Làm marketing nhưng bạn đã biết đến lịch sử của 5 mô hình marketing chưa? 

by admin

Từ thời cổ đại, bước nhảy vọt lớn nhất trong lịch sử marketing là sự ra đời của báo in vào thế kỷ XV. Các quảng cáo bắt đầu xuất hiện trên tạp chí và áp phích. Vậy từ thuở sơ khai đó đến thời điểm hiện tại, marketing đã đi qua những mô hình nào, mỗi giai đoạn có đặc điểm gì? Đoạn trích dưới đây trong cuốn sách “Quantum Marketing – Bộ công cụ tiếp thị trong thế giới siêu kết nối” sẽ cho bạn lời giải đáp. 

Quantum Marketing - Bộ công cụ tiếp thị trong thế giới siêu kết nối

Quantum Marketing – Bộ công cụ tiếp thị trong thế giới siêu kết nối

Thế kỷ XIX chứng kiến sự xuất hiện của các đại lý quảng cáo và quảng cáo xà phòng. Sau đó là đài phát thanh, báo giấy, tivi, truyền hình cáp, Internet và dòng chảy marketing kỹ thuật số. Ngay cả trong những hình thái marketing sơ khai, thật thú vị khi nhìn thấy các khái niệm hiện đại về quảng cáo dựa trên vị trí, phương tiện truyền thông mạng xã hội và đánh giá hiệu quả marketing, dưới bất kỳ hình thức thô sơ nào, trở thành một phần bản năng của con người với vai trò tác động đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mọi người và xã hội. Mỗi giai đoạn luôn có một cách tiếp cận chiếm ưu thế, nhưng các giai đoạn này không mang tính tuyến tính.

Và bạn sẽ thấy đối với nhiều thương hiệu, logic sản phẩm cơ bản có từ thời kỳ đầu của quảng cáo in ấn vẫn đang thịnh hành ngay cả trong thời đại ngày nay.

 

MÔ HÌNH THỨ NHẤT: TIỀN ĐỀ CỦA LOGIC VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN

 

Mô hình Thứ nhất của marketing rất rõ ràng, hợp lý và gần như hoàn toàn tập trung vào sản phẩm. Giả định đặt ra là người tiêu dùng đã đưa ra quyết định mua hàng một cách hợp lý và logic. Nếu tạo ra sản phẩm tốt nhất, bạn ắt có suy nghĩ người tiêu dùng sẽ đổ xô đến mua nó. Vì vậy, các nhà marketing có một mục đích đã được xác định và một chiến lược đơn giản: Khiến sản phẩm của bạn tốt hơn của đối thủ cạnh tranh và để người tiêu dùng biết điều đó. Marketing kết nối sản phẩm với người mua bằng cách tạo ra và tận dụng các tính năng của sản phẩm, được cho là khác biệt và tốt hơn đối thủ hoặc bằng cách cung cấp sản phẩm với giá thấp hơn. Bột giặt Tide khiến “quần áo sạch hơn”. Những chiếc xe Dodge “chạy êm hơn.” Còn đối với máy hút bụi, “Không gì hút sạch bằng Electrolux.”

sach-quantum-marketing.
Trong Mô hình thứ Nhất, hoạt động marketing chú trọng vào quảng bá điểm khác biệt của sản phẩm

Sự ra đời của sản xuất hàng loạt đã tạo ra một cấp độ bình đẳng và phổ thông hóa của hàng loạt các sản phẩm. Hoạt động nghiên cứu và phát triển của mọi thương hiệu đều tập trung vào sự vượt trội về chất lượng sản phẩm, dẫn đến sự khác biệt hóa cận biên và lợi thế cạnh tranh tối thiểu ở mức tốt nhất. Cũng tại điểm này, marketing bắt đầu làm nổi bật, thậm chí phóng đại các tính năng quan trọng đối với người tiêu dùng. Và trên hết, các nhà marketing có những cá nhân đáng tin cậy hoặc có vẻ đáng tin cậy xác nhận các thương hiệu để khiến người tiêu dùng tin tưởng những tuyên bố của họ. Các bác sĩ xác nhận tính an toàn cho sức khỏe của thuốc lá Lucky Strikes. Tất nhiên, đây là điểm khởi đầu cho sự xói mòn lòng tin của người tiêu dùng vào thương hiệu, và rồi các quảng cáo cũng dần mất đi uy tín. Điều này cũng đánh dấu sự khởi đầu của những quảng cáo ảnh hưởng và định hình văn hóa, và thật không may, bao gồm cả định kiến về giới.

