HƯỚNG NGHIỆP – CHO NHỮNG AI CHƯA XÁC ĐỊNH ĐƯỢC NGÀNH HỌC & NGHỀ LÀM? (Từ 15-28 tuổi)

by admin

Đây là một chủ đề cực khó & cần nhiều sự phân tích, ở các khía cạnh khác nhau mới đủ thông tin tham khảo. Một bài viết rất khó bao quát tất cả, mình sẽ cố gắng chia sẻ góc nhìn của bản thân xoay quanh chủ đề này…

Mình có nhiều lần tư vấn hướng nghiệp cho một số người em trong gia đình, và định hướng các nhân sự ở công ty (nhóm đang là sinh viên). Cũng trăn trở về chủ đề “hướng nghiệp” này khá nhiều, để tìm ra lời khuyên phù hợp với các em học sinh/sinh viên. Hi vọng những thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích!

1. NÊN LÀM GÌ KHI CÒN HỌC PHỔ THÔNG? (15-17 tuổi)

Mình thấy một số em học sinh thời nay có tâm lý chểnh mảng việc học, vì nghĩ rằng nó không quan trọng. Chỉ cần học với năng lực vừa đủ đậu tốt nghiệp phổ thông nên không cần cố gắng quá nhiều. Sau đó có thể dễ dàng ứng tuyển vào các trường CĐ/ĐH có số điểm xét tuyển thấp & trung bình.

Tâm lý chểnh mảng việc học này cũng đến từ suy nghĩ cho rằng kiến thức ở trường CĐ/ĐH không ứng dụng được nhiều cho công việc sau này, hay thu nhập sau khi ra trường đi làm cũng không cao. Do đó sự thiếu tập trung học hành giai đoạn phổ thông càng tăng thêm… (p/s: chỉ một số, chứ không phải hoàn toàn. Và tâm lý này đôi khi bị tác động bởi các phụ huynh)

Tuy nhiên, quá trình học phổ thông này không chỉ phục vụ cho việc thi cử. Kiến thức học phổ thông sẽ là nền móng nhất định để chúng ta học tiếp các lĩnh vực sau này, nó cũng là quá trình giúp ta rèn luyện TƯ DUY & trang bị KIẾN THỨC NỀN TẢNG rất tốt…

Và nếu có kết quả học phổ thông tốt, ta sẽ thấy tự tin vào bản thân hơn, dễ chọn các trường CĐ/ĐH có chất lượng tốt hơn, dễ dàng chơi với nhóm bạn tốt. Những điều này tác động rất nhiều đến ta giai đoạn về sau. Do đó ở giai đoạn phổ thông, chúng ta nên chuyên tâm học tập hơn để tránh những hệ luỵ xấu, các thói quen xấu…

————————

Song song quá trình học những môn ở trường, ở giai đoạn học phổ thông cũng nên sắp xếp thời gian trống để phát triển các kỹ năng & thói quen tốt như:

– Kỹ năng TỰ HỌC (việc học nên chủ động hơn, và tự tìm hiểu những kiến thức khác mà ta thấy cần cho tương lai. Đây là “kỹ năng vua” giúp ta hoàn thiện tri thức)

– Học tiếng anh

– Đọc nhiều sách (tự tra Google tìm kiếm 10-20 đầu sách dành cho lứa học sinh/sinh viên để mua đọc, và nên trang bị thói quen đọc sách này thay vì lười đọc)

– Xác định rõ đam mê & sở trường của mình

– Chơi với nhóm bạn tốt (với nhóm bạn tích cực, ham học, có thói quen tốt & lối sống lành mạnh,…)

– Trang bị các phương pháp học hiệu quả & rèn luyện tư duy

– Các phương pháp để quản lý thời gian & bản thân hiệu quả

– Cũng không quên rèn luyện thể chất, ăn uống khoa học & các thói quen tốt ở giai đoạn này

– Rèn luyện nghị lực, sự chăm chỉ & chỉ số vượt khó (AQ)

– …

Ngày nay, thế hệ trẻ chúng ta được bắt nhịp internet & sử dụng smartphone từ sớm, việc học cũng khá căng thẳng nên các em học sinh cần những thời gian thư giãn. Môi trường mạng sẽ giúp chúng ta có nhiều thông tin hơn, nhưng cần sàng lọc theo dõi thông tin tích cực & phù hợp với mình để đọc (tránh nạp “rác” & các thông tin sai lệch với lứa tuổi).

