Tại sao chúng ta không thể đọc sách được nữa?
Năm ngoái, tôi đã đọc bốn quyển sách.
Lý do cho con số ít ỏi đó, theo tôi, cũng giống như bao người: Tôi ngày càng cảm thấy khó khăn hơn trong việc tập trung vào từ ngữ, câu và đoạn văn, chưa nói tới chương sách. Một chương thường có hàng trang những đoạn văn. Nó tạo cảm giác rằng bạn cần tập trung vào quá nhiều từ, chưa kể đến những thứ khác đang diễn ra. Và một khi bạn đã hoàn thành một chương, bạn cần phải vượt qua một chương khác. Và thường là một loạt chương sách nữa, trước khi bạn có thể nói Xong, và chuyển sang quyển sách tiếp theo. Công việc tiếp theo.
Tôi là người lạc quan
Mặc dù vậy, tôi là một người lạc quan. Hầu hết các buổi tối trong năm ngoái, tôi trèo lên giường với một quyển sách – sách giấy hoặc e-book – và bắt đầu. Đọc. Từng chữ một. Một câu. Hai câu.
Có thể là ba câu.
Và rồi… tôi cần một chút gì khác. Một thứ gì đó để cứu sống tôi. Một thứ gì đó để thoả mãn sự ngứa ngáy trong đầu tôi – một cái liếc email trên iPhone; viết và xoá một trả lời cho một cái tweet hài hước của William Gibson; tìm và theo dõi một bài viết cực kỳ tốt trên The New Yorker. Kiểm tra email một lần nữa chỉ để chắc chắn.
Tôi sẽ đọc một câu nữa. Thế là bốn câu.
Những người nghiện thuốc lạc quan nhất về khả năng chống cự cám dỗ của họ là những người có khả năng tái nghiện cao nhất bốn tháng sau, và những kẻ ăn kiêng quá lạc quan là những người có khả năng giảm cân thấp nhất (Kelly McGonigal: The Willpower Instinct – Lời nói dối vĩ đại của não)
Sẽ mất một khoảng thời gian dài để đọc xong một quyển sách với tốc độ bốn câu một ngày.
Và việc đó rất mệt mỏi. Tôi thường đã ngủ ngon lành khi đọc đến nửa câu thứ năm.
Tôi đã phát hiện lối hành xử này được một thời gian; nhưng tôi nghĩ rằng tổng số sách hoàn thành được trong năm ngoái là con số thấp kỷ lục. Điều này thật sự gây mất tinh thần, chủ yếu bởi vì công việc của tôi xoay quanh sách: Tôi sáng lập LibriVox (sách audio miễn phí) và Pressbooks (một trang online để tạo ra sách in và e-book), và tôi đồng biên tập một quyển sách về tương lai của sách.
Tôi đã cống hiến cả cuộc đời mình bằng cách này hay cách khác cho sách, và tôi tin vào chúng, nhưng tôi đã không thể đọc chúng…
Từ nhảy múa đến sự mất tập trung
Vấn đề của tôi khi đọc sách – tiếng gọi đầy cám dỗ của những thông tin mới – cũng là vấn đề của cuộc đời tôi.
Con gái hai tuổi của tôi tại buổi biểu diễn múa. Váy xoè hồng. Tai mèo đeo trên đầu. Cùng với năm đứa trẻ hai tuổi khác, đứng trước đám đông gồm 75 bố mẹ và ông bà, bọn trẻ biểu diễn tiết mục của chúng. Bạn có thể tưởng tượng phần còn lại. Bạn đã xem những đoạn video này trên Youtube, có thể tôi đã cho bạn xem video của tôi. Mức độ dễ thương cao khủng khiếp, một thời khắc định nghĩa niềm tự hào của cha mẹ. Con gái tôi thậm chí không múa, nó chỉ đi loanh quanh trên sân khấu và nhìn vào khán giả với đôi mắt mở to của một đứa trẻ hai tuổi khi nhìn thấy người lạ. Không quan trọng việc nó có múa hay không, tôi quá đỗi tự hào. Tôi chụp ảnh, và quay video với điện thoại của mình.
