KỲ ÁN “THƯỢC DƯỢC ĐEN” (BLACK DAHLIA) – BÍ ẨN ÁM ẢNH HÀNG THẬP KỶ HOLLYWOOD

by admin

Từ diễn viên không tên tuổi ở Hollywood với đời tư bê bối, Elizabeth Short bỗng chốc nổi tiếng khắp nước nhưng đáng buồn, danh tiếng đến từ án mạng kết thúc đời cô.

? Hiện trường ám ảnh

Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 15/1/1947, trong khi đẩy con gái nhỏ 3 tuổi qua khu vực công viên Leimert ở Nam Los Angeles (Mỹ), bà nội trợ Betty Bersinger bất chợt nhìn thấy một đôi giày bên vệ đường.

Ban đầu, Betty nghĩ đó là đôi giày của một ma-nơ-canh nhưng khi tiến lại gần cô nhận ra đó là một thi thể người bị chia làm hai. Betty vội chạy đến một ngôi nhà gần đó để gọi cảnh sát.

Vụ án ngay lập tức gây chấn động Los Angeles, các phóng viên từ các tờ báo ùn ùn kéo đến, tranh nhau chụp những bức ảnh hiện trường đầu tiên.

Hình ảnh thi thể một phụ nữ không mặc quần áo bị cắt ngang thắt lưng, hai mắt nạn nhân bị hung thủ móc mất, làn da trắng nõn đối lập với mái tóc đen nhánh, miệng nạn nhận có vết khắc đáng sợ từ khóe miệng đến mang tai tạo thành một nụ cười Glasgow… khiến ai cũng ám ảnh.

Ngoài ra có một dòng chữ được viết bằng son môi đỏ trên thi thể nạn nhân có nội dung: “BD AVENGER” (Người trả thù Black Dahlia – Thược dược đen)

Việc xác định danh tính nạn nhân có rất ít manh mối. Cảnh sát chỉ biết nạn nhân có mái tóc nâu nhạt, mắt xanh, cao 1,67 m, nặng khoảng 52 kg. Vụ án trở thành nỗi khiếp đảm với người dân nước Mỹ thời bấy giờ. Cảnh sát nhờ báo chí lan truyền thông tin, nhờ người dân giúp đỡ.

Các thám tử đưa cho tờ Los Angeles Examiner dấu vân tay của nạn nhân. Từ đó, tòa soạn này dùng một loại máy là tiền thân của máy fax để gửi bản phóng to dấu vân tay cho trụ sở FBI ở Washington.

Kỹ thuật viên FBI đã so dấu vân tay này với 104 triệu dấu vân tay có trong kho hồ sơ và nhanh chóng phát hiện ra đó là vân tay của Elizabeth Short. Cô được bạn bè gọi là “đóa thược dược đen” bởi thích màu đen và thường cài hoa thược dược lên tóc.

? Bước ngoặt phá án

Người cuối cùng nhìn thấy Elizabeth còn sống là Robert Manley, một người đàn ông đã có gia đình, đồng thời là “người tình một đêm” của cô.

Ngày 9/1/1947, Robert đã lái xe đưa Elizabeth tới khách sạn Biltmore tại Los Angeles. Hai người tạm biệt nhau lúc 18h30 ở sảnh. Không ai biết chuyện gì xảy ra trong một tuần kể từ lúc Elizabeth tới Biltmore cho đến lúc phát hiện ra thi thể cô.

Ngày 25/1/1947, 10 ngày sau khi thi thể Elizabeth được phát hiện, người ta tìm thấy chiếc ví da đen ngắn và đôi giầy hở mũi của cô trong thùng rác cách hiện trường vụ án vài dặm.

Robert đã xác nhận đó là vật dụng của Elizabeth do ông mua tặng. Còn chiếc ví vẫn thơm mùi nước hoa của Elizabeth.

Mặc dù vậy, thông tin mà cảnh sát thu thập được chỉ dừng lại ở đó. Trên hai đồ vật của nạn nhân không có thêm bất kỳ dấu vết gì để có thể truy tìm hung thủ. Cảnh sát thậm chí phải tìm kiếm manh mối tại các cửa hàng giặt ủi trong thành phố để tìm những bộ quần áo dính máu.

Ngoài ra họ cũng thẩm vấn người thân, hàng xóm, bạn bè, khách hàng của Elizabeth, người qua đường và thậm chí sinh viên y khoa với suy luận thủ phạm có thể am hiểu về y học.

Kẻ giết người được cho là đã chế nhạo các điều tra viên bằng cách gửi các vật dụng cá nhân của nạn nhân qua đường bưu điện cho họ.

Đó là một hộp bưu kiện nồng nặc mùi xăng mà người gửi đã xóa dấu vân tay. Bên trong là tư trang và giấy tờ tùy thân của Elizabeth bao gồm: ảnh, giấy khai sinh, thẻ an sinh xã hội và kèm theo đó là quyển sổ địa chỉ chứa tên của 75 người đàn ông.

Khi cảnh sát xác minh 75 cái tên trong danh sách thì đều là nam giới từng qua lại với Elizabeth.

“Người tình một đêm” của Elizabeth là Robert Manley cũng nằm trong dạng tình nghi. Tuy vậy, anh ta lại dễ dàng vượt qua cuộc kiểm tra nói dối của cảnh sát.

Trong suốt thời gian dài điều tra về cái chết của Elizabeth, có khoảng 60 người, chủ yếu là đàn ông tự nhận họ là hung thủ. Tuy nhiên, cảnh sát không đủ bằng chứng để kết tội một ai.

“Ai là kẻ giết Thược Dược Đen?” Đây vẫn là câu hỏi gây nhức nhối giới điều tra và các nhà nghiên cứu tâm lý tội phạm tại Mỹ suốt nhiều thập kỷ qua, khiến vụ án “Thược dược đen” trở thành kỳ án bí ẩn nhất ở Hollywood.

Vụ kỳ án này cũng trở thành một chủ đề phổ biến trong văn học lẫn phim ảnh suốt nhiều thập kỷ, bao gồm tác phẩm True Confessions của John Gregory Dunne ra đời năm 1977, tiếp theo là The Black Dahlia của James Ellroy ra đời năm 1987, Black Dahlia Avenger: The True Story (2003), Black Dahlia, Red Rose (2007) và nhiều tác phẩm khác.

Nguồn: danviet

You may also like

Leave a Comment