Vì sử dụng smartphone & internet nên cũng rất dễ bị cuốn vào các thói quen xấu, lấy đi khá nhiều thời gian của chúng ta. Ví dụ như: chơi game, thời gian dùng mạng xã hội tiêu khiển, đọc tin dành cho hoạt động giải trí quá nhiều,…

Nên follow các kênh như: Huỳnh Anh Bình, Nguyễn Hữu Trí, Tony Buổi Sáng, thầy Trần Việt Quân,… để có thêm thông tin & định hướng đúng đắn. Và follow những channel giúp chúng ta học tập, cập nhật kiến thức & kỹ năng thay vì thông tin tiêu khiển/giải trí (khi sử dụng Tiktok, Facebook, Youtube,…)

-> Đây là quá trình tự tìm tòi & nâng cao kỹ năng TỰ HỌC. Khác biệt sẽ đến khi chúng ta trang bị được kỹ năng này. @@

=============

2. NHỮNG LỰA CHỌN SAU KHI KẾT THÚC HỌC PHỔ THÔNG (giai đoạn 18-23 tuổi)

CAO ĐẲNG/ĐẠI HỌC KHÔNG PHẢI LÀ CON ĐƯỜNG DUY NHẤT!

Dưới đây là vài gợi ý chúng ta có thể lựa chọn sau giai đoạn kết thúc cấp 3. Mỗi lựa chọn đều có các ưu/nhược điểm khác nhau, và chúng ta cần phải xem xét nguồn lực bản thân để đưa ra các lựa chọn phù hợp nhất cho mình…

*Lựa chọn 1: chọn ngành, chọn trường CĐ/ĐH để tiếp tục trang bị “hành trang vào đời”

*Lựa chọn 2: tạm dừng việc học 1 năm, trải nghiệm cuộc sống/đi làm, tự lập kiếm tiền khoảng 1 năm, rồi quay lại học CĐ/ĐH tiếp, lúc đó ta sẽ dễ biết mình thực sự muốn học ngành nào hơn (gap year)

*Lựa chọn 3: đi làm ngay sau khi kết thúc học phổ thông, không cần qua môi trường CĐ/ĐH, sẽ tự học hỏi thêm trong quá trình đi làm. Cách này khá rủi ro, trừ khi có sự chuẩn bị tốt từ trước đó, có người định hướng & dẫn dắt vào môi trường công việc tốt. Tránh làm các việc lao động phổ thông,…

*Lựa chọn 4: đi du học (nếu săn được học bổng hoặc gia đình có điều kiện để học)

*Lựa chọn 5: học nghề (Trung cấp/cao đẳng nghề, hoặc các khoá ngắn hạn). Một số ngành như: thợ sửa điện thoại, thợ sửa xe/oto, make up, Designer, photographer,…

*Lựa chọn 6: tham gia nghĩa vụ quân sự 2 năm & về phụ giúp gia đình làm nông nghiệp

*Lựa chọn 7: ý kiến riêng của bạn! (Hãy comment ở dưới bài viết này)

———————

Đồng ý rằng nghề nào cũng có giá trị nhất định cho xã hội, nghề nào cũng đều đáng trân quý. Tuy nhiên để đỡ vất vả & có tương lai tốt đẹp hơn, chúng ta NÊN TRÁNH:

– Nhóm việc làm lao động phổ thông (bảo vệ, chạy grab, công nhân,…)

– Nhóm việc chân tay & có xu hướng lặp đi lặp lại, ít sử dụng đầu óc, “chất xám”.

– …

NÊN ƯU TIÊN:

– Nhóm việc sử dụng đầu óc/“chất xám” để kiếm ra tiền (dù biết rằng nó rất cạnh tranh – ngày nay người ta hay nói “thừa thầy thiếu thợ” là vậy)

– Nhóm việc quản lý, làm chủ: có tính hệ thống, nhân lực,…

– Nhóm việc giúp ta kiếm tiền bởi: “CÁI ĐẦU” (tri thức), “CÁI MIỆNG” (kỹ năng giao tiếp, nói chuyện, bán hàng),…

– …

Có hàng trăm ngành nghề khác nhau để các em sinh viên lựa chọn. Ngành nào cũng có những cơ hội nhất định nếu ta phát huy tốt, nên đưa ra lời khuyên cụ thể sẽ vô-cùng-khó…

=============

3. LÀM SAO ĐỂ TÌM RA ĐAM MÊ & SỞ TRƯỜNG CỦA MÌNH?

ĐAM MÊ: là cảm giác khi ta bị hấp dẫn bởi một sự vật, sự việc nào đó. Là những việc mà ta cảm thấy YÊU THÍCH khi làm nó.

