Khi Content Writer loay hoay với kỹ năng phỏng vấn: Đổi câu hỏi một chút, số phận cuộc trò chuyện sẽ khác ngay!

by admin

Kỹ năng phỏng vấn là một trong những kỹ năng quan trọng nhất đối với Content Writer, để khai thác các thông tin giá trị, hữu ích.

Điều này đã được tôi nhấn mạnh nhiều hơn một lần! Nhưng…

Phỏng vấn chẳng hề là một kỹ năng dễ dàng!

Khi đặt ra những câu hỏi khác nhau thì các câu trả lời nhận được cũng hoàn toàn khác ngay!

Chẳng hạn, Content Writer nào đặt câu hỏi: “Anh/chị thấy dịch vụ bên em có tốt không ạ?” – Thì câu trả lời thường sẽ rất… tẻ nhạt: “Có” hoặc “Cũng được”.

Nhưng vẫn tình huống đó, Content Writer đổi câu hỏi một chút, thành: “Anh/chị ấn tượng nhất với điều gì khi dùng dịch vụ bên em?” – Thì câu trả lời thường chi tiết hơn, gợi mở hơn, và đương nhiên… có giá trị hơn!

Ví dụ đơn giản trên cho thấy, nếu Content Writer nào không có kỹ năng phỏng vấn thì khó làm được Content “chất”.

Nếu chỉ ngồi một chỗ để “bịa”, copy, xào xáo mà không có sự va chạm với thực tế, với khách hàng, chuyên gia… thì người ta gọi vui đó là “kiểu Content… đút chân gầm bàn”.

*****

Trong quá trình tác nghiệp – như lúc gặp khách hàng để phỏng vấn – học viên của tôi từng “phàn nàn”: “Trên đời này, đúng là có khách this, khách that. Hôm nào may thì vớ được khách chịu nói, chịu chia sẻ. Đen đủi thì gặp ngay khách… chẳng biết nói gì!”.

Tôi thấy ngạc nhiên, hỏi lại: “Thế em hỏi người ta như thế nào?”.

“Anh (chị) thấy dịch vụ bên em có tốt không? Đa số chỉ nói ‘tốt’ là hết. Cố hỏi tốt như thế nào thì người ta bảo chung chung là cái gì cũng tốt. Thế là… hết chuyện, thầy ạ”, học viên của tôi đáp.

Tôi liền gợi ý bạn ấy thay đổi bằng những câu hỏi khác, như là:

“Anh (chị) vừa có một buổi trải nghiệm xuyên suốt dịch vụ. Anh (chị) ấn tượng nhất với điều gì?”.

Dựa trên câu trả lời (ấn tượng với phần tư vấn, phần làm dịch vụ, hay phần giao tiếp…), ta sẽ “nhấn” thêm bằng những câu hỏi khai thác sâu hơn.

Nếu gặp khách “khó” hơn, có thể quan sát đặc điểm của họ, hành động của họ, trước khi vào đề. Chẳng hạn:

“Vừa nãy, em thấy chị quan sát rất kỹ bản mô tả dịch vụ trên bàn. Có điều gì khiến chị ấn tượng như vậy?”.

Học viên của tôi gãi đầu, bảo “nếu hỏi thế thì chắc người ta chịu nói hơn đấy ạ!”. “Vậy… tại sao em không hỏi như thế?”.

Đó mới là vấn đề!

*****

Một khi chúng ta biết cách đặt câu hỏi hay ho, thông minh, thú vị, gây bất ngờ (chính là một phần của kỹ năng phỏng vấn), thì tức là chúng ta… biết cách nói chuyện.

Vì vậy, tôi thường nói vui: Ai lĩnh hội được kỹ năng này thì sẽ dễ thoát ế lắm!

Chắc mọi người chưa quên câu hỏi ngây ngô từng được lan truyền trên mạng, của một anh chàng đi tán tỉnh: “Em ăn cơm chưa? Nếu ăn rồi thì em có ăn rau không? Ăn rau thì em ăn rau muống hay rau dền?…”.

Hỏi nhàm chán như vậy, thì đương nhiên, chất lượng cuộc trò chuyện sẽ rất tệ!

Bởi thế, có thể coi kỹ năng phỏng vấn chính là kỹ năng đặt câu hỏi. Mà muốn hỏi một cách thú vị thì chúng ta cần vốn kiến thức xã hội đủ sâu (để nói chuyện được với người khác), cũng như có sự tìm hiểu trước nhân vật nhằm xây dựng bộ câu hỏi phù hợp.

Song… chưa hết đâu!

Kỹ năng phỏng vấn còn bao gồm cả khả năng ghi nhận câu trả lời, tư duy nhanh tại chỗ để phát hiện chi tiết độc/đắt, từ đó khai thác sâu thêm.

Đây chính là tố chất để phân biệt một người phỏng vấn tầm thường với người có kỹ năng phỏng vấn tốt.

*****

Tôi luôn nói với học viên của mình: Một khi chưa có kỹ năng phỏng vấn, Content Writer khó làm được nội dung “chất”!

Từ việc phỏng vấn, một lượng lớn thông tin giá trị từ chuyên gia trong ngành, từ khách hàng… sẽ giúp cho hệ nội dung của doanh nghiệp/cá nhân phong phú, có chất riêng và hữu ích từ cốt lõi.

Đáng tiếc là hiện nay, nhiều Content Writer vẫn chưa nhìn nhận đúng về sự quan trọng của kỹ năng này, nên họ thường xuyên “bịa”/copy, xào xáo bài vở.

Làm thế, thì dở ở chỗ: “Linh hồn” của Inbound Content Marketing nằm ở yếu tố “giá trị”, mà một khi không hiểu đúng về nó, thì làm sao “giá trị”, “Inbound” cho nổi?

Tác giả: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn

You may also like

Leave a Comment