LÀM ƠN NGỪNG BẢO TÔI BƯỚC RA KHỎI VÙNG AN TOÀN!

by admin

“Giơ tay lên nếu bạn đã phát ngấy khi phải nghe những lời khuyên bảo rằng cuộc sống bắt đầu khi bạn đủ dũng khí bước ra khỏi vùng an toàn. Tôi cũng vậy. Vùng an toàn bảo vệ chúng ta, dù cho các chuyên gia kĩ năng mềm nói điều ngược lại”. Bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân của người viết, Trạm Đọc đăng lên như một góc nhìn và tôn trọng những quan điểm khác biệt.

Lướt newsfeed Facebook hay Instagram, không khó để bắt gặp những câu trích dẫn của chuyên gia kĩ năng mềm, diễn giả và những người có tầm ảnh hưởng rằng lựa chọn sự an toàn là tự hủy hoại cuộc đời. Rằng nếu không đẩy mình ra khỏi vùng an toàn mỗi ngày, cuộc đời bạn sẽ chẳng đi đến đâu mà chỉ còn lại sự hèn nhát. “Không đáng sợ như bạn nghĩ đâu” Yubing Zhang một sinh viên bậc sau đại học Standford đã nói như vậy trong bài TEDx talk được rất nhiều lượt xem – Life Begins at the End of Your Comfort Zone.

Khi bạn sống trong vùng an toàn, “bạn duy trì những niềm tin sai lầm về bản thân hoặc thường xuyên nghi ngờ bản thân và cảm thấy tội lỗi”, diễn giả kiêm tác giả viết về lãnh đạo bán chạy nhất, Jack Canfield nói.

“Vùng an toàn là một vùng đất xinh đẹp, nhưng không có thứ gì phát triển được ở đó” là một quote quen thuộc trên Instagram. Câu nói của Elaenor Roosevelt “Mỗi ngày, hãy làm một việc khiến bạn sợ hãi” được in lên mọi thứ từ cốc nước đến giấy dán tường.

Tôi đã từng tin vào những câu nói này nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. Khi tôi không ngừng đẩy mình ra khỏi vùng an toàn như chuyên gia khuyên, tôi đã kiệt sức. Sau những trải nghiệm khó khăn, tôi đã học được cách xác định những giới hạn an toàn, và hơn cả là trân trọng vùng an toàn của bản thân. Nhận thức được điều này rất có ý nghĩa đối với tôi, giúp tôi sải những bước dài trong cuộc sống.

Tua lại chỉ vài năm về trước, tôi thường tốn khoảng hai giờ đồng hồ chen chúc trên xe buýt để ra khỏi thành phố New York vào giờ cao điểm. Mỗi buổi sáng, tôi phải uống thuốc giảm stress để ngăn mình không sụp đổ vì kiệt sức. Vào thời điểm đó, kim chỉ nam trong cuộc sống của tôi là nghiêm khắc thúc đẩy bản thân: phải đạt tất cả điểm A tại trường trung học, phải đứng đầu lớp tại trường đại học, khi tốt nghiệp phải có một công việc thử thách tại Manhattan. Nhìn từ bên ngoài, mọi thứ thật hoàn hảo, tôi đã là một tấm gương sáng để mọi người noi theo. Nhưng sâu thẳm bên trong, tôi cảm thấy thất bại và bất lực.

Vốn là một người luôn muốn cải thiện bản thân, tôi cắt nghĩa những cảm xúc bên trong mình và lý giải nó bằng đáp án: tôi chưa đủ tốt. Nếu cảm thấy mọi việc khó khăn, tôi nhanh chóng ra lệnh cho mình cần phải nỗ lực hơn nữa. Tôi tự nhủ: “chỉ cần làm việc chăm chỉ hơn, bước ra khỏi vùng an toàn thì mình sẽ cải thiện bản thân, mình sẽ trở thành phiên bản tốt hơn.”

You may also like

Leave a Comment