Các “Thuật Ngữ” có thể được sử dụng:
-) Nội Công: Kinh nghiệm đánh cờ. Đây là chính là cốt lõi, và cũng là căn bản nhất của cờ vua. Nội công là không thể nào ngày một ngày hai đã lên được, mà cần yêu cầu thời gian đến bồi đắp. Đồng thời, nội công cũng rất có ảnh hưởng rất lớn đối với khả năng cảm nhận, tổng hợp cùng phán đoán, bồi dưỡng tinh thần, tâm trí, tác phong cùng khí chất. Theo thời gian, khi ngoại công dần thuyên giảm, thì nội công cũng sẽ không vì đấy mà mất đi. Hơn thế nữa, tu vi nội công có thể được truyền lại cho các thế hệ sau.
-) Ngoại Công: Năng lực tính toán. Nếu nói nội công là căn bản, là hậu phương, thì ngoại công chính là tiền tuyến. Chịu trách nhiệm cho việc phân tích, ngoại công cũng là một thứ không thể thiếu tu luyện với bất kỳ kỳ thủ nào. Nếu nói thiếu đi nội công, kỳ thủ sẽ là “lục bình vô căn” thì thiếu đi ngoại công, kỳ thủ sẽ trở thành “lão hổ vô nha”. Ngoại công sẽ có tăng tiến lớn trong giai đoạn từ nhi đồng đến thanh niên, nhưng sau khi đến độ tuổi trung niên, ngoại công sẽ bắt đầu thuyên giảm. Có một số người sở hữu gân cốt tinh kỳ, có thể tiếp nhận rèn luyện ngoại công ở cường độ lớn, đạt đến tu vi mỗi ngày đi được ngàn dặm. Nhưng tu vi ngoại công lại không thể truyền lại cho các thế hệ sau, nhiều nhất là công pháp.
-) Tà Công: Kinh nghiệm đánh cờ nghịch hướng. Đây là một loại kỳ thủ cực kỳ nguy hiểm, sở hữu những nước cờ cực kỳ độc từ khai cuộc đến trung cuộc. Ưu điểm là sẽ có khả năng khiến cho bàn cờ đối phương bị rối loạn ( nếu bản thân chưa loạn trước). Nhược điểm là nếu đối phương không loạn thì chính mình sẽ loạn, thuộc về một loại vì truy cầu chiến thắng mà đánh cược một cách cực đoạn.
-) Huyền Công: Biến thể vị trí quân. Các loại biến hóa khác biệt trên quy luật sẵn có, làm nảy sinh ra các thế cờ thú vị, có giá trị giải trí cao hơn học thuật. Nhưng nhiều lúc thường bị cao thủ chuyên nghiệp ngó lơ, khinh thường.
-) Độc Công: Các lỗi. Thường được phân làm hai nhánh lỗi kỹ thuật cùng lỗi tác phong. Trong đó lỗi kỹ thuật được đánh giá bên trên lỗi tác phong. Đối với các Kỳ Thủ trẻ tuổi mà nối, môn Độc Công này cực kỳ vô bổ, không thiếu người còn coi khinh không thèm chấp mà cũng chẳng thèm quan tâm. Nhưng đối với các cao thủ mà nói, môn Độc Công này tuy ít khi được sử dụng nhưng uy lực của nó ai nấy cũng đều rõ rang, không thể xem thường. Chỉ là từ cấp bậc này đổ đi thì Độc Công cũng khó mà phát huy được tác dụng, họa chăng cần công kích tâm thần đối phương trước thì mới có thể sử dụng. Độc có thể cứu người cũng có thể giết người.
-) Khinh Công: Phương pháp di chuyển quân. Mỗi một quân cờ đều có một loại biến hóa đa đoan, bản chất của Khinh Công chính là rèn luyện kinh nghiệm sao cho phát huy được hết các khả năng di chuyển của quân cờ, vừa lấp vừa mở các vùng không gian trống, khi tả khi hữu làm cho địch nhân khó có thể phòng thủ hay tấn công.
-) Công Pháp: Các thế cờ. Đây là phương pháp rèn luyện căn bản của các kỳ thủ, dựa trên các thế cờ từ dễ đến khó, họ sẽ rèn luyện được tu vi của bản thân. Nhưng những tu vi này đều cực kỳ phù phiếm, nếu kỳ thủ không trải qua thực chiến thì thường mất thời gian rất lâu mới có thể cũng cố được tu vi đến đề thăng cảnh giới.
