Làm sao để giúp đỡ người ta thương – 6 gợi ý từ mình.

by admin

Một trong những nỗi niềm cơ bản làm nền tảng cho mọi mối quan hệ chính là niềm khao khát được giúp đỡ người ta thương yêu.

Hay nói theo cách khác, đó là trở nên có ích một cách tích cực mỗi khi họ có dấu hiệu cần tới sự giúp đỡ của ta.

Mình tin rằng, bằng những bản năng tự nhiên nhất, chúng ta đều có xu hướng muốn dang tay ra giúp đỡ những người mà ta thương.

Tuy nhiên, cái phức tạp nằm ở chỗ, không phải lúc nào ý tốt của ta cũng có thể trở nên có ích.

Chuyện kể rằng có một em bé 5 tuổi nọ, một ngày kia em bắt gặp người mẹ của em đang bưng mặt khóc trong phòng ngủ.

Mẹ của em là người luôn tươi cười rạng rỡ và quyết đoán trong mọi hành động, em bé đã rất ngạc nhiên bởi lần đầu nhìn thấy mẹ phải khóc.

Em sẽ nhớ về cái cách mà mẹ âu yếm em mỗi khi em khóc rồi thử vòng tay ôm lấy bờ vai của mẹ.

Em sẽ muốn mời mẹ một ly nước hoặc đặt vào lòng mẹ chú gấu bông yêu thích của em.

Tâm trí ngây thơ của em nhỏ ấy sẽ liên tưởng tới mọi phương pháp mà em biết trong nỗ lực chặn lại hai hàng nước mắt kia.

Tuy nhiên, những giọt nước mắt ấy đang rơi bởi những lý do mà một em nhỏ sẽ không tài nào tưởng tượng nổi – có lẽ do một khoản nợ, hay do áp lực công việc, hoặc do một cuộc xung đột cãi vã.

Câu chuyện của bạn có thể sẽ ở một tình huống khác, với một người thương khác hoặc một kiểu tình cảm khác.

Nhưng mình tin rằng chúng ta đều có thể phần nào cảm nhận được sự bối rối và cảm giác bất lực (frustrate) của em bé 5 tuổi trong câu chuyện trên.

Có lẽ cũng đã từng có một tình huống nào đó khiến bạn nhận ra sự thật rằng: “Mong muốn giúp đỡ” và “khả năng để giúp đỡ” là hai khái niệm hoàn toàn độc lập với nhau.

Người thương của bạn có thể có mọi ý tốt trên đời này, người ấy có thể rất nhiệt thành và luôn ủng hộ (supportive) bạn; nhưng người ấy cũng đồng thời có thể thiếu tất cả những gì bạn thực sự cần vào một khoảnh khắc yếu lòng nào đó.

Đừng từ vị trí của “người đi giúp đỡ” (helper) mà nói, có lẽ cũng chẳng có điều gì khiến ta cảm thấy hổ thẹn và đau đớn hơn việc ta không thể làm gì nhiều để giúp người ta thương yêu nhất cảm thấy khá hơn.

Nếu những tình huống trớ trêu như vậy cứ liên tục xảy ra, giữa hai người có thể sẽ bắt đầu nảy sinh khoảng cách, cảm giác phẫn uất (resentful), cảm thấy bị phản bội, hay tệ nhất, chính là cảm giác không được yêu thương (unloved).

Tất cả chúng ta đều giống như em bé 5 tuổi trong câu chuyện trên.

Chúng ta luôn bắt đầu giúp đỡ người khác bằng những cách mà ta mong muốn được giúp đỡ.

Cũng là lẽ tự nhiên khi ta luôn cố gắng đặt bản thân vào vị trí của người ta yêu thương rồi tự hỏi: “Mình sẽ cần gì nếu mình rơi vào hoàn cảnh như người ấy ở hiện tại?”

Và cũng giống như em bé 5 tuổi trên, chúng ta cũng vô thức hình dung về những phương pháp xoa dịu (soothing) mà ta cho là hiệu quả nhất, rồi với tình cảm và sự nhiệt thành, ta thực hiện chúng cho người mà ta thương.

Những điều trên, theo mình, có lẽ chính là khía cạnh đáng yêu và đáng quý nhất của loài người.