Tuy nhiêu, mình phân loại đam mê thành 2 nhóm: (cái này mình “tự chế” ra thôi)

– Đam mê hướng đến mục tiêu (đam mê tích cực): là được ngồi làm việc, học tập, đọc sách, luyện kỹ năng, viết/nói (chia sẻ), giúp đỡ người khác,…

– Đam mê không hướng đến mục tiêu (đam mê tiêu cực): là đi du lịch, mua sắm, hoạt động giải trí, chơi game, chơi nhạc cụ, chơi thể thao quá nhiều,… (p/s: tạm gác qua yếu tố thư giãn, trải nghiệm & cải thiện sức khoẻ. Thì những đam mê này sẽ lấy đi khá nhiều thời gian của ta & lệch với mục tiêu là tập trung học tập/sự nghiệp cho giai đoạn đầu đời này)

Vậy nên chúng ta mới hay nghe những câu nói, lời khuyên của người thành công về đam mê trái nghịch nhau như:

– “Hãy theo đuổi đam mê của bạn, thành công sẽ theo đuổi bạn”

– “Hãy theo đuổi đam mê, nợ nần sẽ theo đuổi bạn. Theo đuổi đam mê là lời khuyên dối trá…”

Hai câu nói trên đều là các lời khuyên của người thành công, nhưng tại sao lại có sự đối nghịch như thế?

Theo mình, nếu theo đuổi những “đam mê tiêu cực”, rõ ràng ta không dễ có kết quả về sự nghiệp. Nhưng nếu khéo léo hơn, ở giai đoạn 18-28 khi ta ưu tiên phát triển sự nghiệp, NÊN chọn những đam mê tích cực có thể giúp ta có kết quả tốt về sự nghiệp. Từ “đam mê tích cực” đó tạo ra tiền rồi thì có thể nuôi dưỡng một số “đam mê tiêu cực” mà ta muốn…

KINH NGHIỆM CỦA MÌNH VỀ VIỆC TÌM RA ĐAM MÊ?

Đôi khi ta cứ theo đuổi nó, tìm kiếm nó. Nhưng ta mãi không xác định được rõ ràng nó là gì?

Nhưng hãy cứ: LÀM THẬT TỐT VIỆC GÌ ĐÓ CÓ ÍCH CHO SỰ NGHIỆP. Khi ta dần quen thuộc & có kết quả tốt với nó, ta sẽ được người khác đánh giá cao/tuyên dương. Từ đó ta sẽ cảm thấy THÍCH THÚ HƠN. Và lúc đó đôi khi ĐAM MÊ ĐƯỢC HÌNH THÀNH.

-> Kết quả tốt tạo ra đam mê. Mình nhớ thầy Lê Thẩm Dương từng nói như thế.

(Ví dụ như khi mình viết lách, công việc này giúp mình kiếm tiền & tạo ra chút ít giá trị gì đó, được người khác đánh giá cao. Từ đó mình yêu thích công việc này hơn, mỗi khi ngồi làm việc mình đều cảm thấy thích thú & đam mê với nó)

———————

TÌM RA SỞ TRƯỜNG?

Sở trường là những việc ta có lợi thế hơn, ta có thể làm tốt nó, có hiểu biết & luyện tập nhiều từ trước đó hơn so với người bình thường khác.

-> Nếu công việc của ta có thể tập trung vào sở trường, điểm mạnh của ta. Kết quả sẽ dễ dàng đến hơn, thay vì cứ tập trung vào sở đoản, những việc ta làm không tốt.

CÁCH TÌM RA SỞ TRƯỜNG: những việc mà ta thấy mình làm dễ dàng hơn so với người khác (giống như mình viết bài này theo phản xả, chẳng mấy khó khăn với nó nhờ có sự luyện tập từ trước đó)

Một số cách khác giúp ta hiểu hơn về bản thân, xác định rõ sở trường & đam mê để chọn nghề như:

– Mô hình chọn nghề (giao thoa giữa 3 vòng tròn: CÁI MÌNH GIỎI, CÁI MÌNH THÍCH, CÁI LÀM RA TIỀN thì đó là NGHỀ)

– 7 loại hình thông minh (hãy search google để tìm hiểu thêm, tự đánh giá xem mình mạnh nhóm nào)

– Các bài test, bộ câu hỏi trắc nghiệm trên internet

– Dựa vào DISC (để biết chúng ta mạnh về nhóm tính cách nào, và đặc trưng của nhóm tính cách đó)

– Người hướng nội & người hướng ngoài (2 nhóm tính cách này có đặc trưng rất khác nhau)