Và để phòng trừ, tôi kiểm tra email. Twitter. Bạn chẳng bao giờ biết được.
Tôi thấy bản thân mình trong những tình huống như thế này thường xuyên, kiểm tra email hoặc Twitter hoặc Facebook trong khi chẳng thu nhận được gì ngoài sự căng thẳng của một tin nhắn công việc mà tôi không thể trả lời ngay lập tức.
Điều này làm tôi cảm thấy xấu hổ, khi dùng điện thoại trong lúc con gái tôi đang làm một điều tuyệt vời ngay bên cạnh tôi, như thể tôi đang giấu giếm một điếu thuốc lá.
Hoặc một điếu cần.
Một lần, trong khi tôi đang đọc trên điện thoại thì cô con gái bốn tuổi của tôi cố gắng tìm cách nói chuyện với tôi. Tôi không nghe rõ con bé nói gì, bởi vì tôi đang đọc bài báo liên quan tới Bắc Hàn. Con bé nâng mặt tôi bằng hai tay và kéo tôi lại gần. “Nhìn con này,” nó nói, “khi con đang nói chuyện với bố.”
Con bé đã đúng. Tôi nên làm như vậy.
…
Khi dành thời gian với bạn bè, hoặc gia đình, tôi luôn cảm thấy một tiếng gọi mãnh liệt từ cái vật làm bằng thép tổng hợp được thiết kế hoàn hảo cộng với kính và kim loại hiếm trong túi mình. Chạm vào tôi đi. Nhìn tôi này. Anh có thể tìm thấy điều gì hay ho đấy.
Căn bệnh này không chỉ giới hạn trong khi tôi cố gắng đọc, hoặc trong sự kiện một-lần-trong-đời với con gái mình.
Tại chỗ làm, sự tập trung của tôi liên tục bị phá vỡ: hoàn thành một bài viết, trả lời yêu cầu khách hàng, kiểm tra và đưa ý kiến về thiết kế mới, dọn dẹp thông tin trên trang chủ. Liên hệ với các bên. Thuế.
Tất cả những nhiệm vụ quan trọng đều bị phá bĩnh thường xuyên hơn tôi nghĩ chỉ bởi một cái liéc mắt nhìn Twitter (vì công việc), hoặc Facebook (cũng vì công việc), hoặc một bài báo nào đó…
Dopamine và kỹ thuật số (digital)
Hoá ra là những công cụ và phần mềm kỹ thuật số đã được thiết kế để thu hút sự chú ý của chúng ta bất chấp mọi việc khác chúng ta nên làm. Cơ chế của nó, theo như một nghiên cứu thần kinh gần đây, đại khái thế này:
– Thông tin mới tạo ra dopamine cho não, một chất dẫn truyền thần kinh khiến tâm trạng bạn tốt lên.
– Sự hứa hẹn về thông tin mới khiến não chủ động tìm kiếm dopamine.
Với chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI), bạn có thể thấy trung tâm khoái cảm của não sáng lên do hoạt động khi có email mới.
Vậy, mỗi email mới cho bạn một liều dopamine nhỏ. Mỗi liều dopamine nhỏ tác động lên phần ký ức của não, khiến nó tin rằng kiểm tra email sẽ mang lại một liều dopamine khác. Và não của chúng ta được lập trình để tìm kiếm những việc kích thích dopamine. Hơn nữa, lối hành xử này bắt đầu tạo ra những đường mòn thần kinh, do đó chúng trở thành những thói quen vô thức: Tập trung vào việc gì đó quan trọng, não ngứa ngáy, kiểm tra email, dopamine, refresh, dopamine, kiểm tra Twitter, dopamine, trở lại làm việc. Việc này lặp đi lặp lại, và mỗi lần như vậy thói quen đó lại được in sâu hơn vào não chúng ta.
Vậy sách cạnh tranh như thế nào?
Khoái cảm đến chết
Có một nghiên cứu nổi tiếng với chuột trong đó chúng được gắn những điện cực trong não. Khi lũ chuột nhấn nút, một dòng điện nhỏ chạy qua não của chúng và kích thích dopamine. Một nút bấm khoái cảm.
