“Khi bạn nghiêm khắc với bản thân, cuộc sống tự nhiên sẽ dễ dàng. Khi bạn dễ dàng với bản thân, cuộc sống tự nhiên sẽ khó khăn” – Zig Ziglar
Chúng ta đều hiểu rằng để có thể thực sự thành công, động lực thôi là chưa đủ. Bạn cần kỷ luật để làm những thứ bạn không thích, để không bỏ cuộc giữa chừng hay đắm chìm vào những thú vui ngắn hạn mà bỏ quên kế hoạch đề ra. Và mình tin cầu nối giữa kỷ luật và động lực chính là tư duy đúng đắn.
Nói luôn dễ hơn làm. Duy trì sự kỷ luật luôn là một vấn đề nan giải, đặc biệt khi bạn là một người làm công việc sáng tạo, thích tự do và làm việc theo cảm hứng như mình. Tuy nhiên khi đi làm, áp lực KPIs, deadlines dồn dập khiến mình nhận ra rằng để có thời gian tự do, mình bắt buộc phải trở nên kỷ luật hơn. Đây là một vài bài học mình rút ra được trong quá trình xây dựng kỷ luật bản thân, mong rằng chia sẻ của mình sẽ có ích cho con đường xây dựng kỷ luật của các bạn đọc nha!
———–
01. Động lực bắt nguồn từ cảm xúc, kỷ luật xuất phát từ lý trí
Động lực đến và đi nhanh chóng, dễ tạo ra nhưng cũng dễ mất đi. Động lực có tính ngắn hạn, tính thời điểm và đã là cảm xúc thì rất dễ thay đổi. Động lực có thể đến từ bên trong và bên ngoài. Chúng ta có thể tìm thấy động lực từ bên ngoài, cũng có thể được ai đó truyền động lực.Ví dụ như nghe tin đứa bạn được học bổng, cảm hứng học tập đột nhiên tìm đến, bạn ngồi vào bàn học và bùm… cảm hứng lại trốn đi đâu mất.
Nhưng kỷ luật thì không.
Kỷ luật chính là tạo ra động lực để hoàn thành mục tiêu đề ra. Khi đặt ra câu hỏi tại sao, chúng ta hiểu rằng để có học bổng thì bắt buộc phải học nghiêm túc và đã đi học là phải học. Và từ đó, ta thấy kỷ luật xuất phát từ thái độ sống và làm việc của bạn, được duy trì bởi sức mạnh nội tại của chính chúng ta.
02. Kỷ luật sẽ đưa bạn đến nơi mà động lực không làm được
Động lực là làm khi cảm hứng ập tới, là làm một cách điên cuồng, nhiệt huyết cho tới khi mất động lực…
Trong khi đó, kỷ luật là liên tục lặp lại một hành vi trong một thời gian dài, tạo thành một thói quen, một lối sống. Từ đó, tạo nên con người chúng ta.
Động lực sẽ giúp ta bắt đầu nhưng để đi đến cuối cùng và gặt hái được thành công thì cần nhiều hơn thế.
Trì hoãn, lười biếng, trốn tránh,chờ đợi,.. đều là dấu hiệu của việc thiếu kỷ luật. Nếu chúng ta không thể quản lý bản thân, chúng ta không thể làm chủ cuộc đời của mình.
03. Động lực cần niềm vui, kỷ luật cần niềm tin
Niềm vui tạo ra động lực một cách tự nhiên, chính trạng thái hạnh phúc này duy trì động lực và nâng cao năng suất làm việc của chúng ta. Nhưng nếu chỉ làm việc theo cảm hứng, chúng ta rất dễ trở thành nô lệ của cảm xúc…
Kỷ luật thì khác. Khi chúng ta tập trung vào mục tiêu, tin tưởng vào bản thân, tính tự giác sẽ hình thành kỷ luật một cách tự nhiên. Quan trọng là chúng ta phải liên tục củng cố niềm tin, tạo động lực cho bản thân và không bỏ cuộc.
————
Trở thành một con người kỷ luật, thời gian sẽ cho bạn câu trả lời rõ nhất, làm việc trong im lặng và để kết quả của bạn lên tiếng!