Nội dung self help đang tràn lan rất nhiều dựa trên 2 dạng chính là sách và video
Sách self help hay sách tự lực những năm gần đây trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Điều đang sợ là thể loại sách này gãi đúng chỗ ngứa của những người trẻ – những người đang mong muốn được phát triển, trở nên thành công.
Sách self help là loại sách có ích nếu được sử dụng một cách hợp lý. Mang lại động lực cho người đọc đồng thời cũng mở thêm những góc nhìn mới. Thế nhưng đây cũng lại là loại sách độc hại nhất nếu bị lạm dụng quá đà. Như đã nói, sách self help gãi đúng vào chỗ ngứa của giới trẻ thế nên chả có gì khó hiểu khi người trẻ thích đọc loại sách này. Đơn giản vì khi đọc nó, bản thân họ cảm thấy được phát triển hơn, mở mang hơn, và quan trọng nhất :”họ tin rằng mình đã tìm được con đường đi tới thành công”. Họ củng cố lập luận về niềm tin của mình với sách self help rằng những người thành công cũng từng áp dụng điều đó, và nếu điều đó là sai, tại sao họ lại thành công?
Xin hỏi những bạn đang quá lạm dụng sách self help, có bao nhiêu người trong các bạn đã từng lên mạng tìm hiểu về những nhân vật được nhắc tới trong những cuốn self help? Các bạn hay lấy ví dụ về Bill Gates, nói rằng ông bỏ học nhưng vẫn thành công, những nguyên tắc của ông là đúng và nếu như các bạn áp dụng, các bạn sẽ được như Bill Gates. Nhưng các bạn có biết rằng đằng sau câu chuyện “bỏ học mà vẫn thành công” là cả một điểm tựa vững như thái sơn. Ông xuất thân từ 1 gia đình vô cùng danh giá ở Seattle. Cụ cố nội ông là người sáng lập ngân hàng quốc gia thành phố Seattle. Mẹ ông-bà Mary Gates là chủ tịch ủy ban điều hành United Way toàn quốc, giám đốc ngân hàng West Coast. Bố ông- William H.Gates là chủ tịch của 1 hãng luật nổi tiếng.
Liệu có bao nhiêu bạn biết về điều này? Hay các bạn chỉ biết trong sách self help nói Bill Gates bỏ học nhưng vẫn thành công. Và điều đó truyền độc lực cho bạn? là điều bạn tin vào khi không muốn đi học? Vậy bạn có gia thế khủng như ông không?
Bản thân tôi cũng từng là một người quá lạm dụng sách self help. Thời gian đó là vào giữa năm lớp 12, khi mà tôi đang quá áp lực trong việc định hướng tương lai. Thời gian đó tôi biết đến dòng sách này và nhanh chóng bị nó thu hút. Các bạn biết kết quả như nào không? Tôi đọc hết cuốn này đến cuốn khác. Thời gian đầu, có lẽ do mới đọc ít, ở trong mức cho phép tôi cảm thấy thật tuyệt vời, tôi có nhiều động lực hơn để phấn đấu. Thế nhưng tới cái ngưỡng giới hạn, tôi đã chịu rất nhiều đả kích từ chính bản thân mình, tôi áp lực hơn, stress hơn, trở nên bi quan vì mọi thứ quá khác so với những gì sách self help truyền tải. Cuối cùng, tuy đã dứt ra nhưng hậu quả của việc lạm dụng sách self help vẫn còn kéo dài tới tận bây giờ.
Lạm dụng sách self help sẽ khiến các bạn bị tác động bởi văn hóa toxic productivity hay hustle culture. Để hiểu thêm về 2 khái niệm trên các bạn có thể xem trên kênh youtube của anh Duy Thanh Nguyen, sẽ có video nói rất rõ về vấn đề này cho các bạn.
