Đó là câu nói mình ‘’được’’ nghe đi nghe lại trong những ngày đầu quyết định nhập học Học viện Ngoại Giao. Nghe mãi cho đến lúc ra trường.
———–
Cuối thu năm 2016, cầm giấy báo trúng tuyển của 2 trường đại học là Học viện Ngoại giao và Kinh tế Quốc dân. Mình suy nghĩ lung lắm. Mặc dù đã tìm hiểu sơ bộ rồi mới đăng ký, nhưng giờ bảo chọn một trong hai, tự nhiên thấy khó.
Mấy đứa bạn mình bảo:
- Học kinh tế quốc dân đi, tao nghe bảo Học viện Ngoại giao toàn con ông cháu cha.
- Ừ, có khi thế thật, chắc tao học Kinh tế Quốc dân
Cái hôm cả nhà ăn liên hoan mình đỗ đại học, phần lớn họ hàng đều đồng tình ‘’ Học viện Ngoại giao nghe cái tên đã thấy không hợp với bọn làm ruộng như mình rồi ’’, hay ‘’ Cố chấp học đi rồi mà thất nghiệp ’’…
Mình lục tung mọi thông tin trên internet, vào các hội nhóm và nhắn tin hỏi anh chị đi trước. Ở thời điểm đó, thông tin về Học viện Ngoại giao còn khá ít ỏi.
Nhưng có lẽ cũng bởi những định kiến liên quan, mình lại càng muốn thử sức ở một môi trường mới mẻ và ‘’khó nhằn’’ như vậy. Mình quyết định sẽ dành quãng đời sinh viên ở Học viện Ngoại giao!
Lúc nhập học, không giống như lời đồn, lớp mình chỉ vỏn vẹn hơn 30 đứa, ai cũng dễ thương và nhiệt tình, thật giống với hồi cấp 3. Chẳng có gì là kiêu kỳ sang chảnh như vẫn tưởng.
– Ê, mày có chơi tsunami không? (Một game khả nổi ở thời điểm đó)
Linh Bia quay xuống hỏi mình với một nụ cười tươi rói. Mình nhìn nó e ngại:
– Ừ có, mà tao không biết chơi
– Tao biết nè, chơi chung đi – Lê Hòa từ bàn dưới rướn vai qua cánh tay phải của mình, thích thú rủ rê
Vậy là mình có những đứa bạn đầu tiên ở Học viện Ngoại giao.
Sau vài hôm đi học, chúng mình quen thêm các bạn khác, lập được một hội chơi tsunami gồm 7 đứa. Chúng mình giúp đỡ nhau trong từng môn học, chia sẻ với nhau từng chút buồn vui của mấy kẻ đi học xa nhà. Và quan trọng là sau hơn 2 năm tốt nghiệp, chúng mình vẫn trò chuyện và gặp mặt thường xuyên.
Kỳ 2 năm nhất mình làm thêm ở một Agency nọ, sau đó thì thực tập tại Bộ Ngoại Giao. Cũng bởi lịch học cũng ít, mỗi tuần chỉ 3-5 buổi nên chúng mình tha hồ thời gian học hỏi và trải nghiệm.
Cuối năm 2018, mình đăng ký tham gia Vmoot – Phiên tòa giả định cấp Quốc gia, may mắn lọt vào tứ kết. Mình cũng tham gia một số chương trình đào tạo như Vis Moot – Cuộc thi tranh tụng trọng tài thương mại Quốc tế.
Chính bởi có cơ hội tham dự các cuộc thi, rèn luyện kỹ năng thuyết trình và phản biện, kết hợp cùng việc có thời gian đi làm thêm, ra trường, đứa nào cũng có công việc ổn định với thu nhập ở mức trung bình cao.
Sau từng ấy thời gian gắn bó cùng Học viện Ngoại giao, cả con người và phong cách, mọi thứ đều chân thành và dạn dĩ đến lạ, mở ra bao nhiêu cơ hội mới.
Một người thuần nông như mình còn có một tuổi trẻ rực rỡ như vậy, hà cớ gì bạn lại ngại Học viện Ngoại giao chỉ vì ‘’ toàn con ông cháu cha ’’?