– Phân tích SWOT nguồn lực bản thân (để tìm ra ưu & nhược điểm của mình)

– Dựa vào sinh trắc vân tay

– Dựa vào nhân tướng học

– Dựa vào lời khuyên, góp ý từ người thân, bạn bè,… những người hay tiếp xúc với chúng ta để lắng nghe các nhận định

– …

Có nhiều phương pháp để thấu hiểu bản thân, xác định sở trường, đam mê. Để từ đó chúng ta có cơ sở ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP đúng đắn hơn. Hãy dành thời gian THỰC HÀNH & CHIÊM NGHIỆM để tìm ra câu trả lời…

=============

4. LỜI KHUYÊN CHỌN TRƯỜNG & NGÀNH HỌC?

Khi đang là học sinh, chúng ta sẽ khá mơ hồ về chương trình đào tạo & chất lượng của các trường CĐ/ĐH.

Để có lựa chọn đúng đắn, tránh tâm lý chán nản khi đang học. Chúng ta nên tự tìm hiểu các thông tin trên internet, và nghe kinh nghiệm từ những anh/chị, thầy/cô có nhiều kinh nghiệm.

Việc chọn trường cũng phụ thuộc vào năng lực học (đừng quá tự tin chọn trường khó, và cũng đừng quá tự ti đánh giá quá thấp năng lực của mình). Cái này hơi khó xác định! @@

Tiêu chí để lựa chọn nghề nghiệp dựa vào việc xác định rõ sở trường, đam mê theo các gợi ý ở phần trên, sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều

Chọn trường học cũng cần dựa vào hoàn cảnh gia đình, tình hình tài chính để chọn trường có mức học phí phù hợp.

Các em học sinh nên dành thời gian để tìm hiểu rõ & xác định ngành học ở giai đoạn lớp 11, để trong năm 12 có những định hướng “học lệch” & chuyên tâm hơn thay vì còn lan man về định hướng của bản thân

Nếu ba mẹ là người có tri thức, chắc chắn sẽ có những lời khuyên bổ ích về định hướng ngành học/trường học (hoặc người thân, họ hàng trong gia đình, hãy tìm những người có học vấn rộng thể xin lời khuyên)

Nên theo dõi các chuyên gia về hướng nghiệp, hay chia sẻ kiến thức hữu ích cho học sinh/sinh viên. Hãy nên chủ động hỏi trên mạng xã hội thông qua comment/inbox nếu có cơ hội

Thực hiện các bài test về hướng nghiệp để có cơ sở tham khảo thêm (hiện nay trên internet có khá nhiều bài test hữu ích)

NHỮNG LƯU Ý:

– Đừng để bị áp đặt bởi phụ huynh học ngành nghề mà mình không thích (nên dành thời gian để trò chuyện với ba mẹ, giải thích & chứng minh về quyết định của mình để ba mẹ tin tưởng đồng thuận)

– Đừng chọn trường mà không có định hướng rõ ràng (chọn theo bạn, chọn vì người yêu,…)

– Lên phương án 2, nguyện vọng 2 cho các trường hợp nếu ta trượt nguyện vọng 1

– Không nên dừng việc học của bản thân chỉ bởi vì vấn đề TÀI CHÍNH GIA ĐÌNH KHÓ KHĂN. (Nếu gia đình khó khăn, các em nên có sự chuẩn bị tự lập ngay từ năm nhất sinh viên để có thể vừa học, vừa kiếm tiền nuôi mình)

– Nên mạnh dạn sống xa nhà, vào các thành phố lớn để học & lập nghiệp. Ở các thành phố lớn sẽ có nhiều cơ hội & môi trường tốt hơn, tuy nhiên cũng cạnh tranh rất khốc liệt đấy!

– …

=============

5. NÊN THẾ NÀO Ở GIAI ĐOẠN ĐANG LÀ SINH VIÊN HOẶC MỚI RA TRƯỜNG, NHƯNG VẪN CÒN “CHÔNG CHÊNH” VỀ ĐỊNH HƯỚNG?

Nhiều bạn học đến năm 3,4 mới đủ nhận thức để nhận ra ngành mình lựa chọn không phù hợp (ngày xưa mình cũng thế! ?). Lúc này chúng ta thường có xu hướng học chểnh mảng & muốn ngừng học/bảo lưu, chuyển ngành.

Hoặc mãi đến khi ra trường đi làm 1-2 năm rồi mới thấy nghề này không hợp với mình. Tiếp tục làm 3-5 năm thì thấy công việc này không giúp mình thoát nghèo.