 

MÔ HÌNH THỨ HAI: CẢM XÚC LÀ TRÊN HẾT

 

Theo thời gian, các nhà marketing đã nhận ra một điều vô cùng mạnh mẽ: mọi người đưa ra quyết định một cách cảm tính hơn là dựa theo lý trí hoặc logic. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, cảm xúc chi phối toàn bộ! Do đó, họ bắt đầu đưa cảm xúc vào các chiến dịch quảng cáo của mình. Khi tivi ra đời, nó kết hợp hình ảnh và âm thanh vào một phương tiện mới, mạnh mẽ mà qua đó những câu chuyện có thể được truyền tải một cách hấp dẫn. Thật thú vị, các tuyên bố cảm xúc không cần bằng chứng khoa học hoặc dữ liệu chứng minh. Điều này được gọi một cách hoa mỹ là tự do sáng tạo hoặc sự linh hoạt. Với xu hướng tiếp cận bằng cảm xúc, hoạt động marketing trở thành một lời mời trải nghiệm, hơn là sự hối thúc đơn thuần buộc mọi người mua sản phẩm. Các công ty và thương hiệu đã tập trung nâng cấp sự hấp dẫn của các sản phẩm lên một cấp độ hoàn toàn mới. Việc tập trung vào các thành phần và tác dụng của sản phẩm trong Mô hình Thứ nhất được bổ sung, hoặc thậm chí thay thế, bằng một lời hứa hẹn đầy cảm xúc. Mối quan hệ, sự hòa hợp, địa vị, sự hấp dẫn, hạnh phúc, vui vẻ, thành công – tất cả những điều này trở thành thứ chất lượng tuyệt hảo người tiêu dùng có thể đạt được giống như lợi ích của thành viên trong một câu lạc bộ bí mật. Hãy nghĩ đến Coca-Cola và lời hứa rằng “Mọi thứ sẽ tốt hơn với Coca- Cola,” hay Pepsi – thức uống giải khát cho Thế hệ mới.

sách-quantum-marketing
Trong Mô hình thứ Hai, marketing chính là khai thác cảm xúc của người tiêu dùng

Marketing khai thác cảm xúc. Các nhãn hàng và công ty bắt đầu tạo ra các không gian cảm xúc, sau đó chiếm lĩnh chúng. Trong khi một tập hợp các tính năng của sản phẩm có thể bị bắt kịp hoặc làm tốt hơn, do đó sản phẩm có thể bị đánh bật khỏi vị thế trên thị trường, thì cảm xúc lại khó cạnh tranh hơn nhiều. Một khi thương hiệu chiếm lĩnh được một lãnh thổ cảm xúc, nó sẽ sở hữu phần lãnh thổ đó gần như mãi mãi. Hầu như là vậy. Nhưng làm thế nào để marketing dựa trên cảm xúc? Liên kết thương hiệu của bạn với những đặc tính bí truyền, cho dù đó là sự sang trọng, đam mê, tự do hay địa vị, đã trở thành một chiến lược cạnh tranh. Thấu hiểu và cải tiến sản phẩm cũng vẫn cần thiết. Nhưng giờ đây các công ty và thương hiệu đặt ra mục tiêu thấu hiểu tư duy, động cơ, thái độ và hành vi của người tiêu dùng. Các công ty đưa ra các chỉ số đo lường thái độ, nghiên cứu thói quen và cách sử dụng, các nhóm tập trung và nghiên cứu tâm lý học.

