Bạn sẽ làm gì khi bị cuốn theo cuộc đua đến thành công của đại chúng? Trích dẫn chương 8 cuốn sách “Tìm đường tuổi 20s” của tác giả Trần Thị Thùy Trang.
Có những người sống đơn giản, họ cứ đi theo những con đường sắp đặt sẵn, tin vào những giá trị người khác bày sẵn ra, không nghi ngờ, phân vân, ngó nghiêng nơi khác. Lại có những người muốn tự đi trên con đường mình vẽ nên. Nếu may mắn, họ sẽ sớm biết được mình muốn gì, có thể đi về đâu. Nếu không, họ sẽ hoảng loạn lắm. Họ chẳng biết phải bắt đầu ra sao, lập kế hoạch cho tương lai thế nào. Chừng nào chưa tìm được cho mình những giá trị để theo đuổi, người ta còn lạc lối, còn khủng hoảng, còn đứng núi này trông núi nọ, còn bị tác động bởi người khác, còn rơi vào mớ bòng bong của những lựa chọn và hoảng loạn trong đó.
Người trẻ bước ra cuộc đời như cây non trước gió. Khi còn mông lung, thiếu định hướng về giá trị theo đuổi, họ rất dễ bị cuốn theo những luồng gió khác nhau. Gió thổi càng mạnh, họ càng ngả nghiêng. Vì cây chưa vững, người chưa cứng, nên hôm nay ngả theo hướng này, mai lại nghiêng sang hướng khác.
Bản thân tôi cũng vậy, lơ ngơ ra trường đời là va đập với đủ các hệ giá trị khác nhau từ muôn kiểu cộng đồng, hội nhóm. Càng tiếp xúc nhiều người, tôi càng rối loạn. Càng gặp những người giỏi hơn mình, tôi càng bị ngợp, bị áp lực phải thành công, hoành tráng như họ. Rồi cứ thế, tôi bị cuốn vào hệ giá trị của họ lúc nào không hay!
Những ngày đầu khởi nghiệp, sống hết mình với lý tưởng, chẳng quan tâm đến tài chính, thu nhập, rồi cũng qua. Đến giai đoạn khó khăn, tôi bắt đầu cảm thấy bất an về thu nhập của mình. Chưa kể về sau, những cuộc gặp gỡ, networking càng làm tôi thấy mình bị quay lòng vòng quanh những câu hỏi về doanh số, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng. Xung quanh tôi, những bạn bè, anh chị có doanh nghiệp riêng, cảm tưởng như ai cũng thành công, có đầy những con số đáng tự hào. Có nhiều thời điểm, tôi áp lực đến mức cảm giác mình là đứa duy nhất năng lực kém cỏi nên thu nhập mới lẹt đẹt thế.
Khi còn trẻ, đâu dễ gì thoát được việc quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình. Càng chưa vững vàng, chưa hiểu rõ về bản thân, người ta càng dễ bị ảnh hưởng. Mà sống theo kỳ vọng của người khác, thực sự chẳng hạnh phúc chút nào!
Những ngày ấy, càng áp lực, tôi càng cố gắng gồng lên, đặt mục tiêu phải đạt được những con số thật tham vọng, thật hoành tráng. Tôi nhìn những người còn trẻ nhưng đã tạo được những đột phá trong kinh doanh mà thấy ngưỡng mộ. Tôi bắt đầu rẽ nhánh, đi làm thêm chỗ này chỗ kia để học hỏi từ những người có thành tựu nổi bật.
Tôi cứ lao đi về phía trước như cây non bị gió cuốn, cứ chạy băng băng, chẳng nhìn lại. Con số thu nhập của tôi cao dần, cao dần. Nhưng chẳng hiểu sao càng gồng sức, tôi càng thấy mình mất đi một điều gì đấy đẹp đẽ bên trong, cảm thấy thêm một chút gì đấy trống rỗng, vô cảm. Tôi trở thành một kẻ cuồng công việc. Chẳng có thời gian cho bản thân. Chẳng có thời gian cho gia đình.
Cuối cùng, tôi cũng sở hữu được những con số rất đáng tự hào về thu nhập. Nhưng rồi kỳ lạ sao, tôi vẫn không có được cái cảm giác tích cực, hưng phấn, hay hạnh phúc gì. Tôi vẫn luôn thấy bất an, lo sợ cho tương lai. Tôi sợ làm đối tác thất vọng, sợ mình chạy chưa đủ nhanh, sợ kết quả công việc không như ý. Tôi sa sút trầm trọng, trong cả thể chất lẫn tinh thần.