Một số khác thì chật vật kiếm việc & làm việc trái ngành, nhưng kết quả chẳng mấy khả quan…

*Nguyên nhân do đâu? Và chúng ta nên làm gì?

-> Nguyên nhân phần lớn là bởi THÁI ĐỘ & SỰ CHUẨN BỊ của chính chúng ta với việc học/công việc khi làm nó. Hãy tự hỏi bản thân mình:

– Liệu ta đã trang bị tốt kỹ năng & kiến thức khi đang học CĐ/ĐH?

– Liệu ta có đi làm thêm, trải nghiệm thực tế từ sớm hay chờ đến khi có bằng tốt nghiệp mới dám đi tìm việc?

– Liệu ta đã dốc toàn lực cho học tập & công việc?

– Liệu ta đã có những lựa chọn vị trí & điều chỉnh đúng đắn chưa?

– …

Ở góc độ là một nhà tuyển dụng, một doanh nghiệp SME có trên 100 nhân sự, từng tuyển dụng & lọc cả nghìn ứng viên. Mình thấy “đám đông” các bạn sinh viên thời nay vẫn khá bị động, chỉ một ít nhóm năng động đi làm từ khi năm 2,3 & năm cuối. Và mình đánh giá rất cao các bạn đi làm từ sớm, kết quả đến nay cũng cho thấy đa số các bạn sinh viên “ra-đời-sớm” thường dễ có kết quả tốt trong sự nghiệp hơn…

MỘT VÀI LỜI KHUYÊN CHO CÁC BẠN SINH VIÊN:

– Ở giai đoạn đang là sinh viên sẽ giúp chúng ta có “MÔI TRƯỜNG TỐT”: nhóm bạn tốt, thời gian rãnh, đầu óc thoải mái,… để TRẢI NGHIỆM & HỌC TẬP

– Kiến thức ở trường là yếu tố “cần”, nhưng học từ THỰC TẾ tại các doanh nghiệp, từ ĐỜI SỐNG sẽ giúp chúng ta trang bị những kỹ năng thực tế đáp ứng công việc tốt hơn

– Nên tự trang trải cuộc sống & đi làm từ sớm. Đừng chờ có đủ kiến thức & kỹ năng mới tìm việc. Hãy chủ động chọn CÔNG TY TỐT để vừa học & vừa làm (chấp nhận làm không lương hoặc lương thấp giai đoạn đầu)

– Đừng quá phụ thuộc vào tấm bằng ĐH, hãy biến mình trở thành “NHÂN TÀI” & được nhiều công ty săn đón mà không cần bằng cấp, doanh nghiệp chọn ta bởi NĂNG LỰC LÀM VIỆC.

– Nếu có thể, hãy tham gia các hoạt động đoàn hội, thiện nguyện (kỹ năng mềm sẽ giúp ích chúng ta rất nhiều)

– Xây dựng cho mình THÁI ĐỘ TỐT, rèn luyện TÍNH CÁCH chuẩn mực để có nhiều cơ hội, may mắn hơn cho tương lai

– Đừng quá bó buộc vào ngành mình đang học, chúng ta có thể trang bị thêm kiến thức & làm việc ở các lĩnh vực khác (miễn nó giúp ta tiến bộ & có thêm NHIỀU-LỰA-CHỌN làm việc trong tương lai)

– Khi đã quyết định điều gì, hãy DỐC TOÀN LỰC làm nó đến cùng. Nếu như gặp thất bại, đừng nản mà hãy xem nó như “thất bại tạm thời” & tiếp tục cố gắng với kế hoạch mới

– Xây dựng cho mình kỹ năng, tố chất có thể làm tốt các vị trí quản lý & phấn đấu để đạt được nó sau vài năm đi làm (đừng mãi ở vị trí “nhân viên bên vững”)

– Nếu tập trung phát triển chuyên môn, hãy ĐỊNH VỊ bản thân trở thành chuyên gia & tạo ra nhiều lợi thế khác biệt cho bản thân

– Đừng làm việc để nhận thu nhập theo giờ, hãy làm việc để nhận thu nhập dựa vào kết quả

– Trang bị kỹ năng top 5%, tư duy theo cách của người giàu, nghĩ & làm khác biệt để tạo ra kết quả lớn (thay vì tư duy theo lối mòn & chạy theo đám đông)

– Kết quả mới đến từ SỰ THAY ĐỔI & NĂNG LỰC MỚI. Đừng lười biếng, thụ động & ngại thay đổi. Hãy biết chủ động tạo ra cơ hội & may mắn cho riêng mình