Khi các nhà marketing biết nhiều hơn về mong muốn của người tiêu dùng, hình mẫu của họ, v.v., họ bắt đầu sử dụng người nổi tiếng nhiều hơn như một cách để tạo ra các kết nối cảm xúc và lộ trình truyền cảm hứng. Các ngôi sao của Mô hình Thứ hai không chỉ là một Cô gái Coppertone vô danh hay một bác sĩ chuyên khoa nào đó chứng thực sản phẩm thuốc lá. Các ngôi sao của Mô hình Thứ hai trở thành người đại diện cho sản phẩm. Brooke Shields đại diện cho Calvin Klein. Madonna là của Pepsi. Michael Jordan là của Nike. Quảng cáo đã có một nhiệm vụ rõ ràng. Marketing có một cách tiếp cận sáng rõ.

 

MÔ HÌNH THỨ BA: INTERNET, TRUYỀN THÔNG KỸ THUẬT SỐ VÀ DỮ LIỆU

 

Các nhà marketing đã sử dụng đòn bẩy cảm xúc và bản sắc để tiếp cận người tiêu dùng đang bị ám ảnh bởi cả hai điều đó. Nhưng có một thứ đã khiến họ ngỡ ngàng. Vào ngày 6 tháng 8 năm 1991, Tim Berners-Lee đã chia sẻ với công chúng một hệ thống truy xuất thông tin bí ẩn chỉ dành cho các nhà khoa học. Nó được gọi là WorldWideWeb. Không có thông cáo báo chí nào. Nhại lời nhà thơ W. B. Yeats, một “vẻ đẹp khủng khiếp” đã được sinh ra.

Bốn năm sau, vẻ đẹp khủng khiếp ấy bắt đầu kiếm ra tiền. Vào ngày 12 tháng 10 năm 1994, một trang web thông tin thương mại điện tử có tên là Hot Wired đã đồng thời đăng các quảng cáo của 12 thương hiệu khác nhau, bao gồm AT&T, MCI, Volvo, Club Med, i-8oo-Collect, Sprint và IBM. Quảng cáo biểu ngữ trên web ra đời (banner ads).

sách-quantum-marketing
1997 là năm đầu tiên các nhà marketing bắt đầu coi web như một phương tiện quảng cáo, và đây cũng là lúc các nhà quảng cáo trên mạng Internet ở Mỹ chi 940 triệu đô-la, sau đó con số này tăng vọt lên 4 tỷ đô-la vào năm 1999.

Marketing kỹ thuật số được khai sinh và tất cả mọi thứ về marketing, quảng cáo và phương tiện truyền thông đều thay đổi ngay tức khắc. Đó chính xác là thời điểm mà tốc độ, quy mô và tác động được sinh ra và kể từ đó, marketing đã không còn như trước.

Đây là khởi điểm của Mô hình Thứ ba: sự trỗi dậy của marketing dựa trên Internet và dữ liệu kỹ thuật số. Sau tivi, đó là đột phá lớn tiếp theo về mặt khoa học công nghệ đối với hoạt động marketing. Dữ liệu kỹ thuật số, trước đây bị giới hạn trong giới công nghệ, các chuyên gia, nhà kinh tế học, nhà nghiên cứu, v.v., đã tìm thấy một khách hàng thường xuyên mới.

Các nhà marketing đã khám phá ra sức mạnh của dữ liệu, và chứng kiến sự tăng vọt về hiệu quả nó có thể tạo ra. Trọng tâm mới là sử dụng dữ liệu để tạo ra marketing hướng mục tiêu tốt hơn, hạn chế tối đa lãng phí, tăng doanh thu và cải thiện đáng kể lợi tức đầu tư (ROI) của công ty. Mô hình này chứng kiến sự gia tăng về số lượng các nhà khoa học dữ liệu và nhà marketing có kiến thức về dữ liệu trong thế giới thương mại. Với Internet, các nhà marketing giờ đây sở hữu khả năng phi thường chưa từng có để tiếp cận, giao tiếp và gây ấn tượng với khách hàng và khách hàng tiềm năng của họ – với tính kinh tế và chính xác ở quy mô lớn.