Những người trẻ càng cầu tiến, càng muốn làm tốt mọi việc lại là những người dễ bị stress nhất. Họ căng thẳng khi tự đặt cho mình áp lực phải đạt được kỳ vọng của người khác. Càng có nhiều người xung quanh kỳ vọng vào họ, họ càng thấy áp lực. Stress sẽ càng tệ hại hơn khi mọi thứ không rõ ràng, khi họ phải bối rối, thiếu thông tin, thiếu định hướng, không biết đang nỗ lực vì điều gì. Và rồi họ tự dày vò trong cái mớ nhùng nhằng, hỗn loạn, mù mờ mà họ tự vẽ nên.
Tôi nhớ lúc ấy, mình nhìn chuyện thu nhập hay những con số đẹp đẽ đạt được mà thấy vô cảm lắm. Như bị khuyết mất một điều gì đấy quan trọng, điều gì đấy để giữ được ngọn lửa trong mình. Lúc ấy, tôi bỗng thèm khát cái lý tưởng, niềm hạnh phúc những ngày mới bắt đầu, dù khi ấy còn bao khó khăn. Tự nhiên tôi giật mình nhận ra mình đã bị cuốn theo những luồng gió bên ngoài từ lúc nào, và quên mất những gì mình thực sự muốn theo đuổi.
Người trẻ càng so sánh, họ càng muốn gồng lên để được như người khác. Để rồi một ngày nào đấy thảng thốt nhận ra đã quên mất chính mình lúc nào không hay!
Tôi như trở lại cái giai đoạn hoang mang, mông lung, bối rối của những năm trước đó khi mới đi du học về. Ngơ ngác, sợ hãi, rùng mình. Như người bị lạc đường, quên lối, chẳng biết phải đi về đâu.
Rồi tôi quyết định phải trốn chạy khỏi cái thế giới ồn ào, náo nhiệt kia để tìm lại chính mình. Tôi cần một sự tĩnh lặng tuyệt đối để nhìn sâu vào trong, để nhận thức được điều mình thực sự muốn làm cho cuộc đời.
Ngày trước tôi vốn thích những hoạt động sôi nổi, năng động. Chưa bao giờ nghĩ đến việc cần những khoảng thời gian chỉ để nhắm mắt, tĩnh lặng, lắng nghe bản thân. Tôi cho rằng mình đã quá bận rộn rồi, sao còn thời gian để làm những việc khó hiểu đó.
Mãi cho đến thời điểm tôi rơi vào trạng thái cả sức khỏe thể chất và tinh thần đều suy sụp dữ dội, thời điểm đôi tai tôi bị ù bởi tiếng ồn ào xung quanh, đầu tôi đau bởi những tiếng nói, quan điểm, suy nghĩ khác nhau, và cũng là thời điểm tôi có vẻ khá thành công theo một chuẩn nào đó nhưng lại không hề thấy hạnh phúc, lúc ấy, tôi mới biết rằng mình cần sự tĩnh lặng cho bản thân. Đơn giản chỉ để tự cân bằng lại, để biết được mình là ai, mình muốn gì.
Tôi tạm đặt sang một bên những nhận định của người khác về tôi. Tôi đặt sang một bên những giá trị mà đa số theo đuổi. Tôi tạm vắng các hoạt động networking, các hội nhóm mình tham gia, từ chối lên truyền hình hay làm khách mời tại các sự kiện. Chỉ để có được thời gian tĩnh lặng cho chính mình.
Tôi bắt đầu nhắm mắt lại. Thời gian đầu học về thiền tôi thấy rất khó khăn để giữ được trạng thái yên bình. Đầu óc tôi luôn tràn ngập những suy nghĩ, những công việc phải làm. Nhưng rồi tôi hiểu rằng riêng việc tập luyện để quay về trạng thái tĩnh lặng hiện tại đã là một điều rất đáng quý rồi. Không đánh giá, không hà khắc với bản thân mỗi khi suy nghĩ có lỡ lang thang, bay nhảy đến những nơi khác. Thay vào đó, tôi học cách quan sát. Quan sát cảm giác. Quan sát suy nghĩ. Quan sát cảm xúc.