Tôi sẽ chỉ nói về 2 tác hại lớn nhất của văn hóa “hối hả” chính là
– Dễ gây nghiện
– Làm chúng ta cảm thấy thất bại về bản thân mình
Hai tác hại này cũng chính là hai tác hại lớn nhất mà việc lạm dụng sách self help gây ra
Những cuốn sách self help đó chưa chắc đã đúng. Có thể nó đúng với một số người, một số thời đại. Nhiều yếu tố tác động vào nội dung truyền tải mà điển hình là yếu tố con người, yếu tố thời đại,…Nếu chịu khó tìm đọc tên những diễn đàn nói về sách, chúng ta có thể bắt gặp vô vàn lời chê đối với những cuốn sách mà nhiều người trong chúng ta đang tôn thờ.
Tiếp tới sẽ là những video self help tràn lan trên mạng. Có rất nhiều người làm về nội dung này nhưng những người đi sâu vào nó thì ít, ăn ké idea thì nhiều. Chỉ cần search trên youtube thì bạn sẽ bắt gặp nhiều video với tiêu đề “nếu bạn không làm theo…”, “…nhất định bạn phải biết”. Hầu hết đều dùng những câu lệnh để đánh vào tâm lý của các bạn-những người đang mong muốn được phát triển hơn. Những video có nội dung hầu hết đều giống nhau, được xào đi xào lại, thêm mắm thêm muối để trở nên “có vẻ khác đi”. Những điều bạn cần làm để bản thân tốt hơn có rất ít, vậy nên bạn không cần xem nhiều tới vậy đâu. Đa phần những người làm về vấn đề phát triển bản thân đều không đi quá sâu để phân tích những vấn đề họ đặt ra mà chỉ nói qua loa, sau đó là lấy những ví dụ về người thành công mà họ cho rằng người đó đã áp dụng quy tắc x,y,z,..
Xem những nội dung self help không hề xấu, nhưng cũng không thể nói là tốt. Nếu xem ở mức độ vừa phải, rồi chúng ta bắt tay vào hành động thì điều đó thật đáng mừng. Còn nếu chỉ xem mà không làm, chỉ chăm chăm chia sẻ những động lực ảo đó cho người khác, ba hoa về những tiến bộ mà bản thân đạt được thì thực sự không nên
Đã bao giờ bạn đọc được một câu self help từ một cuốn sách nào đó hay một video trên mạng rồi hừng hực khí thế chưa? Bạn có để ý cái khí thế đó duy trì trong bao lâu? Liệu có được một ngày? Việc tập trung vào quá nhiều điều mà sách hay video self help nói tới khiến chúng ta cảm giác mình có quá nhiều cái phải làm, quá nhiều thứ để thay đổi từ đó mà thấy quá tải, áp lực với cuộc sống.
Sách và video self help làm rất tốt trong việc lan truyền bằng cách đánh vào tâm lý Fomo của con người.
Khi thấy ai đó nói rằng họ đọc sách self help và ngày càng thành công, chúng ta hay nghĩ “thằng kia nó đọc hết quyển này tới quyển nọ, nhìn có vẻ hay ho, rồi nó sẽ sớm bỏ xa mình thôi. Mình không thể chịu thua được, phải đọc quyển A quyển B thôi”.
Những suy nghĩ như vậy không hiếm, chỉ là chúng ta không đủ can đảm để nói ra thôi. Chúng ta sợ bị đánh giá, bị phát xét trong khi đang cố hướng tới những điều tốt đẹp mà sách self help hướng tới.
Vậy nên, các bạn trẻ đang vướng vào cái bẫy nghiện self help, các bạn cần thức tỉnh để nhận ra sự nguy hiểm của cái bẫy chết người này. Hãy sống chậm lại, dứt ra khỏi những trang sách đó và cảm nhận. Cảm nhận xem bản thân mình có đang thực sự tốt lên không, cảm nhận xem bản thân mình muốn điều gì. Hãy chấp nhận sự thật rằng không ai trong chúng ta là hoàn hảo, chúng ta chỉ có thể thay đổi nó một cách từ từ bằng hành động, chứ không phải bằng việc đọc thật nhiều sách self help.
Starling