Khủng long bạo chúa thực chất là loài chuyên “cắn trộm” chứ không oai vệ như người ta tưởng

by admin
khung-long-bao-chua-thuc-chat-la-loai-chuyen-“can-trom”-chu-khong-oai-ve-nhu-nguoi-ta-tuong

“Phim ảnh luôn khắc họa khủng long bạo chúa là loài hùng dũng” (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên thực tế thì khủng long bạo chúa có oai hùng như người ta vẫn nghĩ? Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra sinh vật này không hẳn là kẻ đứng đầu chuỗi thức ăn, và cũng không oai hùng như phim ảnh đã tạo ra. Thực tế, chúng là những kẻ chuyên “cắn trộm” để tồn tại.

Cơ thể quá nặng nề

Nếu hiểu biết một chút về vật lý, chúng ta sẽ biết rằng cơ thể của khủng long quá đồ sộ, không thích hợp với việc săn đuổi con mồi. Về kích thước, khủng long bạo chúa dài khoảng hơn 12 mét, cao 4 mét, và nặng 7 tấn, tức là nhỉnh hơn một con voi trưởng thành. Mà khi khối lượng càng lớn, độ linh hoạt càng giảm theo cấp số nhân.

Lấy ví dụ loài voi, với khối lượng quá lớn, chúng là loài động vật trên cạn duy nhất không thể nhảy, vì cơ thể không đủ sức nâng được tổng khối lượng đang gánh chịu.

“Khủng long bạo chúa gánh trên mình khối lượng rất lớn” (Ảnh minh họa)

Thêm vào đó, cấu trúc cơ thể với hai chi trước teo nhỏ, khủng long bạo chúa không thể xoay chuyển linh hoạt vì thiếu trụ điều hướng lực. Phần thân trước với đầu lớn, cổ dài, phần thân sau có đuôi dài và nặng, được cân bằng trên hai chân sau, khiến cho chúng không thể xoay trái và xoay phải nhanh chóng.

Lấy ví dụ dễ hiểu là một người trưởng thành vác một thanh gỗ lớn trên vai, anh ta không thể xoay chuyển một cách linh hoạt được.

Chính vì thế, khủng long bạo chúa không cách nào săn đuổi các loài sinh vật nhỏ hơn mình (phần lớn loài khủng long cùng thời đều nhỏ hơn T-rex) vì chúng xoay chuyển linh hoạt hơn và có thể nhanh chóng trốn thoát.

Ăn xác thối?

Có một giả thiết được nhiều nhà khoa học đặt ra, đó là khủng long bạo chúa sống chủ yếu dựa vào xác thối, ăn lại từ những cuộc săn của loài khác. Điển hình đó là Jack Horner, cố vấn cho loạt phim đình đám “Công viên kỷ Jura”.

“Đó là loài thô kệch, ghê tởm và hôi thối. Không có bằng chứng nào cho thấy chúng là loài săn mồi.” Đó là những gì Jack Horner nói về khủng long bạo chúa.

“Nhiều người tin rằng khủng long bạo chúa rất hôi thối” (Ảnh minh họa)

Nhưng giả thiết này cũng khó có thể đứng vững, bởi với khối lượng đồ sộ, khủng long bạo chúa cần một lượng thức ăn lớn mỗi ngày. Ăn xác thối đồng nghĩa với việc chúng không thể chủ động được về nguồn thức ăn.

Và nếu ăn xác thối, cơ chế tiến hóa cũng sẽ không cung cấp cho khủng long bạo chúa một cặp hàm siêu khỏe như vậy. Đó là cặp hàm có lực cắn mạnh nhất trong số tất cả các động vật trên cạn từng được ghi nhận.

Sự thật: Kẻ cắn trộm

Sau tất cả những lý thuyết ở trên, giả thiết đúng nhất đó là: Khủng long bạo chúa là loài săn mồi phục kích. Chúng sẽ chờ đợi ở một lùm cây nào đó để rình con mồi. Đợi khi con mồi đến gần, chúng lao ra với một lực xuất phát mạnh từ đôi chân nhiều cơ bắp. Cơ thể to lớn cũng giúp chúng có động năng cao. Chúng xông thẳng đến con mồi và tung ra một cú cắn chết người từ cặp hàm siêu khỏe của mình, sau đó giết và ăn thịt.

Dễ hiểu hơn thì cách săn mồi này giống với loài cá sấu: Ẩn nấp, chờ con mồi và xông đến tấn công trong chớp nhoáng.

 “Khủng long bạo chúa sẽ ẩn nấp và lao ra “cắn trộm” con mồi của mình khi chúng không ngờ tới” (Ảnh minh họa)

Dĩ nhiên, không loại trừ trường hợp khủng long bạo chúa sẽ tranh giành mồi của kẻ khác khi có cơ hội. Chúng đe dọa đối phương bằng cơ thể to lớn rồi cướp lấy con mồi để ăn. Như đã nói, chúng cần lượng thức ăn cực kỳ lớn nên cần phải ăn tạp mọi thứ có thể.

You may also like

Leave a Comment