Khi yêu thương là tội lỗi: Ánh đèn giữa hai đại dương

by admin

Một cuốn sách khiến bạn vỡ òa trong cảm xúc về tình cảm gia đình và tình yêu, với hình tượng ẩn dụ được xây dựng xuất sắc

Sau bốn năm trải qua địa ngục chiến tranh, Tom Sherbourne trở về Úc và đảm nhận công việc trông coi ngọn đèn hải đăng trên đảo Janus Rock. Hòn đảo hoàn toàn bị cô lập và chỉ nhận những chuyến hàng tiếp tế đều đặn theo định kỳ. Nhưng sự buồn tẻ trên đảo nhanh chóng biến mất khi Isabel xuất hiện.

Một cô gái táo bạo, tràn đầy yêu thương đã chấp nhận rời xa gia đình để theo Tom tới đảo. Nhưng số phận liên tục trêu đùa Isabel. Cô xảy thai hai lần, nỗi đau tiếp tục đày đọa khi chết thai lưu ở lần thứ ba.

Tưởng chừng như nước mắt đã bị rút cạn, niềm vui đã hòa tan theo làn sương biển, Isabel đã được Chúa trời mang tới một hài nhi bé bỏng đang trôi dạt trên thuyền cùng một xác chết giữa đại dương.

Tom đã chịu đựng một cuộc chiến tranh khủng khiếp với những quá khứ không thể nào quên. Anh không muốn làm ai vương thêm đau khổ, điều này thôi thúc người đàn ông phải báo cáo ngay lập tức tình hình phức tạp đang diễn ra ở ngọn hải đăng.

Nhưng Isabel muốn giữ lại đứa bé và đặt tên là Lucy. Nuốt buồn bã, Tom chấp nhận mong ước của vợ. Trong kỳ nghỉ phép trở lại đất liền họ đã phát hiện ra sự thật phũ phàng liên quan đến con gái Lucy của mình.

Nhưng sẽ không ai đem so sánh nỗi đau với nhau, dù đó là Isabel hay Hannah đi chăng nữa. Hai con người, hai số phận nhưng tình yêu với Lucy là duy nhất. Cả đôi bên đều có lý do để muốn giữ con ở lại. Dưới ngòi bút của M.L. Stedman độc giả sẽ thấy một Isabel vô lý, ích kỷ. Người ta vẫn nói, hạnh phúc của người này đôi khi chính là nỗi buồn của kẻ khác. Gia đình Sherbourne đã phớt lờ hoàn toàn nỗ lực tìm kiếm của Hannah, người thực sự là mẹ đẻ của Lucy.

Từ một cô tiểu thư tinh nghịch, thông minh, đầy sức sống, vì nỗi đau và niềm khát khao tình mẫu tử, đã trở thành một người có thể bất chấp làm những chuyện dù có sai trái đến thế nào. Một Hannah sống không bằng chết, mệt mỏi, hàng ngày nhìn con mình gọi người phụ nữ khác là mẹ.

M.L. Stedman đã kể một câu chuyện giàu cảm xúc, đi cùng kịch bản chắc chắn khiến độc giả cảm thấy hồ nghi về những giá trị đạo đức thường ngày. Liệu yêu thương có trở thành tội ác khi nó trở nên mù quáng. Một cú đánh quyền lực thúc ép vào sâu bên trong tâm trí, khiến lằn ranh đạo đức càng trở nên mong manh.

Chính những xung đột này đã trở thành một điểm sáng khiến toàn bộ tác phẩm bừng sáng. Cũng như bối cảnh đặc biệt mà tác giả đã chọn, ngọn hải đăng trên đảo Janus nằm ngay tại điểm Ấn Độ Dương và Nam Đại Dương hòa vào nhau, ánh đèn của nó cứ luân hồi xoay chiếu vào 2 đại dương sâu thẳm kia.

Cũng như cô bé Lucy – Grace sẽ mãi là ánh sáng chói lòa, ánh sáng của niềm hy vọng, của sự bình an, mãi mãi sẽ chiếu rọi vào cuộc đời của ba con người tưởng đâu đã mòn mỏi vì đau khổ nhưng tình yêu thương vẫn tràn đầy như đại dương.

Tom Sherbourne là một người đàn ông tuyệt vời, ngọn hải đăng cũng là một hình ảnh ẩn dụ biến hóa từ anh. Người bị đày đọa qua chiến tranh, những lần vuốt mắt cho đồng đội ám ảnh anh theo các cơn ác mộng mỗi khi đêm xuống. Sự xuất hiện của Lucy càng khiến anh trở nên lênh đênh với những áy náy không dứt.

Nếu như hận thù có thể xóa mờ bởi thời gian thì sự áy náy như thứ độc dược luôn gặp nhấm trong sâu thẳm tâm hồn. Đó là nỗi đau mất con của Isabel, đó là mặc cảm tội lối khi đối diện với Hannah. Công lý lẽ ra phải thực thi nhưng tại sao nó luôn khuyết bởi hai chữ “tình nghĩa”.

Câu chuyện đi đến một cái kết tròn trịa hợp lòng người nhưng vẫn thiếu đi một chút dư vị đủ mạnh mẽ để khiến tác phẩm thoát ra khỏi những khuôn sáo cũ. Nhưng đây là một cuốn sách hay, giữ được cho độc giả sự mới mẻ vẹn nguyên để đến với câu chuyện, đón nhận nó với tất cả sự hứng khởi, say mê, rung động sau lần đọc đầu tiên.

Trạm Đọc (Read Station)

Theo Gia Hạ – Zing.vn

You may also like

Leave a Comment