KẺ SÁT NHÂN TÂM THẦN TRẢ THÙ CÁC NHÀ KHOA HỌC VÌ ‘KHÔNG ĐƯỢC LẮNG NGHE’

by admin

Eileen Fahey, 20 tuổi, đang ngồi chậm rãi đọc lá thư của chồng chưa cưới thì gặp phải cái chết thảm khốc.

Cô vừa bắt đầu ngày làm việc không lâu tại văn phòng Hội vật lý Mỹ (APS), nằm trong trường đại học Columbia ở Manhattan.

9h20 sáng 14/7/1952, nhiều sinh viên, giáo viên và nhân viên trường nghe thấy 6 tiếng súng nổ liên tiếp. Không lâu sau, một người đàn ông cao gầy, tóc sẫm màu, khoảng 30 tuổi, vụt ra khỏi văn phòng, trên tay vẫn còn cầm khẩu súng ám khói.

“Cô nên gọi cảnh sát và bác sĩ vì tôi vừa bắn người. Tôi vừa bắn một phụ nữ”, người đàn ông nói với một nhân viên vệ sinh và một thư ký của APS.

Rồi anh ta biến mất khi đi xuống cầu thang.

❌❌❌❌ Vụ án kì lạ

Fahey nằm trên sàn, bị bắn nhiều phát vào ngực. Lá thư của chồng chưa cưới nhàu nát bên dưới người cô. Còn hai bức thư khác nằm trên bàn.

“Chúng tôi không hiểu vụ án này là về cái gì”, điều tra viên James Leggett nói. “Tất cả những gì chúng tôi biết là có ai đó đã bắn cô ấy. Nhưng không có động cơ”.

Những người quen biết Fahey đều nói cô là một cô gái tốt và tuyệt vời. Cô sống cùng bố mẹ, em trai và em gái.

Cảnh sát lần tìm các manh mối về một thảm kịch của gia đình Fahey nhiều năm trước. Năm 1947, em trai cô, Francis Jr., đã bị giết trong một vụ ẩu đả băng nhóm. Thủ phạm sau đó được ân xá, nhưng người này không khớp với những mô tả về nghi phạm trong vụ của Fahey, và cũng có chứng cứ ngoại phạm.

Sau đó, bằng những thông tin thu thập được từ vụ án, họa sĩ của tờ Daily News đã phác họa một bức chân dung nghi phạm. Trùng hợp thay, hình ảnh được phác họa khiến một giáo sư vật lý ở Columbia nhớ đến cựu sinh viên Bayard Pfundtner Peaks, 29 tuổi.

Cảnh sát New York nhanh chóng ập đến một căn phòng ở Boston để tìm kiếm Peakes. Không phát hiện anh ta ở đó, nhưng khi lục soát căn phòng, họ đã thấy hung khí giết người trong một chiếc va li.

Cảnh sát chờ đến nửa đêm để “đón lõng” Peakes.

❌❌❌❌ Lộ diện kẻ điên rồ

“Các anh bắt được tôi rồi. Đúng là tôi đã giết cô ta”, Peakes nói, tạo dáng trước ống kính truyền thông khi lực lượng chức năng đưa anh ta lên tàu ở Boston.

“Đúng, tôi chính là cậu bé hư”, Peakes không tỏ ra chút ăn năn nào. Hắn thừa nhận bắn Fahey, một người phụ nữ hắn chưa từng gặp và thậm chí còn không phải là mục tiêu ban đầu.

Thực ra, Peakes đang “săn tìm” các nhà vật lý. Hắn tin mình là thiên tài nhưng cảm thấy bức bối vì không được ai lắng nghe.

Peakes đã phát triển một số giả thuyết, bao gồm cách làm thế nào các thiết bị điện tử có thể giúp con người kéo dài cuộc đời lên đến 500 năm. Hắn cũng viết hai “công trình” có tên “Làm thế nào để sống mãi” và “Nếu bạn yêu vật lý”, tự bỏ tiền in hàng nghìn bản và gửi cho các nhà khoa học, bao gồm cả Einstein.

Không nhận được hồi đáp, Peakes tuyệt vọng vì bị giới khoa học phớt lờ, những ý tưởng của anh ta thì bị xem là ngụy khoa học hoặc chỉ là những ý tưởng nhảm nhí. Anh ta quyết định sẽ bắn một loạt các nhà khoa học và cho nổ tung một phòng thí nghiệm ở Columbia – để thu hút sự chú ý.

Peakes mua một khẩu súng ngắn ở Maine, rồi bắt tàu đến Grand Cetral, đặt phòng khách sạn ở khu Broadway gần trường Columbia. Nhưng vào buổi sáng 14/7, khi hắn xông đến văn phòng Hội Vật lý Mỹ, không có nhà vật lý nào ở đó. Chỉ có Fahey đang ngồi đọc thư.

Kẻ sát nhân hỏi Fahey cô có biết gì về electron không, và cô trả lời không.

Khoảnh khắc sau đó, hắn rút súng ra khỏi túi áo và bắt đầu bắn.

Cảnh sát cho biết trong lúc thú tội, Peakes không thể hiện cảm xúc gì. Hắn chỉ đặc biệt buồn bực khi họ hỏi tại sao lại giết Fahey.

“Sách của tôi…”, Peakes nói, giọng run run. “Họ không thèm xem sách của tôi. Họ thậm chí không buồn nhìn đến nó. Đáng nhẽ họ nên xem. Đáng nhẽ họ nên xem nó”.

Trong đầu óc méo mó của hắn, giết Fahey là có lý do chính đáng. “Giống như một người lính thực thi nhiệm vụ vì lợi ích của nhân loại”, tên hung thủ máu lạnh nói.

❌❌❌❌ Mầm mống tội ác

Một cuộc điều tra về cuộc đời Peaks cho thấy hắn có “mầm mống” nguy hiểm từ lâu.

Peakes có một tuổi thơ êm đềm ở Dover-Foxcroft, Maine. Sau khi học trung học, năm 1941, hắn gia nhập Lực lượng Không quân Hoàng gia Canada và sau đó chuyển sang lực lượng Mỹ ở châu Âu.

Năm 1945, Peakes được cho giải ngũ vì các vấn đề tâm thần và nhận được một khoản trợ cấp 50% cho người khuyết tật.

Ba năm sau, một chuyên gia quân đội khám cho Peakes đã kết luận rằng người này “đang trải qua tình trạng tâm thần phân liệt ác tính”. Chuyên gia cho biết những chẩn đoán của Peakes “đầy nguy hiểm, tiên lượng u ám”.

Nhưng dù có những đánh giá tương tự, anh ta được sống thoải mái mà không phải chịu bất cứ cảnh báo hay hạn chế nào.

Ngày 19/8/1952, một hội đồng các bác sĩ tâm thần xác định Peakes mắc tâm thần phân liệt hoang tưởng với ảo tưởng về sự vĩ đại. Hắn không hiểu mình đã làm gì hay đã làm sai như thế nào. Các bác sĩ khuyến cáo giam Peakes lại trong bệnh viện Matteawan, nơi dành cho những người rối loạn tâm thần phạm tội hình sự.

Peaks ở lại đây một thời gian rồi được chuyển sang cơ sở ở Maine, sau đó chết vào năm 2000.

Ngày nay tên của Peaks thỉnh thoảng được nhắc đến trong một chính sách của APS. Hội cho phép các thành viên khi họp tổ chức nói chuyện trong 10 phút về bất kỳ lý thuyết vật lý nào, bất kể lý thuyết đó có xa vời đến đâu.

Nguồn: vtc.vn

You may also like

Leave a Comment