấn đề: “Đâu là lý do khiến việc học của ta không suôn sẻ?”, đây là chiếc bàn đạp để tác giả trình bày toàn bộ các phương pháp vô cùng thực tiễn trong toàn bộ phần còn lại của cuốn sách.
Sau đây là những điểm cốt lõi nổi bật và đáng ghi nhớ từ cuốn sách:
Xây dựng cho mình phương pháp học tập riêng
Nhiều người khi nghĩ đến quá trình học tập, chỉ chú ý đến phần “lượng” mà bỏ qua phần “chất”. Tức là ta mặc định rằng lượng thời gian bỏ ra sẽ tỉ lệ thuận với chất lượng kết quả mình đạt được: học nhiều = học giỏi. Không thể phủ nhận rằng nếu dành nhiều thời gian cho việc học, ta sẽ đạt được thành tựu ở một mức độ nhất định nào đó. Tuy nhiên, nếu ta chỉ biết lao đầu vào học, và xem số lượng thời gian là tiêu chí duy nhất để đánh giá mức độ hiệu quả học tập thì việc học sẽ trở nên lan man, thiếu hệ thống và từ đó việc học sẽ trở nên vô cùng lãng phí.
Trái lại, học tập có phương pháp là học tập có mục đích, hệ thống, quy củ và định hướng. Điều này tương tự như một tấm bản đồ giúp người học có một cái nhìn tổng quan, rõ ràng về lộ trình học và tiến độ của mình trên con đường học tập, giúp tiết kiệm thời gian, công sức vì hạn chế tối đa việc “mù đường”, “đi lạc hướng”. Học tập có phương pháp là tự đặt ra trong đầu câu hỏi “Học như thế nào là hiệu quả nhất?”, “Tại sao cần phải học theo (những) cách này?”, v.v. và tiến hành thực hành phương pháp đó.
Phương pháp vui vẻ hóa não bộ:
Làm điều khó hơn khả năng của mình một chút:
Giữa 3 cuốn sách chứa:
1) 10% kiến thức bạn chưa biết
2) 30% kiến thức bạn chưa biết
3) 70% kiến thức bạn chưa biết.
Bạn sẽ chọn cuốn nào? Theo Zion Kabasawa, cuốn sách thứ 2 là lý tưởng nhất. Bạn sẽ không thể học được nhiều điều từ cuốn đầu tiên, trong khi cuốn thứ 3 sẽ dễ dàng khiến bạn bỏ cuộc giữa chừng vì bạn thiếu kiến thức nền tảng để có thể dung nạp quá nhiều kiến thức mới. Với cuốn thứ hai, bởi lẽ bạn đã có kiến thức cơ bản về lĩnh vực đó, việc tiếp thu 30% nội dung mới của cuốn sách dù có đôi chút khó khăn ở giai đoạn đầu, nhưng sẽ dễ dàng hơn về sau. Theo tác giả, “Nếu bạn chọn thứ khó hơn một chút so với thực lực của bản thân, việc học của bạn sẽ được tối ưu hóa”. Vì vậy, khi chọn tài liệu, lĩnh vực kiến thức để tìm tòi, nghiên cứu, ta không nên tham vọng chọn thứ quá khó vì quan niệm “khó thì học được nhiều”, thay vào đó, hãy lựa chọn thứ “phù hợp” với mình. Phù hợp có nghĩa là: Thứ đó đủ khó để ta học tập được nhiều điều mới, nhưng cũng đủ dễ để ta có động lực tiếp tục. Mức độ khó của kiến thức nên là một động lực “kích thích” tinh thần học tập, không phải là yếu tố khiến ta nản chí và bỏ cuộc.
Phân chia nhỏ thời lượng:
Giữa việc học 30 phút mỗi ngày và 3 giờ liền vào một ngày chủ nhật, cách học nào sẽ hiệu quả hơn? Kabasawa cho rằng cách học phân tán sẽ có hiệu quả hơn cách học dồn tập trung ở 2 khía cạnh:
- Thứ nhất, thay vì gây ra trạng thái chán nản, học phân tán sẽ kích thích tinh thần học tập hơn.
- Thứ hai, học phân tán tạo điều kiện để ta ôn tập nhiều lần và dễ dàng lưu lại kiến thức.
Đầu vào (input) và đầu ra (output) của việc học
Tác giả định nghĩa quá trình thu nhận kiến thức (đọc, nghe giảng,..) là nhập đầu vào (input) và quá trình vận dụng kiến thức (giải bài tập, thực hành, dạy,…) là xuất đầu ra (output) – một cách định nghĩa rất trực quan và cô đọng. Nhiều người trong chúng ta thường ngộ nhận việc dung nạp thật nhiều đầu vào (input) – đọc nhiều, nghe nhiều – thì ta sẽ tự khắc trưởng thành. Song, thực tế đây là một cách học lãng phí, thụ động và thiếu hiệu quả. Nhà văn khẳng định rằng mức độ trưởng thành không tỉ lệ thuận với lượng đầu vào vào, mà tỉ lệ thuận với lượng đầu ra (output).
