Hướng nội và bỏ bê bản thân: Đâu là sự khác biệt?

by admin

Nhân cách hướng nội (introvert) và hội chứng bỏ bê bản thân (echoist) là hai kiểu tính cách khác biệt, dù chúng khá tương đồng. Làm thế nào để phân biệt?

Những người echoist (bỏ bê bản thân) và introvert (hướng nội) có nhiều điểm chung khiến chúng ta dễ nhầm lẫn, chẳng hạn như:

• Khiêm tốn và ít nói

• Không thích bị chú ý

• Thường né tránh đám đông

• Không thoải mái với lời khen

Tuy nhiên, những hành động đó không xuất phát từ tâm lý tương đồng, nên dù có một số phản ứng tương tự nhau, bản chất của hai kiểu tính cách này vẫn khác biệt.

Càng bối rối hơn khi mỗi chúng ta có thể là một trong hai kiểu người, hoặc có đồng thời cả hai dạng tính cách này — một người hướng nội không biết cách yêu thương bản thân. Làm thế nào để phân biệt và biết mình thuộc dạng nào?

Để thấy rõ nhất sự khác nhau, hãy cùng so sánh giữa một người hướng nội lành mạnh và dạng cực đoan của một người bỏ bê bản thân qua các khía cạnh sau.

CHÂN DUNG CỦA HAI KIỂU NGƯỜI: ECHOIST VÀ INTROVERT

Echoist là một thái cực trái ngược với những người ái kỷ (thậm chí Echoist còn tôn sùng và thầm mến mộ ái kỷ), và là một dạng cực đoan của kiểu người thích làm hài lòng người khác (people-pleaser). Kiểu người này cũng có phần khép kín và im lặng, nhưng theo chiều hướng không lành mạnh cho bản thân. Họ nhạy cảm, dễ thấu hiểu, quan tâm và hy sinh cho mọi người, nhưng lại thiếu đi những điều đó cho chính mình. Nói cách khác, Echoist là “người muốn cho”, ái kỷ là “kẻ muốn nhận”.

Introvert là người có tính cách hướng nội, ít nói và lắng nghe nhiều hơn. Họ tuy im lặng nhưng vẫn có ý kiến lẫn cái tôi cá nhân, và chỉ đang chờ thời điểm phù hợp để thể hiện mình. Người hướng nội thích dành thời gian cho bản thân để chiêm nghiệm và phục hồi năng lượng sau khi tiếp xúc đông người. Họ cũng rất cẩn thận trọng trong việc lựa chọn những sự kiện hoặc người mà họ giao tiếp cùng.

HAI KIỂU NGƯỜI NÀY KHÁC NHAU Ở NHỮNG ĐIỂM NÀO?

  1. Nguyên nhân tạo nên hai kiểu tính cách này hoàn toàn khác nhau

Việc một người hình thành thói quen hy sinh cho người khác đến quên mình thực chất đến từ các chấn thương tâm lý thời thơ ấu. Các tổn thương này khiến họ vô thức học được cách bảo vệ bản thân khỏi những tác động tiêu cực từ người nuôi dưỡng có tính ái kỷ, hoặc gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh cảm xúc.

Còn tính hướng nội chịu ảnh hưởng từ hệ thống trao thưởng “dopamine”. Dopamine là chất hoá học được sinh ra để tạo động lực cho con người hoàn thành một mục tiêu nào đó. Trong hoàn cảnh cần giao tiếp xã hội, hệ thống này trong não người hướng nội không được hăng hái cho lắm. Càng tiếp xúc với đông người và sản sinh ra nhiều dopamine hơn, người hướng nội càng bị choáng ngợp.

Ngoài ra, những thông tin chạy trong bộ não hướng nội phải đi qua 1 con đường dài hơn người hướng ngoại, khiến họ bận tâm về nhiều thứ và mất thời gian lâu hơn để phản ứng với các tương tác xã hội.

  1. Người hướng nội chỉ kiệm lời chứ không ngại nêu ý kiến

Câu nói mà cả hai kiểu người hay nhận được là “Cậu ít nói nhỉ?” hoặc “Bạn cho ý kiến gì đi”, đôi khi còn bị hiểu nhầm là khó gần. Nguyên nhân của kiểu người echoist là do đã quen tìm kiếm sự chấp thuận từ người khác, lâu dần mất khả năng tự phán đoán.

Với trường hợp của những người hướng nội, họ đơn giản là chọn cách lắng nghe nhiều hơn và cần thời gian suy nghĩ thấu đáo trước khi nói lên suy nghĩ, đồng thời chỉ muốn đưa ra ý kiến cá nhân khi cần hoặc khi được hỏi tới.