-) Pháp Thân: Thời gian đồng hồ. Tùy vào quy mô của chiến trận thì có những ván cờ có thể diễn ra khi hai Kỳ Thủ song phương đều ngưng tụ Pháp Thân mà sinh ra ràng buộc lẫn nhau. Do mất công ngưng tụ Tinh Khí Thần hình thành nên Pháp Thân nên áp lực mà các Kỳ Thủ phải gánh chịu cũng càng lớn, đặc biệt là khi ràng buộc càng mạnh. Khi Pháp Thân bị phá thì Kỳ Thủ sẽ bị đả diệt hình thể, khoảng cách cách tử vong cũng không xa, nhưng nếu trong trường hợp đối phương bị mất đi khả năng chiến đấu thì đây lại là một trận lưỡng bại câu thương.
-) Tam Hoa: Khai cuộc – Trung cuộc – Tàn cuộc. Đây là ba giai đoạn được phân chia là quan trọng nhất trong cờ vua. Khai cuộc dựng nên kỳ tích, Trung cuộc biến hóa khôn lường, Tàn cuộc sát cơ đại thịnh. Mỗi một kỳ thủ nếu muốn đạt tới cảnh giới cao đều phải rèn luyện qua Tam Hoa, đợi đến khi Tam Hoa Tụ Đỉnh, một thân công lực hoàn toàn được tinh thuần, khi đấy mới có thể bước vào Hóa Cảnh, đạt đến cảnh giới nhất phương Kiện Tướng.
-) Ngũ Khí: Trung tâm – Cận trung tâm – Tả cụm – Hữu cụm – Biên giới. Đây là các khu vực bao quát hết thảy, thế nên chúng cực kỳ quan trọng. Năm khu vực này đều có liên kết cùng ảnh hưởng với nhau, bao hàm hết thảy các lộ tuyến kinh mạch. Nếu có thể đạt đến Ngũ Khí Triều Nguyên, Tả Tương Hữu Hỗ, có thể tập trung cùng chưởng khống toàn bộ quân lực, thì khi đấy mới bước vào được Đăng Phong Tạo Cực Cảnh, xưng vì Đại Kiện Tướng.
-) Lục Phủ Ngũ Tạng: Vua, hậu, xe, tượng, mã, tốt. Đây là sáu quân cờ hiện hữu đối với một kỳ thủ, và để tiến vào được cảnh giới cao thủ thì yêu cầu cần phải rèn luyện được một trong Lục phủ bằng nội công của chính mình. Tâm chỉ vua, Can chỉ hậu, Tỳ là tốt trước vua, Phế là song tượng, Thận là song mã, đởm chỉ tốt trước hậu, Tiểu Đại Trường chỉ song xe, Vị chỉ Tốt hàng F, Bàng chỉ tốt hàng H G, Tam Tiêu chỉ tam tốt cánh hậu.
-) Kỳ Kinh Bát Mạch: Tám hàng dọc trên bàn cờ. Đây là các tuyến đường đột khẩu để di chuyển các quân, cũng là chỗ phóng lưu chân khí.
-) Thập Nhị Chính Kinh: Mười hai đường chéo lớn trên bàn cờ. Tả hữu song biên là tám, tả hữu song hạ là bốn. Đây là những đường di chuyển cực kỳ lắt léo, cùng với Kỳ Kinh bát mạch dựng nên hệ thống kinh lạc trên bàn cờ.
-) Lưỡng Nghi: Hai ô trắng đen. Thiên địa phân lưỡng cực, trong âm có dương, trong dương có âm.
-) Tứ Tượng: Bốn khu Vua trắng, Vua đen, Hậu trắng, Hậu đen. Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, hiệu Thái Dương, Thiếu Dương, Thiếu Âm, Thái Âm.
-) Bát Quái: Ngang tám dọc tám. Tứ Tượng diễn Bát Quái, Bát Bát Lục Thập Tứ Quái.
-) Cửu Cung: 64 ô phân làm 81 làn tiết điểm, lại dựng 18 làn phân cách. Bát Quái hạ khai, Cửu Cung ngưng hình!
-) Kỳ Tâm: Tâm thái. Có thể được rèn luyện thông qua các trận đấu, là điều quan trọng nhất đối với một kỳ thủ.