Khi được lựa chọn giữa thức ăn và dopamine, chúng sẽ chọn dopamine, thường là cho tới khi kiệt sức và chết đói. Chúng sẽ chọn dopamine thay vì sex. Một số nghiên cứu quan sát được lũ chuột nhấn nút dopamine 700 lần trong một giờ.
Chúng ta làm điều tương tự với email. Refresh. Refresh.
Chẳng có thiên hà đẹp đẽ nào đằng sau nút refresh email, nhưng chính sự cám dỗ của chiếc nút ấy liên tục kéo tôi ra khỏi công việc đang làm, và quyển sách tôi muốn đọc.
Tại sao sách lại quan trọng?
Khi nghĩ lại về đời mình, tôi có thể chỉ ra những quyển sách đã hình thành nên bản thân mình – trên phương diện hiểu biết, cảm xúc và tâm hồn. Sách vẫn luôn là một lối thoát, một trải nghiệm, một sự cứu rỗi, nhưng trên hết thảy, những quyển sách nhất định, qua thời gian, trở thành một loại keo dán để kết nối sự hiểu biết của tôi về thế giới. Tôi nghĩ về chúng như là nút thắt kiến thức và cảm xúc – những nút thắt tạo nên con người tôi.
Sách, khác với nghệ thuật trực quan, âm nhạc, radio, hay thậm chí tình yêu, bắt chúng ta phải trải qua suy nghĩ của người khác, từng chữ một, ngày qua ngày. Chúng ta chia sẻ suy nghĩ của mình với tác giả trong khoảng thời gian ấy. Có một sự chậm rãi và suy ngẫm riêng biệt đối với thể loại này. Sách tái tạo lại ý nghĩ của người khác trong đầu của chúng ta, và có thể chính đường dẫn một-một này tới thế giới của một người khác, không cần một xúc tác nào, đã tạo cho sách sức mạnh của chúng. Sách ép chúng ta phải để ý nghĩ của người khác xâm chiếm toàn bộ tâm trí mình.
Sách không chỉ là một người vận chuyển kiến thức và cảm xúc, mà còn là một dạng công cụ đặc biệt biến người này thành người khác, và cho phép chúng ta thử trải nghiệm những ý tưởng và cảm xúc mới.
Sự đè nén bản ngã này cũng là một loại thiền – và trong khi sách vẫn luôn đóng vai trò quan trọng đối với tôi, tôi đã bắt đầu nhận ra rằng “học lại cách đọc sách” cũng có thể là một cách để trí não tôi thoát ra khỏi đống thông tin số vô nghĩa. Điều này có hai lợi ích: Tôi sẽ lại đọc sách trở lại, và tôi sẽ có lại được sự tập trung của mình.
Và thường thì những thiên hà đẹp đẽ vẫn luôn chờ được khám phá đằng sau những trang sách.
Vấn đề của kỹ thuật số
Những nghiên cứu thần kinh gần đây chỉ ra rằng đa nhiệm (multi-tasking) thật ra làm chúng ta kém thông minh hơn. Điều này thật tệ vì nhiều lí do: chúng ta làm việc kém hiệu quả; nói cách khác, chúng ta hoàn thành được ít việc hơn, hoặc có ít thời gian làm việc khác hơn, hoặc cả hai.
Tình huống mà bạn cố gắng tập trung vào nhiệm vụ của mình và có một email chưa đọc trong hòm thư của bạn có thể giảm IQ hiệu quả của bạn tới 10 điểm. (Daniel J Levitin, The Organized Mind) (tạm dịch: Tư duy có tổ chức)
Tệ hơn là, việc nhảy từ việc này sang việc khác còn khiến chúng ta kiệt sức.
Những ngày kém hiệu quả nhất của tôi, khi mà tôi dành phần lớn thời gian nhảy từ dự án sang email sang Twitter và tỉ thứ khác, cũng là những ngày mệt mỏi nhất. Tôi từng nghĩ rằng sự uể oải này là nguyên nhân của việc thiếu tập trung, nhưng sự thật lại ngược lại.
