Khi quân Nga rút về phía đông trong những ngày đầu tháng 9/1812, Bộ Chỉ huy quân Nga đã tính đến chuyện dừng lại và giao chiến với Đại quân của Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte (1769-1821).

by admin

Trong cuộc họp của Mikhail Illarionovich Kutuzov (1745-1813) về vấn đề này, sỹ quan Phổ Carl von Clausewitz (1780-1831) đã tóm tắt lại tình hình chung như sau: ” (…) rừng rú đã trở nên thưa thớt hơn và mặt đất thì quá bằng phẳng – không có một rặng núi cao nào – không có một hẻm núi sâu nào cả; khu vực đồng bằng này không có chướng ngại nào thực sự lớn cả, vì vậy rất dễ để quân thù vượt qua; những ngôi làng với phần đa nhà cửa làm từ gỗ lại tỏ ra không phù hợp để làm cứ điểm phòng thủ. (…) Với một chỉ huy muốn chiến đấu mà không làm lãng phí thời gian như Kutuzov, ông cần cân nhắc rất kỹ những gì ông đang có.”

Lúc này, Levin August von Bennigsen (1745-1826) và Karl Wilhelm von Toll (1777-1842) đề xuất ý tưởng với vị trí chiến trường mà theo hai ông, khả dĩ nhất là khu vực gần làng Borodino, ngay ngã ba sông Kolocha, cách Moscow khoảng 120km về phía tây. Và ý tưởng này đã được duyệt với sự đồng tình của các tướng lĩnh khác.

Để chuẩn bị cho trận đánh sắp tới, ngay đầu tháng 9/1812, khi rút quân đến đây, lính Nga đã bắt tay vào xây dựng các công sự phòng thủ trải dài từ hướng đông bắc đến làng Gorki ở hướng tây nam.

Trong toàn bộ hệ thống phòng thủ này, mắt xích yếu nhất của quân Nga là ở sườn phía nam, nơi dễ bị tổn thương bởi sức mạnh của Đại quân. Nếu bị chọc thủng, Napoléon có thể tận dụng đường Smolensk Cũ để đe dọa hậu phương quân Nga.

Trong khi đó, ở phía tây nam của trận địa, là một ngọn đồi nhỏ gần làng Shevardino. Công binh Nga được điều đến đây để làm gấp một đồn phòng thủ thật vững chắc. Và chẳng mấy chốc, một công sự hình ngũ giác với tường đất cao 1,5m được xây lên tại đây.

Đồn Shevardino nằm ở một vị trí tương đối phức tạp, trên lý thuyết, họ dễ dàng nã pháo xuống quân Pháp tấn công nhưng ngược lại, họ cũng rất dễ bị pháo binh Pháp rót đạn vào. Lý do là bởi, cách đồn Shevardino chừng 200m, có một ngọn đồi nhỏ, rất lý tưởng cho pháo binh đặt pháo.

Bất chấp điều đó, Kutuzov vẫn nhận định đồn Shevardino là rất quan trọng, che chắn cho cánh trái quân Nga, nhất là lực lượng đóng ở làng Utitsa. Ngay lập tức, ông hạ lệnh cho tướng Dmitry Neverovsky (1771-1813) đến đóng tại đồn Shevardino.

Ngày 5/9/1812, kỵ binh trinh sát của Thống chế Joachim Murat (1767-1815) đã phát hiện ra quân Nga ở đồn Shevardino, tin tức này mau chóng đến tai Hoàng đế.

Napoléon đến trận địa để khảo sát và nhận định, đồn Shevardino phải được chiếm trước khi các bước tiếp theo được triển khai.

30.000 bộ binh, 10.000 kỵ binh và 186 khẩu pháo là lực lượng mà Napoléon dùng để tấn công đồn Shevardino. Trong khi đó, quân của Neverovsky chỉ có 8000 bộ binh, 4000 kỵ binh và 36 khẩu pháo được đặt xung quanh công sự bằng đất mới được lập nên này.

Cuối chiều ngày 5/9/1812, quân Pháp với lực lượng như trên, được lấy từ các quân đoàn của Thống chế Murat, Thống chế Louis Nicolas Davout (1770-1823) và Hoàng tử Ba Lan Józef Antoni Poniatowski (1763-1813), đã tràn lên tấn công đồn Shevardino.

Lính Jäger Nga kháng cự quyết liệt nhưng không ngăn được sư đoàn của Tướng Jean Dominique Compans (1769-1845).

Cấp dưới của Compans là Gaspard Gourgaud (1783-1852) nhớ lại: “(Tướng Compans) hạ lệnh cho một tiểu đoàn xông lên phía trước, phía sau họ, ông cho bố trí các khẩu pháo bắn đạn chùm. (…) Khi cách quân Nga khoảng 50 toises (100m), ông hạ lệnh cho bộ binh được phép tản ra và pháo binh khai hỏa về phía quân Nga. Sau những loạt đạn đầy sát thương ấy, hàng ngũ quân thù rối loạn và đến lượt bộ binh tràn lên đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê.”