-) Kỳ Kỹ: Chiến thuật. Kỳ Kỹ có thể phân làm nhiều hệ, từ Huyễn Thuật đến Công Thuật. Trong đó yêu cầu kỳ thủ phải rèn luyện vững chắc nội tình, bởi tuy rằng Kỳ Kỹ đều có sức mạnh khôn lường, thế nhưng là phản phệ cũng lớn vô cùng. Khi nội công tu luyện đến mức độ nhất định, bất dụng ngoại công chỉ dụng chân khí cũng đã đủ để thi triển Kỳ Kỹ. Kỳ kỹ luyện đến cao thâm có thể đạt đến cảnh giới xuất kỳ bất ý.
-) Bý Kỹ: Chiếu tướng. Đây là một loại Kỳ Kỹ nguy hiểm nhất, nhưng hiệu quả thông thường rất cao. Bý Kỹ một khi đã xuất là địch thủ chắc chắn phải né tránh.
-) Kỳ Thế: Chiến lược. Thường nói rằng hữu khí vô lực, hữu hình vô khí, hữu tướng vô hình, hữu thế vô tướng. Chỉ có Kỳ Kỹ thôi là không đủ, một minh một ám, Kỳ Thế ẩn ở bên dưới, như tiềm long tại uyên, không ngừng tích súc cùng chuyển biến xu hướng bàn cờ, dẫn dắt đối phương tiến vào nhịp điệu của mình. Kỳ Thế tu luyện đến cao thâm có thể đạt đến cảnh giới bất động sát địch, che đậy sát cơ, vạn pháp bất xâm.
-) Kỳ Pháp: Chiến pháp. Được tổng hợp bởi một kỳ thủ cấp cao khi Dung Hội Quán Thông các Kỳ Thế cùng Kỳ Kỹ với Ngoại Công cùng Nội Công của chính mình. Mỗi một cao thủ đều sẽ có ít nhất một loại Kỳ Pháp.
-) Kỳ Vực: Tổng hợp toàn bộ phương hướng biến chuyển cao giai của Kỳ Pháp, không dung lỗi lầm.
-) Kỳ Luân: Tất cả các phương thức của Kỳ Vực đều xoay chuyển, trước sau không quan trọng, thế cờ tự nhiên nhiều lúc còn kinh khủng gấp bội lần Huyền Công.
-) Kỳ Ý: Kỳ Luân thoát thai, dung hợp tất cả mọi loại quy luật trong cờ vua cộng lại, từ Pháp Thân, từ tác phong, từ khí thế, từ tràng diện,…
-) Tâm: Quân vua. Bất kể là tu luyện gì đi chăng nữa thì tử huyệt vẫn sẽ luôn hiện, chỉ cần bị đánh trúng là có thể chết bất đắc kỳ tử. Nhưng những cao thủ tu luyện Kỳ Thế thì đều biết cách bảo hộ Mệnh Căn của chính mình. Nhưng Mệnh Căn lại có một diệu dụng là có thể giữ vững được Khí Huyết của Kỳ Thủ, chỉ cần Mệnh Căn bất thụ thương, thì là Kỳ Thủ bất tử.
-) Khôi lỗi: Máy tính. Máy tính có năng lực cực mạnh về mặt Ngoại Công, nhưng lại yêu cầu được cung cấp năng lượng, điều khiển bởi nội công của kỳ thủ sáng chế. Đã từng có một siêu máy tính được sản xuất cách đây hơn hai mươi năm, được kết hợp từ vô số công pháp từ Ngoại đến Nội Công, cuối cùng đã đánh bại được huyền thoại của làng cờ vua Kỳ Vương.
-) Quyền: Nước ăn lên.
-) Cước: Đòn chiến thuật đánh lạc hướng.
-) Trảo: Đòn bắt đôi.
-) Chỉ: Đòn xiên.
-) Thủ: Đòn chặn quân.
-) Chưởng: Đòn mở đường tấn công.
-) Miên Chưởng: Đòn giằng.
-) Điểm huyệt: Đòn phong tỏa.
-) Giải Thể: Chiếm giữ ô tiền đồn.
Hệ thống cảnh giới:
-) Cảnh giới 1: Sơ Khuy Môn Kính/ (Hệ số Elo khởi đầu tại 1000)
Đây là cảnh giới mới tiếp cận đến cờ vua, bắt đầu tìm hiểu về luật chơi, cách chơi, cách đi quân, mục đích của ván cờ.