Tôi bắt đầu nhìn lại được những trải nghiệm mình đã có. Nhìn sâu vào những thời điểm mình thấy hạnh phúc nhất, đam mê, nhiệt huyết nhất.
Tôi thấy mình rưng rưng trong lòng với những khoảnh khắc rất nhẹ nhàng bên gia đình, người thân. Được thấy mẹ cười. Được nghe bố kể chuyện thời bộ đội. Được cô cháu gái đáng yêu cầm truyện đọc cho dễ ngủ. Tôi thấy nhớ gia đình tôi quá!
Rồi tôi thấy mình mỉm cười hạnh phúc khi được truyền cảm hứng cho người khác. Thấy ấm áp trong lòng khi giúp được từng bạn trẻ vượt lên chính mình để thành công. Thấy những trận cười rộn vang tại các lớp học tiếng Anh nơi mình sáng lập. Thấy những ánh mắt háo hức, lấp lánh cười của các bạn trẻ khi nghe mình chia sẻ, tâm sự hay truyền cảm hứng trong các dự án giáo dục mình làm.
Tôi nhận ra mỗi người sinh ra để viết nên những câu chuyện khác nhau, để theo đuổi những giá trị khác nhau. Có lẽ những điều to tát, hoành tráng, lớn lao không thuộc về tôi. Tôi yêu những thay đổi hướng vào chiều sâu, hướng đến từng con người. Mỗi bạn trẻ mà tôi có thể giúp họ vượt lên chính mình, giúp họ có thêm động lực chinh phục những thử thách trước đây chính họ chưa từng dám nghĩ đến, giúp họ vượt qua được nỗi sợ của bản thân – mỗi người trong họ đều là một thành tựu lớn đối với tôi.
Tôi bật khóc khi nhận ra những điều giản đơn mà mình chưa từng nghĩ đến. Cái tôi cần không phải một cuộc sống giàu sang hay được trở thành một nhân vật đặc biệt, có tầm ảnh hưởng hay một người có những thành công vang dội. Cái tôi cần là một cuộc sống cân bằng: để tôi được đam mê hết mình, được mang đến những giá trị tuy nhỏ nhưng tạo ra được thay đổi tích cực, thực chất cho các bạn trẻ; để tôi được có thời gian ở bên gia đình, thưởng thức những khoảnh khắc nhẹ nhàng và yên bình nhất; để tôi được có thời gian cho chính mình: được chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc bản thân, làm giàu thế giới nội tâm của tôi; để tôi được vùng vẫy tự do, được tự mình khám phá sự kỳ diệu của thế giới ngoài kia.
Đó mới là những giá trị khiến tôi thực sự hạnh phúc! Và tôi chỉ cảm nhận được những điều đó khi có được sự tĩnh lặng tuyệt đối trong mình, khi tôi không bị ảnh hưởng bởi những tiếng ồn, những suy nghĩ, quan điểm của người khác.
Sự tĩnh lặng đơn giản nhưng màu nhiệm vậy đó. Có lẽ vì vậy mà ai cũng nên tự thưởng cho mình những khoảnh khắc tĩnh lặng, dù chỉ một chút ít, để tiếp thêm năng lượng mỗi ngày.
Thường sau khi đã trải qua một sự việc và nhìn lại, người ta mới hiểu được giá trị nó mang lại cho mình. Tôi đã lạc lối, nhưng nhờ vậy, mới hiểu được giá trị của con đường mà mình đang đi, những gì mình đang theo đuổi.
Và rồi tôi phát hiện rất nhiều người thú vị xung quanh tôi cũng đã từng như vậy. Cũng từng lạc đường để tìm được lối đi.
Tôi có một người bạn lớn mà mỗi lần gặp mặt, chia sẻ tâm sự, lại cho mình nhiều điều phải suy ngẫm, học hỏi. Bác đã có nhiều doanh nghiệp thành công ở khắp nơi trên thế giới. Dù đã nhiều tuổi, nhưng bác luôn có nguồn năng lượng, nhiệt huyết rất lớn. Điều khiến tôi ngưỡng mộ hơn cả là dự án nào của bác cũng tạo ra những thay đổi tích cực với tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Có lần tôi hỏi bác về những chuyện xảy ra trong cuộc đời khiến bác muốn làm những dự án như bây giờ. Tôi đã lặng đi khi nghe câu chuyện tuổi trẻ của bác.