– Hãy luôn QUAN SÁT/ĐÚC KẾT trong mỗi giai đoạn, mỗi trải nghiệm. Có như thế ta mới có thể TIẾN BỘ & tránh lặp lại các sai lầm của người khác

– “ĐẦU TƯ VÀO BẢN THÂN, BẠN LÀ TÀI SẢN LỚN NHẤT CỦA CHÍNH MÌNH VÀO LÚC NÀY” – Warren Buffett. Ở bất cứ giai đoạn nào, dù là một học sinh, sinh viên hay đã ra trường, chúng ta đều phải luôn HỌC TẬP & PHÁT TRIỂN BẢN THÂN không ngừng.

– …

*Nên NHẬN THỨC LỚN về điều này, khi xã hội thay đổi quá nhanh, công việc “đang hot” hiện tại có thể sẽ không còn phù hợp sau 5-10 năm nữa. Ngay cả công việc ta đang làm “ổn định” có thể gặp trở ngại bất cứ lúc nào trong tương lai.

Do đó, trang bị cho mình TRI THỨC, năng lực THÍCH NGHI, sự ĐA NĂNG để ứng phó với những khó khăn ập đến trong sự nghiệp.

Mỗi khó khăn ta vượt qua được, sẽ giúp ta trở nên MẠNH MẼ & KIÊN CƯỜNG hơn.

=============

6. NẾU “TRƯỞNG THÀNH”, CHÚNG TA SẼ BIẾT CHỦ ĐỘNG HƯỚNG NGHIỆP CHO CHÍNH MÌNH!

Vậy, trưởng thành là gì & khi nào?

– Là khi ta CHÍN CHẮN trong suy nghĩ & các lựa chọn

– Là khi ta hiểu rõ bản thân & biết mình thực sự muốn gì? (Cái này thấy vậy chứ khó!)

– Là khi ta có thể TỰ LẬP & có trách nhiệm với mọi thứ xung quanh (trong đó có bản thân ta & gia đình)

– Là khi ta có thái độ đúng đắn & lối sống làm mạnh. Để người thân (ba mẹ) tin tưởng & không cảm thấy lo lắng cho ta nữa

– …

(Có nhiều cách định nghĩa cho sự trưởng thành, nhưng vài ý trên để chúng ta có thể tham khảo)

Đưa ra các “QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG”, Là điều VÔ-CÙNG-KHÓ? Đòi hỏi thời gian, kinh nghiệm, tri thức tích luỹ nhiều năm mới giúp ta “BỚT SAI”, chứ ta không thể cố gắng để hoàn toàn đúng được.

Ngay cả trong việc lựa chọn ngành học & nghề làm cũng thế, ta có thể mắc sai lầm. Nhưng ta vẫn có thể sửa sai chỉ cần duy trì được thái độ đúng đắn…

=============

7. NGHỊCH LÝ CỦA CUỘC SỐNG, VÀ NHỮNG ĐIỀU TRƯỜNG HỌC KHÔNG DẠY CHÚNG TA!

– Phần lớn những ai chuyên tâm học giỏi, tập trung phát triển chuyên môn, sau khi ra trường lại khó có thành công #vượt_trội (vì chúng ta tự biến mình thành “mọt sách” & quá ít kỹ năng xã hội)

– Nghịch lý là hầu hết các định hướng giáo dục, đều hướng chúng ta đến con đường “LÀM THUÊ BỀN VỮNG”. Điều này cũng dễ hiểu, vì hầu hết ai cũng phải trải qua vị trí này ở giai đoạn đầu của sự nghiệp. Nhưng làm sao đó để trang bị thêm những tố chất trở thành QUẢN LÝ/CHUYÊN GIA, hoặc tự làm kinh doanh hay nhà đầu tư.

– Chúng ta không được dạy về kiến thức TÀI CHÍNH, ĐẦU TƯ & KINH DOANH khi ở trường (mặc dù đây là nhóm kiến thức hết sức quan trọng)

– Nhà trường không dạy chúng ta nhiều về các kỹ năng mềm. Nó đến từ môi trường học tập, từ bạn bè & chỉ có sự CHĂM CHỈ RÈN LUYỆN mới giúp ta có chúng…

– Nhà trường không dạy về các phương pháp, hay thói quen tốt giúp ta thành công trong cuộc sống. (Những điều này ta phải tự học trong các sách & thông tin bổ sung trên internet)

– Chúng ta không được học về kiến thức để cân bằng cuộc sống, thấu hiểu bản thân & tìm ra ý nghĩa của cuộc đời mình (đây là điều mà chúng ta phải tự vấn, trăn trở & tìm kiếm câu trả lời cho riêng mình)

– …

Trong KIM TỨ ĐỒ của Robert Kiyosaki. Có chia ra 4 lựa chọn cho sự nghiệp.