  1. Người hướng nội tự nạp lại năng lượng khi ở một mình, còn người bỏ bê bản thân thì không

Thực chất kiểu người echoist dành thời gian một mình vì sợ phải làm phiền đến người khác. Còn người hướng nội chọn dành thời gian cho bản thân đơn giản vì họ thấy thoải mái.

Thay vì hệ thống dopamine, người hướng nội nhờ cậy vào acetylcholine nhiều hơn. Đây cũng là một chất hoá học tạo niềm vui, nhưng acetylcholine được sản sinh khi chúng ta “hướng vào trong” với các hoạt động nhẹ nhàng, trầm tĩnh như suy nghĩ sâu, tự ngẫm hay tập trung cao độ trong một thời gian dài.

  1. Người hướng nội không lo âu khi ở cạnh người khác, nhưng người bỏ bê bản thân thì có

Điều thú vị là người hướng nội không cảm thấy lo lắng khi ở bên người khác. Họ vẫn chọn ở bên cạnh những người trong vòng tròn xã hội mà họ thấy thoải mái và được là chính mình.

Ngược lại, echoist thường rất lo lắng khi ở cùng người khác bất kể là ai, bởi lẽ họ luôn mang trong mình nỗi lo làm phật lòng mọi người.

  1. Người hướng nội không ngại tìm đến người khác khi cần giúp đỡ

Người hướng nội tuy ít nói và hiếm khi thể hiện bản thân, nhưng họ vẫn biết cách tìm đến người khác khi cần hỗ trợ. Đôi khi dành thời gian riêng với một người thân thiết còn là cách để những người hướng nội hồi phục tinh thần.

Nhưng echoist thì khác. Nỗi sợ trở thành gánh nặng luôn thường trực trong họ gây cản trở việc mở lòng tâm sự và nhờ giúp đỡ, dù họ có đang quá sức đến đâu chăng nữa.

  1. Người hướng nội biết cách đặt ranh giới cá nhân

Người hướng nội biết rõ điểm cực hạn của bản thân. Họ luôn biết nên mở lòng với những ai, ai được phép “làm phiền” trong khoảng thời gian riêng tư của họ. Do đó, những người này không ngần ngại từ chối những gì vượt quá ranh giới cá nhân. Ngược lại, echoist luôn gật đầu với bất kể điều gì. Họ sợ gây thất vọng cho người khác nên thường lo lắng thái quá cho những vấn đề ngoài tầm kiểm soát. Do do, các echoist dễ cảm thấy vô vọng khi không thể làm tốt những việc ngoài giới hạn của mình.

  1. Người hướng nội vẫn biết cách thể hiện điểm mạnh và sở thích cá nhân

Echoist dường như luôn trốn tránh cái tôi của chính mình. Họ sợ tỏ ra quá tự mãn với bản thân, hoặc trở nên quá nổi bật khiến người khác không vừa ý. Chính vì thế, kiểu người này luôn tự giới hạn bản thân và chạy theo mong muốn của người khác.

Còn người hướng nội vẫn biết cách thể hiện bản thân và thế mạnh của mình khi cần. Họ thoải mái với việc sử dụng sở trường và sở thích để kết nối với những người cùng mối quan tâm hoặc phát triển theo con đường họ mong muốn.

VẬY PHẢI LÀM GÌ ĐỂ THOÁT KHỎI HỘI CHỨNG ECHOIST ĐÁNG SỢ NÀY?

Trước hết, bạn cần học cách từ chối, nói KHÔNG nhiều hơn mỗi khi một ai đó nhờ vả. Đừng sợ mất lòng, nếu người khác nhờ bạn lần 1, họ sẽ tùy tiện nhờ vả thêm nhiều lần sau và mặc định bạn sẽ nhanh chóng chấp thuận.

Hãy hiểu sự thân thiết của các mối quan hệ mà đồng ý giúp đỡ theo khả năng. Đặt ra ranh giới cũng là một cách tương tự. Không một ai được bước qua rào cản đó, kể cả là người thân. Giới hạn này cũng sẽ cho bạn nhiều không gian, thời gian hơn để chiều chuộng, chăm sóc bản thân.

Một biện pháp khác là luôn có xu hướng bày tỏ mong muốn, nguyện vọng cho dù bạn thấy quá đáng. Bởi nếu không nói ra, làm sao những đồng nghiệp, sếp khác biết bạn đang cần gì đúng không nào? Nếu bạn im lặng thì họ mặc nhiên khẳng định bạn đang ổn và không cần sự giúp đỡ gì thêm.

Từ hôm nay hãy chú ý đến suy nghĩ, hành động của bản thân để không bị dằn vặt bởi hội chứng Echoist nhé!


Nguồn: Avocachi – Vietcetera, Minh Bùi – Cafebiz

You may also like

Leave a Comment