Nhưng không phải mọi thứ đều mang tính kỹ thuật số. Mô hình Thứ ba cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể về thư trực tiếp, quảng cáo phản hồi trực tiếp và lời hứa về “phân khúc duy nhất”. Nói cách khác, mọi người tiêu dùng đều được công nhận và coi là duy nhất, đồng thời các thông điệp marketing mang tính cá nhân hóa cao có thể được truyền tải đến họ theo những cách được tùy biến, dễ ghi nhớ và có tác động mạnh mẽ. Thư trực tiếp của các công ty như Citibank, vốn bắt đầu như một công cụ để thúc đẩy khách hàng hợp nhất số dư thẻ tín dụng của họ, đã được nâng tầm thành kỷ nguyên cá nhân hóa dựa trên dữ liệu số. Các nhà marketing đã cải thiện việc hướng mục tiêu của họ trong Mô hình Thứ ba nhiều đến mức người dùng đã  cảnh báo họ về việc tiếp xúc quá gần và quá xâm phạm quyền riêng tư. Điều này dẫn đến việc những người ủng hộ quyền lợi người tiêu dùng đã kêu gọi các cơ quan quản lý thông qua các quy định vào năm 2003 yêu cầu các công ty phải tuân theo danh sách Không Gọi hoặc Không Gửi thư ở Mỹ.

Nếu marketing trực tiếp đến gần người tiêu dùng, thì Internet đã ngấm vào máu họ. Năng lực nhắn tin hoặc email của các nhà marketing đã đưa họ đến gần người tiêu dùng. Khi một khách hàng tìm kiếm một sản phẩm, Internet mang thông tin đó lại cho nhà marketing, giúp các nhà marketing có cái nhìn sâu sắc chưa từng có về người tiêu dùng – từ đó có cơ hội tiếp cận gần hơn khách hàng của mình. Và các nhà marketing sẵn sàng trả tiền cho những cơ hội này. Vì lý do này, các trình duyệt web như Netscape, Excite và Yahoo là những doanh nghiệp Internet đầu tiên có lợi nhuận. Chỉ khi Google mang AdWords bước vào thì khả năng sinh lời mới mang một ý nghĩa hoàn toàn mới. Trên thực tế, ngay từ năm 2000, giáo sư John Deighton của Trường Kinh doanh Harvard đã mô tả Internet như một “môi trường tổng thể để tiến hành hoạt động marketing” đa chiều.

Người tiêu dùng cũng được Internet trao quyền. Họ tìm kiếm sản phẩm, rồi tìm một sản phẩm khác và nhận thấy mình muốn có nhiều thứ hơn. Internet và lượng dữ liệu do nó tạo ra là sự kết hợp của công nghệ và nền tảng, vốn dĩ đã dựng lên sân khấu cho Mô hình Thứ ba. Và đó là một điểm mấu chốt quyết định. Mỗi lượt truy cập, nhấp chuột và xem trang đều tạo ra dữ liệu quý giá về hành vi, sở thích và cách chi tiêu của người dùng. Sự bùng nổ của quảng cáo trên Internet đã nhanh chóng cho thấy dữ liệu có sức hấp dẫn như thế nào.

Mức độ thoải mái của các nhà marketing liên quan đến việc không phải chịu trách nhiệm về hiệu quả của quảng cáo, vốn dĩ đã thay đổi phần lớn do sự ra đời của dữ liệu. Dữ liệu đã biến đổi cách đo lường hiệu quả của quảng cáo. Một quảng cáo có hiệu quả không? Xếp hạng truyền hình không còn là câu trả lời. Quảng cáo trên báo có thúc đẩy doanh số không? Báo cáo lưu hành đã không còn phù hợp. Một quảng cáo sẽ thành công nếu mọi người nhìn thấy nó và hành động theo. Cả hai hành động này đột nhiên có thể được đo lường tới từng chi tiết nhỏ trong thời đại Internet mới. Một phương tiện truyền thông cụ thể có đáng để đăng quảng cáo không? Câu trả lời đó được xác định bởi số lượng người xem phù hợp với khách hàng mục tiêu và tương tác với nó mỗi ngày. Dữ liệu là thứ xác định phương tiện kinh doanh để đặt quảng cáo.