Nó thể hiện rằng chúng ta đều cảm thấy đau khi thấy người ta yêu bị đau.

Rằng theo một cách kỳ diệu nhưng cũng vô cùng thực tế, chúng ta được kết nối với nhau bằng những thứ tình cảm đặc biệt nhất, ví dụ như tình cảm gia đình, tình yêu hay tình bạn.

Tuy nhiên, đến cuối cùng, người ta thương thì không phải ta, nên không phải lúc nào những gì ta làm cho họ với mong muốn được giúp đỡ cũng sẽ tạo nên được những hiệu quả tích cực.

Khó khăn của chúng ta, với tư cách là “người đi giúp đỡ”, đó là phải kiên nhẫn với nửa kia của mình.

Chỉ bởi vì cách ta giúp họ không có tác dụng hoặc họ từ chối sự giúp đỡ của ta thì không có nghĩa là họ tàn nhẫn, vô ơn, hay cố tình lạnh nhạt với ta.

Ta không nên vì những khoảnh khắc như vậy mà đóng cửa trái tim bằng lời thề “không bao giờ cố gắng tử tế nữa!”

Và với tư cách “người được giúp”, ta cũng nên thông cảm và ghi nhận những nỗ lực từ nửa kia của mình, bởi lẽ họ đã và đang làm cho ta những điều mà họ cho là tốt nhất khi họ ở vị trí của ta rồi.

Giải pháp cho vòng luẩn quẩn của việc “giúp người ta thương”, theo mình, nằm ở việc chúng ta nên hiểu rằng chúng ta, và người ấy, cần một phương pháp khác để truyền đạt tình cảm đến với nhau vào những lúc rơi vào khó khăn.

Bởi lẽ theo mình, khó khăn thực sự luôn nằm ở khả năng vượt qua khó khăn của con người, còn những khó khăn ở trước mắt đơn giản chỉ là thử thách mà thôi.

1. Lắng nghe

Theo trải nghiệm cá nhân của mình, phần lớn chúng ta khi gặp khó khăn hoặc buồn phiền thì đều sẽ có mong muốn được chia sẻ và được đón nhận sự chia sẻ, đặc biệt là qua giao tiếp bằng ngôn ngữ.

Trong cơn xúc động, những điều ta nói ra thường không phải lúc nào cũng liền mạch, hoặc mang ý nghĩa rõ ràng.

Ta thường có xu hướng sử dụng ẩn ý, ta sẽ phóng đại câu chuyện một chút hoặc che giấu một vài chi tiết ở chỗ này chỗ kia.

Nhưng có lẽ tất cả những điều trên đều không hề quá quan trọng.

Bởi lẽ đây thường là lúc mà ta chỉ cần người ta thương ở bên cạnh, và đơn giản là lắng nghe ta mà thôi.

Ta sẽ muốn họ thể hiện sự quan tâm (engagement) qua ánh mắt, thay vì lời nói.

Ta sẽ cảm thấy phấn chấn hơn bởi những hành động khuyến khích ta giãi bày tâm sự, như một cái gật đầu đầy cảm thông hay một câu nói khẽ “Mình đang nghe đây.”

Trong thâm tâm, ta sẽ muốn họ ghi nhận sự phẫn nộ của ta và quan sát nỗi thất vọng trong ta.

Đây cũng thường là lúc ta tuyệt đối không cần tới những thứ như lời giải thích, phương án hay phân tích.

Ta cũng không cần họ phải mở hầu bao để an ủi ta, cho ta một kế hoạch, hay vội vàng lấp đầy những khoảng lặng của ta.

Ta cần có người ấy ở bên và lắng nghe ta, bởi những vấn đề ta thực sự cần được giúp đỡ không phải lúc nào cũng nằm ở những chuyện mà ta nói ra từ đầu.

Nghe vẻ như đây là một nghịch lý.

Nhưng trong cơn xúc động, luôn luôn có những phần băng chìm ở bên dưới bề mặt.

Ta có thể đã kể cho họ nghe về một người họ hàng xấu tính, một khoản tiền phạt do đi sai làn đường, hay một đơn hàng giao trễ.

Nhưng thực tâm, ta lại lo lắng về deadline ở cơ quan, khoản tiền học ta còn đang nợ, hay cuộc chiến tranh lạnh với phụ huynh của ta.

