HỒI KÝ VỀ VIỆC TƯỚC ẤN KIẾM CỦA VUA BẢO ĐẠI

by admin

  • Vài nét về tác giả:

Trần Huy Liệu (1901 – 1969) là một nhà hoạt động cách mạng, nhà sử học, nhà báo Việt Nam. Ông đã từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao trong chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cũng như là chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Ngày 30/8/1945, với cương vị Bộ trưởng Bộ tuyên truyền đầu tiên trong Chính phủ lâm thời, ông đã cùng với Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận được Chính phủ cử vào Huế chấp nhận sự thoái vị của Bảo Đại – Vị vua cuối cùng của Triều Nguyễn.

  • Nội dung:

Chúng tôi vừa ở Đại hội Tân Trào về, còn đương bề bộn trước những công việc ngày đầu của Chính phủ lâm thời, thì chợt nhận được điện tín của Ủy ban hành chính Trung bộ báo cáo rằng: “vua Bảo Đại xin thoái vị, đề nghị Chính phủ lâm thời phái đại biểu vào nhận lễ thoái vị của y”. Tin này đối với chúng tôi không lấy gì làm lạ, vì hai thằng giặc Pháp – Nhật, chủ cũ của bọn vua quan Nam triều đã vắng mặt trên vũ đài chính trị ở Đông Dương rồi, thì tên gia nô mạt kiếp của chúng tất nhiên cũng không còn dựa vào đâu để tồn tại được nữa! Nhưng trong điều kiện đương thời, nên xử trí thế nào để có lợi cho chính trị đây? Lúc ấy, Hồ Chủ tịch còn ở chiến khu chưa về Hà Nội, nên theo sự chỉ định của Trung ương Đảng và Chính phủ lâm thời, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận và tôi (Trần Huy Liệu) sẽ được cử vào phái đoàn vô Huế, do tôi làm trưởng đoàn. Tôi thì thay mặt cho Chính phủ lâm thời, còn anh Nguyễn Lương Bằng sẽ thay mặt cho Tổng bộ Mặt trận Việt Minh.

Hôm ấy, tôi nhớ là 25-8-1945, phái đoàn Chính phủ lâm thời chúng tôi, từ thủ đô Hà Nội ra đi bằng hai chiếc ô tô, phía sau có một tiểu đoàn Giải phóng quân đi theo để bảo vệ. Lúc ra đi cũng bình thường lắm, không có nghi thức gì cả. Sau này do tin tức tình báo, chúng tôi mới được biết rằng: chuyến đi này, bọn phản động Quốc Dân Đảng đã ngầm phái người đi theo nhằm ám hại chúng tôi ở giữa đường! Nhưng sau thấy không thể thực hiện được nên đến Thanh Hóa, chúng đã phải trở lại. Trước khi đi, chúng tôi có đánh điện báo tin cho Ủy ban hành chính Trung bộ biết và Ủy ban hành chính Trung bộ cũng đã thông tin cho Ủy ban hành chính các tỉnh ở dọc đường rồi. Mà báo tin cho biết vậy thôi, chứ chúng tôi không có ý chờ đợi một cuộc đón long trọng gì đâu, cũng do chúng tôi đều vừa mới ở nhà tù ra, mặc dù đã chấp chính rồi nhưng cái gì cũng muốn xuề xòa cho xong thôi, nên còn chưa quen những nghi thức phiền phức, long trọng.

