KHI TIỀN LƯƠNG LÀ CÁI BẪY LỚN NHẤT Ở NƠI LÀM VIỆC

by admin

#1. Cách đây vài năm, khi một người bạn của tui vừa ra trường, có một chị đồng nghiệp cùng bộ phận vào công ty sớm hơn bạn nửa năm, trong giờ ăn trưa đã hỏi bạn lương một tháng được nhiêu. Mặc dù khi vào công ty, HR đã nhắn bạn không được trao đổi riêng về lương, nhưng cuối cùng vì chưa có kinh nghiệm va chạm với đời, lại sợ làm mất lòng đồng nghiệp nên bạn tui đã thành thật khai báo mức lương của mình.

Ai ngờ hôm sau, HR lại gọi bạn tui lên văn phòng để “nói chuyện”. Nguyên nhân là vì chị đồng nghiệp kia đã tìm gặp riêng HR để xin tăng lương, chị bảo chị vào công ty sớm hơn bạn tui nửa năm, vậy mà sao lương lại thấp hơn đáng kể.

Cũng từ ngày ấy, những nhân viên cũ trong bộ phận chẳng hiểu sao bắt đầu giao cho bạn tui một số công việc không thuộc trách nhiệm của bạn, và cũng đáng buồn là sau đó chị đồng nghiệp kia cũng không còn rủ bạn tui cùng đi ăn trưa nữa. Chỉ 1-2 tháng tiếp theo, chị xin nghỉ việc.

#2. Sau bốn năm ra trường và đi làm, tui nhận ra mỗi lần đi họp lớp, chủ đề mà mọi người hay bàn tán với nhau nhiều nhất chính là lương.

Trong số đám bạn cũ mà tui quen biết, có một bạn Y này, thuở đi học thì học giỏi nhất khối, sau này ra trường đi làm thì thu nhập cũng rất cao, về tiền lương, phúc lợi, hoa hồng, thưởng cuối năm của công ty bạn, so ra tụi tui đều kém hơn hẳn. Các bạn cùng lớp luôn phàn nàn rằng công ty của họ không tốt chỗ này và chỗ kia, và hầu hết mọi người đều ghen tị với công ty của bạn Y.

Tuy nhiên vào cuối buổi họp lớp, thái độ của mọi người đã đột ngột thay đổi 180 độ. Khi một số bạn học cũ bắt đầu bàn luận về công việc của Y, họ lại nhận xét rằng Y thích khoe khoang, lần nào đi họp lớp cũng hay khoe này khoe nọ. Thậm chí, một số người cho rằng Y có thể nhận được mức lương cao như vậy là nhờ vào việc gia đình có các mối quan hệ từ trước, và một số còn nói cậu ấy quá keo kiệt, lần nào đi họp lớp cũng không chịu đứng ra thanh toán,…

#3. Chuyện tương tự cũng từng xảy ra với bạn gái tui. Một dạo trước, bạn gái của tui đến một công ty nọ để phỏng vấn cho vị trí HR. Vì chuyên môn cá nhân đáp ứng được nhu cầu của công ty, cộng thêm việc bạn có ngoại ngữ, vậy nên mức lương của bạn được nâng lên chút đỉnh so với mức lương của chị HR đang làm hiện tại. Tuy nhiên vì quá lăn tăn, không biết mức lương này có phù hợp với mình hay không, bạn gái tui đã đem chuyện này…đi hỏi chị HR kia.

Rồi khi bạn gái tui vào thử việc, những tưởng mọi chuyện đã suôn sẻ, ấy thế bạn lại gặp khó khăn vì mọi thông tin đều nằm trong tay HR cũ và chị hoàn toàn không có ý định chủ động hướng dẫn. Cuối cùng sau hai tháng, bạn gái tui cảm thấy môi trường này quá khó khăn nên đã chủ động xin nghỉ.

Lý do bạn ghi là vì không thể sử dụng chuyên môn của mình, phải xác nhận với HR cũ rất nhiều lần mới nắm được những điểm quan trọng. Ngoài ra, đồng nghiệp xung quanh cũng không hỗ trợ bạn vì mọi người đã quen với việc tìm kiếm chị HR kia. Một thời gian sau, bạn gái tui nghe tin giám đốc phải tăng lương cho chị HR cũ lên 50% và để chị kiêm nhiệm hai nhiệm vụ.

#4. Qua ba câu chuyện thực tế trên, tui đã tự mình lập cho mình một quan điểm, đó là không để ai biết mức lương của bản thân.

  • Việc nói cho người khác nghe về mức lương chẳng khác nào một đòn đánh trá hình nhằm vào chính bạn. Nếu mức lương quá thấp thì sẽ làm tổn hại đến lòng tự tin, nếu mức lương quá cao thì lại thu hút quá nhiều ánh mắt ghen tị, trong nhiều trường hợp sẽ khiến bạn phải chịu thiệt.
  • Những người có mức lương thấp hơn bạn sẽ nghĩ rằng bạn đang khoe khoang, còn những người có mức lương cao hơn sẽ cho rằng hóa ra bạn chỉ ở mức này thôi à, chẳng có gì đáng để bàn luận. Vì vậy, đừng tự mình làm khó mình.

Chúc các bạn có một ngày vui!

You may also like

Leave a Comment