Bác khởi nghiệp từ những ngày tuổi 20s. Cũng như rất nhiều những người trẻ khác, bác từng tham vọng phải kiếm được thật nhiều tiền để chứng tỏ năng lực bản thân, khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Bác đã làm được điều đó. Các doanh nghiệp bác lập nên đều khá thành công và được mua lại bởi các tập đoàn lớn. Chưa đến 30 tuổi nhưng bác đã có thu nhập rất đáng tự hào.
Nhưng rồi khi chạm đến cái mốc 30 tuổi, một biến cố xảy ra đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và quan điểm sống của bác. Bác bị bệnh nặng và tưởng như không qua khỏi.
Tuổi 30 và điểm cuối của cuộc đời, một sự hợp nhất vô lý đầy xót xa. Những thành tích về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập cá nhân đến thời điểm ấy tự nhiên không còn ý nghĩa nữa. Thậm chí chúng chỉ khiến bác thấy đau lòng, xót xa. Bác nhận ra mình chưa làm được điều gì thực sự ý nghĩa cho cuộc đời. Bác đau lòng về việc trước đây mình chỉ ham theo đuổi sự giàu có, tiền tài, và ước rằng giá mình đã làm được nhiều điều hơn cho người khác.
Khi đã cận kề cái chết, bác chỉ nghĩ đến một điều duy nhất: Nếu thực sự có điều kỳ diệu xảy ra, cho mình được tiếp tục sống, mình sẽ dành cả cuộc đời này để đi giúp đỡ người khác, đi giải quyết các vấn đề xã hội. Mình sẽ không để cuộc đời mình bị bỏ phí bởi những ham muốn vật chất, mà phải làm sao để đến cuối đời có thể tự hào về những gì mình đã làm.
Và điều kỳ diệu đã xảy ra! Bác đã qua khỏi.
Ngay sau đó, bác bắt đầu cuộc hành trình đến châu Phi, châu Á, đến những vùng nghèo khổ nhất. Trực tiếp chứng kiến, đau đớn xót xa trước những cảnh đời khốn khổ, bác muốn mình được góp phần mang đến giải pháp cho những vấn đề họ gặp phải. Từ đó, bác bắt đầu tạo ra nhiều dự án kinh doanh mang lại những thay đổi tích cực rất lớn cho cộng đồng, xã hội. Bác đặt ra mục tiêu theo đuổi không phải là số tiền kiếm được mà những giá trị mình thực sự tạo ra được, để những người yếu thế có cơ hội được chăm sóc bản thân và phát triển tốt hơn, để mang hy vọng đến những nơi tuyệt vọng nhất, đưa ánh sáng, niềm vui và tương lai đến những vùng khổ cực, tăm tối.
Việc hướng đến những giá trị tốt đẹp, thay vì theo đuổi đồng tiền, giúp bác thấy được ý nghĩa của những việc mình làm mỗi ngày. Từ đó bác luôn tràn đầy hạnh phúc, năng lượng và nhiệt huyết. Ánh mắt bác luôn lấp lánh, sáng lên niềm vui.
Tôi thấy mình thật may mắn khi còn trẻ đã được gặp những người như bác. Họ truyền cho tôi cảm hứng, giúp tôi thêm tin tưởng vào con đường mình muốn theo đuổi. Tôi hiểu hơn về vai trò của đồng tiền đối với cuộc sống của mình – chỉ đơn giản là một công cụ giúp mình tồn tại và có được sự tiện nghi, thoải mái. Không phải động lực giúp tôi hạnh phúc, nhiệt huyết, đam mê. Có lẽ vì thế mà kể cả những thời điểm tôi có được thu nhập rất cao, tôi cũng không thấy điều đó có gì đáng tự hào, không thấy hạnh phúc hơn. Tôi như được giải thoát khỏi mọi gánh nặng, khỏi những sức ép buộc tôi phải đạt được thành tựu như người này người kia. Tôi không còn quan tâm đến việc phải đạt được những tiêu chuẩn về sự thành công của người khác nữa.
Có thể với nhiều người, thu nhập cao mang đến cho họ niềm vui, sự tự hào. Nhưng đối với tôi, tiền chỉ là công cụ để mình có được tiện nghi, thoải mái. Mà tiện nghi, thoải mái cũng chỉ có ý nghĩa đến một mức nhất định mà thôi. Được đóng góp tích cực vào sự thay đổi của cộng đồng, xã hội mới là điều làm tôi hạnh phúc, cho tôi được mỉm cười mỗi ngày.