Từ Hà Nội đến Thanh Hóa, dọc đường không có gì đáng kể. Nếu từ Thanh Hóa đến Huế, sự vật cũng cứ diễn ra bình thường như thế thì thiên hồi ký này cũng không có chuyện gì nhiều ở dọc đường. Nhưng từ ngày hôm sau, khi đã đi khỏi địa hạt Thanh Hóa rồi, chúng tôi đã thấy lác đác có tiếng toàn dân chờ đón phái đoàn ở đọc đường. Mỗi khi có những cuộc tiếp đón như vậy, chúng tôi đều xuống xe niềm nở nói chuyện ít câu rồi mới lại ra đi. Nhưng đường càng đi vào thì số nhân dân xuống đường chào đón càng đông! Trong đó đủ cả lớn, bé, già, trẻ, trai, gái đánh trống, đánh chiêng, la hét ầm ĩ cả lên. Tôi tưởng tượng những ngày ấy, nhân dân không còn một ai ở nhà nữa, mà họ đều ra đường hết để đón phái đoàn Chính phủ lâm thời, một chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đang đi làm một việc mà nhân dân nghe tin ai cũng mở cờ trong bụng, đó là hạ cái ngai vàng của triều đình xuống, tống cổ nhà vua đi. Những vật từ trước vẫn được coi là thiêng liêng như kiệu ngũ hành, kiệu long đình, kiệu bát cống, hương án, cờ đại, cờ đuôi nheo tại các đình, phủ, đền, miếu đều được khuân hết cả ra ngoài đường, ngoài đồng ruộng để đón rước phái đoàn. Cố nhiên là chúng tôi phải nói chuyện với nhân dân cho họ rõ, nhưng nói sao cho hết chứ. Các bạn đọc đến đây cũng đừng quên rằng: Chính phủ của chúng ta lúc ấy chân ướt chân ráo lên cầm quyền, thiếu thốn đủ thứ, nên phái đoàn ra đi cũng không có một máy ảnh, một máy phóng thanh đi theo. Mỗi khi nói chuyện với nhân dân, tôi thường phải đứng trên một cái bàn. Nhưng chỉ một cái bàn không đủ cao, lại phải chồng lên một cái nữa. Câu chuyện cũng đơn giản thôi, đại để tôi thường nói: nhân dân ta đã khổ cực vì thực dân và phong kiến thống trị đã lâu, nay bọn thực dân đã phải cút rồi, bọn vua quan phong kiến cũng sẽ hết thời rồi. Chính phủ lâm thời là chính phủ của nhân dân ta dựng lên, nay vào Huế để bắt Bảo Đại phải thoái vị. Nhưng người nghe lúc ấy còn chưa quen các khẩu hiệu, có nhiều người còn chưa biết cả vỗ tay cơ. Có nơi chúng tôi gặng hỏi thì dạ ran lên cho có. Có nhiều nơi nghe chuyện xong thì thưởng cho một chập trống, kèn, rồi đồng thanh la vang ầm lên, mà chẳng biết họ có hiểu gì hay không. Phái đoàn không phân công nhau nói, vì phần nói vẫn do trưởng đoàn là tôi bao thầu hết cả. Tôi cũng đã nói quen và nói vẫn to, nhưng vì không có máy phóng thanh, nên chỉ đủ cho những người đứng xung quanh nghe rõ. Thế rồi, do yêu cầu của nhân dân, cái bàn mà tôi đứng lên nói được khiêng hết chỗ này chuyền đến chỗ khác. Nhưng nói làm sao cho hết giữa cái biển người này đây? Thực ra, nhân dân cũng không cần nghe rõ hết chuyện. Có nhiều chỗ, nhân dân nói chỉ cần được nghe tiếng nói của đại biểu Chính phủ là khoái rồi! Tôi còn nhớ có một lần, tôi vừa nói xong, sắp xuống bàn thì trông xa xa có một cụ già đầu tóc bạc phơ đang lách đám đông người đi xem, cụ trao cho tôi một tờ giấy hồng điều, trong đó có một bài thơ của cụ làm bằng chữ nho để chúc mừng Chính phủ mới. Tôi chủ động bắt tay, nhưng cụ vẫn rụt rè không dám. Cụ nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt, chỉ nói được một câu là: không ngờ được sống đến ngày hôm nay để thấy một cuộc “đổi đời” thế này. Chúng tôi vừa đến địa phận Thừa Thiên, thì đã có đại biểu của Ủy ban hành chính Trung bộ và Ủy ban hành chính Thừa Thiên ra đón. Theo chương trình đã định, phái đoàn trước khi về trụ sở Ủy ban hành chính Trung bộ (tức dinh Khâm sai cũ), sẽ dự cuộc mít tinh tại sân vận động Huế. Trước hàng vạn nhân dân, tôi thay mặt phái đoàn Chính phủ lâm thời nói về nhiệm vụ của Chính phủ giao cho phái đoàn là nhận lễ thoái vị của Bảo Đại. Mặc dù chẳng giờ phút nào được ung dung thong thả, chúng tôi vẫn sung sướng biết bao nhiêu khi được cùng dân chúng sống những ngày vui nhất của dân tộc, hưởng những phong vị say sưa của những ngày đầu giải phóng, sau tám mươi năm mất nước và hàng nghìn năm mất quyền dân chủ!