-) Cảnh giới 2: Sơ Học Xạ Luyện/Nhập Môn ( Hệ số Elo khởi đầu tại 1200)
Đây là cảnh giới đã ôn luyện xong về các luật chơi, các cách đi quân, bắt đầu học về giá trị cùng biến hóa của các quân cờ, bắt đầu sử xuất được các loại Kỳ Kỹ. Đây cũng là cảnh giới rèn luyện Ngoại Công căn bản nhất.
-) Cảnh giới 3: Đăng Đường Nhập Thất/Kỳ Thủ/ Bất Nhập Lưu ( Hệ số Elo khởi đầu tại 1400)
Đây là cảnh giới mà Nội Công đã đạt đến hàm hàm, sử dụng khá thông thạo mấy môn Kỳ Kỹ căn bản, có đương một phương hướng rõ ràng. Cũng là cảnh giới bắt đầu phân tích về các biến hóa của Kỳ Kinh Bát Mạch cùng Thập Nhị Chính Kinh, có thể bắt đầu học Kỳ Thế, bắt đầu tiếp xúc với Tam Hoa. Tại cảnh giới này cơ hồ đều biết ngưng tụ Pháp Thân và thông hiểu Độc Công. Kỹ năng điểm huyệt cùng Giải Thể đều sử dụng thông thạo, có kiến thức lớn về Lưỡng Nghi đến Cửu Cung.
-) Cảnh giới 4: Lược Hữu Tiểu Thành/ Cao Thủ/ Tam Lưu ( Hệ số Elo khởi đầu tại 1600)
Ngoại Công cùng Nội Công đều đã đạt đến cấp độ nhất định, lĩnh ngộ Kỳ Thế tiến vào một trong Tam Hoa, có thể dùng Kỳ Thế ép người. Kỳ Kỹ cơ bản luyện đến mức độ tinh thâm, bắt đầu liên hợp Kỳ Kỹ. Lưu chuyển chân khí dễ dàng tại bên trong Kỳ Kinh Bát Mạch hoặc Thập Nhị Chính Kinh. Bắt đầu rèn luyện Ngũ Khí.
-) Cảnh giới 5: Lô Hỏa Thuần Thanh/ Cao Thủ/ Nhị Lưu ( Hệ số Elo khởi đầu tại 1800)
Lĩnh ngộ Kỳ Thế tiến vào bên trong song Hoa, đạt đến cấp bậc hữu tướng vô hình. Ở cảnh giới này có thể sử dụng tất cả mọi loại Kỳ Kỹ, Kỳ Kỹ liên hợp có thể sử dụng thành thạo, chân khí cuồn cuộn liên tục không ngừng. Phối hợp tốt căn bản giữa Lục Phủ Ngũ Tạng, Thập Nhị Chính Kinh cùng Kỳ Kinh Bát Mạch. Ngũ Khí rèn luyện có thành tựu nhất định, nhưng thường chỉ là một loại nổi bật.
-) Cảnh giới 6: Dung Hội Quán Thông/ Cao Thủ/ Nhất Lưu ( Hệ số Elo khởi đầu tại 2000)
Lĩnh ngộ Kỳ Thế tiến vào trong Tam Hoa, đạt đến cấp bậc hữu thế vô tướng. Dung hội Kỳ Thế cùng Kỳ Kỹ lại một chỗ, hình thành nên một loại Kỳ Pháp chuẩn mực, thế như Long cốt, kiên cố bất tồi. Lục Phủ Ngũ Tạng bản thân đều được rèn luyện đến đỉnh phong. Ngũ Khí có 2 loại nổi bật. Kỳ Thế hoành lộ Kỳ Kinh Bát Mạch, tố đại Thập Nhị Chính Kinh.
-) Cảnh giới 7: Siêu Thần Nhập Hóa/ Kiện Tướng ( Hệ số Elo khởi đầu tại 2200)
Tam Hoa Tụ Đỉnh! Kỳ Thế quán xuyến cả Tam Hoa tự đầu đến cuối, khí như Thôn Thiên. Kỳ Pháp đạt đến Hóa Cảnh, gần như không thể xuất hiện sai lầm, tồn tại tự nhiên hữu lý. Kỳ Pháp biến hóa vô số, bắt đầu cộng dung. Toàn bộ Nội Công, Ngoại Công đều đạt được thăng hoa, có thể sản xuất Công Pháp chính quy, là nhất phương cường giả. Đây cũng là một ngưỡng của ngăn cách hoàn toàn giữa nghiệp dư cùng chuyên nghiệp, là một rãnh hồng câu đã chặn đứng không biết bao nhiêu Kỳ Thủ, đều là vạn người có một. Ngũ Khí có 3 loại nổi bật.
