Năm 18 tuổi, tôi vẫn tin tưởng vào năng lực bản thân, vẫn nghĩ về một tương lai đi học Đại học, ra trường, làm việc, thăng tiến, đi ôtô bóng loáng, ở nhà lầu, mặc những bộ đồ công sở quyền lực như những chị gái Hàn Quốc tôi vẫn xem trên phim.
Năm 23 tuổi, sau khi ra trường một năm, từng đi làm với mức lương 3,5 triệu một tháng, ăn mì tôm như thời sinh viên, đi chợ 20 ngàn mỗi lần, ở phòng trọ 400 ngàn mỗi tháng, quần áo mua đồ si với giá 15 ngàn, không dám ăn hàng và cuối tháng vẫn luẩn quẩn mượn tiền bạn. Bạn cùng phòng của tôi cùng chuyên ngành, cùng trường, mức lương 10 triệu vì bạn có ngoại ngữ. Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra học giỏi là lợi thế.
Năm 24 tuổi, sau khi học hỏi được chút kinh nghiệm, rời bỏ công ty lương bèo bọt đó, nam tiến vào một công ty công nghệ mới mở với những lời hứa về cơ hội “khi công ty thành công các em là những công thần của công ty”. Vì là công ty khởi nghiệp, lương chỉ đủ trả cho kế toán, còn đội sale chỉ có thể tự bỏ tiền túi đi sale, nếu có hợp đồng thì ăn hoa hồng. Những ngày tháng tuổi trẻ đó vẫn không ngại khổ, mặt dày bám đường, gõ cửa từng cửa hàng giới thiệu. Có những ngày trong túi tôi còn 20 ngàn, tôi không dám đổ xăng, đành đi bộ hơn 4km đến cty, không dám ăn sáng vì chỉ còn 20 ngàn để dành ăn trưa, đi ở ké trọ bạn, mỗi ngày đến bữa ăn đều hi vọng chị gái bạn sẽ nấu ăn và mời mình ăn cùng.
Khi đó bạn tôi đã đi làm được vài cty, lương dưới 10 triệu bạn tuyệt đối không nhận việc. Lúc đó tôi nhận ra không những phải học giỏi mà còn phải có sự nhanh nhạy nắm bắt kinh nghiệm nhanh. Bạn trải qua nhiều cty nên bạn rất giỏi đánh giá thị trường lao động.
Sau 6 tháng, tôi chuyển qua làm một vị trí lễ tân nhỏ, lương đủ ăn, đủ đăng ký học thêm ngoại ngữ, vẫn là những tháng ngày chật vật với công việc, với cuộc đời, với suy nghĩ về sự tồn tại của bản thân. Rốt cuộc, tôi còn phải chịu đựng loại cảm giác này đến bao giờ, cảm giác thiếu thốn, cảm giác nợ nần, cảm giác bất an, cảm giác sợ mất việc. Đủ thứ cảm giác sợ hãi bủa vây.
Năm 25 tuổi, tôi nhận ra nếu tôi không có gì đó thay đổi, tôi sẽ mãi chỉ làm thuê, mà ngay cả làm thuê cũng không tự do với chính công việc của mình. Tôi nghỉ việc, mượn tiền, đi học ngoại ngữ. Cũng chưa biết sẽ ra sao nhưng tôi biết rằng tôi phải học.
Năm 28 tuổi, sau ba năm học, vừa học vừa làm. Vẫn chưa có tiền dư, vẫn chỉ đủ sống. Nhưng công việc cũng có chút thành quả, để nếu bây giờ có bị đuổi việc tôi cũng tự tin sẽ nhanh chóng có công việc mới. Có cuộc sống tự do, không phụ thuộc vào ai nữa.
Nhưng, năm 28 tuổi này, tôi muốn đi nước ngoài, muốn đi định cư. Tôi không đủ thời gian vừa làm vừa học nữa. Nếu mình học giỏi ngay từ đầu có phải mình đỡ vất vả hơn biết bao nhiêu.
Bố mẹ muốn chúng ta học giỏi, không phải họ muốn áp lực gì, mà vì họ nhìn thấy sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của tương lai.
Bạn học giỏi chưa chắc bạn đã thành ông này bà kia, chưa chắc đã làm nên sự nghiệp gì vĩ đại. Nhưng học giỏi chứng tỏ khả năng ghi nhớ, tư duy, sự chịu khó, chăm chỉ của bạn. Bạn không từ bỏ một bài toán khó thì bạn cũng sẽ không từ bỏ một nhiệm vụ khó. Bạn không không có năng khiếu ngoại ngữ nhưng vẫn học tốt ngoại ngữ, bạn sẽ hiểu ra rằng “thiên phú có thể thành công nhưng nỗ lực cũng sẽ thành công”. Bạn không có thể lực tốt nhưng điểm môn thể dục của bạn vẫn cao, chứng tỏ bạn là người có thể rèn luyện.
Tới bây giờ, tôi thật sự sợ nhất người vừa dốt vừa lười.
Bạn có thể không thông minh, nhưng hãy chăm chỉ. Chăm chỉ có thể cũng chưa giúp bạn học giỏi hơn ở trường đâu, vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng khi bạn chăm chỉ học thì sau này bạn cũng sẽ chăm chỉ làm việc. Thì ít nhất bạn sẽ không chết đói.
Bố mẹ mong chúng ta học giỏi ở trường đôi khi không phải vì con điểm 10, tấm giấy khen, mà vì đó là hành trình của cuộc đời, làm tốt chặng nào, đỡ khổ chặng đó.