Trở lại câu chuyện về Bảo Đại, tên vua cuối cùng của nhà Nguyễn và cũng là tên vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam mà cách mạng sắp hạ bệ xuống. Đến cách thành phố Huế 12 cây số, chúng tôi đã gặp ông Phạm Khắc Hòe, ngự tiền văn phòng của Bảo Đại hồi ấy, ra đón phái đoàn. Tại Ủy ban hành chính Trung bộ, sau khi nghe báo cáo của các đồng chí phụ trách địa phương, chúng tôi được biết thêm rằng sau khi chính quyền ta đã thành lập, Bảo Đại vẫn bị giam lỏng ở trong hoàng thành. Trong khi ấy, bọn Pháp đã bắt đầu nhảy dù xuống gần Huế, tên Pháp vừa nhảy dù xuống đã hỏi ngay đến Bảo Đại ở đâu. Ta một mặt tước khí giới của tên Pháp đó, một mặt phải xử trí thích đáng ngay với những tên tay trong của Pháp như Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, đồng thời cô lập Bảo Đại, đợi sự định đoạt của Chính phủ lâm thời. Còn theo lời kể của ông Phạm Khắc Hoè, thì sau khi Nhật đã đầu hàng và dân chúng biểu tình đoạt chính quyền tại Huế, Bảo Đại đã rất hoang mang lo sợ, cái hy vọng của hắn không còn là duy trì ngôi báu nữa, mà chỉ còn vỏn vẹn là bảo toàn tính mạng thôi. Thượng sách của hắn bấy giờ chỉ còn là đầu hàng cách mạng, tuyên bố thoái vị, chứ không có con đường thoát thân nào khác. Sau khi đã nắm vững tình hình của Bảo Đại rồi, chúng tôi bàn nhau cách xử trí với hắn, đó là khoan hồng, nếu có gì khác sẽ thỉnh cầu Hồ Chủ tịch và Chính phủ sau. Bàn xong, chúng tôi nói trước cho ông Phạm Khắc Hoè biết mấy điều kiện quan trọng mà phái đoàn đề ra trong việc xử trí với Bảo Đại:

  1. Sau khi đến điện Kiến Trung gặp Bảo Đại, chúng tôi sẽ nói cho biết ngày làm lễ thoái vị và nghi thức, thủ tục của buổi lễ này.
  2. Sau khi làm lễ thoái vị, Bảo Đại sẽ phải ra khỏi hoàng cung, chỉ được đem theo những đồ dùng riêng, còn những tài sản, vật liệu trong hoàng cung sẽ do Ủy ban hành chính Trung bộ làm biên bản và bảo quản.
  3. Các lăng tẩm của hoàng tộc nhà Nguyễn là công trình của nhân dân xây dựng lên, nên nó phải là tài sản chung của nhà nước. Họ nhà Nguyễn vẫn được đến đấy cúng bái tổ tiên, nhưng không được nhận làm của riêng nữa.

Sau khi đề ra những điều kiện trên, chúng tôi hẹn chiều hôm ấy sẽ đến gặp Bảo Đại. Trước khi đi, chúng tôi có sự trao đổi ý kiến về thái độ của chúng tôi phải cư xử thế nào cho đúng mực, trong đó có vấn đề xưng hô giữa chúng tôi và Bảo Đại, cụ thể là nên gọi hắn bằng gì? Và nếu hắn dám xưng “trẫm” với chúng tôi thì sao? Vì một khi chưa thoái vị, hắn còn là hoàng đế thì hắn vẫn còn có thể xưng “trẫm”. Kết luận, chúng tôi đồng ý với nhau rằng: nó hiện nay chỉ là thằng tù binh của mình, đối xử với nó thế nào không thành vấn đề, nhưng thành vấn đề là ở chỗ trong điều kiện hiện nay, chính quyền nhân dân mới thành lập, phải làm thế nào để củng cố chính quyền và ổn định lòng người? Chính sách của Chính phủ là sẵn sàng khoan hồng, tha thứ cho những kẻ nào đã quay về với nhân dân. Còn những danh từ xưng hô thì không quan trọng lắm. Ta nên gọi hắn theo tiếng giao thiệp thông thường là “ông”, còn hắn xưng gì thì kệ!