Rất lắm khi, ta không dám trực tiếp chia sẻ những vấn đề thực sự của ta với người mà ta thương, bởi bằng một cách nào đó, ta cho rằng họ sẽ không thể mường tượng được bản thân họ ở vị trí của ta một cách chính xác.

Đây chính lý do ẩn chứa đằng sau những câu nói như “Con không muốn làm cha mẹ phải lo lắng”, hay “Em không muốn phải làm phiền tới anh”.

Ta gán cho người kia cái mác “không bao giờ hiểu được vấn đề của mình” trước cả khi ta cho phép bản thân giãi bày mọi sự với họ một cách rõ ràng.

Thiết nghĩ, nghịch lý này chẳng phải là hơi bất công đối với họ hay sao?

Theo mình, tầm quan trọng của việc lắng nghe không thực sự nằm ở khả năng phân tích vấn đề của đối phương rồi trao cho họ giải pháp.

Đôi khi, việc ta quá “nhiệt tình” nhảy đến các giải pháp có thể sẽ khiến người kia hiểu nhầm rằng ta không muốn lắng nghe những nỗi niềm của họ.

Bí quyết của lắng nghe, đối với mình, chính là ở việc dành thời gian.

Ta nên kiên nhẫn với người thương của mình, để từ đó họ sẽ có thể thoải mái với ta.

Đây là lý do tại sao cảm giác được lắng nghe (being heard) luôn được cho là tinh túy trong tình yêu.

Bởi lẽ từ nó tạo ra sự giúp đỡ căn bản nhất mà tất cả chúng ta đều mong mỏi từ người thương của mình – sự quan tâm.

2. Giải pháp

Ở một chiều hướng khác, nếu điều kiện và khả năng cho phép, tình cảm cũng nên được bộc lộ bằng những gợi ý rõ ràng về các giải pháp cụ thể.

Chúng ta đều không ưa sự thương hại mơ hồ và lạnh nhạt.

Thật dễ để nói những câu như “Em sẽ luôn ủng hộ anh”, hay “Cố gắng lên con nhé”, hoặc “Bạn nhất định sẽ làm được”.

Khi ta cảm thấy lạc lối hoặc nản chí, sẽ là tốt nhất nếu như ta nhận được một lời chỉ dẫn.

Ta có thể sẽ muốn được nghe một vài ý tưởng về những gì ta nên làm tiếp theo, hay một vài gợi ý để giúp ta lên kế hoạch cho những bước kế tiếp.

Ta có thể sẽ cần được giới thiệu tới một người nào đó đã từng trải qua hoàn cảnh của ta, hoặc một dịch vụ đặc biệt có thể hỗ trợ ta giải quyết những vấn đề ta đang gặp phải.

Đây có thể chính là lúc mà ta cần tới sự hỗ trợ về mặt tài chính từ người thương của ta.

Ta có thể sẽ cần thuê một luật sư, gặp một bác sĩ hoặc tham gia một khóa học đắt đỏ.

Ta có thể sẽ cần phải đi xa một thời gian, hoặc cần sắm sửa một số thiết bị.

Ở đây, mình không hề có ý muốn nói rằng “cứ có tiền là chuyện gì cũng xong”.

Tuy nhiên, mình vẫn muốn nhấn mạnh một sự thật rằng sẽ có những lúc ta cần sử dụng đến sức mạnh tài chính nếu muốn giúp đỡ người ta thương vượt qua khó khăn.

Rất nhiều người trong chúng ta sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh không thực sự được đủ đầy, vậy nên đôi khi để khiến họ cảm thấy được giúp đỡ, một chút thể hiện về mặt vật chất cũng là rất cần thiết.

3. Sự lạc quan

Trong nhiều trường hợp, ta tiết lộ những nỗi đau đớn và tủi hổ của bản thân với người ấy đơn giản vì ta muốn nghe họ nói rằng: Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.

Trong một nghiên cứu mang tên “Optimism and its effect on romantic relationship”, tác giả Amy Kristine Dicke có chia sẻ rằng:

Optimism has been defined as “the conviction that the future holds desirable outcomes irrespective of one’s personal ability to control those outcomes.”