Đã có nhiều trận đánh giáp lá cà diễn ra giữa bộ binh hai bên trong trận đánh ác liệt này. Các cứ điểm quanh Shevardino đổi chủ liên tục. Trung đoàn Bộ binh số 61 của Pháp chiếm được một ngọn đồi nhưng lại bị lính phóng lựu Nga đánh bật trở ra.

Đến đêm, khi hai bên đã thấm mệt, bộ binh Pháp tổ chức một đợt tấn công nữa vào làng Shevardino nhưng họ mắc sai lầm tai hại, khi nhìn nhầm kỵ binh Saxony thành kỵ binh hạng nặng Nga và lao vào tấn công đồng minh của mình.

Mặt khác, kỵ binh Hamburg cũng được tung vào trận địa, họ mù mờ về tình hình đối phương và lao vào tấn công kỵ binh hạng nặng Nga với quân số áp đảo khiến họ chịu thương vong rất lớn.

Sau đó, Tướng Neverovsky cử thêm ba sư đoàn nữa đến chi viện cho làng Shevardino trong khi chi viện của Đại quân cũng đến với quân số áp đảo. Đến 23h đêm, đồn Shevardino thất thủ.

Trận đánh khủng khiếp làm 7000 quân Nga thương vong và quân Pháp tổn thất 5000 quân. Đồn Shevardino thất thủ, nhưng nhờ sự kiên cường của Neverovsky và binh sĩ của ông, thời gian chuẩn bị của Kutuzov đã được gia tăng và thêm nhiều vị trí khác được gia cố chắc chắn hơn, sẵn sàng cho trận đại chiến sau đấy hai ngày nữa.

Sau trận đánh, Napoléon nhận được món quà từ người vợ Marie Louise (1791-1847). Đó là bức tranh vẽ lại đứa con chung của hai người: Napoléon François Charles Joseph Bonaparte (1811-1832). Hoàng đế Pháp cảm thấy vô cùng vui vẻ, đến nỗi ông để bức tranh này ngoài lều của mình để ba quân cùng chiêm ngưỡng.

Trong khi đó, phía quân Nga, làng Semyonovskoe đã bị đốt trụi bởi các tướng lĩnh Nga nhận thấy, ngôi làng sẽ làm nơi che chắn khá tốt cho Đại quân, gây khó khăn cho pháo binh Nga khi khai hỏa.

Cả Bennigsen và Toll đang đau đầu cho việc các dân quân từ Moscow quá thiếu kinh nghiệm của một công binh. Các công sự bằng đất (người Pháp gọi là flèches) vẫn chưa được hoàn thiện cho đến cuối ngày 6/9/1812.

Kutuzov còn đánh vào tâm lý quân Pháp khi cho in các truyền đơn bằng tiếng Pháp và rải ra khắp nơi: “Những binh lính Pháp, (…) đừng tin vào những lời dối trá rằng các bạn đang chiến đấu vì hòa bình (…) các bạn đang chiến đấu cho tham vọng vô độ một kẻ độc tài, không hề muốn hòa bình, (…), một kẻ tàn nhẫn đang chơi một ván cờ đẫm máu. Hãy về nhà khi còn có thể (…)”

Trước thềm trận đại chiến, Kutuzov hạ lệnh mang biểu tượng Đức Mẹ Đồng trinh Maria từ Smolensk về trận địa Borodino và diễu hành qua các đơn vị để gia tăng sỹ khí chiến đấu cho binh lính.

Từ xa, Napoléon và các Thống chế Pháp nhìn thấy qua ống nhòm và cảm thấy điều này rất nực cười nhưng theo cựu chiến binh, nhà thơ Fyodor Glinka (1786-1880) nhớ lại: “Chưa bao giờ người Nga cầu nguyện một cách nhiệt thành như hôm nay (…) Vào giờ phút này, cả trái tim và linh hồn của họ như đang được gặp các đức thánh thần vậy.”

Sỹ quan Pháp Raymond Aimery Philippe Joseph de Montesquiou-Fezensac (1784-1867) cũng cảm thấy trận chiến sắp tới sẽ rất ác liệt: “Cả hai đã nhận ra rằng hoặc là chiến đấu điên cuồng hoặc là bị diệt vong. Đối với chúng tôi, một thất bại đồng nghĩa với một sự hủy diệt hoàn toàn. Còn đối với người Nga, điều này lại có nghĩa rằng quân chủ lực sẽ sụp đổ, niềm hi vọng sau cuối của nước Nga sẽ sụp đổ.”

Ngày hôm sau, 7/9/1812 sẽ quyết định những tham vọng của quân Pháp hay những lời cầu nguyện của quân Nga sẽ thành hiện thực.

(Còn tiếp • Hết phần 9)
——————
Viết bài: #LeNguyenVietAnh.

You may also like

Leave a Comment