Tháng 11-2022, hai quân nhân Indonesia bị phạt 7 tháng tù vì quan hệ tình dục đồng giới – hành vi bị quân đội nước này cấm do “không phù hợp”.
Cũng không biết là “không phù hợp” ở chỗ nào, nhưng nó vẫn là hợp pháp với thường dân ở quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, ngoại trừ tỉnh bảo thủ Aceh, cho tới tháng 12 vừa rồi…
Một buổi sáng đầu tháng 12, Bộ luật hình sự sửa đổi được Quốc hội Indonesia gõ búa thông qua, trong đó có điều khoản quy định hình phạt tối đa một năm tù với người quan hệ tình dục ngoài hôn nhân dù đồng tính hay dị tính.
Cũng chưa biết luật mới có ảnh hưởng gì đến số ngày ăn cơm tù còn lại của hai anh quân nhân kia không, nhưng bữa cơm hôm đó của hai anh chắc là cũng khó nuốt.
LUẬT THỜI HÀ LAN
Trước khi bị người Hà Lan xâm chiếm vào thế kỷ 16, các vương quốc bản địa đã cai trị quần đảo nay là Indonesia một cách độc lập bằng luật lệ của riêng họ, được gọi là adat, gồm các quy tắc truyền thống, bất thành văn mà rất nhiều trong số đó vẫn được tuân thủ trong xã hội Indonesia ngày nay.
Sau hơn ba thế kỷ dưới sự cai trị của thực dân Hà Lan, một trong những di sản to đùng mà đế quốc này để lại cho người dân bản địa là bộ luật dân sự và hình sự La Mã kiểu Hà Lan.
Ngay khi giành được độc lập năm 1945, Indonesia bắt đầu quá trình xây dựng luật pháp mới cho đất nước hiện đại và non trẻ.
Như vậy, bộ luật hiện hành của Indonesia, cả dân luật lẫn hình luật, là kết quả của sự pha trộn ba thành phần: luật tục adat, luật Hà Lan – La Mã, và luật hiện đại của Indonesia.
Lịch sử lập pháp của Indonesia đã luôn chịu ảnh hưởng lớn lao của luật Hà Lan, và vì thế, một nhu cầu quan trọng của bộ luật hình sự mới là thoát ly quá khứ thuộc địa và điều chỉnh những quan hệ mới của một xã hội Indonesia khác.
Họ đã manh nha sửa đổi bộ luật này từ tận những năm 1960 và trải qua rất nhiều thử nghiệm cũng như tranh cãi.
Các bản cập nhật bị trì hoãn suốt nhiều thập niên, trong khi các nhà lập pháp ở quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới cãi cọ không thôi về những điều chỉnh sao cho phù hợp với chuẩn mực và văn hóa truyền thống.
Hôm ban hành bộ luật hình sự mới, Edward Omar Sharif, thứ trưởng Bộ Tư pháp và Nhân quyền Indonesia, ngậm ngùi: “Bộ luật mới này đã phải chờ đợi suốt 59 năm.”
Nhà lập pháp Bambang Wuryanto, người lãnh đạo Ủy ban Quốc hội phụ trách sửa đổi bộ luật thời thuộc địa, thông tin thêm: “Tất cả đã đồng ý phê chuẩn [các thay đổi dự thảo] thành luật. Bộ luật cũ thuộc về di sản của Hà Lan… và không còn phù hợp nữa”.
Luật mới sẽ áp dụng cho cả người dân Indonesia và người nước ngoài.
CÓ GÌ MỚI TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ?
Bộ luật hình sự mới dài tới 200 trang và đã được soạn thảo trong nhiều năm. Một dự thảo trước đó dự kiến được thông qua vào năm 2019, nhưng cuộc bỏ phiếu bị hoãn lại sau khi hàng nghìn người xuống đường biểu tình, chủ yếu là sinh viên, để phản đối.
Gây tranh cãi nhiều nhất là vấn đề quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, mà theo dự luật, những người vi phạm có thể bị phạt một năm tù.
Các cặp đôi chưa kết hôn nhưng chung sống như vợ chồng cũng có thể phải ngồi tù 6 tháng, dù định nghĩa thế nào là “chung sống như vợ chồng” thì chắc phải chờ… thông tư hướng dẫn.
Giới đấu tranh nhân quyền quốc tế đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích đạo luật mới, cho rằng nó có thể là cái cớ để nhà nước đàn áp quần chúng trên những cơ sở không rõ ràng và vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư cá nhân.
Đáng nói không kém, bộ luật quy định các hình phạt bổ sung với việc truyền bá chủ nghĩa Marx – Lenin hoặc quan điểm trái với Pancasila (tư tưởng Năm Nguyên tắc, xem box dưới) ở nơi công cộng.
Người dân có thể đối mặt án tù lên tới 10 năm nếu những hoạt động này có tính tổ chức. Đây được đánh giá là bước lùi lớn với quốc gia Indonesia vốn đang vật lộn để vượt qua những di sản của thời Suharto.