Đầu ra (output) là hành động cụ thể (viết, dạy người khác, giải bài tập,…). Việc xuất đầu ra vừa giúp vận dụng tối đa kiến thức đầu vào, vừa giúp bạn phân định rõ những lỗ hổng, thiếu sót của bản thân. Quá trình xuất đầu ra sẽ đòi hỏi sự vận động của các cơ mà theo tác giả, sự vận động cơ có tác động rất mạnh mẽ đến bộ nhớ: “Đặc điểm của bộ nhớ vận động là một khi cử động cơ thể được lưu vào, bạn gần như sẽ không bao giờ quên nó”. Ví dụ, một khi bạn đã biết chạy xe đạp, bạn sẽ (gần như) không bao giờ “quên” cách chạy nó.
Phương pháp Shuhari
Shuhari – một phương pháp học tập mà Zion Kabasawa đánh giá là “thần kỳ”. Đây là một phương pháp học có định hướng để tránh việc học một cách lãng phí. Shuhari gồm 3 phần/3 giai đoạn:
- Shu – giai đoạn tuân thủ: “ngoan ngoãn” bắt chước, không hỏi lý do để nắm vững toàn bộ kiến thức cơ bản.
- Ha – giai đoạn bứt phá: từng bước khám phá phong cách khác và dần phát triển.
- Ri – tách ra: tạo dựng phong cách riêng và đột phá.
Mô hình Shuhari rất dễ hình dung khi đưa vào quá trình học một ngôn ngữ mới: ngoan ngoãn học theo, không thắc mắc quá sâu và bắt chước một cách triệt để ⇒ dần mở rộng, tự vận dụng và khám phá phong cách khác để phát triển ⇒ xây dựng phong cách riêng theo ý muốn và đột phá.
Ngược lại với phương pháp Shuhari là “ông chú Ririri”. Thay vì tuân thủ 3 giai đoạn, người học mù quáng ngay lập tức tiến hành phần “Ri”. “Tự học” đang là một kỹ năng cần thiết, nhưng không phải ai cũng biết cách tự học hiệu quả. Không ít lần ta nghe những người xung quanh mình nói rằng “Muốn tự học X nhưng không biết bắt đầu từ đâu”. Nhiều người đã vội vàng làm theo ý mình, tự lần mò khi bắt đầu dấn thân vào một lĩnh vực kiến thức mới, tự biến mình thành “ông chú Ririri”, khiến việc học chậm tiến bộ và không có lối thoát. “Phân định rạch ròi giữa điều bạn muốn học và điều cần học, bạn sẽ nhìn thấy mình đang ở giai đoạn nào của Shuhari. Bạn không nên học điều mình muốn học mà nên học những tri thức và phương pháp cần thiết cho bản thân”.
Cam kết hành động “ngay bây giờ”
Thay vì suy nghĩ “Mình sẽ tiếp tục làm việc này (vào ngày mai/trong X ngày/tháng/năm nữa,v.v)”, hãy bắt tay vào hành động ngay bây giờ, bởi lẽ suy nghĩ “phải tiếp tục” hay “sẽ tiếp tục” dễ gây ra tâm lý chán nản và mệt mỏi. “Nếu bạn suy nghĩ rằng hãy tiếp tục cho tương lai, suy nghĩ đó sẽ là một gánh nặng tinh thần. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng chỉ cần làm điều đó trong một ngày hôm nay thôi, mọi thứ sẽ trở nên thật dễ dàng”.
Là một bác sĩ tâm thần, tác giả Zion Kabasawa có một giọng văn gần gũi với cách diễn đạt hàm súc, cô đọng và dễ hiểu. Cách trình bày có hệ thống, khoa học cũng là một điểm cộng của cuốn sách. Bên cạnh đó, cuối mỗi phần mục đều được tác giả tóm lược ngắn gọn trong những dòng chữ in đậm, rất tiện lợi cho những ai có nhu cầu lướt qua và “ôn lại” nội dung sách. Với những thông tin, phương pháp cụ thể và thực tiễn, “Làm sao học ít hiểu nhiều?” xứng đáng là một cuốn sách gối đầu giường dành cho những ai đam mê học tập hoặc đang loay hoay tìm kiếm phương pháp học phù hợp.
Tố Uyên
Nguồn ảnh: Bức tranh Tree of Knowledge của The Art of DionJa’Y