Trong hoàn cảnh ở đáy sâu của sự tuyệt vọng, hoặc ở tại bờ vực của mong muốn từ bỏ, ta thường sẽ không quá bận tâm nếu người kia có ra vẻ lạc quan hơi “quá đáng” một chút xíu.

Đây có thể là sự “phóng đại” cần thiết để truyền động lực cho ta đứng dậy, tiếp tục tiến về phía trước hoặc làm lại từ đầu.

Theo mình, đây là sức mạnh thực sự của tinh thần lạc quan.

Nó thường giúp ta cảm thấy như mình “được cho phép”.

Rằng ta được phép làm sai, được phép làm lại và được phép tiếp tục cố gắng.

Sự lạc quan, nếu được truyền đạt một cách phù hợp, sẽ có thể chuyển hóa trở thành hy vọng.

4. Sự bi quan

Bạn có ngạc nhiên không nếu mình cho rằng một chút bi quan, nếu được truyền đạt một cách phù hợp, cũng sẽ có thể khơi gợi nên sự hy vọng.

Tất cả chúng ta đều không muốn phải cô độc khi đương đầu với những nỗi sợ trong ta.

Ta cần có người ta thương đồng hành cùng ta trên hành trình khám phá những khả năng tồi tệ nhất có thể xuất phát từ khó khăn ta đang đối mặt.

Sẽ có những lúc ta cần người thương ấy phải thẳng thắn một cách tàn nhẫn với ta.

Ta sẽ cần được nghe họ nhắc những câu như: “Cứ hút thuốc nhiều như vậy rồi có ngày rã phổi ra nha con”.

Ta sẽ cần họ thành thật mà cho ta thấy là ta đang lười biếng, rằng ta đang làm sai, rằng ta đã thất bại, rằng ta đang làm tổn hại đến chính ta, rằng ta đang khiến họ buồn phiền, rằng ta đã phạm pháp, rằng ta có thể không còn nhiều thời gian để sống trên đời này nữa.

Cá nhân mình tin rằng, chỉ khi nào người thương của ta sẵn sàng chỉ ra những bộ mặt đen tối và tiêu cực nhất trong ta, không phải do họ ghét bỏ ta mà là do họ yêu ta rất nhiều, thì ta mới có thể yên tâm rằng ta đang nằm trong vòng tay quan tâm của một tâm hồn thánh thiện, chứ không phải của một kẻ ưa nịnh bợ nhẫn tâm.

Hay nói theo một cách khác, người thương của ta cũng nên sẵn sàng ghét những phần đáng ghét trong ta, cũng như cách họ sẵn sàng yêu những phẫn đáng yêu của ta vậy.

Còn gì có thể an ủi hơn sự thật rằng ít nhất có một người trên đời này đủ chân thành với ta để có thể cùng ta nhìn ra những mối hiểm họa tiềm ẩn trong những việc ta làm.

Và còn gì có thể đáng quý hơn một người lo lắng cho những vấn đề của ta nhiều như chính ta vậy.

5. Cử chỉ nhỏ

Trái ngược với những gì mà các loại hình văn hóa đại chúng thường truyền bá, ta không phải lúc nào cũng cần tới những thứ lớn hơn, mới hơn hay hào nhoáng hơn để tiếp tục tiến về phía trước trong cuộc sống của ta.

Sự giúp đỡ có thể chỉ là ly nước cha lặng lẽ đặt bên cạnh khi ta đang trong kỳ ôn thi.

Đó có thể là nụ hôn mẹ đặt lên trán ta khi ta được điểm 10.

Đó có thể là câu “Cảm ơn em” từ người yêu của ta.

Hay có thể là món quà sinh nhật ngốc nghếch mà đáng yêu đứa bạn thân ta tặng.

Sự giúp đỡ cũng có thể là lời xin lỗi đầy tôn trọng khi giữa chúng ta có cãi vã.

Đó có thể là bữa cơm tại gia với cả nhà quây quần bên nhau.

Hay một ngày cuối tuần ngồi vẽ vời cùng các con cũng thú vị lắm chứ.

Phép màu của những cử chỉ nhỏ (small gestures) nằm ở chính cái tên của nó.

Bởi vì nó nhỏ nên ta có thể dễ dàng thực hiện chúng mỗi ngày với người ta thương, và cho người ta thương.