sách-quantum-marketing
ROI Marketing

Sau đó đến giai đoạn thời gian thực. Hoạt động trong thời gian thực – các hành động tức thì trong quá khứ hoặc vị trí hiện tại của người tiêu dùng – có thể dẫn đến một lời đề nghị hoặc kết nối được tùy chỉnh với người đó. Nó khiến hoạt động marketing một-một thực sự trở thành hiện thực. ROI marketing hiện nay được định nghĩa một cách chính xác. Lần đầu tiên, các nhà marketing có thể đo lường một cách đáng tin cậy những phản hồi do các chiến lược và chiến thuật marketing khác nhau tạo ra. Phễu mua hàng truyền thống (Nhận thức => Hứng thú => Mong muốn => Hành động) hiện đang được đánh giá lại khi các nhà marketing đã phát triển được các mô hình mua sắm phức tạp hơn. Các mục tiêu truyền thống như nâng cao nhận thức về thương hiệu và thiết lập ưu thế cạnh tranh ăn khớp với việc thúc đẩy cân nhắc và ý định mua hàng. Nghệ thuật marketing đã hòa cùng khoa học marketing. Những thay đổi này cũng tạo ra nhu cầu về hình mẫu giám đốc marketing mới. Những “Gã điên” sống theo bản năng và cá tính phải thay đổi hoặc chuyển việc. Thấu hiểu dữ liệu trở thành điều kiện tiên quyết cho vị trí giám đốc marketing.

Trong Mô hình Thứ ba, dữ liệu đã phát triển thành một động cơ khả dụng. Dữ liệu cung cấp cho người tiêu dùng tiện ích, hệ quy chiếu động và cảm giác cá nhân hóa tổng thể. Đối với nhà marketing, nó cung cấp các phương thức để tính toán và thấu hiểu giá trị của người tiêu dùng trong suốt cuộc đời của họ đối với công ty, ví dụ, giá trị trọn đời. Họ cũng có thể đưa ra các mô hình lưu giữ chính xác hơn. Dữ liệu trở thành một lợi thế cạnh tranh. Động lực cạnh tranh từ 4P của marketing được Philip Kotler đưa ra đã đi hết một vòng tròn khép kín. Giờ đây dữ liệu có thể tham gia vào 4P như một trụ cột chính của chiến lược cạnh tranh.

 

MÔ HÌNH THỨ TƯ: LUÔN HIỆN DIỆN

 

Người ta gần như không thể hiểu nổi khi hai chiều không gian mới gắn với Internet, thứ sẽ làm nên Mô hình Thứ tư, được tạo ra. Từ tháng 10 năm 2007 đến tháng 8 năm 2008, số lượng người dùng một dạng biến thể của bảng tin tại trường đại học, hay còn gọi là Facebook, đã tăng vọt từ 50 lên 100 triệu người dùng, và mạng xã hội đã ra đời. Cùng với đó, iPhone được phát hành vào ngày 29 tháng 6 năm 2007. Điện thoại di động và các thiết bị di động đã thay đổi hoàn toàn thị trường tiêu dùng một lần và mãi mãi. Điện thoại di động hầu như đã trở thành một phần mở rộng của cơ thể con người, khi người tiêu dùng đi ngủ và thức dậy với nó. Giờ đây, các nhà marketing đã có sẵn một phương tiện giúp họ tiếp cận người tiêu dùng bất cứ lúc nào.

Các lực lượng dẫn đến Mô hình Thứ tư

Bốn yếu tố nền tảng dẫn đến sự ra đời của điện thoại và thiết bị di động: Sức mạnh xử lý tăng theo cấp số nhân, sự thu nhỏ của các thành phần và thiết bị, sự phổ biến rộng rãi của mạng Internet với giá cả phải chăng và một bước nhảy vọt về giao diện người dùng có tính trực quan cao. Với sự phổ biến của chúng và với một cuộc cách mạng khác – các nền tảng truyền thông mạng xã hội – mọi thứ trong thị trường tiêu dùng đã biến đổi. Đây là Mô hình Thứ tư.

mo-hinh-marketing-thu-4
Mô hình thứ tư của hoạt động marketing

Hình 1 cho thấy sáu động lực đột phá dẫn đến Mô hình Thứ tư. Quy mô không giới hạn của việc người dùng sử dụng các nội dung trên Internet là điều không phải bàn cãi. Trong một khoảnh khắc, 18 triệu người trên thế giới gửi tin nhắn văn bản qua ứng dụng điện thoại. Bốn triệu video Youtube được xem. Một triệu người sẽ đăng nhập vào Facebook. 41 triệu người sẽ gửi tin nhắn trên Facebook Messenger hoặc WeChat. Bốn triệu người sẽ nhập truy vấn tìm kiếm trên Google. Các động lực khổng lồ và đột phá này đã tạo ra những thay đổi to lớn đối với thị trường tiêu dùng.