Ở nhóm LÀM THUÊ (L), hay TỰ LÀM (T), cả 2 lựa chọn này đều tốt, có những ưu & nhược điểm riêng, nó tuỳ vào nguồn lực & sự phù hợp của ta trong mỗi giai đoạn. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu chúng ta trở thành nhóm LÀM CHỦ (C) hoặc nhóm NHÀ ĐẦU TƯ (Đ).

Khi có tâm thế chuẩn bị trở thành nhóm C & Đ, chúng ta sẽ:

– Có sự quan tâm nhiều hơn về kiến thức đầu tư, từ đó giúp ta hiểu biết hơn về kiến thức tài chính. Biết cách tiêu sài kiệm hơn khi còn trẻ, tích luỹ tiền bạc cho tương lai

– Trở thành nhà đầu tư, chúng ta có thể dùng tiền tích luỹ được để đầu tư Chứng Khoán, Bất Động Sản hay một loại hình nào đó. Sẽ giúp chúng ta tăng tốc tài sản & thu nhập nhanh hơn, có dòng tiền tốt hơn mỗi tháng để sớm “tự do tài chính”.

– Trang bị năng lực tổ chức, quản lý teamwork & doanh nghiệp để trở thành chủ doanh nghiệp. Đây là nhóm kiến thức quan trọng để ta thăng tiến nhanh trong sự nghiệp

– Sớm có được sự TỰ DO (tự do tài chính, tự do thời gian, tự do không gian, tự do thể chất, tự do tâm trí,…). Để từ đó có sự thoải mái & nâng cao chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn

– …

TUY NHIÊN, cũng đừng chạy theo quá mức cái gọi là “thành công”, “tiền bạc”. Để khiến chúng ta cảm thấy mệt mõi. Cần biết cách đặt mục tiêu & áp lực vừa phải để thôi thúc ta tiến lên. Và trong hành trình đó, chúng ta cố gắng “VỪA LÀM, VỪA SỐNG” TRONG SỰ HẠNH PHÚC.

=============

8. TỔNG KẾT

Thực sự rất khó để có một lời khuyên đúng đắn cho định hướng nghề nghiệp. Tuỳ thuộc vào NĂNG LỰC, NGỮ CẢNH, SỞ THÍCH/ĐAM MÊ của từng người, sẽ có những lựa chọn khác nhau. Chính nhờ điều đó mới làm nên sự đa sắc màu của cuộc sống này…

CHÚNG TA CẦN TRÁNH CÁC BẪY:

– Vòng luẩn quẩn tài chính: Làm ra tiền – tiêu sài hết (sống chật vật qua hàng tháng & “túi luôn rỗng”)

– Bận rộn & làm việc kiếm tiền cả đời (hãy biết cách đặt ra các mục tiêu trong từng giai đoạn & nỗ lực hoàn thành nó, tìm cách cân bằng cuộc sống & tự do sớm. Để từ đó có sự thoải mái hơn)

– Các lời khuyên về việc nên có trải nghiệm nhiều, đi du lịch nhiều chưa chắc đã tốt cho giai đoạn tuổi trẻ

– Đọc sách, học quá nhiều & không đúc kết để ứng dụng được gì. (Chọn không đúng loại sách, nhận thức sai & ảo tưởng về những điều dễ dàng được chia sẻ bên trong sách. Nâng cao chỉ số HÀNH ĐỘNG, chỉ khi ta bắt tay vào hành động thì mới dần có kết quả).

– Không nên kiếm tiền, kinh doanh bất chấp (đa cấp trá hình, hoạt động VPPL, các hoạt động đầu tư với hứa hẹn lợi nhuận cao,…)

– Làm thuê -> kinh doạnh (thất bại & nợ nần) -> Quay lại con đường làm thuê

– Đừng làm lớn khi bản thân “chưa đủ lớn”, đừng để mình bơi vào cảnh nợ nần quá mức

– Thất bại là điều mà ta sẽ gặp, nhưng hãy cố gắng tránh nó càng nhiều càng tốt (bởi thất bại quá nhiều & các thất bại lớn đôi lúc sẽ khiến ta “gục ngã”, rất khó để vực dậy)

– …

NÊN LOẠI BỎ CÁC TÂM LÝ:

