LÀM HẾT THỨ 6 LÀ ĐỦ RỒI

by admin

Công ty Minh Huyền làm việc 9 tiếng/ngày để nghỉ thứ 7, chủ nhật. Việc được thư giãn cuối tuần giúp cô nạp lại năng lượng, có thời gian cho bản thân.

Sau khi tốt nghiệp vào năm 2017, Minh Huyền (26 tuổi) chăm chỉ và không ngại di chuyển xa. Giờ làm việc của cô là 7h30-16h30, thứ 2 đến thứ 7. Với lượng công việc lớn, Huyền học hỏi được nhiều điều. Nhưng cùng lúc, cô mệt mỏi vì phải làm việc 6 ngày/tuần.

“Tôi thường về nhà lúc 18h30, ăn uống, vệ sinh cá nhân và giải trí đến 21h là đi ngủ để hôm sau dậy sớm đi làm. Nghỉ một ngày chủ nhật không đủ để tôi phục hồi năng lượng. Tôi hầu như không có thời gian hẹn bạn bè hay về quê thăm nhà”, cô kể. Sau một năm làm việc, Huyền thấy cạn kiệt năng lượng.

Được bạn giới thiệu vào công ty nước ngoài, Huyền được nghỉ cuối tuần. Bù lại, mỗi ngày, cô làm thêm một tiếng, từ 8h đến 18h. Ban đầu chưa quen, Huyền cảm thấy đuối sức. Nhưng được nghỉ thứ 7, chủ nhật là rất xứng đáng.

“Tôi có thể về thăm gia đình hoặc có chuyến đi chơi ngắn, hẹn bạn bè cà phê, ăn uống, mua sắm”, cô nói. Khi đi tìm việc, ngoài văn hóa doanh nghiệp và chuyên môn phù hợp, Huyền muốn được nghỉ 2 ngày hoặc 1,5 ngày cuối tuần. Theo cô, dù làm bao nhiêu ngày/tuần, điều quan trọng là hoàn thành tốt công việc. Vào ngày nghỉ, cô sẵn sàng theo dõi, kiểm tra email và xử lý công việc nếu cần, nhưng chỉ khi bất khả kháng.

Từng trải qua công việc chỉ làm hết thứ 6 hoặc thêm buổi sáng/cả ngày thứ 7, Nguyễn Linh, hiện làm HR tại Hà Nội, nhận thấy làm việc cuối tuần không phù hợp với bản thân. Nguyên nhân là hiệu quả công việc thấp, không đủ thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, gia đình và các mối quan hệ xung quanh.

Theo Linh, công việc yêu cầu làm thứ 7 gây khó chịu, ảnh hưởng khá nhiều tới sức khỏe, tinh thần cũng như năng suất làm việc của người lao động. Họ có thể cảm thấy mệt mỏi vì vòng lặp công việc dường như không bao giờ kết thúc. Ở vị trí HR, Linh từng gặp tới 80% trường hợp ứng viên từ chối công việc yêu cầu làm thứ 7. Đôi khi, họ chấp nhận đi làm xa hơn một chút để chỉ phải làm hết thứ 6. Theo Linh, xu hướng này khá phù hợp trong tương lai, nhất là đối với Gen Z (sinh năm 1997-2012).

Phương Anh (22 tuổi), nhân viên phân tích kinh tế tại Hà Nội, làm việc 8 tiếng/ngày. Phương Anh không thích đi làm thứ 7, nhưng thấy đó là điều cần thiết với công ty.

“Đây thường là lúc tổng kết lại hoạt động trong tuần. Việc này khá khó thực hiện vào thứ 6 vì mỗi ngày sẽ có công việc riêng. Công ty cũng hiểu tâm lý nhân viên nên thứ 7 có thể làm online. Do đó, dù không thích, tôi vẫn khá vui vẻ khi làm thứ 7”, cô giải thích.

Vì không có nhu cầu tham gia nhiều hoạt động, Phương Anh thấy 1,5 ngày đủ để nghỉ ngơi, xả stress. Tuy nhiên, có những tuần nhiều việc, cô gái sinh năm 2000 dễ cáu gắt vì không kịp phục hồi năng lượng. Khi ứng tuyển, Phương Anh không lập tức từ chối nếu biết công việc phải làm thứ 7, cô sẽ hỏi thêm thông tin để cân nhắc.

Bà Đinh Hồng Duyên, chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp, cho biết: “Việc đi làm thứ 7 là quyền lợi của người sử dụng lao động vì theo luật, họ được quyền sử dụng người lao động không quá 48 tiếng/tuần, tương đương 6 ngày/tuần, với thời gian làm việc 8 tiếng/ngày”, bà nói. Tuy nhiên, đó là luật, còn thị trường lao động vận hành khác.

Việc nghỉ thứ 7 có nhiều lợi cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động, đặc biệt là các cá nhân thuộc Gen Y (sinh năm 1981-1996), Gen Z, Alpha (từ 2012 trở đi) và nhân sự ngành công nghệ, viễn thông. Thậm chí, dân công nghệ sẽ luôn đặt câu hỏi: “Có phải đi làm thứ 7 và chủ nhật không?”. Bà Duyên nhận định việc nghỉ thứ 7 có nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động nếu xét cả về vật chất và tinh thần, đặc biệt với công ty có KPI rõ ràng.

(Theo: Zing)

You may also like

Leave a Comment