Bạn tốn nhiều năng lượng hơn khi chuyển sự chú ý từ việc này sang việc khác. Bạn tốn ít năng lượng hơn khi tập trung. Điều này có nghĩa là những người sắp xếp thời gian giúp họ có thể tập trung làm việc không chỉ làm được nhiều việc hơn mà còn đỡ mệt mỏi và căng thẳng thần kinh hơn sau khi làm việc. (Daniel J Levitin, The Organized Mind) (tạm dịch: Tư duy có tổ chức)
Làm rõ vấn đề
Vậy nên, vấn đề của tôi đại khái như sau:
- Tôi không thể đọc sách bởi vì não của tôi đã được huấn luyện để tìm kiếm những liều dopamine được cung cấp bởi việc tiếp cận những thông tin số
- Những liều dopamine này gây nên sự khó khăn trong tập trung của tôi: với sách, công việc, gia đình và bạn bè.
Vấn đề sáng đã tỏ phần lớn. Nhưng còn nữa.
Đừng quên TV
Không nghi ngờ gì về việc chúng ta đang sống trong kỷ nguyên rực rỡ của TV. Những thứ được sản xuất ra trong thời đại ngày nay đều tốt và vô số kể.
Vài năm trở lại đây, thói quen buổi tối của tôi là tổ hợp các việc: trở về nhà sau khi đi làm, kiệt sức. Chắc chắn rằng bọn trẻ được ăn. Chắc chắn rằng tôi đã ăn. Cho bọn trẻ đi ngủ. Cảm thấy kiệt sức. Bật máy tính lên để xem vài chương trình TV. Lướt qua vài email công việc, trong khi mấy chương trình TV ngốn mất 57% sự tập trung của tôi. Không hoàn thành email và xem TV tử tế. Đi ngủ. Cố gắng đọc. Kiểm tra email. Cố gắng đọc lần nữa. Đi ngủ.
Những người đọc làm chủ thế giới của họ, và những người xem TV đánh mất nó. (Werner Herzog)
Tôi không biết Werner Herzog có đúng không, nhưng tôi biết tôi sẽ không nói về TV – kể cả những thứ hay ho nhiều vô kể – như cách tôi nói về sách. Không có chương trình TV nào tồn tại như những nút thắt kiến thức của tôi. Mối quan hệ của tôi với TV không giống mối quan hệ của tôi với sách.
Và sự thay đổi
Vì thế, bắt đầu tứ tháng 1, tôi đã thực hiện một vài thay đổi. Những điểm chính là:
- Không Twitter, Facebook và đọc báo trong giờ làm (khó)
- Không đọc những bài báo ngẫu nhiên (khó)
- Không dùng điện thoại hoặc máy tính trong phòng ngủ (dễ)
- Không xem TV sau khi ăn tối (hoá ra là dễ)
- Thay vào đó, đi thẳng vào phòng và đọc sách (hoá ra là dễ)
Điều ngạc nhiên là tốc độ mà tôi thích nghi lại với việc đọc sách. Tôi đã kỳ vọng phải chiến đấu cho sự tập trung đó – nhưng tôi chẳng phải chiến đấu gì cả. Với lượng đầu vào thông tin số ít đi (đặc biệt là không xem TV trước khi ngủ), nhiều thời gian hơn (một lần nữa, không TV), và không có thiết bị điện tử trong tầm tay… tôi đã có thời gian và không gian để đắm chìm vào sách.
Thật là một cảm giác tuyệt vời.
Tôi đang đọc nhiều sách hơn những năm trước rất nhiều. Tôi có nhiều năng lượng hơn, và tập trung tốt hơn ngày trước. Tôi vẫn chưa hoàn toàn chiến thắng được sự nghiện dopamine, nhưng mọi thứ đang tiến triển tốt. Tôi nghĩ rằng đọc sách đang giúp tôi huẩn luyện lại trí óc để tập trung.
Và sách hoá ra vẫn là thứ tuyệt vời. Tôi lại có thể đọc.
Tuy nhiên, email công việc vẫn là một vấn đề. Nếu bạn có gợi ý gì về việc đó, hãy nói cho tôi biết.
Theo Hugh McGuire – Medium