Chiều hôm ấy, trước khi vào điện Kiến Trung, tôi cứ tưởng sẽ được thấy sự hỗn tạp của một triều đại đương tan rã, sẽ thấy những bộ mặt ngơ ngáp của các hoàng thân quốc thích, và cả vợ Bảo Đại là mụ Nam Phương hoàng hậu. Thế nhưng, cảnh tượng trước mắt lại khác với trí tưởng tượng của tôi! Dù xe phái đoàn đã đậu ở trước điện Kiến Trung, chúng tôi vẫn không thấy rộn lên một cái gì ngoài hai người ra cửa đón là Bảo Đại và ông Phạm Khắc Hòe. Bảo Đại hôm ấy mặc chiếc áo dài màu lam, quần lụa, đầu trần. Câu đầu tiên mà hắn đón chào chúng tôi đã giải quyết xong việc xưng hô giữa chúng tôi với hắn: hắn xưng “tôi” và gọi chúng tôi bằng “ông”. Trong phòng khách, ngoài Bảo Đại và Phạm Khắc Hòe ngồi tiếp chúng tôi thì chỉ có mấy người lính khố vàng hầu hạ trà nước thôi. Mới đầu, tôi hỏi Bảo Đại về mấy điều kiện mà phái đoàn đề ra, có ý kiến gì không? Hắn xin tuân theo cả. Sau mấy câu trao đổi ngắn gọn, bầu không khí chợt im lặng. Tôi liền gợi ý và bảo hắn: “Những ngày ông làm vua là những ngày nước ta bị mất nước, hết Pháp đến Nhật, chắc ông cũng chẳng vui sướng gì, hơn nữa, chắc cũng có nhiều cái khổ tâm lắm hả?”. Hắn chậm rãi trả lời: “Vâng, chúng tôi cũng có nhiều cái khổ tâm lắm”. Thế rồi câu chuyện lại rơi vào chỗ yên lặng. Đã đến lúc không nên kéo dài câu chuyện nữa, tôi nói với hắn như ra một mệnh lệnh về ngày giờ, thủ tục và hành lễ thoái vị. Hắn cũng chẳng có ý kiến gì thêm. Và thế là chúng tôi ra về, lên xe ra khỏi cửa điện Kiến Trung, tôi để ý nhìn mới phát hiện qua các cánh cửa nửa mở nửa đóng đằng xa, đang có vô số những cái đầu bịt khăn đen dòm ra nhìn theo sau xe của phái đoàn.