Bộ luật mới cũng mở rộng luật báng bổ hiện hữu và giữ nguyên mức án kịch khung 5 năm với hành vi bị coi là sai lệch với các nguyên lý cốt lõi của sáu tôn giáo được công nhận ở Indonesia: Hồi giáo, Tin lành, Công giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo và Nho giáo.
Là quốc gia có người theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo ở Indonesia đang có xu hướng mạnh lên những năm gần đây.
Luật Hồi nghiêm ngặt đã được thi hành ở nhiều nơi trong nước, bao gồm tỉnh bán tự trị Aceh – nơi đồ uống có cồn và cờ bạc bị cấm tuyệt đối. Các vụ đánh đòn nơi công cộng cũng diễn ra với những người quan hệ đồng tính và ngoại tình.
Cũng theo luật mới, ngoài các vấn đề mang màu sắc tôn giáo, tội xúc phạm tổng thống hoặc phó tổng thống đương nhiệm sẽ bị phạt tới 4 năm tù nếu bị đương sự khiếu nại; xúc phạm nhà nước có thể bị phạt tù đến 3 năm; và phát tán thông tin sai lệch gây bất ổn là 6 năm tù.
Giới phê bình cho rằng các quy định này đe dọa các giá trị dân chủ, bao gồm quyền tự do ngôn luận.
Theo quy định của Indonesia, sau khi được Quốc hội thông qua, dự luật sẽ trở thành luật nếu được tổng thống ký ban hành. Nhưng ngay cả khi không có chữ ký của tổng thống, nó sẽ tự động có hiệu lực sau 30 ngày, trừ khi tổng thống ban hành quyết định định hủy bỏ.
Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) được cho là sẽ ký bộ luật sửa đổi, một phần do quá trình phê duyệt tại Quốc hội đã kéo dài quá lâu. Bộ Tư pháp Indonesia thì nói bộ luật sẽ có thời gian chuyển tiếp là ba năm.
XÃ HỘI BẢO THỦ HƠN?
Nhiều người coi việc sửa đổi bộ luật hình sự là bằng chứng cho thấy nền dân chủ đang sa sút dưới thời Tổng thống Jokowi, dù ông luôn được cho là một nhà cải cách tự do. Ông Jokowi nắm quyền từ năm 2014 và đảng của ông hiện chiếm đa số ghế trong Quốc hội.
Dédé Oetomo, người sáng lập nhóm quyền LGBT+ lâu đời nhất Indonesia GAYa Nusantara, nói dù những hạn chế mới nhất không nhắm trực tiếp vào các mối quan hệ đồng tính, chúng phản ánh tình hình đã trở nên tồi tệ ra sao trong thập niên qua.
“Bộ luật hình sự có vấn đề vì rất nhiều điều khoản phản dân chủ, nhưng đây là một xu hướng đã kéo dài từ lâu”, Oetomo nói.
Trong khi luôn xây dựng hình ảnh một quốc gia hòa hợp, nhiều nhà phân tích cho rằng Indonesia “bảo thủ hơn nhiều người vẫn nghĩ”, như một bài viết trên Eurasia hồi tháng 12.
Một cuộc khảo sát năm 2019 của Pew Research cũng cho thấy khoảng 80% người Indonesia nghĩ rằng xã hội không thể chấp nhận tình dục đồng tính.
Các trường dòng hoặc giáo dục phổ thông kết hợp với tổ chức tôn giáo đã gia tăng ảnh hưởng trong thời gian qua: hơn 14 triệu học sinh, sinh viên Indonesia hiện học ở những trường dưới quyền Bộ Tôn giáo thay vì Bộ Giáo dục.
Nhiều tổ chức ở Indonesia được tài trợ bởi các quốc gia Hồi giáo bảo thủ và hùng mạnh về tài chính ở vùng Vịnh như Saudi Arabia đang ngày càng trở nên phổ biến với các bậc cha mẹ quan tâm đến việc xây dựng “nhân phẩm” cho con mình.
Các nhà phân tích thì cảnh báo sự phát triển của Hồi giáo theo xu hướng cực đoan ở một số khu vực có thể gây chia rẽ vào thời điểm đất nước sắp bước vào cuộc bầu cử quan trọng năm 2024, khi Tổng thống Jokowi vẫn bị nhìn nhận là trung dung, chưa đủ “Hồi giáo”.
Pancasila – triết thuyết chính trị cơ bản và chính thức của Nhà nước Indonesia – gồm hai từ tiếng Java cổ có nguồn gốc tiếng Phạn: “pañca” (năm) và “sīla” (nguyên tắc). Năm nguyên tắc đấy được coi là “không thể tách rời” với nhau: (1) Niềm tin vào một Thượng đế duy nhất; (2) Một nhân loại công lý và văn minh; (3) Một Indonesia thống nhất; (4) Nền dân chủ, do những người đại diện cho nhân dân thật sự khôn ngoan đứng đầu; và (5) Công bằng xã hội cho mọi người Indonesia.
CRE: Hương Nguyễn – Tuổi Trẻ Cuối Tuần