Hãy xem xét những điều sau:

  1. Luôn trực tuyến và luôn xao nhãng: Khoảng chú ý trung bình của con người ở mức chưa đến 8 giây đã bị đẩy xuống mức chú ý của một chú cá vàng do những kích thích liên tục của Mô hình Thứ tư. Mọi người kiểm tra điện thoại trung bình 80 lần một ngày khi đi nghỉ mát và có một số người kiểm tra thiết bị điện tử hơn 300 lần mỗi ngày. Mọi người đang dành hơn sáu giờ đồng hồ mỗi ngày cho các thiết bị kỹ thuật số khác nhau. Và người tiêu dùng đang bị dội bom bởi trung bình khoảng 5.000 tin nhắn thương mại mỗi ngày. Họ đang học cách điều chỉnh chúng, vì vậy họ hầu như không nhận thấy những thông điệp thương mại này đang đổ ập vào họ.
  2. Không có giờ vàng: Ngày xưa,chúng ta thường nói về khung giờ vàng. Đây là thời điểm mà cả gia đình sẽ quây quần bên tivi và xem một chương trình nổi tiếng trên một kênh  nhất định. Là một nhà marketing, một người biết chính xác các chương trình và kênh để đặt quảng cáo, tiếp cận đúng đối tượng. Giờ đây, với việc mỗi cá nhân có nhiều thiết bị, họ đang sử dụng chúng để xem nhiều nội dung video. Họ xem những gì mình muốn – thường là một mình, không phải bên gia đình – khi họ muốn, theo nhu cầu. Không còn giờ vàng nữa. Số lượng người xem bị phân mảnh rất lớn. Giờ đây người ta cần nhiều nỗ lực hơn để tính toán lập kế hoạch nhằm có được lượng người xem chất lượng và đáng tin cậy hơn. Nó liên quan đến một lượng lớn mô hình định lượng để có thể thoát khỏi sự hỗn loạn và hành động nhằm thúc đẩy phạm vi tiếp cận và kết quả.
  3. Thiên đường và địa ngục trên truyền thông mạng xã hội: Danh tiếng và thậm chí cả giá trị của một công ty có thể được tạo ra hoặc bị phá vỡ chỉ với một tweet trong Mô hình Thứ tư. Bức ảnh selfie của Ellen DeGeneres, Bradley Cooper, Jennifer Lawrence và các ngôi sao khác tại lễ trao giải Oscar 2014 đã được chụp bằng chiếc điện thoại Samsung và được tweet lại hai triệu lần trong hai giờ. Và đây là địa ngục: Kylie Jenner gây chú ý vào đầu năm 2018 bằng cách kích hoạt một tweet: “Có ai còn sử dụng Snapchat nữa không?”. Hành động đó đã tạo ra một vòng xoáy đi xuống cho cổ phiếu của Snap ($SNAP). Trang CNN Money viết: “Cổ phiếu Snapchat mất 1,3 tỷ đô-la sau tweet của Kylie Jenner.”
sach-quantum-marketing
Bức ảnh selfie của Ellen DeGeneres, Bradley Cooper, Jennifer Lawrence và các ngôi sao khác tại lễ trao giải Oscar 2014. Nguồn hình: Internet

Quy mô vượt ngưỡng

Hiện có nhiều thiết bị di động hơn số người trên Trái đất. Do đó, các doanh nghiệp có cơ hội nhắm mục tiêu và kết nối với người tiêu dùng trong thời gian thực, ở khắp các khu vực địa lý, bằng những phương pháp hiệu quả hơn một cách triệt để. Sức mạnh và sự phổ biến của các thiết bị đã vượt qua các thế hệ, địa lý và văn hóa. 