Bởi vì nó nhỏ nên nó cũng thường nằm trong tầm với của ta.

Ta sẽ không thực sự cần phải chờ tới ngày lãnh lương hay được thăng chức thì mới có thể trao gửi tình cảm to lớn của ta tới người mà ta thương mến.

6. Cái ôm

Gần đây mình nhận ra một sự thật rằng, ngay cả trong thời đại ngày nay, khi các hình thức thể hiện sự thân mật (intimacy) đã không còn là điều gì quá xa lạ, những cái ôm vẫn là một điều gì đó hơi “quý hiếm” giữa chúng ta.

Với nhiều người, có được một cái ôm vào những lúc ta yếu lòng có lẽ còn ý nghĩa hơn tất thảy mọi chiếc hôn ta từng được nhận.

Đó là khi ta sẽ được gợi nhắc về tình yêu chân thành ta đang hằng ngày được nhận từ người thương của ta.

Cơ thể của ta cũng cần được trấn an nhiều như tâm trí của ta vậy.

Ta sẽ cần được ôm thật chặt trong khi ta âm thầm nhắm mắt lại và để nỗi đau được tuôn trào qua hai khóe my.

Ta sẽ muốn được đầu hàng trong vòng tay nồng hậu của người đó trước khi lại có thể vùng dậy và đối mặt với những thử thách trong cuộc sống của ta.

Từ ngày ta mới lọt lòng, những cái ôm đã luôn là hình thức xoa dịu thân thuộc nhất.

Mọi vị phụ huynh thông thái đều nên biết rằng một đứa trẻ khi trong cơn phiền muộn (distress) sẽ không cần tới những lời giảng dạy hay rầy la của ta.

Đứa trẻ ấy nên được trao cho một cái ôm, được đặt nằm xuống và được nhận thêm thật nhiều những cái xoa đầu nhè nhẹ.

Những bài học luôn có thể chờ, ít nhất là cho tới khi cả đứa trẻ nhỏ và ta cùng trở nên bình tĩnh hơn.

Sự kỳ diệu của những cái ôm nằm ở việc nó luôn kéo chúng ta tới gần nhau hơn, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Những cái ôm thông báo cho người kia biết rằng ta đang chân thành hiện diện ở đây cùng với họ, mà không cần tới những lời nói sến súa (cheesy).

Nó là một trong những kiểu cử chỉ nhỏ ý nghĩa nhất bởi nó trực tiếp giúp chúng ta cảm nhận được cảm xúc trong nhau.

***

Với tất cả những gợi ý trên, mình cũng sẽ không thể không nhấn mạnh lại một lần nữa về vòng luẩn quẩn có phần khá “rủi ro” (misfortune) của quá trình giúp đỡ người ta thương.

Cái “rủi ro” ấy nằm ở sự thật rằng chúng ta đều rất dễ trở nên khó chịu khi ta không nhận được sự giúp đỡ đúng ý; đồng thời, ta cũng sẽ dễ bị phật ý khi những nỗ lực giúp đỡ của ta dường như có dấu hiệu không được công nhận.

Bằng cách mở rộng nhận thức về những kiểu giúp đỡ khác, mình tin rằng chúng ta đều có thể sẽ tiến tới được với mục tiêu “giúp đỡ người ta thương” một cách dễ dàng hơn, trong khi giảm thiểu rủi ro về những sự hiểu lầm ngoài ý muốn.

Theo mình, yêu thương một người nào đó chưa bao giờ là dễ, bởi để thể hiện tình yêu thương thì ta không thể chỉ dừng lại ở mức độ “Ừ, tôi sẽ cố gắng” thôi được.

Đó cũng là lý do mà danh sách gợi ý này chắc chắn chưa phải là đầy đủ.

Sự giúp đỡ, sau tất cả, vẫn nên xuất phát từ tình cảm của bạn dành cho những người mà bạn thương yêu.

Dẫu cho đến cuối cùng chúng ta đều có thể sẽ thất bại thảm hại trong nỗ lực thể hiện tình cảm của ta giữa một cơn hoạn nạn nào đó, nhưng mình tin rằng như thế cũng không hề gì.

Bởi lẽ ta yêu họ mà.

“Keep Moving Forward”

Chấp bút và minh họa: Tom.

You may also like

Leave a Comment