Ngày 30-8-1945, theo giờ đã định, 5 vạn nhân dân nội ngoại thành Huế đã tập trung tại trước cửa Ngọ Môn. Xe của phái đoàn Chính phủ từ từ tiến vào cửa chính của Ngọ Môn giữa tiếng hoan hô vang dậy của dân chúng. Ngồi trong chiếc xe mui trần, tôi nhớ lại những trang lịch sử xưa kia: cửa chính của Ngọ Môn này, trước kia triều đình Huế chỉ mở để tiếp đón sứ đoàn của triều đình Trung Hoa đến phong tước. Hồi thực dân Pháp mới đánh chiếm Việt Nam, khi đến Thuận Hóa, tên Thống tưởng De Courcy đã gây chuyện với Tôn Thất Thuyết về việc đòi mở cửa chính của Ngọ Môn để tiếp nó. Giờ đây, xe của phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngang nhiên tiến vào cửa chính này, tự bản thân của sự việc thì không có gì là lạ, nhưng nó chính là kết quả thắng lợi của bao nhiêu năm đấu tranh của nhân dân ta chống thực dân và chống phong kiến, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Bảo Đại chít khăn vàng, mặc đồ hoàng bào đã đứng chực ở cửa. Phái đoàn bước lên Ngọ Môn, dân chúng hoan hô sôi nổi. Đến lượt Bảo Đại đọc chiếu thoái vị. Đọc xong, hắn giơ hai tay dâng lên chiếc kiếm dài nạm ngọc và sau đó là chiếc ấn vàng hình vuông. Tôi thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiếp nhận hai vật tượng trưng của chế độ phong kiến này. Trong giây phút thiêng liêng ấy, nếu sự việc chỉ có thế thì câu chuyện cũng đơn giản rồi. Nhưng trong đó, còn có một chuyện khá buồn cười đã xảy ra với tôi. Hai chiếc kiếm trường nạm ngọc và ấn vàng này, theo lời người ta nói, đều từ Gia Long để lại, được tạo nên sau khi đánh đổ nhà Tây Sơn và thống trị toàn quốc. Cùng với ấn, kiếm, còn có một chiếc túi gấm đựng một bộ quân cờ bằng ngọc và những thứ lặt vặt quý giá khác. Khi tiếp nhận thanh kiếm của Bảo Đại dâng lên, tôi không có gì đáng kể đâu. Nhưng khi tiếp nhận chiếc ấn vàng, tôi đã phải bất ngờ bởi cái trọng lượng của nó: 7kg vàng! Nói thật với các bạn nhé, khi giơ hai tay đỡ chiếc ấn vàng, tôi có ngờ đâu nó nặng đến thế, nên đã không chuẩn bị sẵn gân cốt và tư thế từ trước. Do vậy, khi chiếc ấn nặng trĩu đã nắm trong tay, tôi phải cố vận dụng hết mọi sức lực chỉ để chống đỡ nó, đừng để nó trĩu xuống, nhất là đừng để cho con người của tôi phải nghiêng ngã, vì tư thế của tôi lúc ấy có phải thuộc riêng của tôi đâu, mà là tư thế của một vị đại diện cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đang làm một việc rất quan trọng trong giờ phút lịch sử này! Chẳng những thế, sau khi đỡ lấy ấn kiếm từ trong tay Bảo Đại, tôi phải giơ lên cho hàng vạn dân chúng đang trông ngóng ở trước cửa Ngọ Môn. Tôi càng giơ lên và đưa đi đưa lại thì dân chúng càng hoan hô. Nhưng không ai biết đến sự “nỗ lực” của tôi đã đến tột bậc trong khi hai cánh tay đã như muốn rời ra. Cũng may là tôi đã làm tròn được trách nhiệm nặng nề ấy. Sau khi nhận ấn, kiếm xong rồi, tôi thay mặt Chính phủ đọc một bài diễn văn tuyên bố xóa bỏ chính thể quân chủ từ nghìn xưa để lại và chấm dứt ngôi vua cuối cùng của triều Nguyễn. Quay lại Bảo Đại, tôi gắn cho hắn một cái huy hiệu của người công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hôm nay viết bài hồi ký này, tôi chợt nghĩ nếu Vĩnh Thụy từ ngày hôm ấy, vẫn giữ trọn lời hứa, trở lại làm một người công dân dưới chính quyền Dân chủ Cộng hoà, thì dù đã sống nửa đời ô nhục, hắn vẫn có thể sống lành mạnh dưới ánh hào quang của chế độ ta. Nhưng vì bản tính giai cấp, vì căn tính nô lệ lâu đời của hắn nên mặc dù ta đã có một phen cứu vớt hắn, hắn lại vẫn cố quay về theo lối cũ, trở lại kiếp nô lệ như ngày xưa.

Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Tôi cũng báo cáo về việc phái đoàn vào Huế để nhận việc thoái vị của Bảo Đại và đệ ấn, kiếm lên Hồ Chủ tịch.

Viết tại Hà Nội, 8-1960

  • Nguồn: Hồi ký Trần Huy Liệu

You may also like

Leave a Comment