-) Cảnh giới 7,5: Ngạo Thị Quần Hùng/ Kiện Tướng Quốc Tế ( Hệ số Elo khởi đầu tại 2400)
Nhất pháp thông vạn pháp, cơ hồ đều có thể nhất lực hàng thập hội, Kỳ Pháp đạt đến cộng dung hoàn chỉnh, có thể xưng làm Kỳ Ý, đạt đến vạn pháp bất xâm, vạn tà bất nhập. Đây được coi là cường giả cấp bậc toàn thế giới, thực lực đều không thể khinh thường. Cả Ngoại Công cùng Nội Công đều trầm hậu vô cùng. Ngũ Khí có 5 loại nổi bật. Ngoại Công ít nhất phải đạt đến thập trọng thiên.
-) Cảnh giới 8: Đăng Phong Tháo Cực/ Đại Kiện Tướng ( Hệ số Elo khởi đầu tại 2500)
Ngũ Khí Triều Nguyên! Công tụ một chỗ, biến hóa khôn lường, chỉ riêng Kỳ Thế thôi cũng đủ ép sập Nhất Lưu Cao Thủ. Tùy ý một ý niệm thôi cũng đủ để Kỳ Pháp nảy sinh biến hóa, hoán đổi sang các loại Kỳ Pháp khác. Ngoại Công ít nhất đạt đến nhị thập trọng thiên. Đây được xưng làm đỉnh cấp cường giả của cả thế giới, hàng triệu người mới có một, thực lực tất cả đều thâm bất khả trắc. Đến giai đoạn này mới thật sự để ý được sự tinh tế đến thuần túy của Pháp Thân. Khi Kỳ Pháp đạt đến Đăng Phong Tháo Cực, tự thành Kỳ Vực, tại Kỳ Vực bên trong, không phải Kiện Tướng không thể phá!
-) Cảnh giới 9: Thần Công Cái Thế/ Siêu Đại Kiện Tướng ( Hệ số Elo khởi đầu tại 2700)
Kỳ Vực thăng hoa đến cực hạn, ngược lại bao trùm cùng ngưng tụ, bắt đầu từ phồn hóa giản, cổ xưng Kỳ Luân. Cảnh giới này tại khắp cả thế giới cũng là phương mao lân giác, mỗi một người đều là kỳ tài trăm năm khó xuất thế, hàng trăm triệu mới có một , đứng ở thế gian đỉnh phong. Nội Công cùng Ngoại Công đều cực kỳ trầm hậu, khó mà tiến thêm, trong đó Ngoại Công đạt đến tam thập tam trọng thiên. Bàn cờ đánh đã không còn là đánh Kỳ Tử, mà đều là so Kỳ Ý. Đỉnh tiêm Siêu Đại Kiện tướng thì đều có xưng hô làm Huyền Thoại, có được phong hào, mỗi một trận giao tranh đều là kinh điển.
-) Cảnh giới 10: Phản Phác Quy Chân/ Huyền Thoại ( Không thể xét bằng hệ số Elo)
Cảnh giới này đã là khó có thể xét đoán, xưng làm Kỳ Đạo Tối Thượng Cảnh. Đây là cảnh giới mà chỉ có các Siêu Đại Kiện Tướng đỉnh tiêm có thể chạm đến. Có năng lực chưởng khống xưng làm hoàn mỹ đối với Kỳ Tử. Từng chi tiết nhỏ đều có thể chưởng khống đến cấp bậc Nhập Vi. Đây là cảnh giới tục xưng trấn áp một thời đại, ngàn năm khó xuất hiện nổi một. Đây là cảnh giới cơ hồ là nâng cao giới hạn của toàn nhân loại, có năng lực đánh ra được ván cờ bất hủ. Dù có dò xét trong lịch sử, số lượng người đạt đến cảnh giới này tuyệt đối không vượt quá hai bàn tay. Có lẽ giới hạn duy nhất còn tồn tại chính là thế gian Pháp Tắc ràng buộc nhân loại.
——————-
Rốt cuộc ta vừa viết cái gì thế này? =) Đây là một bài viết vui vẻ, không cần phải quá nghiêm túc. Chư vị đạo hữu cũng có thể cmt xem là mình đang ở cảnh giới nào.
Tốn hao nhiều nơ ron thần kinh để liên tưởng quá, mong mọi người ủng hộ!