Mô hình Thứ tư nhấn mạnh vào khoa học hơn nghệ thuật marketing. Việc lập kế hoạch truyền thông đã được tự động hóa, được thúc đẩy bởi tỷ lệ nhấp chuột, lượt xem trang và điều chỉnh nội dung. Quảng cáo mang tính lập trình, phụ thuộc vào các thuật toán và kế hoạch đặt giá thầu phức tạp như bất kỳ sàn giao dịch chứng khoán nào, đã chiếm thế thượng phong. Ước tính hơn 65% quảng cáo kỹ thuật số trong năm 2019 đã được mua và phân phối bởi một thuật toán. Phát hành quảng cáo trong môi trường có lập trình yêu cầu một phương pháp  mới để đo lường liệu một quảng cáo có được xem hay không, liệu nó được xem bởi một con người hay một bot và cuối cùng sẽ có giá bao nhiêu.

Đo lường hiệu suất quảng cáo kỹ thuật số đã trở nên phức tạp đến mức hàng trăm đơn vị, bao gồm cả các công ty công nghệ quảng cáo và công nghệ marketing, mọc lên, phát triển mạnh mẽ và được mua với số lượng lớn trong không gian này. Hệ sinh thái quảng cáo bây giờ phức tạp đến mức cần rất nhiều người chơi chỉ để khiến nó có ý nghĩa và giữ nó tiếp tục vận hành. Người ta ước tính những thành phần trung gian khác nhau nhận được 40% tổng ngân sách quảng cáo. Nhưng không phải tất cả đều là kết quả của những thay đổi từ Mô hình Thứ tư. Một vấn đề về lòng tin đã xảy ra với hệ sinh thái quảng cáo, bắt nguồn từ cả nhà marketing lẫn người tiêu dùng. Phần lớn trong số đó được nhấn mạnh trong một báo cáo của K2 Intelligence cho thấy các khoản bồi hoàn tràn lan và đội giá không cần thiết từ các đại lý, chiếm 30-90% chi tiêu của khách hàng. “Người mua phương tiện truyền thông đôi khi bị công ty chủ quản của họ áp đặt hoặc khuyến khích hướng chi tiêu vào phương tiện truyền thông, bất kể những giao dịch mua bán đó có mang đến lợi ích tốt nhất cho khách hàng hay không.” Bộ Tư pháp Mỹ đã mở một cuộc điều tra về toàn bộ hoạt động kinh doanh mờ ám này. 

Ngoài vấn đề về lòng tin giữa khách hàng, đại lý hoặc hãng quảng cáo, còn có vấn đề về lòng tin theo quan điểm của người tiêu dùng. Họ quan tâm đúng mức đến tính riêng tư của dữ liệu của mình và mối quan tâm đó đủ nghiêm túc để dẫn đến các quy định nghiêm ngặt. EU đã ban hành Quy định chung về Bảo vệ Dữ liệu vào năm 2018. Trong đó, họ yêu cầu tất cả các công ty phải tuyên bố rõ mục đích thu thập dữ liệu, phải được người tiêu dùng cho phép cụ thể để chọn tham gia, thu thập dữ liệu và cho phép người tiêu dùng xóa thông tin của mình bất cứ lúc nào. Một bộ luật tương tự đã được ban hành tại California vào đầu năm 2020. Nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới đang xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc.

————–

quantum-marketin-la-gi
Mô hình thứ Năm: Quantum Marketing là gì?

Chúng ta đã được dẫn dắt qua bốn mô hình marketing. Vậy còn mô hình marketing thứ 5 thì sao? Đó chính là “Quantum Marketing – Marketing Lượng tử”. Giờ đây, có thể bạn đang đặt ra những câu hỏi như: 

  • Marketing lượng tử là gì? 
  • Bối cảnh của nó gồm những gì?
  • Cần làm gì để tồn tại và phát triển trong mô hình Martketing Lượng tử?

Những thắc mắc của bạn sẽ được giải đáp trong cuốn sách: “Quantum Marketing – Bộ công cụ tiếp thị trong thế giới siêu kết nối” của tác giả Raja Rajamannar. 

You may also like

Leave a Comment