Có lần, tôi được gặp Franck Nouyrigat, người sáng lập của Startup Weekend. Cuộc gặp đã cho tôi thêm góc nhìn rõ ràng hơn về con đường mà mình lựa chọn. Có lẽ điểm thú vị nhất đối với tôi từ cuộc trao đổi ấy là việc cần phải nhìn nhận được rõ những gì mang tính phong trào và điều gì thực sự phù hợp với mình.
Khi làm chủ doanh nghiệp, có rất nhiều phong cách, nhiều hướng đi với các lý do, động lực khác nhau. Có người đơn thuần muốn được làm những thứ mình thích (lifestyle business). Có người lại thích xây dựng được doanh nghiệp hoành tráng ở tầm toàn cầu (kiểu silicon startup). Có người khởi nghiệp chỉ để sau này bán được doanh nghiệp cho một ông khổng lồ khác (sellable business). Có người lại thích làm gì đó để tạo ra ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng, xã hội…
Việc đầu tiên trước khi bắt tay vào làm là cần biết rõ mình thích hợp với cái gì, đâu là động lực đằng sau nó. Nếu cứ cuốn theo những điều báo đài, truyền thông, xã hội ca ngợi và chạy theo kỳ vọng của người khác, một ngày nào đó khi giật mình nhìn lại, bạn sẽ không hiểu rốt cuộc mình đang nỗ lực vì mục đích gì nữa.
Điều này không chỉ đúng với doanh nhân mà với bất cứ công việc nào cũng vậy. Tất cả những gì là tiêu chuẩn, thang đo, trào lưu, những đặc điểm, tính cách cần có để làm cái này làm cái kia… chỉ mang tính tham khảo. Điều quan trọng là chính mình phải có được ý chí tự do, để nhận ra được động lực thực sự đằng sau những gì mình làm, những giá trị mình đang theo đuổi. Có như vậy, ta mới duy trì được động lực và đam mê lâu bền, dù phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách cũng vẫn giữ được nhiệt huyết.
Hay như Franck nói: “Passion is to suffer”. Đam mê không phải là cái gì ảo diệu, lung linh.
Đam mê là khi mình sẵn sàng đánh đổi, sẵn sàng chịu đựng khó khăn, vất vả mà vẫn tiến về phía trước: đơn giản vì mình đã biết cái gì là động lực đẩy mình dấn bước.
Hệ giá trị nên là những gì bạn theo đuổi chứ không cần phải miễn cưỡng làm theo. Nếu biết dành thời gian để nhìn lại những trải nghiệm của bản thân và lắng nghe tiếng nói trong mình, ai cũng sẽ thiết lập được hệ giá trị đó, nắm bắt được bản thân trong hiện tại, hiểu được mình là ai và không phải là ai.
Một người trẻ mới lao vào đời như cây non nghiêng ngả trước những trận gió, bối rối chẳng biết phải hướng về đâu. Nhưng khi hiểu rõ hệ giá trị mà mình theo đuổi là gì, cây non sẽ biết đứng vững trước mọi luồng dư luận, mọi quan điểm, suy nghĩ khác nhau. Người ấy sẽ tự biết, với chính người ấy, thành công, hạnh phúc là gì. Điều đó sẽ giúp người ấy được làm chủ cuộc sống của mình, không còn phải nỗ lực trở thành một con người khác.
Con đường tìm ra được chính mình không bao giờ thẳng tắp. Có những lúc tưởng như mình đã biết, rồi mình lại lung lay, bị những điều trông hấp dẫn, lung linh khác mời gọi. Nhưng phải đi rồi người ta mới biết hóa ra đã nhầm đường, rằng điều đó không dành cho mình, và quay lại nơi con người ta thuộc về. Nhưng lúc này ngọn lửa sẽ nhiệt thành hơn, sẽ bùng cháy hơn. Vì lúc này, người ta đã thật sự biết rằng những con đường kia là lạc lối, và đây mới là lối đi của cuộc đời mình.
Hãy cứ bình tĩnh mà đi, kể cả lạc lối, cũng vẫn là trải nghiệm giá trị. Và rồi cuối cùng, cây non sẽ đứng vững trước gió!