– Không cần nỗ lực học tập (giai đoạn phổ thông – vì nghĩ đi học không giúp ích được gì)

– Sinh viên năm nhất thường có xu hướng “xã hơi” (vì vừa được đậu ĐH, tâm thế chiến thắng, để rồi khá toang trong suốt những năm còn lại)

– Đã học đủ sau khi tốt nghiệp CĐ/ĐH nên khi đi làm không muốn học nữa (học là hành trình cả đời)

– Khi đi làm hay có tâm lý: đứng núi này, trông núi nọ (không DỐC TOÀN LỰC & LÀM TỚI CÙNG để có kết quả sớm hơn cho giai đoạn đầu của sự nghiệp)

– Đa số chúng ta khi ở độ tuổi 18-28 thường muốn có kết quả nhanh. Từ đó nhanh chán nản, bỏ cuộc, có các lựa chọn chộp giật. Ta nên có tầm nhìn dài hạn hơn & nuôi dưỡng điểm bùng phát trong sự nghiệp.

– Dễ bị nghịch cảnh tác động theo chiều hướng tiêu cực: chia tay người yêu, bố mẹ chia ly,… (hãy lấy đó làm động lực để bản thân cố gắng hơn)

– Hay ẢO TƯỞNG & THIẾU THỰC TẾ (bởi mới chỉ nghe/đọc, & được truyền cảm hứng từ ai đó, chỉ mới thấy bề nổi). Nhưng thực tế chẳng màu hồng như thế!

– Bị tác động bởi ngoại cảnh, bởi sự so sánh với người xung quanh (ta chỉ cần bản thân tốt hơn mỗi ngày, so với với ta của ngày hôm qua có sự tiến bộ thôi là đủ rồi, chẳng cần so sánh với ai cả)

– Dễ dàng bỏ cuộc & “thả trôi cuộc đời” khi gặp nghịch cảnh, thậm chí là tự tử. (Mỗi nghịch cảnh đến với ta là một thử thách để giúp ta tốt hơn, tạo ra bước ngoặc lớn trong cuộc đời. Bước ngoặt đó đi lên hay xuống bởi chính thái độ của ta mà thôi!)

– …

NÊN KHẮC SÂU ĐIỀU NÀY: tôi luyện ĐẠO ĐỨC – TRÍ TUỆ – NGHỊ LỰC trong suốt hành trình sống (3 gốc rễ – giúp ta phát triển theo quỹ đạo đúng). Hãy xem kỹ các video chia sẻ của thầy Trần Việt Quân.

Thế hệ trẻ là tương lai của mọi quốc gia. Mỗi chúng ta sẽ là từng “viên gạch” góp phần phát triển đất nước. Hãy xây dựng KHÁT VỌNG & MỤC TIÊU đủ lớn để thôi thúc ta HÀNH ĐỘNG (học & làm việc mỗi ngày hướng đến các mục tiêu tích cực)

———————

KẾT LẠI: trong cuộc đời chúng ta, có 2 quyết định rất khó! Đó là CHỌN NGHỀ & CHỌN VỢ. Vì ở độ tuổi đó ta không dễ có kinh nghiệm để lựa chọn đúng, mà mỗi sai lầm sẽ phải trả giá rất đắt! (Theo thầy Tần Nguyễn – chuyên gia đầu tư chứng khoán)

LỜI KHUYÊN CUỐI CÙNG: Hãy tìm hiểu thật kỹ và đưa ra các quyết định quan trọng về VIỆC HỌC & NGHỀ LÀM của chính ta. Tự chịu trách nhiệm với nó & kiên trì HÀNH ĐỘNG ĐẾN CÙNG. Hãy có #chính_kiến với những thông tin ta thu thập được…

CHUẨN BỊ KỸ -> RA QUYẾT ĐỊNH -> DỐC TOÀN LỰC HÀNH ĐỘNG -> SAI NHANH -> HOÀN THIỆN NHANH —->>> SỚM GẶT HÁI KẾT QUẢ TỐT TRONG SỰ NGHIỆP!

=============

P/s: bài viết đã khá dài, nhưng cũng rất khó truyền tải đủ các thông tin theo hướng giải nghĩa sâu sắc từng ý. Một số quan điểm có thể không đúng trong nhiều trường hợp, do đó bạn đọc nên CHẮT LỌC những điều phù hợp, nghiên cứu sâu hơn từng keywords để ứng dụng cho mình. Cám ơn đã đọc hết nội dung rất dài này!

Trần Thịnh Lâm – Never Stop Sharing

———————-

You may also like

Leave a Comment